Bàn luận

Đầu tôi, đầu cô, đầu chúng ta 16. 11. 11 - 4:31 pm

Người xem Hà Nội

 

Tranh của Liên Trương: "Family Sitting #2", oil on panel, 36” x 48 ”, 2005

 

… Quay trở lại với những bức tranh của Nguyễn Thái Tuấn và của Liên Trương. Nếu trong những bức tranh của Liên Trương, họa sỹ đã dùng motif “không đầu, không da thịt”, đặt trong không gian nội thất, dùng màu sắc lột tả được sự nhàm chán, vô hồn của “đời sống tiêu chuẩn”, đánh thức, làm người ta giật mình về cái xã hội xung quanh đẹp đẽ và vô vị kia; thì cùng motif đó, Nguyễn Thái Tuấn dùng để nói việc khác – về cái phản ứng của anh đối với xã hội quanh anh, nơi anh đang sống. Đó là một xã hội với những sức ép lên anh khác với lên Liên Trương.

Ta hãy xem cách Nguyễn Thái Tuấn thể hiện motif kia như thế nào trên mặt tranh để tranh được thuyết phục, để những hình người không đầu kia trở thành cái không thể thay thế, chỉ có dùng chúng, anh mới truyền đạt được cái anh mong muốn.

Tranh Nguyễn Thái Tuấn, “Interior 1”, 2011, sơn dầu trên canvas, 120 x 150cm.

 

Tôi cho là Nguyễn Thái Tuấn chưa thành công khi sử dụng một motif mạnh mẽ và mang nhiều ẩn ngữ như vậy. Xem một số tranh của Nguyễn Thái Tuấn vẽ trước kia, rất dễ nhận thấy ở anh sự băn khoăn lưỡng lự giữa diễn giải tạo hình mang tính “văn học” hay “văn học” được minh họa bằng tạo hình. Sự lưỡng lự này đã bị triệt tiêu hoàn toàn khi Nguyễn Thái Tuấn sử dụng những người không đầu ở những bức Tranh Đen. Trong những bức tranh này, phần tạo hình, không gian và hòa sắc, nhịp điệu và cân bằng – những thế mạnh trong ngôn ngữ hội họa để truyền đạt – đã bị giáng xuống hàng thứ yếu. Tranh Đen của Nguyễn Thái Tuấn trở nên khá dễ “đọc”. Người ta có thể dùng nó để diễn giải, suy luận. Đó là một thứ tranh minh họa, tranh “du kích”, ám chỉ những thứ phải nói mập mờ theo thời thế; một loại tranh mà dễ thấy không có xuất phát điểm là say mê tạo hình.

Nguyễn Thái Tuấn, "Tranh đen #26", 100 x 81cm, 2008

 

Hình như Nguyễn Thái Tuấn cũng nhận thấy điều gì đó không ổn khi tiếp tục theo đuổi motif không đầu theo cách ấy. Nên với triển lãm lần này, anh quyết định làm cho nó trở nên “hội họa” hơn. Thay bằng việc đặt những người không đầu kia vào một không gian ước lệ (mà lâu nay anh vẫn xử lý sao đó khiến cho nó bẹp dí và rời rã), anh đặt chúng vào một bối cảnh nội thất có chiều sâu viễn cận với sự tham gia của ánh sáng. Tính thị giác được cải thiện, ấn tượng được tăng lên rõ rệt. Thế nhưng, motif chính, những người không đầu trong những bức tranh này, lại trở nên mờ nhạt; chúng hình như chỉ tạo ra một hiệu ứng lạ, hơi ma quái giữa những đống đồ gỗ cũ kĩ. Cách xử lí màu sắc và ánh sáng cũng khá đơn điệu, những phần của bóng tối bị dính tịt . Cảm giác những bức tranh này chỉ là những maquette thiết kế bối cảnh cho một vở kịch nào đó của những năm 40- 50.

Nguyễn Thái Tuấn, “Interior 3”, 2011, sơn dầu trên canvas, 110 x 150cm.

 

Và xem thêm để so sánh, những bức Vô đề trong triển lãm thực sự vẫn là sự dậm chân tại chỗ so với Nguyễn Thái Tuấn trước đó, vẫn không thoát khỏi sự kể lể “văn chương”, bóng gió. Những vệt bóng đổ trên tường của cái mũ, cái áo, cái khăn trông giống như những vết nhọ, quá cứng và không có ánh sáng. Nhìn những bức này, sinh viên mỹ thuật nào cũng có thể nhớ lại những bài tập của mình khi mới vào trường.

Nguyễn Thái Tuấn, “Untitled II”, 2010, sơn dầu trên canvas, 81 x 60cm

 

Và đến đây, quay trở lại việc ồn ào khi mọi người tranh cãi nhau sự giống nhau giữa tranh của Liên Trương và Nguyễn Thái Tuấn – cả hai đều đặt những người không đầu, không da thịt trong bối cảnh nội thất. Tôi không cho rằng Nguyễn Thái Tuấn cố tình thuổng ý tưởng tranh của Liên Trương, bởi với một họa sỹ, điều đó còn vất vả và căng thẳng hơn nhiều lần vẽ ra những thứ mình thực sự tin tưởng. Nhưng có lẽ vì Thái Tuấn chưa đi được đến tận cùng của ngôn ngữ hội họa để ý tưởng biến thành của chính anh, nên khi so với tranh Liên Trương, người ta có cảm giác anh phải đi mượn.

Liên Trương, "Family Sitting #3", oil on panel, 36” x 48 ”, 2006

 

Những người không đầu – ai mà chẳng biết đó là ám ảnh của nghệ thuật. Không có nghĩa cứ vẽ “không đầu” là thuổng của nhau. Nhưng càng không có nghĩa cùng vẽ “không đầu” là KHÔNG thuổng của nhau. Vấn đề là, vẽ làm sao để người ta thấy, mình thực sự dùng đầu mình để nghĩ đến sự “không đầu” – cái “không đầu” đó là từ đầu mình mà ra!

 

*

Bài liên quan:

– 10. 11: SỰ THIẾU VẮNG TRÀN ĐẦY
– Tại Sàn Art: Không thiếu vắng mà tràn đầy

– Nhân bàn tranh Thái Tuấn, giới thiệu tranh LIÊN TRƯƠNG

– Nguyễn Thái Tuấn: Màu của tâm trạng
– Đầu tôi, đầu cô, đầu chúng ta

– Sàn Art gửi SOI

– Về tranh Nguyễn Thái Tuấn: Cần câu trả lời trực tiếp từ chính họa sĩ

– Thêm một bênh vực cho Nguyễn Thái Tuấn

– Bênh vực họa sĩ hay lập luận kiểu thảo khấu?

– Lại bênh vực Nguyễn Thái Tuấn

Ý kiến - Thảo luận

8:06 Thursday,17.11.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Bên Hội Nhà Văn ra thông báo cám ơn anh Lê Võ Tuân, rất cảm kích và hân hoan khi anh chọn hội hoạ làm sự nghiệp lâu dài. (trêu anh Tuân tí, anh đừng giận nha).
...xem tiếp
8:06 Thursday,17.11.2011 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Bên Hội Nhà Văn ra thông báo cám ơn anh Lê Võ Tuân, rất cảm kích và hân hoan khi anh chọn hội hoạ làm sự nghiệp lâu dài. (trêu anh Tuân tí, anh đừng giận nha). 
2:13 Thursday,17.11.2011 Đăng bởi:  Lê Võ Tuân
Căn phòng thì có, nhưng toàn bóng gió
Thơ Lê Võ Tuân 2011
(Nhân vụ tranh luận này,tự nhiên tôi có hứng làm một bài thơ, mọi người đừng la nha) cảm ơn rất nhiều!)

Qua theo dõi căn phòng vừa qua:
Qủa thật tôi thấy mọi thứ rất quả!
Thật thì tôi thấy hai người vẽ “người không đầu”, rỗng tan hoang, hai con đường, hai quá trình, hai con người thật.
Hình, không, t
...xem tiếp
2:13 Thursday,17.11.2011 Đăng bởi:  Lê Võ Tuân
Căn phòng thì có, nhưng toàn bóng gió
Thơ Lê Võ Tuân 2011
(Nhân vụ tranh luận này,tự nhiên tôi có hứng làm một bài thơ, mọi người đừng la nha) cảm ơn rất nhiều!)

Qua theo dõi căn phòng vừa qua:
Qủa thật tôi thấy mọi thứ rất quả!
Thật thì tôi thấy hai người vẽ “người không đầu”, rỗng tan hoang, hai con đường, hai quá trình, hai con người thật.
Hình, không, tượng, gian…lập ý,lập ngôn, lập ngông, bằng những câu chuyện rỗng thân hình.
Họ gặp nhau, là vì họ.

Khi đã ăn vụng, thì miệng sẽ lem luốc đôi khi.
Nhưng câu chuyện này: không lem luốc, mặc dầu không thấy đầu đâu cả, rất nhưng.
Khác thì rất khác.
Giống thì rất giống.
Họ gặp nhau, là vì họ.

Song sinh là có người ra trước ra sau, em xong thì anh mới song.
Họ gặp nhau, là vì họ.

Tài thì cả hai ngườ vẽ “người không đầu”nào cũng tài.
Vì đầu không, rụt đầu, bay đầu cũng vì…
Họ gặp nhau, là vì họ.

Hội họa có nhiệm vụ rất khác với Văn Học, dù cả hai đều có hội.
Tạo hình thị tại “tưởng tạo” hình hóa không gian bằng đường nét và mầu sắc sáng tạo.
Văn học thị tại “Cốt Tượng” hình hóa không gian bằng câu chuyện sáng tạo.
Chính trị là câu chuyện có ở quán cà phê hẻm phụ lẫn đường chính.
Đời sống là những cống rãnh quanh co từ đời.
Bút, thì hai người vẽ “người không đầu” nào cũng dùng bút.
Gặp nhau không nói nên lời, khi thể xác đã biến đi đâu mất khi gặp.
Ngại ngùng, cũng vì ngại.
Họ gặp nhau, là vì họ.

Rồi, thì khác nhau rồi, giống nhau cũng rồi! hai người vẽ “người không đầu” này không biết có nhìn thấy nhau rồi!?
Chỉ còn lại vài bộ quần áo nhởn nhơ trong phòng đơn, chỉ.

Có một điều chắc chắn, cả hai người vẽ“người không đầu” này đều nhìn thấy những người rỗng tan hoang từ trước, có!
Vài chục năm nữa, họ sẽ là giá trị ghi lại lịch sữ, bởi vài bộ áo quần nhởn nhơ, một vài…
Ngại ngùng, cũng vì ngại.
Họ gặp nhau, cũng vì họ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả