Ở Đâu - Làm Gì

“Nhập nhằng” của Phạm Tuấn Tú, tại Nguyên Gallery 20. 10. 14 - 9:38 am

Thông tin từ BTC

.

“Thỏa thuận”, acrylic

NHẬP NHẰNG – AFFITTA
Khai mạc: 17h30 ngày 18 tháng 10 năm 2014
Địa điểm: Nguyên Gallery, 31A Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội
Thời gian: Từ ngày 18.10.2014 tới 27.10.2014

ACCAviet trân trọng giới thiệu triển lãm hội họa cá nhân đầu tay của họa sỹ Phạm Tuấn Tú với tên gọi “Nhập nhằng – Affitta”.

AFFITTA có nghĩa là gì?   

AFFITTA là một từ tiếng Ý được dùng trong mệnh lệnh thức. AFFITTA mang nghĩa là “CHO THUÊ”. NHẬP NHẰNG, một từ Hán Việt, dùng để chỉ trạng thái mơ hồ, không rõ ràng, nửa nọ nửa kia, có xu hướng dẫn đến hỗn độn và rối loạn.

Tại sao triển lãm lại mang tên NHẬP NHẰNG – AFFITTA?

Đây là triển lãm solo của họa sỹ Phạm Tuấn Tú, bao gồm gần 40 bức tranh xuyên suốt gần 7 năm hoạt động nghệ thuật của nghệ sỹ, từ 2008 tới nay.

Những tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ Phạm Tuấn Tú đều mang sắc xám lạnh lẽo. Những hình hài trong tranh lơ đãng và vô định, dường như chẳng thiết một mối liên hệ nào với trần thế. Thân thể và cái đầu tựa như hai bản thể đối lập nhau. Một cái đầu mượn tạm một thân thể, hoặc có khi một thân thể trần trụi đi thuê một cái đầu. Dường như tất cả trở nên chếnh choáng, khó phân định. Ranh giới giữa kẻ đi thuê và người cho thuê bị xoá nhòa, và sự vay mượn trở thành trạng thái Nhập nhằng, không phân định biên giới giữa giới tính, không gian và tâm linh.

Xem tranh của Tuấn Tú không đơn thuần xét về góc độ giới tính. Sự nhập nhằng của vẻ bên ngoài, nội tâm, giới tính, tâm linh là một phần trong quá trình sáng tác nhưng không hẳn là nhân tố quyết định. Nhân tố này được vay mượn để thông qua ngôn ngữ hội họa Kiểu sức, với bút pháp trộn lẫn sự giễu cợt, vẻ cao ngạo pha lẫn cô độc để kể về những câu chuyện giữa người với người, có thể rất nhân bản, hoặc rất lạnh lẽo bi ai. Và tác phẩm là sự cảm nhận của họa sỹ về hành trình cuộc sống, hay hành trình của các cá thể, số phận và tâm linh qua thời gian sống vật lý-lạnh lùng-vô cảm-quy luật của trần thế.

“Trong lòng Hà Nội”, 80 x 110 cm,  2011

Nhận xét về tranh Phạm Tuấn Tú, họa sỹ Phạm Quang Hiếu – đồng nghiệp, cũng là bạn thân của họa sỹ – bình luận:

“… Xem các tác phẩm của Tú, người ta dễ liên tưởng tới những bộ phim kinh dị của Hollywood hay Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Nghe văng vẳng đâu đây những ca từ ai oán trong nhạc phẩm Phạm Duy: Chiều đi lặng lẽ/ Mộ chí hoa tàn/ Ôi màu hoa tang trắng/ Liệm tình anh nát tan…; Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ/ Tiễn đưa em trong áo quan này…!
    
“… Chệch khỏi quỹ đạo mỹ cảm thông thường, bằng biểu tượng và cảm xúc chân thật, Phạm Tuấn Tú đưa chúng ta vào một thế giới mà ở đó trắng-đen, thiện-ác, nữ-nam… không dễ dàng phân định. Dù gắn với những chủ đề mang ý nghĩa xã hội nhất định, một cách vô thức, tác phẩm của anh vẫn đặt trước chúng ta một câu hỏi cơ bản hơn về bản thể con người, bản thể Tồn Tại…”.

Triển lãm “Nhập nhằng – Affitta” là triển lãm cá nhân đầu tiên của Phạm Tuấn Tú. Một số tác phẩm của họa sỹ đã được giới thiệu và trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2010, Giải thưởng Dogma 2013 tại TP. Hồ Chí Minh, triển lãm “Festival Mỹ thuật trẻ” năm 2014 tại Hà Nội.

“Nội soi sự thật”, acrylic

Phạm Tuấn Tú

Phạm Tuấn Tú sinh năm 1981 tại Thái Bình. Năm 2004, anh tốt nghiệp hệ Cao đẳng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Từ 2005, Tuấn Tú hoạt động như một họa sỹ độc lập. Anh là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và thành viên của Câu lạc bộ Họa sỹ trẻ Hà Nội.

Bắt đầu theo đuổi nghệ thuật từ khi còn là sinh viên, Phạm Tuấn Tú đã có gần 10 năm liên tục tham gia các hoạt động sáng tác và đoạt nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật trong nước và của các Tổ chức nước ngoài như giải Dogma. Tuấn Tú cũng tích cực tham gia hoạt động ở các nhóm nghệ thuật kết nối trong và ngoài nước.

Tác phẩm của Phạm Tuấn Tú được biết đến từ năm 2008 – 2009, khi họa sỹ bắt đầu tham gia vào các triển lãm của Câu lạc bộ họa sỹ trẻ Hà Nội, và tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (Hà Nội). Năm 2010, Tuấn Tú được trao giải Tài năng (Talent Prize) do Quỹ Trao đổi Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch, thuộc Đại sứ quán Đan Mạch trao tặng. Tác phẩm của Tú sau đó được giới thiệu tại triển lãm quốc tế “Java Spices”, đảo Yogjakarta (Java, Indonesia) năm 2012 và “Images Festival” tại Đan Mạch năm 2013.

“Tấm ảnh không hồn”, acrylic

ACCAviet:

Là một nhóm các Nhà tổ chức và Curator độc lập tại Hà Nội, hoạt động với chức năng tổ chức các triển lãm, sự kiện và hoạt động nghệ thuật cho nghệ sỹ trong nước và quốc tế có mong muốn được thực hiện tại Việt Nam.

ACCAviet tìm kiếm sự hợp tác, trao đổi, đối thoại và kết nối với các nghệ sỹ và Curator độc lập khác, cùng các nhóm, tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước nhằm đem đến nhiều cơ hội cho nghệ sỹ, làm phong phú các hoạt động nghệ thuật trong nước, để từ đó thúc đẩy sự phát triển của hoàn cảnh văn hóa nghệ thuật hiện tại.

Ý kiến - Thảo luận

23:25 Sunday,26.10.2014 Đăng bởi:  CON MÒE BÉO BỤNG

Không biết sao nhìn đám vẩy, chấm, mây tít mù tự nhin nhớ đến một bài từng đăng trên SOI, để lẩy ra 1 đoạn:

Tính duy mỹ mang hơi hướng trang trí, các chi tiết trong tác được tỉa tót và chiếm vị trí chủ đạo thay thế hẳn cho sự sáng tạo & suy tưởng, thậm chí tính đơn giản của chủ đề lẫn bố cục cũng không lấp liếm n
...xem tiếp

23:25 Sunday,26.10.2014 Đăng bởi:  CON MÒE BÉO BỤNG

Không biết sao nhìn đám vẩy, chấm, mây tít mù tự nhin nhớ đến một bài từng đăng trên SOI, để lẩy ra 1 đoạn:

Tính duy mỹ mang hơi hướng trang trí, các chi tiết trong tác được tỉa tót và chiếm vị trí chủ đạo thay thế hẳn cho sự sáng tạo & suy tưởng, thậm chí tính đơn giản của chủ đề lẫn bố cục cũng không lấp liếm nổi sự thiếu vắng nội dung...

Các tác phẩm thường là một sự pha trộn nặng nề & Sáo rỗng của tính tâm linh nửa mùa, sự thanh thản kiểu ‘ông bà tổ tiên’ hay một kiểu ‘không khí chùa chiền’ rập khuôn sẵn có mang nặng tính duy mỹ hơi hướng trang trí. Nguyên liệu mang tính biểu trưng bao gồm tượng Phật, tràng hạt, nhang khói, nhiễu, áo xống truyền thống, tre trúc...

Hạng mục ‘những người được gọi là nghệ sĩ nhưng có bản năng của thợ trang trí’ khá là rộng...

 
23:26 Thursday,23.10.2014 Đăng bởi:  Linh Cao
Chúng tôi đi xem tranh Tú trong lúc nhập nhoạng tối, khi đường phố đến đỉnh điểm của tan tầm đông đúc và vỉa hè Văn Miếu dang rộng khoảng tĩnh lặng quanh chén trà lấy hoạ sỹ làm tâm điểm cuộc gặp thoáng chốc... Đèn quá sáng, phòng bầy hẹp với đôi chiếc xe máy để giữa nhà và đôi gương mặt lễ tân vô cảm càng làm tôi tiếc nuối thêm. Vẫn biết phòng bầy k
...xem tiếp
23:26 Thursday,23.10.2014 Đăng bởi:  Linh Cao
Chúng tôi đi xem tranh Tú trong lúc nhập nhoạng tối, khi đường phố đến đỉnh điểm của tan tầm đông đúc và vỉa hè Văn Miếu dang rộng khoảng tĩnh lặng quanh chén trà lấy hoạ sỹ làm tâm điểm cuộc gặp thoáng chốc... Đèn quá sáng, phòng bầy hẹp với đôi chiếc xe máy để giữa nhà và đôi gương mặt lễ tân vô cảm càng làm tôi tiếc nuối thêm. Vẫn biết phòng bầy không làm nên tác phẩm, nhưng giá như có một ngôi nhà bí ẩn trong tiếng cót két sàn gỗ, những chùm đèn và màn nhung dài lưu luyến ,với hoa và nến, với lư trầm toả nhẹ hương trong tiếng nhạc Kitaro bay lượn...tranh Phạm Tuấn Tú sẽ sống dậy và đi lang thang lẫn giữa người xem như thể một đàn cá lạ kỳ múa quanh ta, trong đại dương của cơn mộng ảo... Để bầy được như thế cho Tú cần một đạo diễn thực thụ , một người tri kỷ. Vẫn biết là Trời thử người tài với muôn ngàn kìm hãm , nhưng tôi vẫn mong có người như thế sẽ tìm đến với hoạ sỹ, một ngày không xa.
Tranh Tú điệu, quái và khá ám ảnh. Hắn ta có ý thức tạo ra một thế giới riêng, có âm hưởng ăn chơi sa đoạ như chốn dành cho các quý tộc sa sút nhiều ý thích kỳ quái, bị dằn vặt bởi câu hỏi thường trực cho đich đến phù phiếm của bản năng và lý trí. Bối cảnh càng phù hoa lộng lẫy, nhân vật càng cô đơn và nhiều tự trào. Rất dễ nhận ra sau lớp vỏ lưỡng tính là câu hỏi kép để tránh câu trả lời lưỡng cực , và ai cứ áp câu chuyện đồng tính vào đây là sai. Cường điệu đối với Tú là để giải mã dần dần những khát vọng phi thực tế không giải quyết trong đời sống thường ngày được. Khi chú đã thích một cái ghế cổ, thì cái chú đi tìm phải là ngai vàng, và nếu không thể sở hữu một cái ngai vàng ở trong xưởng hoạ, thì chú sáng tạo ra ngai vàng cho riêng mình trong hội hoạ. Mỗi bức tranh đánh dấu một vecto người hoạ sỹ lao đến cái đích lý tưởng - cái thế giới sáng tạo của riêng mình. Trên hết cuối cùng nó vẫn phải có một ý nghĩa mấu chốt cho tinh thần và đời sống của tác giả. Nên tôi thật sự ấn tượng khi chú muốn làm một " quả " sắp đặt có tên : đám ma. Để cảnh báo cái đích đến của bao nhiêu dấu trừ kia lại đơn giản là điểm 0- biểu tượng của tận cùng, của hoang tàn- của cái Chết ? Vì chú đã chọn một thế giới quá âm tính, với hệ thống biểu tượng toàn những cú, búp bê cụt đầu, thập giá, bia mộ, âm hồn...và một loài như là xác sống vậy. Cái Đẹp đi cùng cái sợ và dần dần bị cái sợ làm cho tăng liều kinh dị. Viên thuốc cuối cùng cứu chữa cho thẩm mỹ của Tú, là chút hài hước như chút đường bọc ngoài viên kẹo đắng. Những bức đẹp nhất tiếc thay không bầy được lần này, làm cho cảm giác xem xong cả hai phòng mà vẫn thiếu. Quyển sách đã cung cấp cái nhìn rộng mở đầy đủ hơn cho giới nghiên cứu cũng như bọn đầu cơ.
Về bề mặt tranh, chất acrylic của Tú làm cho đôi chỗ còn nông. Chú cần vẽ kết hợp với sơn dầu và có thể nên nghĩ tới dát vàng dát bạc cộng với mở rộng biên độ không gian ra, cũng như thu hẹp lại tập trung vào nét mặt của nhân vật. Thực tế triển lãm đang có những bức chân dung rất thuyết phục, no mầu, mạnh về thị giác, tạo hình tốt. Chú càng đi vào chi tiết tinh xảo, thì lại càng mờ đi sức chiếm lĩnh của nhân vật trung tâm. Các hinhf tượng phụ trợ cần sâu sắc và cô đọng hơn.
Cuộc chơi còn dài và khi đã chọn con đường độc đáo, luôn tìm thêm một ngả thoát hiểm nhé? Đi hết cái cầu kỳ cũng giống như làm trọn vẹn một việc đơn giản, cũng cần có Duyên và có Chí. Còn Số thì đã ghi rồi đấy Tú ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả