Soi học

Bài học Chủ nhật: Những chân dài đặc biệt và sự ra đời của chòm sao thất tinh 02. 06. 12 - 11:57 pm

Pha Lê

 

.

 

Chúng ta có tiên sông, tiên núi, tiên biển, tiên rừng… nhưng trong tích còn có những tiên đặc biệt (vì thành tích, công trạng, hoặc vì nghề nghiệp kỳ lạ, không bỏ chung vô cùng các tiên khác được). Bài học hôm nay sẽ tóm lược các chân dài đặc biệt này, nhân tiện sẽ giới thiệu luôn về 7 chân dài đã làm nên chòm sao thất tinh.

Epimeliades

Các nàng tiên Epimeliades chuyên bảo vệ cừu, nên có thể gọi các nàng này là tiên cừu. Người Hy Lạp có món yogurt (ya-ua) làm từ sữa cừu, món này nổi tiếng là thơm mát bổ, bạn nào có cơ hội ghé Hy Lạp nhớ mua một hũ ăn thử.

 

Lamusideans/Nyseides

Lamusideans là các con gái của thần sông Lamus (hoặc Lamos), còn Nyseides là các tiên nữ sống trên núi Nysa. Họ đặc biệt vì có công nuôi thần rượu Dionysus khôn lớn. Ông thần bợm này có rất nhiều mẹ nuôi, và mỗi vùng phán mỗi kiểu, vùng thì phán Nysa, vùng thì phán Lamusideans. Tích về Dionysus đã kể qua bài Bợm nhậu chính hiệu.

Tác phẩm “Hermes giao Dionysus cho các nàng tiên trên đỉnh Nysa”, Poussin, 1657. Theo tích thì sau khi Zeus “đẻ” Dionysus từ đùi ra, ông nhờ Hermes đem giao con cho các nàng tiên nuôi. Hermes (mang xăng-đan có cánh) đang trao bé Dionysus cho một cô Nyseides, và họa sĩ cũng để ý vẽ thêm một vòng nho quấn quanh đầu vị thần rượu cho nó ton sur ton. Zeus cùng con đại bàng đang theo dõi từ trên mây.

 

Hyades

Em gái của cung thủ Hyas và là con gái của thần Titan Atlas (vị thần này có rất nhiều con). Khi anh trai Hyas bị một con lợn rừng húc chết, mấy cô em đau khổ khóc thương làm Zeus cảm động (hoặc làm Zeus bực mình) nên ông biến họ thành sao trên trời. Từ Hyades có nghĩa là “mưa”, nên Hyades được xem như các nàng tiên mưa. Theo dân Hy Lạp thì hôm nào chòm sao Hyades ló dạng trước bình minh, hôm đó trời sẽ đổ mưa, đổ bão. Tích này chắc là để người xưa giải mã hiện tượng tự nhiên.

 

Thriai

Là các nàng tiên ong. Mật ong là một loại thực phẩm cũng như dược phẩm quý của dân Hy Lạp thời đó (thời nay cũng thế, nếu tìm được đúng mật ong nguyên chất, chứ mật ong pha thì chẳng chữa được bệnh gì). Những nữ tu theo thờ thần Artemis và thần trồng trọt Demeter cũng được dân chúng gọi là “Bees” (Ong).

Theo một số truyện cổ Homeric Hymns (không rõ tác giả, nhưng cách viết của các truyện này rất giống với cách viết của nhà thơ Homer nên mọi người gọi mấy tích vô bút danh đó là “Homeric Hymns”), Apollo – em trai Artemis – từng tâm sự với Hermes rằng mình học nghề tiên tri từ các nàng tiên ong Thriai. Theo Apollo, nếu các Thriai có đủ mật, họ sẽ tiên tri đúng, còn nếu mấy nàng thiếu mật ăn thì họ sẽ đoán sai, và loài người sẽ có một tương lai mờ mịt. Kể ra thì người xưa cũng có lý, khoa học đã chứng minh rằng nếu số lượng ong giảm (hiện nay nó đang giảm xuống mức báo động), trái đất sẽ lâm nguy.

Hai bản vuông bằng vàng, khắc hình hai nàng tiên Thriai đầu người mình ong, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên. Chúng hiện nằm tại Bảo tàng Anh (British Museum). Theo các chuyên gia thì hình như chúng từng được gắn trên một đền thờ của nữ thần Artemis.

 

The Pleiades

Đây chính là tích về chòm sao thất tinh hoặc còn gọi là sao Bắc Đẩu (câu này Soi sai, Pleiades không phải là Bắc Đẩu, mọi người đọc comment phía dưới để hiểu rõ hơn). Chòm sao này rất nổi tiếng, ngay cả dân Trung Đông và dân Bắc Phi cũng có nhiều tích khác nhau về 7 ngôi sao này. Nhưng vì chòm sao quá nổi tiếng nên ai cũng giành kể, thành thử mỗi nhà thơ, mỗi vùng ở Hy Lạp kể theo mỗi kiểu, giống nhau có mà khác nhau cũng có.

Trước tiên là chuyện phả hệ, nhà thơ Apollodorus, Ovid, và Hesiod thì nói 7 nàng là con gái của thần Atlas và tiên đại dương Pleione. Như vậy họ là chị em của cung thủ Hyas cũng như các nàng tiên mưa Hyades kể trên. Còn theo nhà thơ Hyginus thì họ là con của Atlas và Aithra, nhưng mọi người thường quy rằng họ là con của Pleione hơn vì Pleiades có nghĩa là “Con gái của Pleione”.

Tên của 7 chị em là: Maia, Electra, Taygete, Alcyone, Celaeno, Sterope, và Merope.

Theo nhà thơ Apollodorus, thì Zeus và Poseidon chia nhau hiếp 7 nàng. Trong số đó nổi tiếng nhất là vụ hiếp Maia và Electra. Maia mang bầu sứ giả Hermes, còn Electra sinh Dardanus và Iasion sau khi bị ông Zeus hiếp.

Nhà thơ Quintus và Apollodorus sau đó nói thêm rằng hai con của Electra – Dardanus và Iasion – sẽ gầy dựng nên thành Troy. Để tìm hiểu thêm về hai chàng, mời mọi người đọc lại bài Trước khi đánh nhau vỡ đầu của Gigi.

Hình vẽ Hermes (đội mũ) và mẹ Maia trên chiếc bình cổ, có niên đại khoảng 500 năm trước Công Nguyên.

 

Nhà thơ Aeschylus thì lại phán: sau khi thấy bố Atlas bị Zeus phạt bưng trời đất mãi mãi, các Pleiades buồn khổ quá nên biến thành sao (Chú thích thêm: nhiều người lộn rằng Aeschylus nói 7 chị em biến thành bồ câu vì chữ Pleiades rất giống với chữ Peleiades – có nghĩa là bồ câu. Chứ thực tế thì Aeschylus không kể gì về chuyện họ hóa thành bồ câu hết, mà chỉ nói rằng 7 người này có tên rất giống với bồ câu thôi.)

Mời mọi người xem lại bức “The Pleiades”, sơn dầu trên vải, do Elihu Vedder vẽ năm 1885. Bức này từng đăng trong bài “Trước khi đánh nhau vỡ đầu”. Nhìn vậy thì không biết nàng nào là nàng nào, nhưng mỗi nàng cầm một ngôi sao nên tên tuổi của từng người sẽ thể theo vị trí của ngôi sao chăng? Bạn nào biết về thiên văn học thì giúp SOI nhé.

 

Bức vẽ chì và mực đen trắng “The Pleiades” do họa sĩ avant-garde người Mỹ tên Arthur B. Davies thực hiện vào năm 1919. Arthur là nhân vật chủ chốt trong việc tổ chức cũng như gầy dựng nên hội chợ nghệ thuật Armory Show.

 

Nhà thơ Hyginus có kể kỹ hơn, phán chi tiết rằng Zeus hiếp Maia, khiến nàng sinh Hermes; sau đó hiếp Electra, và nàng sinh Dardanus; ông tiếp tục hiếp Taygete, hậu quả là Lademendon chào đời. Poseidon hiếp Alcyone (sinh Hyrius) và Celaeno (sinh Lycus và Nycteus). Thần chiến tranh Mars hiếp Sterope và nàng sinh Oenomaus. Còn cô em út Merope, do lấy một chàng trai trần tục thay vì “được” thần… hiếp, nên khi biến thành sao, ngôi sao Merope không sáng bằng 6 ngôi sao còn lại. Đây cũng là cách người xưa giải thích chuyện lý do gì khiến chòm thất tinh có 1 ngôi sao mờ hơn hẳn 6 ngôi sao còn lại.

Nhưng nhà thơ Hyginus cũng kể: một số đồng nghiệp của ông (không rõ tên) tin rằng ngôi sao mờ trong 7 ngôi sao không phải là Merope mà là Electra. Lúc đầu 7 nàng đều tỏa sáng như nhau, nhưng trải qua vài trăm năm, Electra nhìn thấy số phận hẩm hiu của thành Troy cũng như của đời cháu chắt chút chít nhà mình, nàng buồn quá nên ngôi sao của nàng mờ hẳn đi. Đêm nào tối trời, chỉ thấy được 6 ngôi, thì người Hy Lạp cho rằng Electra trốn đến bắc cực để khóc một mình, sau đó nàng quên mất đường về nhà.

Tác phẩm điêu khắc “Nàng Pleiades lạc loài”, Randolph Rogers, 1888. Đây chính là Electra, do buồn khổ nên quên mất đường về nhà, bởi vậy nàng phải đi tìm 6 chị em còn lại của mình.

 

Tác phẩm “Nàng Pleiades lạc loài”, Adolphe Bouguereau, 1884. Hình như họa sĩ vẽ Electra đang khóc? Có điều tư thế này nhìn cũng giống là nàng đang… tập thể dục hoặc múa ba-lê. 6 chị em còn lại nằm ở góc trái khung hình, có vẻ như họ đã trông thấy Electra và đang í ới gọi nàng về.

 

Nhưng đến đây cũng chưa hết. Một số bản Homeric Hymns còn nói 7 nàng Pleiades là thuộc hạ của thần săn bắn Artemis. Xui xẻo thay, họ lọt vào đôi mắt xanh lè của một gã tên là Orion. Thuộc hạ của Artemis thì thường ghét trai, nên vừa thấy Orion chạy đến tán tỉnh là 7 nàng bỏ của chạy lấy người. Orion rượt các nàng trong 7 năm (dai khiếp). Zeus thấy Orion cứ đuổi theo hoài nên động lòng thương (hoặc thấy Orion rượt mãi không xong nên ông bực mình) và biến 7 nàng thành sao. Tích này choảng loạn xạ với mấy tích còn lại, nhưng truyện Hy Lạp vốn nhức đầu thế. Đây cũng không phải là bản duy nhất về Orion. Chàng này cũng có xuất xứ khá là dài dòng, xin kể tiếp về Orion vào chủ nhật tuần sau.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Những tiên nữ ác ôn – Kỳ 1: Ở biển, đại dương, và sông
– Bài học Chủ nhật: Những tiên nữ ác ôn kỳ 2 – Các tiên rừng và một chàng ngốc

– Bài học Chủ nhật: Những tiên nữ ác ôn kỳ 3 – Hoa thủy tiên và vì sao núi có “echo”

– Bài học Chủ nhật: Những chân dài đặc biệt và sự ra đời của chòm sao thất tinh

 

Ý kiến - Thảo luận

11:47 Saturday,6.10.2012 Đăng bởi:  admin
SOI đã sửa vào trong bài. Cám ơn anh Đăng và bạn Amico
...xem tiếp
11:47 Saturday,6.10.2012 Đăng bởi:  admin
SOI đã sửa vào trong bài. Cám ơn anh Đăng và bạn Amico 
10:21 Saturday,6.10.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

   Sở dĩ người xưa đặt ra những cái tên các chòm sao (constellations) như Ursa Major (Gấu Lớn) hay Taurus (Bò Tót mà Tàu và Ta gọi là Kim Ngưu tức Trâu Vàng) là vì họ nhìn lên trời, nối các ngôi sao lại thấy hình các con vật hay thần thá
...xem tiếp

10:21 Saturday,6.10.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

   Sở dĩ người xưa đặt ra những cái tên các chòm sao (constellations) như Ursa Major (Gấu Lớn) hay Taurus (Bò Tót mà Tàu và Ta gọi là Kim Ngưu tức Trâu Vàng) là vì họ nhìn lên trời, nối các ngôi sao lại thấy hình các con vật hay thần thánh trong thần thoại của họ.
   Ví dụ chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn hay Đại Hùng Tinh) có hình con gấu (click lên chữ in đậm để xem hình), trong đó mảng sao (star cluster) Bắc Đẩu (Big Dipper) nằm trên lưng (4 sao) và đuôi (3 sao) con gấu. Tại sao con gấu lại có cái đuôi dài như đuôi cáo? Thần thoại Hy Lạp giải thích vì nó bị thần Zeus tóm đuôi quăng lên trời!
   Còn chòm Taurus (Kim Ngưu) có hình con bò tót (chính xác là cái đầu và hai chân trước cuả con bò tót), trong đó mảng 7 ngôi sao Pleiades nằm ở cổ con bò. Thần thoại Hy Lạp giải thích Taurus là thần Zeus hoá thành bò tót trắng để bắt cóc nàng Europe rồi vượt biển đem đi, vì thế mà chỉ nhìn thấy đầu và 2 chân trước của con bò, phần còn lại ngập trong nước biển. Một dị bản khác lại nói đó là nàng Io tình nhân của Zeus, mà Zeus biến thành bò cái trắng để che mắt bà vợ hay ghen là Hera.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả