Chính trị

Hoàng tử cuối cùng của nhà Saud (phần 1): Từ chuyện thiếu tiền 18. 12. 17 - 10:31 am

Sáng Ánh

Trung Đông hiện đang nát bấy, đây không phải là một câu đùa, nếu bạn đang đói ở Syria (với một đĩa cơm và đậu tại Deir Ezzor có giá tương đương 190.11usd tại New York nếu so với thu nhập/đầu người), hay đang bị dịch tả ở Yemen và mẹ sai, con ơi hé cửa sổ ra ngoài đường xem hết loạn ở Somalia chưa rồi bị mẹ mắng khi trả lời “Ngày nào cũng hé, hé làm gì cho mệt, loạn còn lâu lắm”.

Chiến tranh tại Yemen và cô lập bởi Saudi khiến 7 triệu người thiếu ăn trầm trọng và 1 triệu người lây bệnh dịch tả mà không có thuốc men (ảnh từ trang này)

Nhưng lấp lánh một niềm hy vọng ngày càng sáng, theo nhà bình luận Thomas Friedman của tờ New York Times. Đó là Viễn tưởng năm 2030 dưới mắt của thái tử Saudi Arabia, Mohammad bin Salman (MBS) khiến Friedman phấn khích mà gọi là “Mùa Xuân Ả Rạp đã đến Saudi Arabia”. Friedman là một cây bút thời thượng, có nghĩa là thời nào ông cũng thích thượng hết, dạng người Pháp có câu “Này đồng chí, chạy nhanh lên, coi chừng hụt chuyến xe buýt chót”. Chuyện kể thời Cách mạng Pháp, khi quần chúng đói khát đến điện đòi bánh mì, nữ hoàng Marie Antoinette đã trả lời, “Thì cho họ ăn bánh ngọt”. Số phận của nhà cải cách, chí ít là cải cách thực phẩm này ra sao ta đã biết, bà theo chồng ra công trường để bị mượn đầu. Nhà cách mạng của ông Friedman, thái tử MBS là người mang tham vọng bình cả khu vực, tháng trước cho phụ nữ lái xe, rồi bắt giam mấy trăm hoàng thân, doanh gia, đến tháng này cho phép mở rạp hát! Nếu ông làm vua đến năm 2030 (hiện vua cha đã lú lẫn rồi và trên thực tế ông là lãnh đạo), thì tương lai của Saudi và của cả Trung Đông là một ngày hội triền miên. Nhưng có lẽ, theo gương bà Marie Antoinette, ông sẽ là hoàng tử cuối cùng của họ nhà Saud.

Mùa Xuân Ả Rạp là một cuộc nổi dậy từ quần chúng, nhúm lên từ việc thực phẩm (bánh mì) đắt đỏ tại Tunisia chống chính quyền bánh ngọt. Cuộc nổi dậy này đã đưa đến dân chủ và cải thiện ở Tunisia; còn ở Ai Cập hay vùng Vịnh như Kuwait, Bahrain, Qatar thì đâu lại vào đó; ở Lybia, Yemen, Syria thì đại loạn chưa ngừng. Tại Saudi thì đến giờ vẫn chưa thấy gì và phải đợi thái tử ra tay.

Saudi Arabia, Ả Rạp Saudi, như quốc danh, là Ả Rạp nhà Saud. Mà Saud (Seoud) là ai chứ? Là ông nội tao! Họ này là du mục miền Đông và sa mạc (Nedj) múa gươm trên lưng lạc đà đuổi được họ Hashem đang cai trị miền Tây thị tứ và sầm uất (là Hejaz, gồm các trung tâm thương mãi quốc tế từ 15 thế kỷ nay là Mecca, Medina) và thành lập quốc gia mới vào năm 1932 trên cả hai miền. Họ Hashem bèn chạy sang làm vua Iraq, Syria, giờ còn làm vua Jordan.

Bản đồ của khu vực vào đầu thế kỷ trước (từ 1905 – 1923). Màu xanh lá cây nhạt là vương quốc Hejaz phía Tây (họ Hashem), màu tím là Nejd (họ Saud) phía Đông. Cả hai được họ Saud thống nhất thành Ả Rạp Saudi 1932.

Đây là mâu thuẫn thứ nhất của vương quốc. Mới đây, một trí thức Saudi (ở nước ngoài, vì Saudi cũng có trí thức chứ, nhưng ở nước ngoài thôi) phê bình chế độ thì bị gièm pha là “Thằng này không phải Saudi, da nó trắng quá”! Ông này người Mecca nên nước da trắng hơn hoàng tộc vùng Nedj. Đây là hai khu vực rất khác biệt, kiểu khác biệt thành thị và nông thôn, khác biệt giữa tầng lớp trung lưu buôn bán thị tứ và tầng lớp cầm kiếm phi lạc đà trên cồn cát. Chế độ Saud là thành phần thứ hai.

Mâu thuẫn thứ nhì là quốc gia khắt khe giòng Sunni này có 10% đến 15% (con số không rõ ràng vì nhà nước không muốn rõ) công dân hạng nhì theo giáo phái Shia. Họ lại sinh sống nơi có dầu hỏa! Nếu họ tách ra thành quốc gia riêng biệt thì phần còn lại cạp cát mà sống thôi. Những biên giới quốc gia ngày nay cũng chỉ mới định hình từ 100 năm và là do các cường quốc thực dân Tây phương áp đặt. Bị bạc đãi ngay trên quê hương, thiểu số Shia này có thể đòi quyền tự quyết và đây sẽ là đại họa của vương quốc Saudi.

Sunni và Shia tại Trung Đông. Xanh cây nhạt là Sunni và xanh đậm là Shia.

Hai mâu thuẫn trên trong những thập niên đầu lập quốc bị lưỡi gươm nhà Saud che khuất và sau đó là bị “lời nguyền dầu hỏa” đè bẹp, ai mở miệng ra thì họ Saud tống tiền vào họng nên quốc gia này không có bức xúc linh tinh. Biến chuyển mới là tiền bắt đầu thiếu, lần đầu tiên ngân sách quốc gia bị hao hụt và thâm lũng, chi nhiều hơn thu vì giá dầu trong những năm qua xuống thảm hại.

Giá dầu thô xuống có nhiều lý do nhưng một phần tại chính sách huênh hoang của hoàng tộc. Cậy trường vốn, Saudi giảm giá giàu thô bằng cách tăng sản xuất để giết chết các đối thủ trên thị trường, nhắm vào Iran là nước đang gặp khó khăn do cấm vận. Iran ở phía bên kia Vịnh là cường quốc khu vực theo hệ phái Shia. Dầu thô có lúc mất 2/3 giá nhưng Iran vẫn không chết mà ngược lại Saudi túng tiền!

Saudi ổn định xã hội đến giờ nhờ khu vực kinh tế nhà nước (90% kinh tế), đấm tiền vào mặt công dân ngồi chơi xơi nước trà trong bàn giấy. Mỗi vua mới lên ngôi lại tặng vài tháng tiền thưởng cho mọi người, và vua chót là Salman cũng thế nhưng bận này phải thu hồi lại! Dư luận bất bình khiến lại phải hủy chuyện thu hồi, tức là cho, rồi đòi, rồi thôi, tao cho mày lại! Phúc lợi bị cắt giảm vì thái tử tuốt gươm bình Yemen ở cạnh tốn kém mà chẳng đến đâu, dân số lại gia tăng và tương lai không đủ việc chắp tay sau đít nhìn trời cho mọi người. Nửa số công dân là dưới 25 tuổi, phải tìm ra việc cho họ chứ chỉ cho tiền xài thì không có đủ nữa. Bọn trẻ này không được tán gái, uống rượu, xem ca nhạc hay xem hát, chỉ có chơi xe mà chơi xe thì phải có tiền. Nó làm loạn thì khốn cả hoàng tộc! Nỗi buồn tuổi trẻ, ai hiểu? Nhưng Thái tử (32 tuổi) hiểu. Vấn đề cải cách phải được đặt ra và nó gây ra những mâu thuẫn mới.

Phụ nữ Saudi không những giờ được lái xe, mà còn được lái xe đến phòng tối sau khi thái tử gia ân cho phép được xem phim, biết đâu sắp sửa được xem cả “Bẫy tình” có phụ đề tiếng Ả Rạp. (Ảnh từ trang này)

Trước hết ông tử đổ lỗi cho Hồi giáo quá khích. Theo ông (và theo Tây phương, Hồi giáo quá khích là từ Iran sau cách mạng thần quyền 1979. Họa là từ đây và quá khích là Shia. Tại Saudi (Sunni) quá khích là từ… 1744, khi họ Saud thoả thuận với các thày giáo phái Wahab là tôi trị nước còn anh trị dân, anh việc đạo còn tôi việc đời. Giáo phái Wahab, xuất xứ từ sa mạc, là giáo phái về nguồn (Salafi) khắt khe nhất thế giới Hồi giáo, việc quá khích của họ thì Iran chẳng thể nào bì được. Tại Iran phụ nữ che tóc chứ không che mặt, được phép đi bầu chứ không phải chỉ được phép mang bầu, có người ra tranh cử tổng thống (tuy không được duyệt), có người còn đoạt giải Nobel hoà bình (tuy là bà hoạt động nhân quyền chống chế độ, nhưng sao thì bao giờ Saudi mới có phụ nữ hoạt động nhân quyền?) Phụ nữ Iran làm bộ trưởng, đại biểu quốc hội và Iran là quốc gia nhiều nữ sinh viên kỹ sư nhất thế giới. Họ tham gia lao động trong mọi lãnh vực (30% kinh tế), nói thế không phải là Iran có bình quyền, nhưng trong khi đó, chỉ mới đây phụ nữ Saudi mới được quyền bán… nội y. Lý do là các cô các bà khi đi mua sắm rất lúng túng khi tiếp xúc vì chỉ ở Saudi chỉ có đàn ông được bán hàng! Giờ thì phụ nữ được biệt lệ là bán đồ lót. Thái tử Saudi còn cho mở rạp ciné, trong khi Iran đã có một nền điện ảnh lừng lẫy thế giới.

Nhưng những cải cách đến lúc này, cho dù bé mấy, của thái tử Mohammad bin Salman là phụ nữ được lái xe và xem ciné, bọn trẻ được nghe hòa nhạc, cũng đã vi phạm thỏa ước với các thày Wahabi.

*

(Còn tiếp phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

4:51 Friday,17.1.2020 Đăng bởi:  SA
Chuyện ăn cắp bị Hồi giáo chặt tay là có thật, theo nghĩa đen thì giờ còn ở Saudi hay là ISIS, còn theo nghĩa bóng là ở khắp nơi theo đạo này. Nó khiến tại các xã hội này như thời Nghiêu Thuấn, của rơi ngoài đường không ai nhặt, việc ăn cắp và cầm nhầm, lỡ mượn tạm, được coi là xấu xa cùng cực ở mức đại chúng bình dân.
Mình có đứa con ưa quên, ở UAE 1 tu
...xem tiếp
4:51 Friday,17.1.2020 Đăng bởi:  SA
Chuyện ăn cắp bị Hồi giáo chặt tay là có thật, theo nghĩa đen thì giờ còn ở Saudi hay là ISIS, còn theo nghĩa bóng là ở khắp nơi theo đạo này. Nó khiến tại các xã hội này như thời Nghiêu Thuấn, của rơi ngoài đường không ai nhặt, việc ăn cắp và cầm nhầm, lỡ mượn tạm, được coi là xấu xa cùng cực ở mức đại chúng bình dân.
Mình có đứa con ưa quên, ở UAE 1 tuần quên kính mát 1 bận và di động 3 lần. Ở tại đây khi phát hiện ra là quên thì không hốt hoảng tìm mà cứ để đó, đang làm gì cứ tiếp tục và khi nào tiện, mấy tiếng sau cứ việc ghé trở lại, hẳn là có kẻ giữ hộ thôi. Phải nói, 80% dân số UAE là người nước ngoài lao động nhưng họ rất tuân thủ luật pháp sở tại vì là phận tạm cư ở 1 nơi kiếm được nhiều tiền.
Ở Lebanon ngồi quán nước hàng hiên, phụ nữ đi đâu đó để lại giỏ sách ở trên ghế, laptop, di động. Mình cũng thế, túi máy hình không phải nghĩ đến mang theo khi đi vệ sinh. Cậu con ở nhà trọ học tại Beirut, tiền để vương vãi trong phòng, 1 hôm ngợ là có thiếu. Cậu bèn bật camera laptop lên, và quả là cô làm phòng người Ethiopia lại rút thêm $50. Cô này không bị chặt tay, cậu bảo thôi tặng chị và quản lí nhà trọ nói nhẹ nhàng đừng làm thế nữa chứ cũng không đuổi, kiểu hình phạt là lương tâm tự biết lấy.
Tại Malaysia có bận mình quên di động trên Taxi ở ghế sau. Khách sau mình lên xe phát hiện, mất 25 phút bắt xe trở lại và cả tài xế lẫn khách đều rạng rỡ vì tìm ra khổ chủ và 2 bên đều không chịu nhận tiền thêm vì mất 1 cuốc xe. Nhưng đó là chuyện vặt vãnh thường ngày. Ở Malaysia có ăn cắp thì phải cỡ 1 tỉ USD trở lên, và không phải lái xe Taxi mà là Thủ tướng. 
2:27 Thursday,16.1.2020 Đăng bởi:  SA
Sự bành trướng của Hồi giáo hay của những tôn giáo khác có những l‎ý do khách quan về mặt chính trị, xã hội và hoàn cảnh lịch sử, nói kiểu Trung hoa là thiên thời-địa lợi-nhân hòa. Nó mỗi nơi, mỗi thời khác nhau và Hồi giáo có khi phát triển bằng mũi giáo có nơi bằng cây vàng 9999. Tại Mã Lai và Indo, bắt đầu theo Hồi là vì buôn bán với người Hồi Ấn Độ. Lu
...xem tiếp
2:27 Thursday,16.1.2020 Đăng bởi:  SA
Sự bành trướng của Hồi giáo hay của những tôn giáo khác có những l‎ý do khách quan về mặt chính trị, xã hội và hoàn cảnh lịch sử, nói kiểu Trung hoa là thiên thời-địa lợi-nhân hòa. Nó mỗi nơi, mỗi thời khác nhau và Hồi giáo có khi phát triển bằng mũi giáo có nơi bằng cây vàng 9999. Tại Mã Lai và Indo, bắt đầu theo Hồi là vì buôn bán với người Hồi Ấn Độ. Luật Hồi về buôn bán rất là phân minh và theo đạo là hưởng các điều khoản đó như là không được giật giá, giữ tín, bồi thường thiệt hại, không được cho vay nợ lãi v.v. Các nhà buôn xuất nhập Mã bắt đầu theo đạo, địa chủ sản xuất đinh hương tiêu sọ gì đó, rồi đến các vương cai trị vì sao thì vương có tiền tiêu cũng nhờ vào việc bán buôn này, sau cùng là quần chúng với lại cùng đinh. Lý do tâm linh rất là ít. Diễn viên Liam Neeson gần đây bảo ông định theo đạo (nhưng sau đổi ý) vì nghe tiếng gọi kinh cầu từ các đền trong khi ông đóng phim tại Istanbul. Phải nói nó rất là quyến rũ và với mình ấn tượng nhất là trên biển vắng Maldives khi đi thuyền ngang 1 đảo bé tí. Thượng đế là vĩ đại nhất.

Nhưng nếu không tin vào Trời, như mình đây, thì càng phải nhận là thiên sứ Mohammad thuộc tộc Quraysh ở thị trấn Mecca là 1 vĩ nhân của lịch sử thế giới, tầm Steve Jobs và Bill Gates không thấm thía. Từ khi thanh niên phố huyện này về nhà bảo vợ là anh lên núi mới nghiệm ra điều này đến Liam Neeson là trên 14 thế kỷ. Và có Liam Neeson nghe hay không thì cũng 1,8 tỉ người. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả