Ở Đâu - Làm Gì

Windy Day 12: giở lại kho vàng tranh Hàng Trống 12. 04. 15 - 8:10 am

Thông tin từ BTC

.

WINDY DAY 12: TRANH HÀNG TRỐNG – PHẬN MỎNG CÁNH CHUỒN
Thời gian tổ chức: 14h00 – 16h30, ngày 18. 04. 2015
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội
Diễn giả: Hoạ sĩ, Nhà nghiên cứu tranh thờ Phan Ngọc Khuê
Đăng ký tham dự: http://bit.ly/form-dkwd12

Nhắc đến thú chơi tranh của người Tràng An mà bỏ qua tranh Hàng Trống thì quả là thiếu sót lớn. Đó là một trong những dòng tranh xuất sắc nhất của người xưa, không chỉ mang đến những hiệu ứng thị giác đẹp mắt từ cách làm thủ công đặc biệt, mà còn dẫn dắt người xem đến với những câu chuyện kỳ diệu về đức tin và hy vọng của người xưa.

Tranh Hàng Trống nổi danh một thời được chia làm hai loại: tranh chơi Tết và tranh Thờ. Bên cạnh tranh Đông Hồ, cùng chất liệu giấy dó, cùng thông điệp chúc tụng tươi vui, nhưng bằng cách làm rất khác biệt, tranh Tết Hàng Trống đóng góp cho người thưởng ngoạn những bức nổi tiếng: “Tùng cúc trúc mai”, “Lý ngư vọng nguyệt”, “Chợ quê”, “Tố nữ”

“Lý ngư vọng nguyệt”

 

“Nam tào”

 

“Ông Hoàng cưỡi cá”

Tranh thờ Hàng Trống, gắn bó mật thiết với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, phần nào mang tranh Hàng Trống bước lên một vị thế cao hơn trong bản đồ tranh dân gian Việt Nam. Trở lại những năm cuối thế kỷ XIX, ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức “Ngũ Hổ”, “Ông Hoàng Ba”, “Mẫu Thượng Ngàn“… ở những nơi linh thiêng nhất như đền, miếu, điện thờ… Tranh thờ Hàng Trống thường mang màu sắc mạnh mẽ và cách tạo hình đầy tính tôn giáo, đem lại hiệu ứng tuyệt vời về cả thị giác và cảm xúc đối với người xem.

Tranh thờ Ngũ hổ

Ngày nay, người ta khó có thể phủ nhận về sự lụi tàn đầy cay đắng của tranh Hàng Trống. Tranh Hàng Trống dần đi vào lãng quên tại các tư gia, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng và trong những nỗ lực của một vài nhà sưu tầm tranh hiếm hoi. Tranh Hàng Trống – một trong những đỉnh cao của nghệ thuật tranh dân gian – đang trở thành “người dưng” tại chính mảnh đất đã một thời nuôi dưỡng nó!

“Xích hổ thần tướng”

Ấn tượng trước tạo tác đặc sắc của người xưa, Tôi Xê Dịch, cùng với sự hỗ trợ tuyệt vời từ diễn giả – họa sĩ, nhà nghiên cứu tranh thờ Phan Ngọc Khuê, và Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, nỗ lực mang lại những tiếp cận gần gũi hơn cho người trẻ về dòng tranh đặc sắc Hàng Trống. Thông qua những câu chuyện kể, những phân tích, hướng dẫn, và trao đổi trực tiếp cùng họa sĩ Phan Ngọc Khuê, Windy Day 12: “Tranh Hàng Trống – Phận mỏng cánh chuồn” sẽ là bước tiếp cận đầu tiên cho những ai còn đang “lạ lẫm” trước dòng tranh quý này.
 
Tiếp nối những nỗ lực truyền thông về văn hoá dân tộc của mình trong suốt 3 năm qua, Tôi Xê Dịch hy vọng, với chuyến đi ngược dòng thời gian lần này, người tham sự sẽ lại có một khoảng thời gian “sống sâu” hơn nữa.

“Bàn thờ Hắc hổ” (Chùa Hàm Long, Hà Nội) – Ảnh màu của Léon Busy, 1914-1917


VỀ DIỄN GIẢ-
HỌA SĨ PHAN NGỌC KHUÊ: NGƯỜI ĐÀN ÔNG “TÓC SƯƠNG” VÀ CÁI DUYÊN VỚI TRANH DÂN GIAN

Gặp ông say sưa chia sẻ về tranh Hàng Trống trong một sự kiện ở Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn ấn tượng với sức khỏe và lòng nhiệt tình của một nhà nghiên cứu đã đến tuổi “da mồi tóc sương”. Sau sự kiện, khi chúng tôi ướm hỏi về chuyện mời ông tham dự một chương trình chuyên biệt về văn hóa truyền thống dành cho người trẻ, ông không chút ngần ngại gật đầu, dù trước đó chưa gặp chúng tôi bao giờ.

Tình yêu của ông đã truyền cảm hứng và truyền lửa cho chúng tôi thực hiện chương trình đặc biệt này vào giữa những ngày tháng Tư, sau gần hai tháng thai nghén ý tưởng. Dù quá trình chuẩn bị gặp nhiều khó khăn, thời gian, địa điểm, cấu trúc nội dung chương trình bị thay đổi, bác Khuê – chúng tôi trìu mến nói  về ông như vậy – vẫn nhiệt tình và bền bỉ dìu dắt chúng tôi bước tới.

Ai trong giới sưu tầm, nghiên cứu tranh thờ cũng đều quen thuộc với cái tên Phan Ngọc Khuê. Ngay từ thời niên thiếu, người nghệ sĩ sinh năm 1937 ở mảnh đất Thanh Hóa ấy đã mang trong mình một món nợ ân tình với nghệ thuật. Năm 22 tuổi, giữa lúc đất nước đang ngập chìm trong bom đạn của đế quốc Mỹ, ông có mặt tại khu Thái Mèo và may mắn thay, ông được những nghệ nhân khơi dậy tình yêu nghệ thuật.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê

Với ông, kể từ đó, nghệ thuật đã trở thành hơi thở của cuộc đời mình. Những năm tiếp theo, dù đặt chân tới bất kì nơi đâu, ông vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tài năng và niềm say mê của mình cho nghệ thuật dân tộc, ông say mê nghiên cứu từ lối vẽ truyền thống của người Dao trên những thước vải đủ sắc màu cho tới kỹ thuật vẽ sáp ong độc đáo của người Mông. Bằng tình yêu và sự chăm chỉ của mình, cậu học trò ngày đó chiếm trọn tình cảm của những nghệ nhân Dao, Mường và Thái.

Trở về Hà Nội, ông công tác trong Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật, mỹ thuật dân gian của một số dân tộc, như nghệ thuật trang trí của dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc, tranh thờ Đạo giáo của người Dao hay nghệ thuật trang trí kiến trúc của người Thái… Các công trình nghiên cứu của họa sĩ Phan Ngọc Khuê đều đoạt giải cao của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp.

Năm 2013, ông đã đoạt được hai giải Nhất của Hội và Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với công trình “Tranh dân gian Hàng Trống – Hà Nội”. Theo đánh giá, đây là một tác phẩm nghiên cứu công phu dày 600 trang với bài viết, dẫn luận, tranh sưu tập và chú thích cho từng bức tranh ở số lượng lớn. Đặc biệt, trong công trình này, người Hoạ sĩ còn thể hiện đam mê và sự kiên trì của mình trong việc tìm ra sự khác biệt, nổi biệt của Dòng tranh so với hai dòng tranh dân gian còn lại, Đông Hồ và Kim Hoàng. Nếu như cuốn “Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam” là để trả ơn đồng bào Tây Bắc, “Tranh Đạo giáo ở Bắc Việt Nam” được viết dành tặng đồng bào Việt Bắc, thì việc làm nên công trình đồ sộ này là món quà ân tình họa sĩ Phan Ngọc Khuê dành tặng cho đồng bào miền xuôi, đồng bào Kinh.

Được cống hiến hết mình cho nghệ thuật thuật dân gian, đặc biệt đi trên con đường giữ lửa cho những nét đẹp văn hoá đặc sắc, chính là niềm tự hào mà bác Khuê của chúng tôi tâm niệm. Đó cũng là ngườiđã truyền cho chúng tôi kiến thức, tình yêu và lòng nhiệt thành với tranh dân gian của mình, để chúng tôi truyền lại cho những người trẻ khác.

GIỚI THIỆU TÔI XÊ DỊCH: ĐI NHIỀU HƠN, SỐNG SÂU HƠN

Tôi Xê Dịch là một dự án truyền thông xã hội hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu đưa văn hóa Việt đến gần hơn với giới trẻ Việt Nam và rộng hơn nữa là với toàn cầu. Tôi Xê Dịch mong muốn tạo ra một không gian trải nghiệm văn hóa thật gần gũi, một sân chơi cho các bạn trẻ yêu văn hóa dân gian truyền thống.

Được thành lập từ tháng 6/2012, với sứ mệnh khuyến khích người trẻ đi nhiều hơn, sống sâu hơn, hiểu biết hơn về các giá trị dân tộc, Tôi Xê Dịch đã dẫn dắt và truyền cảm hứng cho gần 10.000 người trẻ trên cả nước, đặc biệt tập trung tại Hà Nội. Hoạt động chính của Tôi Xê Dịch bao gồm tour du lịch văn hoá Windy Day (tìm hiểu văn hoá cùng các chuyên gia hàng đầu) và hội nghị “Việc làng” (đưa người trẻ vào vị thế của các “vai vế” trong làng, để bàn thảo về các vấn đề văn hoá thời cuộc).

Windy day 11: “Điêu khắc dân gian” cùng nhà nghiên cứu Mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế

Đến nay Tôi Xê Dịch đã tổ chức 11 chương trình Windy Day. Các chủ đề Windy Day mà Tôi Xê Dịc đã thực hiện thành công: Phật giáo và tín ngưỡng người Việt, Văn Miếu và Nho học thời cực thịnh, Hoàng thành Thăng Long và đời sống vua chúa, thị dân Thăng Long xưa; Ca trù – Vang bóng một thời, Màu dân tộc (Tranh Đông Hồ), Tiếng vọng ngàn năm (Chèo sân đình); Cõi thần cõi trần (Hầu đồng), Những nét rồng tiên (Điêu khắc dân gian)…

Điểm tạo nên sự khác biệt trong các chương trình Windy Day là khả năng tái hiện lại toàn bộ không gian văn hoá của chủ đề tại thời điểm cực thịnh, từ đó cùng sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, chia sẻ kiến thức, dẫn dắt cách thưởng thức nghệ thuật truyền thống và truyền cảm hứng, ý thức bảo vệ, bảo tồn dựa trên hiểu biết và trân trọng quá khứ.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả