|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamPALETTE – không gian cho palette mới 24. 10. 14 - 11:44 amVy ThảoPALETTE Triển lãm lấy ý tưởng từ chiếc palette, dụng cụ pha màu truyền thống của họa sĩ – một biểu tượng cho hành trình đẹp và đầy khó khăn trong cuộc đời làm việc của nghệ sĩ nhưng thường bị lãng quên. Nói nôm theo nghĩa đen: những chiếc palette bị bỏ đi và quên ngay khi người ta không còn sử dụng. Quá khứ nghề nghiệp, những thứ đã đỡ, đệm; những gì thuộc về quá trình xây dựng thành công một cách gian nan cũng thường bị quên đi như thế. Đó là góc khuất của nghệ sĩ sau những bức tranh mà khán giả vẫn thường xem. Cùng một sự đồng cảm trên, mười ba nghệ sĩ tham dự triển lãm đã mang đến đây nhiều tác phẩm giàu tính thử nghiệm. Họa sĩ Phạm Hà Duy Khánh khiêm nhường nhận thấy con đường định hướng sự nghiệp của anh chất chứa nhiều thứ lộn xộn. Với anh, palette chứng kiến sự phát triển và đi lên của anh. Một vài bảng màu như ánh sáng đẹp hiếm hoi khiến anh nhận ra những bước ngoặt của mình và trân trọng nó. Nguyễn Ngọc Thanh coi nghệ thuật là nhân duyên, bảng màu chính là cách anh giãi bày u uẩn của mình với cuộc đời. Trần Giáp dùng hình ảnh các palette nhỏ đặt trên palette lớn, sắp xếp theo hình sin biểu thị việc chuyển động không ngừng của các họa sĩ trong nghiệp vẽ lắm mệt nhọc và công phu. Dùng những palette cũ còn sót lại, Nguyễn Hồng Phương đóng khung rồi xếp chúng lên như sự trân trọng hành trình đã qua của mình. Đó là những mảnh ghép tạo nên con người anh, cuộc đời anh. Phạm Hoài Anh mang đến sự hoài nghi về tồn tại của con người trong thế giới này. Hoài nghi về các quan niệm cuộc sống và nghệ thuật. Trần Văn Phong cho rằng những lớp màu trên palette chính là sự đối chọi, xung đột của chính tâm hồn nghệ sĩ. Sự thay đổi, phát triển của bảng màu chính là quá trình đấu tranh của họa sỹ để đạt tới thành công. “Hộp màu” là tên tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Trà My. Với cô, hộp màu không chỉ là cái đựng nguyên liệu để vẽ, những ô hộc đơn giản đó chứa “màu” của chuyện đã qua, sắp đến, “màu” của cảm xúc, tình yêu và những điều đi qua cuộc đời một cô gái. Thay vì nghĩa thường thấy palette được dùng để pha màu, Nguyễn Đức Hùng vẽ trực tiếp lên bề mặt của nó. Dùng tổ hợp nét, mật độ mau thưa của nét tạo ra mảng đậm nhạt, những nét mực đen ngấm xuống mặt gỗ kết hợp với vân gỗ tạo cho palette trở thành tác phẩm. Ngô Thành Bắc cảm thấy nuối tiếc về một thời đã qua. Thời của tranh giá vẽ, bảng pha màu được sử dụng liên tục cho việc vẽ. Anh dùng cách chơi chữ đồng âm: “palette” là bảng pha màu của họa sĩ và “pallet” – những mảnh gỗ dùng để đóng gói và vận chuyển hàng hóa. Anh biến các mảnh pallet đã qua sử dụng đó thành bức cuốn thư, hình ảnh tượng trưng cho những điều vững chắc của gia giáo một thời, giờ cũng mất dần giá trị, rồi bị bỏ quên. Trần Dân coi bảng màu là sự trăn trở của mình với cuộc sống xã hội, với mưu sinh để tiếp tục sống và làm nghệ thuật. Anh luôn phải đấu tranh để giữ cái tâm sáng của mình với nghiệp anh chọn. Tranh của Triệu Tuấn Long nhẹ nhàng và rất duyên, không cầu kì, không gồng lên mà tạo cảm giác thư thái. Lần này tác phẩm của anh là sắp đặt: mô phỏng hình ảnh chiếc giường bằng chất liệu tổng hợp. Với anh, chiếc giường mang kí ức, nó chứa đựng quá khứ, hiện tại, đam mê, nỗi đau và niềm vui sướng. Phạm Văn Tuấn mang đến tác phẩm có tên: Chuyến đi. Anh dùng hình ảnh nhiều con bò bằng gỗ, sắp xếp chúng lại. Những chiếc sừng được cách điệu dài ra và uốn lượn theo chiều tiến về phía trước của đàn bò, tạo cảm giác đầy sống động về chuyến đi miệt mài, không ngưng nghỉ. Anh cho rằng nên có những chuyến ra đi để trải nghiệm, các chuyến đi đó ít nhiều đều có ý nghĩa nhất định cho nhận thức của chúng ta. Nguyễn Xuân Hoàng vẫn lối ẩn dụ đầy chất thơ và triết lí. Anh nói khá dài về ý tưởng tại sao anh dùng chiếc thớt mà không dùng palette cho tác phẩm của mình. Anh không muốn dùng bảng pha màu với nghĩa hẹp của nó, anh đi rất xa với ý nghĩa của chiếc thớt về sự giết chóc, chịu đựng, về sự bị lãng quên… Anh muốn để cho khán giả tự liên tưởng và cảm nhận. Các nghệ sĩ đã say mê thử nghiệm nhiều hình thức nghệ thuật xoay quanh chủ đề chiếc palette. Bước qua cánh cổng của Le Ciné, qua cầu thang rợp bóng hoàng lan thơm mùi thu Hà Nội, mời các bạn ghé Cuci Fine Art thưởng lãm những tác phẩm của dự án Palette. Một triển lãm vừa có tính chuẩn bị kĩ càng, vừa có tính ngẫu hứng như một bản Jazz của thu Hà Nội.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|