CHIP, CHICK, CHICKY: Không cần sợ, anh Đạt nhé!
01. 07. 11 - 2:23 pm
Bài và ảnh: Tịch Ru
.
GÀ: CHIP, CHIC, CHICKY
Triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ Đinh Công Đạt
Thời gian triển lãm: 25. 6. – 28. 6. 2011, mở cửa hàng ngày 10h00 – 19h00 Địa điểm: Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học
Triển lãm sắp đặt của Đinh Công Đạt tên là: Chip, Chic, Chicky diễn ra từ ngày 25. 6 đến 28. 6 ở viện Goethe. Nghĩa là đã qua rồi. Đinh Công Đạt sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa điêu khắc trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội. Qua một loạt tác phẩm trong mấy năm nay, dễ dàng nhận thấy phong cách và định hướng nghệ thuật của anh: giản dị, gần gũi, quần chúng và thường hướng đến đối tượng thiếu nhi. Anh có vẻ là một người yêu trẻ con.
Các đối tượng Đinh Công Đạt chọn để làm sắp đặt, điêu khắc trải rộng từ chó, ngựa, côn trùng… và bây giờ là đến gà. Lần này là cả một chuồng gà gần 150 con gà làm thủ công bằng giấy báo, đặt ngay trong phòng triển lãm đẹp đẽ của viện Goethe lạnh ngăn ngắt (cố ý lạnh “cho nó khác”). Ánh sáng cũng lạnh, cho cảm giác đang ở trong một trại gà công nghiệp. Bên trên trần bố trí 100 cái bóng đèn tuýp chiếu qua một tấm vải.
Bầy gà được làm thủ công trông như thế này. Mỗi con gà đều đeo biển. GM = gà mái. GT = gà trống. GC = gà con. Thường gà mái được bọc bằng báo thường, toàn chữ.
Gà trống diêm dúa hơn, được bọc bằng tạp chí màu sặc sỡ.
Đủ loại tạp chí được dùng để tô điểm cho lông gà trống: tạp chí thời trang, du lịch, điện ảnh… Đây là một trang tạp chí có hình lễ trao giải Oscar năm 2003 cho phim “Lord of the Ring”
Có con được bọc bằng hẳn một khuôn mặt minh tinh, người mẫu nào đó,
.
Dưới chân mỗi con gà là một miếng bìa ghi ngày tháng và gạch đầu dòng các sự kiện. Ví dụ trong tờ phiếu này ghi: Ngày làm: 7h 13.5 – cấp bách kiểm soát giá lương thực – động đất ở Tây Ban Nha – tuyển sinh cao đẳng đại học nhiều ngành có tỉ lệ chọi dưới 1 – bầu cử ở Trường Sa là công việc nội bộ của Việt Nam
Lúc đầu, tôi cứ đoán con gà được làm xong vào ngày nào thì tác giả sẽ xem sự kiện gì diễn ra trong ngày đó và ghi vào phiếu. Nhưng hóa ra đó những sự kiện in trên tờ báo bồi gà. Xem kỹ thì là báo… Pháp. Vậy sao sự kiện lại là Việt Nam? Đinh Công Đạt giải thích, dùng báo Việt bồi bên trong, báo Pháp bọc ngoài, vì báo của Pháp giấy vừa dai, chữ lại đẹp, mực không nhòe.
Gà trong phòng triển lãm không chỉ bày trên sàn mà còn đứng trên bục, bệ, ở những tư thế ngộ nghĩnh. Hai chú gà này chẳng hạn, như đang đứng thi gáy buổi sáng.
Lại có một cảnh rất điển hình: một con gà trống được bao quanh bởi rất nhiều ả gà mái. Đầm ấm đúng như ước mơ của nhiều người trong chúng ta.
Cũng có khi là một cảnh rất buồn…
Mỗi con gà cũng có vẻ mặt khác nhau, biểu cảm khá là sinh động
Triển lãm được trẻ con rất thích… Có những bé đến từ sớm, khi phòng triển lãm chưa mở cửa. Đinh Công Đạt cũng rất thoải mái, cho trẻ con nghịch ngợm, cầm nắm tha hồ.
Ở một góc phòng, tác giả có khay nước trà, kẹo lạc cho người lớn, lại có chương trình bày cho khán giả trực tiếp “chế tạo” gà. Dĩ nhiên là phải hướng dẫn và đã có khuôn bồi sẵn.
Vì gà thì phức tạp, nên ngoài làm gà, trẻ con còn được dạy làm cá: Lấy một cái quạt nan, gấp đôi lại, bắn keo thành hình con cá, bọc giấy vào… Trẻ con được ngồi cả ngày ở đây. Nhiều phụ huynh tranh thủ “tống” bé vào phòng triển lãm suốt từ sáng đến chiều, nhưng đến chiều bố mẹ kéo mãi mà bé vẫn… không chịu về.
Có người bảo đây mà là triển lãm nghệ thuật sao? Đơn giản như một gian hàng nghệ nhân thôi mà! Nhưng thế chẳng phải là đúng như những gì Đinh Công Đạt muốn ư? Chẳng cần tư tưởng gì cao quá, chẳng cần phải bức xúc nói lên vấn đề gì. Đơn giản là nghệ sĩ thấy đẹp, thấy thích, và khán giả cũng thích – cứ nhìn trẻ con nườm nượp và đám phụ nữ chụp bao nhiêu là ảnh trong phòng. Gà là gà thôi. Triển lãm không cần phải đặt “truy vấn” vì sao là gà, vì sao sắp xếp như thế này thế nọ, sao dùng giấy báo này, nội dung này?… Mọi thứ cũng như công dụng một con gà, một ổ trứng: hữu ích, ngộ nghĩnh, dễ thương, hiển hiện ngay trước mắt.
Thực ra nếu cứ như thế, kiểu cao hơn một gian trưng bày đồ hand-made, thủ công mỹ nghệ kiểu Bát Tràng cho khách vào nặn gốm rồi vẽ hình theo khuôn mẫu sẵn… thì cũng đã rất hay. Nhưng có vẻ áp lực của hai chữ “nghệ thuật” nó nặng quá, nên nghệ sĩ phải “gồng”. Những sự kiện ghi trên tờ phiếu đeo ở cổ gà đúng là một cái “gông” tư tưởng không cần có. Chúng chẳng nhằm mục đích gì, ngoài việc muốn biến một giống gia cầm thành một biểu tượng nào đó, có tính triết học trứng-gà-trứng hơn chẳng hạn. Hình như anh Đạt sợ đàn gà của mình không xứng tầm với viện Goethe. Hình như anh vừa tự hào mình là một người làm đồ chơi, vừa sợ mình rơi vào hàng ngũ những ông thợ làm đồ chơi.
Không cần sợ, anh Đạt nhé. Đi xem triển lãm của anh, tôi rất thích cái không khí của triển lãm. Tôi không phải thấy những gương mặt cười không nổi, méo không nổi vì không biết nói gì. Tôi thấy các bé rất vui, thấy mọi người đến xem rất thoải mái nằm, ngồi cả ra sàn (một việc tôi chưa bao giờ được làm ở viện Goethe). Và tôi ngồi đây, nhớ đến thời học sinh của mình rộ lên phong trào vẽ tượng đất. Cảm ơn những phong trào còn 10 cây số mới tới nghệ thuật đó, chúng làm sống dậy những mến yêu nghệ thuật trong lòng những con người bình thường, như tôi.
...xem tiếp