SOI có ý kiến lại với anh TRẦN LƯƠNG
30. 06. 10 - 12:01 pm
Trần Lương
(SOI: Đây là cmt của họa sĩ Trần Lương trong bài “Quyền được chết hẳn”, SOI xin đưa lên thành bài và có đối thoại luôn từng điểm với nghệ sĩ. Phần của SOI có màu xanh và ital.)
Tảng lờ trước những gì xảy ra thì thật là vô cảm! Hiện tượng bàn bạc rôm rả: từ thưởng thức nghệ thuật kiểu 1 giây hiểu ngay đến 300 năm mới hiểu, rồi nghệ thuật ÁC với nghệ thuật LÀNH. Công đầu phải kể đến SOI! Ở bình diện hiện tại, đã khuấy động được phong trào, tạo không khí cởi mở và không mặc cảm. Đang khá tốt rồi đấy, nhưng ban biên tập ẩn danh ơi! Để không sa đà vào các cuộc “cãi vã” marathon với các “đệ tử comment” làm mất thời gian của bạn đọc, SOI nên có lời khai lộ (hay statement) để có tí chút vùng quy phạm được báo trước, đặng còn biên tập những gì miên man bên ngoài tiện ích thông tin nghệ thuật. Như thế mới mong có chút công bằng, và không lo báo mạng mình thành trang lá cải.
(SOI: Anh Trần Lương, bạn đọc có quyền đọc hay không đọc các cmt của người khác, đó là quyền được lựa chọn trên một trang web thế này. Bài này của anh cũng là một cmt đấy ạ. Việc một BBT không tranh luận với người đọc, chỉ tọa sơn quan hổ đấu, theo Soi là không nên. Còn nếu bạn đọc nào thấy đọc những cãi vã này mất thì giờ thì có thể chuyển sang các mục khác của SOI để đọc mà! Về lời khai lộ, Soi nghĩ ai cũng lớn rồi, không cần phải định hướng, khoanh vùng cho tranh luận. Ai lan man ra ngoài thì tự khắc bị độc giả đào thải thôi, anh yên tâm)
Về vụ triển lãm CÂY, tôi xin đú theo đà tranh luận “cây quyền” ạ:
Khía cạnh pháp lí: Tôi mong các vị đấu tranh cho các quyền, trong đó có cây quyền… nên làm rốt ráo sự việc. Kiện tác giả Phương Linh về tội giết hai cái cây, có chế tài thì tác giả sẽ bị phạt, chưa có chế tài thì giúp đất nước xây dựng chế tài chặt chẽ hơn. Từ đây, các vị có thể dành chút thời gian, lé một mắt quan tâm đến các đại gia giầu nhất nước đều có liên quan đến gặm rừng (đang gặm sang cả rừng Lào) và khoáng sản (cũng phá rừng nhiệt tình), các công trình thủy điện là cuộc đại thiên di của cả động thực vật lẫn con người, các rặng san hô, các dòng sông đang chết trước mắt, ngành công nghiệp cao su, sơn ta: hành hạ hàng triệu cái cây sống dở, chết dở, rỉ máu (luận theo cách trong comment của quý vị)… đều đang chờ tấm lòng ái thiên nhiên của quý vị! Nếu đủ ngũ quan còn hoạt động, và lại rất nhạy cảm mới KINH ông Hirst, ông “Our Body”, bà Phương Linh… thì quí vị không thể tảng lờ (và cũng thấy KINH) hệ lụy của các vấn đền xã hội trên đang cướp đi và gây đau khổ cho vô vàn cây-con-người! Nhân đây nên kiện luôn mấy ông điêu khắc gia đáng kính đục đá (phá tài nguyên thiên nhiên), tạc, chạm gỗ (toàn gỗ quý lưu niên), vẽ sơn dầu (toàn khoáng sản quý, và làm ô nhiễm môi trường)…
(SOI:Anh Trần Lương nên vào đọc thêm ý kiến bạn đọc khác ở các bài khác liên quan đến vụ cái cây ạ. SOI ngờ rằng anh chưa đọc các ý kiến khác (vì sợ mất thì giờ?) và chính anh đang đi lan man trong việc mở rộng vụ ác lành của cái Cây của Phương Linh. )
Khía cạnh đạo đức: Vì chẳng thấy bàn về phần nghệ thuật của tác phẩm mấy, mà chỉ thấy những phản cảm tác động bởi tiêu chuẩn đạo đức phổ thông. Để hai cái cây chết dần chết mòn, ôi thật đáng lên án! Cứ theo những tiêu chuẩn đạo đức phổ thông này, mấy vị nên đem Ông Leonardo da Vinci ra tùng xẻo vì tội dám mổ xác người chết để nghiên cứu, thật là quân báng bổ! Marcel Duchamp hay Chris Ofili (Họa sĩ đương đại Anh) cũng ăn mấy cái đá đít vì tội dám vẽ râu vào mặt Mona Lisa, và dám vẽ đức bà Maria là người da đen với cứt voi trang trí trên áo! Và kiểm điểm UBND tp HCM hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, dân đang nghèo mà dám bỏ ra 100 cây vàng mua bức Vườn Xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí, mất đi cơ hội cho hàng chục ngôi nhà tình nghĩa.
(SOI: Chính anh Trần Lương cho đến giờ cũng chưa thấy bàn về giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Anh không cần lên án góc nhìn của người khác đâu, người ta yêu thiên nhiên không phải là xấu. Anh chỉ cần đưa ra góc nhìn của anh. Trang SOI như một bàn buffet, người đọc vào chọn món. Nhưng bản thân những người biết “nấu” như anh còn không vào nấu, chỉ phán chung chung thì biết làm sao có tiệc ngon đây anh?)
Khía cạnh nghệ thuật: Tác phẩm không gây được ấn tượng nghệ thuật đến quý vị, chứng minh bằng thời lượng bàn về chất lượng nghệ thuật trong comment (mà SOI lại là mạng chuyên về nghệ thuật, tiếc nhỉ). Thông cảm vì mấy vị ở xa không xem trực tiếp được, mà cái thứ nghệ thuật THỊ giác (xa xỉ đến đáng ghét này) lại phải xem trực tiếp mới có thể thu được hiệu quả cảm xúc cao nhất! (Xem trực tiếp bao hàm cả ý nghĩa thực hành, nằm trong những điều kiện hạ tầng để tranh luận). Không có điều kiện thì đành phải xem gián tiếp, nhưng xem gián tiếp mà muốn bình phẩm và tranh cãi công cộng về nghệ thuật thì lại là chuyện khác. Tôi còn biết ở ta có mấy “nhà phê bình” luôn nhiệt tình viết kiểu sờ chân voi mới khiếp!
(SOI:Chính anh Trần Lương là người cổ súy cho việc làm tác phẩm phải nghĩ đến hiệu quả dài lâu, ý nghĩa bền vững, 300 năm nữa mới hiểu lại càng hay, nhưng những tác phẩm kiểu cái Cây này, đến nghệ sĩ còn ngỡ ngàng vì nó chết nhanh mà đòi người ở xa nước trong nước ngoài phải đến xem tận mắt mới được nói về nó. Thế thì bọn 300 năm sau làm gì có tư cách mà bàn phải không anh? Anh mà giải quyết được mâu thuẫn này thì đến 300 năm sau bọn performance art và installation chúng tôi còn biết ơn đấy anh ạ.)
Đầu tư và ứng xử cho khái niệm tự do: từng rất nhiều nhân mạng đã hy sinh có ý thức và cả tai nạn.
Để đầu tư cho khoa học: tỷ lệ thất bại luôn là cả trăm rồi mới có được một lần thành công.
Đầu tư và ứng xử cho một nền kinh tế: có biết bao vấn đề nhân văn và thiên nhiên bị hủy hoại vô tình hay hữu ý.
Vậy với nghệ thuật phải đầu tư và ứng xử thế nào?
Nguyễn Phương Linh, nghệ sĩ nữ 25 tuổi (sinh năm 1985) tương lai còn ở phía trước. Đức tính điềm tĩnh ở lứa tuổi này là hơi sớm, nhưng Linh ráng mà thở sâu. Có bị phạt hay không thì cũng nín thinh mà về Hoà Lạc tưới hai cái gốc cây, đó là cách tự đầu tư tinh thần thiết thực nhất trong thời này vậy.
Tôi đã được xem đến mấy lần trên SOI là “mới chê 1 tí mà nghệ sĩ đã tức” và kết luận ngay “kém, yếu, bệnh tật”. Câu này thể hiện cách ứng xử rất hồn nhiên, rất tự tin!
(SOI: Soi nhớ là chưa bao giờ mắng ai là kém, là yếu, là bệnh tật. Nếu SOI quên, xin anh Trần Lương dẫn nguồn giùm)
Chưa có bài hay comment nào trên SOI thực sự là một bài lí luận-phê bình về nghệ thuật Việt Nam! Tất cả chỉ là bình phẩm hồn nhiên! Điều đó tạo sự đáng yêu và thân thiện của SOI, nhưng than ôi! làm gì có hạ tầng của cuộc tranh luận này mà chê với tức?
Nếu tức vì những comment trên SOI (như Bùi Hoài Mai mới viết tranh luận với tôi) thì có sáng tác được không? Nếu có sáng tác tiếp thì làm loại nghệ thuật tránh bị chê à?
Nếu diễn đàn SOI khen thì nghệ sĩ cứ dập theo mà tiến à? Nghệ thuật không ra đời với thiên chức và công năng như hàng hóa “thượng đế là trên hết”! Còn khi mà nghệ thuật biến thành hàng hóa thì nghệ sĩ biến thành nghệ nhân rồi!
(SOI: Soi biết anh Trần Lương phê phán SOI làm trang web mỹ thuật mà cứ nói chuyện tiền với giá tranh. Nhưng thôi, SOI nghĩ những quan điểm vị nghệ thuật bất vị tiền tài nên để dành cho các hội thảo cấp quốc gia. Nghệ sĩ nào cũng muốn bán được tác phẩm, dù dạng này hay dạng khác. Bản thân các anh có tặng không tranh cho người yêu mỹ thuật chung chung đâu! Các anh có giá tranh cả mà! Bán tranh và tranh được mua như một loại hàng hóa (cao cấp) thì có gì là sai? Còn hơn những người tranh không bán được mà cứ cao đạo, thực tế thì chỉ chăm chăm chờ tiền các tổ chức tài trợ vì tranh mình có lo nổi tiền mực với tiền bút cho mình đâu.)
"Còn hơn những người tranh không bán được mà cứ cao đạo, thực tế thì chỉ chăm chăm chờ tiền các tổ chức tài trợ vì tranh mình có lo nổi tiền mực với tiền bút cho mình đâu."
Ôi! đanh đá quá.)... ...xem tiếp
"Còn hơn những người tranh không bán được mà cứ cao đạo, thực tế thì chỉ chăm chăm chờ tiền các tổ chức tài trợ vì tranh mình có lo nổi tiền mực với tiền bút cho mình đâu."
Ôi! đanh đá quá.)...
1:41Thursday,1.7.2010Đăng bởi: Duong
"Bán tranh và tranh được mua như một loại hàng hóa (cao cấp) thì có gì là sai? Còn hơn những người tranh không bán được mà cứ cao đạo, thực tế thì chỉ chăm chăm chờ tiền các tổ chức tài trợ vì tranh mình có lo nổi tiền mực với tiền bút cho mình đâu."<------- Ôi, đau quá!.... ...xem tiếp
1:41Thursday,1.7.2010Đăng bởi: Duong
"Bán tranh và tranh được mua như một loại hàng hóa (cao cấp) thì có gì là sai? Còn hơn những người tranh không bán được mà cứ cao đạo, thực tế thì chỉ chăm chăm chờ tiền các tổ chức tài trợ vì tranh mình có lo nổi tiền mực với tiền bút cho mình đâu."<------- Ôi, đau quá!....
Ôi! đanh đá quá.)...
...xem tiếp