|
|
|
|||||||||||||
Trường pháiMặt gỡ mặt nạ 06. 10. 14 - 6:10 amDaphné Bestard từ tạp chí Mỹ thuật Pháp số T2 năm 2014, Minh Gia dịch. Thế kỷ 20 có lý do để bị nói như thế. Từ những gương mặt tan nát thời chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) cho tới sự kinh hòang thời Đức quốc xã, gương mặt con người đã bị mất mặt (le visage a perdu la face). Và ngay cả khi thể hiện nó, các nghệ sĩ cũng không ngừng làm gương mặt biến dạng, hoặc cố gắng giải mã, hoặc che nó đi… nhằm cho thấy rõ hơn sự nghèo nàn và điên rồ của thời hiện đại. Được Ciceron định nghĩa như một “tấm gương của tâm hồn“, hay như nhà triết học Emmanuel Levinas nói thì nó chính là “cửa ngõ đầu tiên của tính khác biệt” (premier acces à l’alterité), gương mặt người vừa là chân dung, vừa là tự họa, vừa là hình ảnh của vô thức, của ta của người, là hiện thân toàn diện cho một xã hội. Nó chưa từng được đề cập và đặt nhiều câu hỏi đến thế như ở thời đại này, nơi các nhà avant-gardes nối tiếp nhau với một tốc độ chóng mặt. Sau thế kỷ 19, khi gương mặt đang ngự trị trong hội họa châu Âu, và đón nhận tất cả những vinh quang, thì từ năm 1905, một đám Dã thú ở đâu, do Matisse dẫn đầu, tấn công vào gương mặt, làm nó ngập trong màu sắc. Rồi đến lượt phong trào lập thể, Braque và Picasso tiên phong, đập nó ra, giải mã, mổ xẻ từng lớp, phá vỡ các qui tắc đối xứng và phối cảnh. Gương mặt đã mất mặt ! (Le visage perd la face). Chưa xong đâu, đó mới chỉ là khởi đầu. Ở mỗi một phong trào hội họa mới, gương mặt người lại bị méo đi, xấu đi, kỳ cục hơn.. Với hình ảnh kiểu dada, Raoul Hausmann, người cho ra đời cuốn L’Esprit de notre temps (Tinh thần thời đại chúng ta), đã làm một hình nộm cô thợ tóc bằng gỗ, và tuyên bố thẳng tọet: “Từ lâu rồi, tôi đã phát hiện thấy con người không có cá tính và gương mặt họ chỉ là một hình ảnh do thợ làm tóc tạo ra“. Trong xu hướng phản đối nhóm Dada, các nhà siêu thực kéo lê gương mặt trong những khúc quanh của vô thức, của mộng mị, của ảo tưởng, nơi cái chết quanh quẩn nhăm nhe. Magritte, người đầu tiên nhấm nháp sự thích thú tinh quái khi vẽ một gương mặt bị giấu đi, hoặc phủ vải hoặc che bằng quả táo. Ông đã khiến gương mặt trở thành một thứ vừa gây thích thú vừa gây lo sợ. Trong khi Magritte, Breton và các bạn hữu giải phóng nghệ thuật khỏi sự chấp nhận các dạng tái tạo ảo tưởng và những ý nghĩa đơn phương, các họa sĩ theo chủ nghĩa Biểu hiện Đức lại tóm gương mặt để biếm họa nó một cách hơi cực đoan nhằm lột tả những góc tối tăm, sự điên cuồng, và sự nghèo nàn của một xã hội đang suy tàn. Những khuôn mặt tư sản, đĩ điếm, lính tráng, những khuôn mặt biến dạng, sống sót sau Chiến tranh Thế Giới thứ nhất, được họa sĩ Otto Dix hay George Grosz khắc họa, là nhân chứng ném vào mặt người xem sự thực tàn nhẫn của nó. Những tác phẩm của họ thể hiện một thực tế bi kịch, thực tế của chiến tranh, cái thực tế gây khó cho cả khái niệm về khuôn mặt. Các sử gia và các nhà phê bình nghệ thuật đã nhiều lần nhấn mạnh: với hai cuộc xung đột lớn trên thế giới, sự tàn phá của cuộc Đại Chiến và nỗi ghê tởm kinh hoàng đối với Shoah (Holocaust), các nghệ sĩ đã phải đối mặt với sự bất lực khi thể hiện một gương mặt đã mất hoàn toàn tính người. Họ đắm mình trong một nhiệm vụ đầy thất vọng và ám ảnh về một gương mặt “thật” mà Artaud đã nói. Đó là trường hợp của Giacometti, quẫn trí, thú nhận đã sững sờ như thế nào khi ông bắt đầu cảm nhận một cách độc lập những cái đầu trên cơ thể người, như một vật nổi lên trong không gian. Năm 1934, ông đã tự vấn: Một cái đầu là một cái gì? Những “cấu trúc bên trong” tạo nên “sự thất vọng của một gương mặt” đã cho ông câu trả lời nhiều năm sau đó, qua một bản thảo mà nhà triết học Georges Didi-Huberman gửi đến ông. Đối diện với sự thất vọng về gương mặt người, sự thất bại khi thể hiện nó, các họa sĩ đôi khi đã phản ứng một cách rốt ráo, bạo liệt. Klee và Dubuffet đã làm các khuôn mặt chảy thành những hình dạng thô thiển khi cố gắng nắm bắt bản chất của nó. Trong khi với Munch và Bacon, gương mặt lại căng thẳng vì đau đớn. Tới cuối nửa đầu thế kỷ 20, gương mặt dường như đã chịu đựng tất cả những sự xúc phạm kinh khủng nhất, tới mức có lẽ thiếu mỗi việc là biến mịa đi cho xong, hoặc… phải tái sinh. Thực vậy, không phải để giải mã mà để tái tạo. Sử gia Andrea Beyer tóm tắt trong cuốn sách của ông L’Art du portrait (Nghệ thuật chân dung). Lucian Freud hay Avigdor Arikha trong chiến dịch “cuộc trở về vĩ đại với gương mặt” mà Jean Clair đã nói đến trong một bài viết năm 2011: “Người ta được nhận biết, không phải nhờ vào việc đánh số thứ tự như những con vật, mà nhờ vào gương mặt họ, những nét riêng của họ. Nhưng đặt tên cho họ, vẽ họ từng chút một, biến họ thành một nhân vật, chính là kéo họ khỏi cái chết“. Với những bức họa hiện thực và thô, Freud đã nâng một tầm mới trong việc vẽ chân dung trong khi vẫn giữ lại một số nét truyền thống. Các họa sĩ khác thì mượn một cách thức triệt để khác, bằng cách bắt các thẩm mỹ của văn hóa đại chúng, một lần nữa, phải phá vỡ những ký hiệu chung để tái tạo lại gương mặt. Như là Andy Warhol, đã trở nên nổi tiếng, nếu không muốn nói là hơn cả rất nhiều những sao bất tử nhờ những bản in sặc sỡ của ông. Có cả những họa sĩ, để đương đầu với những khó khăn khi họa gương mặt, đã chọn cách chế nhạo, mỉa mai, như nhà phê bình mỹ thuật Dominique Baqué nhấn mạnh trong cuốn Visages – Du masque grec à la greffe du visage (Gương mặt – từ mặt nạ Hy lạp cho tới sự ghép mặt). Rồi Bruce Nauman, diễn với chính gương mặt mình khi nhăn các kiểu, hay Cindy Sherman với các chân dung tự họa đầy vẻ lo lắng, rồi cả Orlan nữa.. Trong các buổi trình diễn nghệ thuật vào đầu những năm 90, nữ nghệ sĩ đã tái tạo lại gương mặt mình thông qua phẫu thuật thẩm mỹ, khai thác một hiện tượng mà sau này ngày càng trở nên mốt. Bởi dù phẫu thuật hồi phục chức năng hay phẫu thuật thẩm mỹ, thì các kỹ thuật cấy, ghép, nhân bản và cả các phần mềm đủ loại cho phép làm thăng hoa hiện thực, đều cho ra một gương mặt lý tưởng đều đều, trẻ mãi không già mà media thường hay đăng tải. Ngược với làn sóng những hình ảnh sạch sẽ khiến đám đông kinh ngạc, có những gương mặt thật mà một số nhiếp ảnh gia như Philippe Bazin tiết lộ. Trong những năm 80, ông đã tập trung vào gương mặt những người già, những người bị cho là “điên” , những người sống bên lề xã hội, nhằm “cho thấy hình ảnh của những người bị lọai dưới cái nhìn của đám đông“, ông giải thích. Khi ngắm các tác phẩm của ông, có lẽ khó mà phủ nhận rằng nhiếp ảnh đã mở ra những viễn cảnh mới cho chân dung “tâm lý”. Nó cũng cho phép tiếp cận sát hơn những cảm xúc và thực tế con người. Và khi đối diện với cái chết, Roman Opalka đã thể hiện trong series ảnh 1965 khi ông tự chụp bản thân, từng năm một, phơi ra ánh sáng những dấu vết tàn nhẫn của thời gian – một cách để giải quyết phần nào đó sự bí ẩn vĩnh cửu của gương mặt, nơi sự sáng tạo (dù còn xa) cũng chưa bao giờ hoàn toàn từ bỏ. Thị hiếu nhiếp ảnh cũng đã bổ sung cho hội họa, như trường hợp họa sĩ Lynette Yiadom-Boakye, khi những người mẫu hư cấu được sinh ra hoàn tòan từ sự tưởng tượng của bà và phần lớn từ ngẫu hứng. Hoặc Michael Borremans, với những nhân vật lạ lùng, ông tìm cách “tạo ra một không khí vượt thời gian, một không gian nơi thời gian đã bị xóa“. Ngày nay, sau một đoạn đường dài hun hút, gương mặt đã tìm lại đuợc, không phải nụ cười thì cũng như trăm hoa đua nở. Với kiểu cười đáng sợ trong tác phẩm của Yue Minjun, cái nhìn lặng ngắt trong tác phẩm của Gerhard Richter, kiểu tóc của đám đô thị trong các tác phẩm của Jitish Kallat, hay phủ chữ lên mặt như Shirin Neshat…, gương mặt vừa muốn có tính cá biệt vừa muốn có tính phổ quát.
* Tên nguyên gốc của bài: “Le visage tombe le masque) Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|