Trường phái

Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara” 10. 02. 17 - 7:16 am

Hieniemic

 

 

夜ざくらや美人天から下るとも
yozakura ya bijin ten kara kudaru tomo
Issa

hoa anh đào đêm
tựa mỹ nhân
từ trời giáng xuống
Issa

Bài hài cú trên của Issa có quý ngữ là yozakura (yo + sakura = hoa anh đào đêm). Bài trước chúng ta đã nói về chủ đề ngắm hoa anh đào ban đêm ở khu “phố vui” Yoshiwara của Edo, với bức tranh trăng của Yoshitoshi. Bài này chúng ta sẽ cùng xem thêm một bức họa hoa anh đào đêm, nhân tiện cùng tìm hiểu đôi nét về nền văn hóa giải trí chốn đèn đỏ của thị dân Edo trung đại.

Qua các bức tranh của loạt bài này, ta sẽ có thể thấy được phần nào điểm nhấn khác biệt của tính thẩm mĩ giữa thơ haiku và tranh phù thế, một cái tập trung vào cái tĩnh, một cái thể hiện qua sự náo động, lắm khi cuộc vui trần thế còn đẹp hơn cánh đào ban đêm (vốn chỉ là một cái cớ để vui chơi).

“Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”. Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé

Đây là tranh trong bộ Danh thắng Đông đô (東都名所) của Hiroshige, diễn tả cảnh một đêm mùa xuân ở khu Yoshiwara, lúc này đã lên đèn, và khách khứa đang nườm nượp kéo đến. Anh đào bên bờ rào đã nở rộ.

Chi tiết hoa anh đào trong đêm trăng

Ở giữa tranh, với áo xống sặc sỡ nhất (một màu cam rực) là một cô kĩ nữ hạng sang. Đoán được cô này là kỹ nữ hạng sang, vì quần áo cô cầu kỳ, guốc cao, tóc cô còn được búi cao, cài rất nhiều trâm, và có hai đứa bé theo hầu nâng áo cho cô.

Chi tiết đoàn người đi trong phố đêm. Chỉ chừng này nhân vật nhưng cho cảm giác “nườm nượp”, rộn ràng

Trong khu “du khuếch” Yoshiwara, cô kỹ nữ thế này được gọi là oiran (tạm dịch là liền chị). Cô oiran có vị thế cao hơn hẳn gái làng chơi thông thường, vì cô phải thành thạo ít nhất vài môn nghệ thuật trong số: đàn, địch, ca, múa, cắm hoa, vẽ tranh, làm thơ, viết chữ. Chính xác mà nói thì cô là kĩ nữ theo đúng nghĩa của từ này (kĩ = tài năng, như kĩ xảo, kĩ lưỡng). Chuyện ái ân chỉ là dịch vụ phụ.

Chi tiết cô oiran có hai bé gái nâng áo

Nhiều cô oiran cấp cao (gọi là tayū, thái phu), còn có đặc quyền từ chối khách nếu không thích. Giá của các cô này không cần phải nói cũng biết là siêu cao. Chưa kể, không phải cứ khách qua đường có tiền, thích gọi là gọi. Lắm khi các cô chỉ phục vụ khách quen, do các trà quán quen đưa mối, giới thiệu.

Còn các bé hầu gái đi cạnh cô oiran, nhiều khả năng cô bé này là bị cha mẹ gán vào làng chơi từ nhỏ. Các cô bé nhà nghèo này sẽ phục vụ cho các cô kĩ nữ cao cấp, có tiền (và có khách), nhân tiện học việc. Nếu “may mắn”, gặp đúng chỗ, có quan hệ tốt với cô chủ, bé hầu về sau cũng sẽ thành oiran.

Trên phố cũng có các kỹ nữ bình thường, và ngoài cô oiran áo cam đỏ còn một cô oiran áo xanh.

Ông áo đen này (đi ngang qua với vợ và con?) đưa mắt liếc nhìn một cô kỹ nữ (áo hoa xanh). Cô này có lẽ không phải oiran vì nhìn không sang trọng như cô áo đỏ, mà cũng không có hầu gái đi kèm.

 

Chi tiết một kỹ nữ áo xanh thảng thốt nhìn cô oiran, có vẻ ganh tị. Bạn hãy so sánh trang phục hai cô

 

Ở góc phải tranh cũng có một nhân vật dẫn theo hai bé hầu gái mặc như đồng phục. Cô này cũng là một oiran (có lẽ cao cấp), với tóc cắm trâm tua tủa.

Phía trái tranh là cổng vào Phố giữa (có chữ Naka no chō ghi trên đèn), có người đứng gác. Giai cấp samurai cũng được phép vào “phố vui” (nhưng không khuyến khích) và một khi vào thì phải bỏ lại kiếm ở ngoài cổng.

Gác cổng vào Phố giữa

 

*

Tranh cổ Nhật Bản:

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”

- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”

- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha

- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về

- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii

- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui

- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa

Ý kiến - Thảo luận

11:08 Friday,10.2.2017 Đăng bởi:  admin
Đã sửa vào trong bài rồi nhé Trang P và Hieniemic. Lúc xử lý hình Soi cũng không nhìn ra cô bé áo xanh :-)))
...xem tiếp
11:08 Friday,10.2.2017 Đăng bởi:  admin
Đã sửa vào trong bài rồi nhé Trang P và Hieniemic. Lúc xử lý hình Soi cũng không nhìn ra cô bé áo xanh :-))) 
9:13 Friday,10.2.2017 Đăng bởi:  hieniemic
A, mình nhìn nhầm. Cảm ơn bạn. :)
...xem tiếp
9:13 Friday,10.2.2017 Đăng bởi:  hieniemic
A, mình nhìn nhầm. Cảm ơn bạn. :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thông báo số 1 và 9 cái băn khoăn

Thông tin từ Cục Mỹ thuật–Nhiếp ảnh–Triển lãm và NGUYỄN THỊ HOÀI BÃO

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả