Bàn luận

GMO – Ai xấu thì ta chống, nhưng đừng vơ luôn những người tốt 20. 09. 15 - 8:00 am

Hieniemic

SOI: Đây là cmt trong bài về GMO – Ác quỷ, Thiên thần, hay chỉ như con người lúc sai lúc đúng?, Soi xin đưa lên thành bài cho các bạn dễ theo dõi và nghe được tiếng nói nhiều chiều. Danh sách các bài về chủ đề này, như thường lệ, nằm ở cuối bài.

*

Chị Pha Lê,

Trước hết phải nói rằng em cảm thấy tin IRRI và những người làm gạo vàng vì mục đích của họ là tốt và cách làm của họ cũng rất có trách nhiệm (theo cách nhìn của em). Họ công bố cụ thể là gạo sẽ chỉ được tung ra một khi họ chắc chắn rằng gạo vàng an toàn cho người sử dụng (thay vì chỉ việc chứng minh là không gây hại như nhiều loại thực phẩm khác). Chưa kể là ngay từ khi tung ra vào năm 2000 bị chửi bới om sòm, sau 15 năm tới giờ, họ đã cải thiện được rất nhiều khuyết điểm của gạo vàng thời kỳ đầu. Nhiều người từng chống đối họ (có cả Michael Pollan) cũng đã thừa nhận những mặt tích cực của gạo vàng. (Bài vitamin A saga chị dẫn cũng là một trong số các bài công kích gạo vàng, nhưng đó là từ 2002, tức cách đây lâu ơi là lâu rồi).

Ngoài ra cũng có nhiều nhà khoa học khác ủng hộ gạo vàng, như ông Wayne Parrot này

Về nghiên cứu của Ấn Độ thập niên 1980s trích ở bài trước, thú thực là hiện em chưa tìm lại được, vì em viết bài này gửi Soi cách đây gần 3 tuần, lúc đó em ở bên Anh, còn hiện giờ đang ở VN nên tìm mãi mà vẫn chưa ra được. Em cũng cho dẫn chứng đó vào hơi vội vàng (bài này mục đích là viết về GMO chứ không phải mỗi cái gạo vàng nên lúc viết không chú ý rõ), vì có lẽ nghiên cứu từ 1980s mà gán vào đây thì cũng không hẳn là phù hợp.

Tuy nhiên, gần đây, Alexander Stein đã chỉ ra rằng nếu nói cần chất béo để chuyển hóa beta carotene thì chỉ cần 5 g/ngày là đủ. Trong khi đó, khảo sát cho thấy các hộ gia đình trong các khu nghèo nhất ở Ấn mỗi người cũng có 35 g chất béo một ngày để ăn. Có thể xem bài viết của Stein trên New Yorker ở đây, bài này cũng đề cập tới nhiều câu hỏi của Pollan đưa ra:

Chuyển hóa beta carotene: có thể chuyển hóa beta carotene thành vitamin A bằng cách ăn rau củ có nhiều beta carotene với các loại thực phẩm giàu chất béo khác như bơ, bơ đậu phộng, quả óc chó, dầu ô-liu…

 

Bữa ăn cứu đói của trẻ em Ấn Độ, chỉ cần 5g chất béo là đủ chuyển hóa beta carotene

Rõ ràng, em thừa nhận, cái thiếu sót của IRRI ở đây là chưa có nghiên cứu cụ thể về sự chuyển hóa của beta-carotene đối với đối tượng chính là dân cư các vùng đói kém, sẽ sử dụng gạo trong tương lai (nếu gạo được cho phép). Nếu có kết quả nghiên cứu này, mọi việc sẽ rõ luôn. Chúng ta không biết được liệu IRRI, hoặc ai đó khác, có đang làm nghiên cứu về cái này hay không, cho đến khi người ta đăng nó lên tạp chí. Thứ nhất, phải thừa nhận là nghiên cứu như thế này rất khó làm, vì phải làm trên diện rộng mới đủ độ tin cậy, rồi phải theo dõi thời gian dài, phải kiểm soát chặt chẽ các mẫu nữa. Thứ hai, phải nói là quá trình peer-review trong khoa học cũng diễn ra rất lâu, và nhất là đối với vấn đề như thế này thì còn rất nhiều tranh cãi sẽ xảy ra trong quá trình này, dĩ nhiên là chỉ có những người review, người biên tập của tạp chí khoa học và các tác giả nghiên cứu là biết. Thứ ba, có lẽ cũng một phần vì IRRI chưa chắc chắn hoàn toàn về gạo của mình, có thể họ chờ phát triển gạo hoàn thiện rồi làm nghiên cứu luôn cho chắc ăn. Chứ giả dụ bây giờ làm, thấy gạo chưa đạt yêu cầu, thể nào cũng sẽ bị ném đá, trong khi biết đâu tuy chưa đạt nhưng chỉ cần cải tiến một chút là được thì sao. Dân chúng không cần (và thường không thèm) biết nhà khoa học làm gì trong lab, họ chỉ quan tâm tới kết quả cuối cùng thôi.

Hí họa của Mark Anderson, vẽ cảnh các chú cún nghiên cứu để tìm ra lá bạc hà cho cún. Hiện nay thế giới có lá bạc hà cho mèo (catnip) nhưng chưa có cho cún (dognip). Ý nói nghiên cứu ra cái gì mới cũng cần nhiều thời gian

Về scandal của Guangwen Tang. Chị dùng chữ “kết luận qua loa” để nói về nghiên cứu này như vậy là không công bằng. Bà Tang đưa ra mục tiêu đầu bài nghiên cứu là so sánh b-carotene của gạo vàng và rau bó xôi (nguồn b-carotene chính ở TQ), coi như tương đương là b-carotene tinh khiết trong dầu, thì bà kết luận b-carotene của gạo vàng tương đương với b-carotene tinh khiết trong dầu, tức là nó cũng tốt như b-carotene bình thường vậy. Làm sao mà bà có thể ké qua nói về một vấn đề mà bà chưa nghiên cứu là sự chuyển hóa của b-carotene trong khẩu phần thiếu dầu được. Khoa học đâu thể có kiểu tôi nghiên cứu về A, tôi kết luận A là B, nhưng tiện thể tôi nói ké vào, A cũng là C luôn đấy, tôi chưa chắc nhưng sẽ nghiên cứu sau.

Tiếp theo, việc phê phán bà Tang cho trẻ em ăn tùm lum tùm la là thiếu cơ sở. Vì bà Tang đã đánh dấu b-carotene của gạo vàng và rau bó xôi bằng đồng vị H(2) tức deuterium rồi, và khi đo, lượng b-carotene chuyển hóa thì nhóm của bà Tang chỉ đo lượng b-carotene có đồng vị H(2) thôi, các cái b-carotene từ nguồn khác bỏ qua, không tính. Vụ này đã nêu kỹ trong bài báo của bà Tang.

Rau bó xôi – thực phẩm vốn có nhiều beta carotene

Vụ lùm xùm của bà Tang và vụ bài báo của bà bị gỡ có công rất lớn của Greenpeace và truyền thông Trung Quốc. Greenpeace là tổ chức môi trường nhưng cũng có một lực lượng anti hùng hậu do đưa ra rất nhiều luận điểm sai và ngụy tạo. Trong vụ gạo vàng, Greenpeace thuộc phe chống đối ngay từ những ngày đầu. Nhân vụ bà Tang, họ đi rêu rao và gây sức ép, cũng như nhờ truyền thông Trung Quốc ghét Mỹ mà đã tạo ra được một cái thuyết âm mưu là bộ Nông nghiệp Mỹ câu kết với ĐH Tufts phá hoại nông nghiệp Trung Quốc. Nhờ sức ép này mà cuối cùng Am. J. Clin. Nutr. phải gỡ bài nghiên cứu 2012 của bà Tang (các nghiên cứu khác của bà về gạo vàng vẫn còn nguyên). Nhóm của bà Tang và ĐH Tufts không phải đi nghiên cứu gạo vàng cho IRRI, mà họ nghiên cứu độc lập. Vì vậy họ không có trách nhiệm phải đi nghiên cứu về vấn đề mà IRRI cần. Mục tiêu của nhóm này là chứng minh b-carotene từ gạo vàng cũng là b-carotene bình thường, xài tốt, y như b-carotene đó giờ mình vẫn dùng trong bó xôi. Và họ đã làm đúng cái mục tiêu đó. Nghiên cứu của nhóm bà Tang, về mặt đạo đức thì có khiếm khuyết, nhưng đứng về mặt khoa học mà nói, họ làm không mắc lỗi nào hết.

Một buổi phản đối của Greenpeace tại Nhật, tổ chức này có làm được việc tốt nhưng hình như cũng hay bị chỉ trích là có nhiều hành động phản đối, công kích thái quá

Chị có vẻ có ác cảm với GMO vì đó giờ chị tiếp xúc với toàn những người vừa làm GMO vừa bốc phét. Vụ bốc phét này chủ yếu tới từ đám quảng cáo và truyền thông. Chứ còn những người thực sự làm GMO, những nhà khoa học trong phòng lab, họ biết họ đang làm gì, và họ có cái nhìn đàng hoàng, đứng đắn hơn về thứ họ làm. Không ai đủ hiểu biết về GMO mà đi bô bô rằng mình đang làm việc thiên thần cả. Họ chỉ hy vọng những thứ mình làm có thể đưa con người tới một tương lai tốt đẹp hơn thôi. Điều này cũng tương tự áp dụng cho tất cả các khoa học khác.

Một trong những cơ sở vừa làm GMO vừa bốc phét: Monsanto

 

Về lý tưởng thì Monsanto cũng có lý tưởng tốt, nhưng thực tế lại không phải tốt vậy

Em không ủng hộ GMO, mà em ủng hộ khoa học (đơn giản vì em làm khoa học). Cái gì có cơ sở, lập luận đàng hoàng thì mình ủng hộ. Cái gì thiếu cơ sở, chưa đủ thông tin, thì mình đòi thông tin, lập luận sai thì mình bác. Những cái đó làm cho khoa học phát triển. Chính những lập luận của những người chống gạo vàng đã kích thích các nghiên cứu cải tiến gạo, cũng như các nghiên cứu đi kèm như về dinh dưỡng, về kinh tế (gạo vàng có làm nông nghiệp bền vững không, thay vì nghiên cứu gạo vàng, lấy tiền đó đi trồng cà rốt cho vitamin A có tốt hơn không vv).

Cà-rốt chứa rất nhiều beta carotene, ở những vùng thuận lợi để trồng cà-rốt hơn thì có lẽ không cần gạo vàng

Về thực phẩm hữu cơ, em không ghét mà cũng không thích nó. Không ghét, vì rõ ràng nó tốt cho môi trường thật. Nhưng không thích cũng vì lý do mà chị ghét GMO. Nuôi động vật theo kiểu hữu cơ thì vừa nhân đạo, lại vừa cho sản phẩm ngon. Còn thực vật hữu cơ thì thật ra nó không phải thiên thần như những người sùng bái nó đưa nó lên vị trí đó. Lý do thì em đã ghi trong bài trước.

Ý kiến - Thảo luận

13:10 Monday,18.4.2016 Đăng bởi:  phale
@Đặng Thái: Bạn Xanh cũng có bảo là chưa hữu cơ 100% thịt heo mà, bạn ấy dán nhãn vàng chứ có dán nhãn xanh cho heo đâu. Chỉ là heo không tiêm, không tạo nạc với mấy của nợ kháng sinh thôi.

Nhưng mới đây Xanh có cố gắng giảm thức ăn công nghiệp, thay vào đó là ủ men vi sinh bằng nguồn nguyên liệu địa phương để nuôi heo. Xanh trịnh trọng thông báo là sau khi bớ
...xem tiếp
13:10 Monday,18.4.2016 Đăng bởi:  phale
@Đặng Thái: Bạn Xanh cũng có bảo là chưa hữu cơ 100% thịt heo mà, bạn ấy dán nhãn vàng chứ có dán nhãn xanh cho heo đâu. Chỉ là heo không tiêm, không tạo nạc với mấy của nợ kháng sinh thôi.

Nhưng mới đây Xanh có cố gắng giảm thức ăn công nghiệp, thay vào đó là ủ men vi sinh bằng nguồn nguyên liệu địa phương để nuôi heo. Xanh trịnh trọng thông báo là sau khi bớt đồ công nghiệp và tăng rau cỏ, vi sinh từ nguyên liệu địa phương, heo đã sụt trung bình 10 ký :))

Ngoài ra còn heo của bạn rau sạch thủy canh, heo thả hoàn toàn chẳng có thức ăn chăn nuôi gì hết. Nuôi cả năm được max 30 ký, bé xíu, chân giò nhìn như con cún con, bộ lòng cũng bé tí teo mà ăn ngon lắm. Phải tội bạn này bán sỉ, mua là mua 1/4 con heo về tự chặt ra chứ mua lẻ không bán.

Ngoài ra còn heo hữu cơ xuất Nhật bên VG Food và Organik, tất nhiên dừng ở mức hữu cơ không GMO và hóa chất thôi chứ bảo heo nuôi thả đồng cỏ thì không, vẫn phải heo chuồng trại.

Thời đại này cố tới thế, gắng gồng quá đâm mệt mỏi, lăn ra bệnh bây giờ! :)) 
6:44 Monday,18.4.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Mời những ai quan tâm đến thực phẩm biến đổi gen cùng xem chương trình "Thực phẩm biến đổi gen" của chuyên mục "Nhìn từ Hà Nội" VTV4:
https://www.youtube.com/watch?v=-u4Tbc5IjLA

Trong chương trình có phỏng vấn nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân, người tiêu dùng đều rất khách quan, và quan trọng hơn cả là nói về thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam (1 trong 28 nư
...xem tiếp
6:44 Monday,18.4.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Mời những ai quan tâm đến thực phẩm biến đổi gen cùng xem chương trình "Thực phẩm biến đổi gen" của chuyên mục "Nhìn từ Hà Nội" VTV4:
https://www.youtube.com/watch?v=-u4Tbc5IjLA

Trong chương trình có phỏng vấn nhà khoa học, nhà quản lý, người nông dân, người tiêu dùng đều rất khách quan, và quan trọng hơn cả là nói về thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam (1 trong 28 nước trồng GMO trên thế giới). Đồng thời có luôn câu trả lời cho Pha Lê về thức ăn chăn nuôi: "90% bắp nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam là biến đổi gen", tức là lợn ở Xanhshop (và trên thị trường) đều ăn ngô biến đổi gen là cái chắc.

Chuyên mục "Nhìn từ Hà Nội" này nói nhiều vấn đề rất hay (mỗi tội đặt cái tên hơi chán), trong đó có cả nông nghiệp hữu cơ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả