|
|
|
|||||||||||||
Bàn luận“Nói chuyện gì, khi nói chuyện tình?” 15. 10. 11 - 8:09 amVi Tường Vi (N°9 - Nhóm One Tree)
Không cần phải thống thiết hay lên gân, cứ nên giản dị và chân thành. Kể chuyện tình hay chuyện gì đi chăng nữa, để khiến câu chuyện gần gũi và đời thực thì dễ nhất là người “kể” gửi cái hồn của mình và “ướm” chuyện mình vào đó. Khi ấy, dù người ta có khen hay chê, ta cũng đã làm được việc – đó là gián tiếp phô bày mình ra với “thế giới này”. Lần đầu tiên xem tranh của Trương Tân tại nhà riêng của anh, người mà mỗi lần xuất hiện lại gây ra đủ lời khen chê nhức nhối, thì thật sự tôi không thích. Lần thứ hai, tại Bùi Gallery – cũng chính là lần diễn ra triển lãm này, tôi vẫn không thích. Nhưng đến lần thứ ba, quay lại Bùi, cái không thích của tôi có vẻ đã được giảm đi. Đơn giản là lúc này tôi xem tranh Tân một cách khách quan hơn, bớt định kiến hơn dù người thì gọi tranh anh là nghệ thuật, người khác lại dè bỉu. Lần này, tôi cảm thấy mình có vẻ như có thể chạm nhẹ được vào cái vỏ xù xì và gân guốc mà Tân vẽ ra cho mọi người về anh. Cái vỏ gớm gớm mà không phải ai cũng muốn nhìn vào nó một cách trực diện. Tôi – về bản chất – là người không thích những cái gì quá trần trụi như thế. Nhưng tại một thời điểm và khía cạnh nào đó, như trong suy nghĩ của Tân chẳng hạn, thì anh đã làm đúng với cái gì mình muốn và mình thích. Với tôi, vậy là đủ. Thật ra, chúng ta không tài nào phán xét được chính xác liệu Tân có “diễn” không khi anh nói tranh của anh không phải về gay mà là về cái xã hội và bộ máy chính trị nhiều cơ chế và cấm đoán thời bấy giờ (những tác phẩm được đem triển lãm lần này của Trương Tân nằm trong khoảng thời gian 1993-1994). Là gì cũng được! Nói nó là chính trị. Cũng được! Nó là chính trị trong mắt một người bị gay. Tức là xét về mặt sinh lí cũng như tâm lí, họ đã không giống chúng ta rồi. Tôi không có ý lên án hay biệt lập Tân ở đây. Chỉ là tôi đang cố gắng thoải mái và thư thái nhất đặt mình vào hoàn cảnh của anh – hoàn cảnh của người sinh ra trong cái giới tính mình không được chọn cho đúng ý, thì tôi hẳn cũng sẽ nhìn cái xã hội mà người ta kì thị đánh giá mình như thế. Rằng: tại sao họ có quyền? Còn tôi, lại không có quyền. Dù gì thì tôi cũng không thích mang chính trị vào nghệ thuật – nghệ thuật nên là chính nó cái đã, đừng để cái lốt chế quyền đứng sau nó, tội lắm – mà lại còn không tới – rất thảm hại. Nhưng với Tân, có lẽ anh đã bức xúc quá, hoặc nghĩ rằng mình phải chịu nhiều bức xúc quá. Tranh Tân của những ngày đầu là thế. Dữ dội và điên cuồng. Nhưng rõ ràng là Tân để cho mình bị người khác làm cho ảnh hưởng nhiều quá, nên anh cứ gồng lên, cứ bị mỉa mai. Nhưng có khi chính thế, cái “máu” trong anh, cái suy nghĩ trong anh có thể một lúc ào ạt ra, mạnh dạn và không kiêng nể gì ai, choi choi và ngạo nghễ trên những lớp hình tượng. Thật ra, nếu Tân cứ nói, anh vẽ về gay, tôi sẽ thấy mọi thứ logic và dễ hiểu hơn nhiều. Thậm chí tôi còn thích anh cứ nhận mình ở trong tranh là kẻ như thế. Ở Việt Nam, đã có không ít người vẽ về gay, về bóng. Như lần trước đây thôi, tại Bùi, Lê Nguyên Mạnh cũng chẳng ngại ngùng thừa nhận một cách vẻ vang rằng: Tôi là bóng. Nhưng vấn đề là cách thể hiện của Mạnh uốn éo hơn, lập lờ hơn, cái ý ném chính trị vào bị bóp méo và hạn hẹp, nên cái tính Bóng trong tranh anh vẫn chỉ là một cái bóng, không hơn. Còn Tân, rõ ràng với tuổi đời, tuổi nghề và tay bút như thế, cái chất người của anh hơn Mạnh nhiều! Nên thà anh cứ nhận, tôi sẽ vui vẻ và nhìn nó phấn khởi hơn nhiều. Quay lại việc những tác phẩm trưng bày lần này của Tân thuộc giai đoạn sáng tác thời kì đầu của anh, mà theo như chính tác giả thông báo là những năm 93-99. Đây cũng là lúc tranh của Tân bị cấm ở Việt Nam ngay khi mới công bố. Giờ, đã hơn mười lăm năm trôi qua, chúng không còn gây shock với những người đã biết về Tân. Nhưng cũng đáng để nhìn lại một chặng đường sáng tác của nghệ sĩ này. Tranh của Tân ngoài hình còn có chữ. Tiếng Việt có, tiếng Anh cũng có. Lời lẽ cục cằn và mai mỉa, có lẽ chính là lời thời bấy giờ người ta nói với anh, cũng có những lời anh nói với họ. Dù sao, đã dùng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, thì người ta nên dùng chính hội họa để biểu hiện những gì mình muốn nói – thay bằng việc phải viết chữ lên tranh. Vì ngôn ngữ nghệ thuật thì không có biên giới, còn ngôn ngữ giao tiếp thì có. Chẳng khác gì Tân khiến cho người xem ở một nền văn hóa khác phải băn khoăn về cái nghệ sĩ muốn nói, và bức tranh cũng mất đi tính tạo hình bản thân của nghệ thuật. Còn với Nguyễn Quang Huy, sự nhẹ nhàng tạo nên phong cách của anh dường như cũng làm chính anh trở nên nhàm chán và lặp lại mình. Ngắm một bức của Huy, ta thấy yên ổn, nhưng đến bức thứ hai, ta sẽ hỏi, liệu Huy có thật sự đòi hỏi ở mình cao hơn không – khi vẽ. Tranh của Huy lạ mà quen. Quen ở những tấm thân phụ nữ đẫy đà, tròn lẳn nhưng gợi cảm của điêu khắc Phục Hưng, nhưng lại lạ ở chỗ Huy thêm cánh thêm… môi cho họ. Những chiếc cánh được cấu thành bởi những dòng chữ gì đó, đọc không được, dang rộng sang hai bên như đang bay. Vời vợi và lửng lơ ở giữa những hỏi ngỏ về chuyện tình. Là tình yêu theo kiểu nào, thuần khiết, cao quý và chở che. Hay phồn thể, đam mê và bay bổng. Có lẽ hiểu theo cách nào cũng được! Nguyễn Quang Huy tự nhận xét tranh của anh nhẹ nhàng và mong manh. Có lẽ, nó tượng trưng nhiều hơn cho phái yếu, hoặc một tâm hồn nghệ sĩ thường mềm mại hơn nhiều trong tình yêu. Nếu series Không tên của Nguyễn Quang Huy da thịt và gợi cảm theo kiểu của những đường cong, thì bức Hương vị xa xôi của Nguyễn Minh Thành lại khêu gợi và tình tứ như đúng cái tên của nó. Là vị ngọt và sắc hồng chúng ta tìm kiếm nhưng rõ ràng là phía trước sẽ còn nhiều ẩn chứa, nhiều nỗi đau, tổn thương mà tình yêu có thể bắt chúng ta nếm trải. Chỉ có đôi môi thôi, còn lại hoàn toàn là ẩn số. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy ở đó sự gợi cảm của những nụ hôn, của những lời đường mật có cánh, của vườn tình ái, còn lại ánh mắt đó, thứ ẩn chứa nhiều hơn và tố cáo nhiều hơn, lại bị giấu đi mất rồi. Chúng ta nói chuyện gì khi nói chuyện tình?- Phải chăng là nói về những tình ái cuồng tín và cả tin nhiều hơn thôi chăng? Có lẽ, điều thành công nhất của triển lãm này là đã mang đến cho người xem ba cá tính nghệ thuật riêng biệt. Cùng là dó, chất liệu đòi hỏi người vẽ sự chiêm nghiệm đủ lâu để khi bắt đầu sáng tác có thể hoạt tay trên lớp giấy mỏng chóng hút mực này; nhưng nếu Trương Tân lạc lõng và cô đơn trong thế giới toàn những người không hiểu mình, Quang Huy cùng giấc mơ về tình yêu xa vời dưới lốt những thiên thần giấu mặt, thì Minh Thành vẽ ra cho người xem một thế giới đời hơn. Tuy nhiên, những khuôn mặt trong tranh Thành được đặt bên cạnh những khung cảnh mang ý nghĩa riêng: cô liêu, tĩnh tại. Tại sao phong cảnh của anh luôn bị đóng khung trong bốn cạnh nào đó, có thể là một khung cửa sổ, có thể chính là một khung tranh nữa trong một khung tranh. Phải chăng nhân vật trong tranh anh chỉ là một kẻ đứng ngoài cuộc sống đó nhìn vào? Hay khung nền đó là ngôn ngữ biểu hiện về lai lịch và gốc gác mà họ thuộc về? Nhiều người đã gặp Thành nhận định nhân vật trong tranh anh chính là chân dung của anh. Người ta gọi đó là tự họa, còn cá nhân tôi nhận thấy chẳng qua nghệ sĩ đang phác họa mỗi nét tính cách và trăn trở của anh dưới các lai lịch khác nhau trong cuộc đời. Cũng nhiều họa sĩ vẽ các nhân vật với khuôn mặt giống những người thân thuộc của họ nhất. Âu chỉ là phản xạ của tiềm thức con người. Những khuôn mặt quen thân đó mang những sắc thái biểu cảm khác nhau, ấy mới là điều quan trọng! Tranh Thành mang nhân dạng của Thành, điều đó ít ra có công kéo chúng gần với đời thật của anh hơn bao giờ hết. Chủ quan mà nói, trong tất cả những cái hay bên cạnh vài cái dở của triển lãm này, tranh Thành là những tác phẩm còn đọng lại ám ảnh đối với tôi, về ánh mắt và biểu hình khuôn mặt. Dường như những cái tên nói lên nhiều hơn những gì người ta có thể nghĩ về nó, mà nó ẩn đâu đó sau không gian giấy dó vừa lặng thinh vừa xào xạc của anh (tác phẩm Hôm nay trời đẹp và Lòng còn chưa yên). Nếu tranh của Tân với bút pháp chắc khỏe, dứt khoát, mạch lạc (đúng với những gì nghệ sĩ diễn giải và tường thật về quá trình sáng tác nhanh và ào ạt của mình – mà không biết liệu anh có nói quá hay không) thể hiện tính kinh điển và tay bút tự tin của Trương Tân; thì tranh của Nguyễn Quang Huy với màu sắc loang lổ, chảy trôi tự do, được giao thoa đầy tính chuyển động lại tạo cảm giác về khối bắp và da thịt đẫy đà của người phụ nữ. Còn Thành lại mang phong cách gần với hội họa Trung Hoa tả thực nhưng tạo ra cái cảm giác về một không gian xa xôi ngoài tầm với. Ngôn ngữ của Tân cụ thể và ngây thơ như tranh hang động thời tiền sử: thể hiện sự chuyển động thì vẽ mũi tên, sắc thái suy nghĩ thì anh viết chữ. Vậy, liệu tranh Tân có hiển ngôn quá không? Tranh của Huy thể hiện thân hình người phụ nữ trong dáng vẻ tự tin, bình thản, đôi cánh đầy những chữ chẳng chịt mà ta có thể nhiều lần tìm được trong nó cụm từ “hạnh phúc”. Phải chăng Huy không ngừng trăn trở về nó, hoặc ám ảnh về hạnh phúc dưới lốt hình tan vỡ được chắp đôi cánh cứu sinh? Còn Thành, anh không dữ dội, không táo bạo, anh chỉ đưa cho chúng ta chính bản thân mình với những vai lạc lõng trong thế giới của họ. Sự cô đơn và thèm khát một tình yêu thấu hiểu và bình yên trong tâm hồn lúc ấy mới cùng cực và “không yên”… “Chúng ta nói chuyện gì khi nói chuyện tình?”- Đơn giản thôi, nếu các họa sĩ cũng đang thực sự nói chuyện mình.
* MÌNH NÓI CHUYỆN GÌ KHI MÌNH NÓI CHUYỆN TÌNH Khai mạc: 18g30 thứ Sáu 30. 9. 2011
* Bài liên quan: – Trương Tân tái xuất, Minh Thành và Quang Huy bày tranh mới Ý kiến - Thảo luận
17:50
Tuesday,5.7.2016
Đăng bởi:
Tong Tran
17:50
Tuesday,5.7.2016
Đăng bởi:
Tong Tran
Mong anh dùng từ "gay" thôi thay vì từ "bị gay", nghe rất phân biệt
7:21
Sunday,16.10.2011
Đăng bởi:
Đ.H. Thành
Một bài viết tuy công phu nhưng dàn trải và không đậm đà. Sa vào mô tả diễm huyền. Hay đặt những câu hỏi nghe có vẻ hay ho nhưng trôi tuột qua đầu người đọc. Phân chia bài lộn xộn, một họa sĩ bị phân thành nhiều khúc, tạo cảm giác lặp lại.
Có những đoạn đọc nghe du dương nhưng thực ra không cao hơn những dòng ghi trong sổ lưu niệm triển lẵm: "Chủ quan mà nó ...xem tiếp
7:21
Sunday,16.10.2011
Đăng bởi:
Đ.H. Thành
Một bài viết tuy công phu nhưng dàn trải và không đậm đà. Sa vào mô tả diễm huyền. Hay đặt những câu hỏi nghe có vẻ hay ho nhưng trôi tuột qua đầu người đọc. Phân chia bài lộn xộn, một họa sĩ bị phân thành nhiều khúc, tạo cảm giác lặp lại.
Có những đoạn đọc nghe du dương nhưng thực ra không cao hơn những dòng ghi trong sổ lưu niệm triển lẵm: "Chủ quan mà nói, trong tất cả những cái hay bên cạnh vài cái dở của triển lãm này, tranh Thành là những tác phẩm còn đọng lại ám ảnh đối với tôi, về ánh mắt và biểu hình khuôn mặt. Dường như những cái tên nói lên nhiều hơn những gì người ta có thể nghĩ về nó, mà nó ẩn đâu đó sau không gian giấy dó vừa lặng thinh vừa xào xạc của anh..." Nếu tác giả là sinh viên khoa Lý Luận thì có lẽ nên tập nhiều hơn nữa để viết được những bài có cá tính hơn. Ngoài ra phê bình ở đây mới chỉ bám riết lấy tranh, chưa mở rộng được ra ngoài tranh (trừ phần của Trương Tân một ít nhưng cũng rón rén lắm). Có lẽ tác giả còn trẻ. Đường còn xa... Mong được đọc thêm các bài của các thành viên nhóm. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Mong anh dùng từ "gay" thôi thay vì từ "bị gay", nghe rất phân biệt
...xem tiếp