|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamSao không kể một câu chuyện thời thượng? 15. 04. 10 - 10:26 amNguyễn Hoàng Diệu ThủyNOT MEMORY Bùi Gallery, 23 Ngô Văn Sở, Hà Nội
Với triển lãm Not memory, không thể nghi ngờ Hà Mạnh Thắng là một phong cách độc đáo với. Những sắc màu chói chang, hình ảnh, trật tự phi lý và những cảm giác mạnh khiến Not memory trở thành một câu chuyện thời thượng, thấm đẫm chất đương đại với nhịp sống tốc độ, cái phồn tạp màu mè của văn hoá tiêu dùng. Ký ức vẫn hiện diện, nhưng với một dáng vẻ hết sức thời trang, khiến phải bật cười. Nhưng cười xong thì ta bị cuốn vào mênh mang những suy nghĩ về quá khứ, lịch sử, về hiện tại, về cá nhân, về sự biến đổi và thái độ của con người. * *Rất thú vị là khi xem tranh của anh người ta bắt gặp những hình ảnh quen thuộc thấy ở khắp nơi, các tấm hình phổ biến trên sách báo, những nhân vật hoạt hình cho đến một đứa trẻ miền quê cũng biết, các logo quảng cáo nhan nhản…, có thể tạm gọi đó là các motif phổ biến. Vì sao điều gì chúng thu hút sự quan tâm của anh đến vậy? – Điều này có được trong quá trình làm việc của tôi, vừa như tình cờ, vừa như có chủ ý. Trong khi sáng tác, họa sỹ cũng đi tìm cho mình các nguyên liệu, và khi tôi tìm đến những bưu ảnh cũ, vài tấm ảnh quen thuộc hì ngoài giá trị về mặt lịch sử, tôi còn lờ mờ thấy những ý nghĩa đằng sau chúng. Chúng cuốn hút tôi. Tôi cố gắng liên kết các chuỗi câu chuyện kéo dài ở lịch sử đất nước chúng ta trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX cho tới cuối thế kỉ XX, thì đó là một câu chuyện dài bất tận liên tục, liên tục hối thúc tôi phải thay đổi, phải làm một điều gì đó khác hơn trong công việc sáng tác. Mặc dù lúc đầu tôi chưa thật sự biết phải khác đi thế nào. * …Và rồi anh đã làm khác đi được bằng Not memorry (Không phải là ký ức)? Những cái đã qua mà không phải là ký ức thì nên hiểu thế nào đây? – Có những bài hát của Sài Gòn trước 1975 mà tôi nghe từ thời sinh viên cho đến giờ vẫn thích. Cả thời sinh viên của tôi, và cả những điều nhắc đến trong các bài hát ấy như mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Tôi thấy ở trên đất nước này các sự kiện chồng lên nhau lớp này đến lớp khác, tưởng như tất cả cái cũ đã bị cái mới che phủ nhưng hóa ra không phải. “Ký ức giống như một cái gai nhỏ đâm vào lòng mỗi khi ta nghĩ đến nó”. Tôi thấy chúng vẫn ở đây, vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay, nó là một hiện thực. Thế thì kí – ức – không – phải – là – ký – ức nếu ta muốn nhìn nhận hoặc suy xét lại xem nó đã tác động thế nào đến cuộc đời và tâm hồn mỗi chúng ta. Và tôi chỉ vẽ như tôi đang nghĩ… * Anh đã theo đuổi những motif cũ từ khá lâu, nhưng trong tranh giờ đã thấy một tinh thần khác, nghịch lý, hài hước, phi lý, cả tinh thần phê phán xã hội… Người ta vẫn nhận ra các motif ấy nhưng nó đã rất khác và ở trong một ngữ cảnh khác… – Đúng thế. Ban đầu khi vẽ những motif này tôi luôn cố bám sát tinh thần cũ, nội dung cũ của nó, bám sát câu chuyện ban đầu gợi hứng cho việc phát triển một bức tranh. Nhưng khi lần theo những ý nghĩa đằng sau chúng thì tôi bắt gặp những sợi dây liên hệ chằng chịt, bất tận. Tôi thấy bối rối khi cứ chạy theo những ý nghĩa mơ hồ hay những sợi dây lịch sử trung thực nào đó. Vì nó vẫn nằm trong thói quen quan sát và tư duy. Tôi tự hỏi tại sao không để mọi thứ tự nhiên, đúng trạng thái hiện tại của nó, không suy xét để mang đến những thay đổi về thói quen làm việc, lối tư duy. Và tôi nhận ra khi vẽ lại một bức ảnh cũ thì việc giữ lại nội dung hay đi tìm ý nghĩa của nó không quá quan trọng. Quá khứ là một điều đã qua mà ta không thay đổi được. Vậy thì lật lên lật xuống nó làm gì. Chi bằng thể hiện nó như nó đang hiện diện hôm nay. Hôm nay, các motif, những thứ quá phổ biến, nhan nhản trở thành nhàm chán. Luis Vuitton (LV) là một ví dụ. Một thời gian thấy khắp nơi ai cũng thích xài đồ LV, đến nỗi không biết đâu thật giả, và nó trở thành nhàm chán, một thứ bình dân và người ta nghi ngờ giá trị của nó. Các motif khác cũng thế. Vậy thì ý nghĩa của chúng, hay cố gắng cắt nghĩa chúng chẳng để làm gì. Chi bằng thay đổi cách nhìn chúng, thái độ với chúng. Và tôi gắng tìm ra một cách kể mới. Tôi kết hợp những hình ảnh cũ và phổ biến với những hình ảnh thời thượng, tôi pha trộn các bức ảnh cũ phổ biến của Việt Nam đầu thế kỷ 20, những motif lấy từ truyền thống phương Tây, Trung Quốc hay Nhật Bản, logo của các nhãn hiệu nổi tiếng và hình ảnh cuộc sống đời thường, tôi đặt cạnh nhau những điều mà người ta luôn cho là không thể, để tách lìa một phần lịch sử sang một câu chuyện mới. * Những cái thời thượng như anh nói, LV, chuột Mickey, thú nhồi bông, siêu nhân, thực ra cũng đã cũ rồi. Tôi nhận ra chính câu chuyện anh mới kể, dồn nén cả cũ mới Đông-Tây vào một mặt phẳng hiện tại mới là thời thượng. Và việc dùng những màu thật mạnh, thật rợn cũng nằm trong ý đồ này chăng? – Đúng. Những màu thật mạnh, thật rợn, chói chang và bắt mắt là màu của quảng cáo. Nó xóa nhòa đi khoảng cách giữa hình ảnh nghệ thuật và hình ảnh thương mại, giữa những hình ảnh lịch sử cổ xưa, trang trọng với cái đương thời. Màu của quảng cáo thường bị cho là không thể thích được trong nghệ thuật, không thể dùng cho những thứ nghiêm trang. Thế thì tôi thử dùng xem sao. Cũng vì thế mà gần đây tôi chuyển sang dùng acrilic, vì sơn dầu không có những màu tươi, chói như mong muốn. Buổi khai mạc triển lãm ở Bùi Gallery tôi cũng chia sẻ với người tổ chức ý tưởng làm cho nó thật thời trang, trần phòng trưng bày phủ nhũ vàng, mời hai nhạc sỹ là Phạm Quang Trần Minh và Martin chơi nhạc điện tử thật vui, ăn mặc thật nhộn. * Nếu nội dung và ý nghĩa của các motif không quan trọng thì điều gì là quan trọng? – Quan trọng không phải là tôi đã tạo ra câu chuyện mới trên nền hình ảnh cũ ra sao mà là tôi nhận thay được gì từ điều này. Đó là cảm giác cá nhân mà các hình ảnh nghịch lý mang lại cho tôi: vui, buồn, giận dữ, chán chường, giễu cợt, hay thậm chí căm ghét… Đó cũng là một cách lý giải bản thân mình. Nói thế không có nghĩa phải trả lời được mình là gì, mà mà thấy mình trong công việc đang phát triển, thấy mình đâu đó trong cuộc đời, chứ không cần đáp số, kể cả đến lúc chết. * Có tranh tham gia triển lãm ở Singapore, Đức, được nhắc đến trong cuốn sách “Painting Today” do Phaidon (Anh) xuất bản như một nghệ sỹ đương đại tiêu biểu, được giới thiệu tại The Armory Show ở New York là một họa sỹ tiên phong và đại diện cho các họa sỹ Việt Nam đương đại. Không thể phủ nhận là anh đang trên đà thành công. Cảm giác của anh thế nào? – Vui chứ. Trong công việc cần sự lì lợm, nhưng cũng cần doping cho tinh thần, như việc ra mắt triển lãm, được công bố, xuất hiện ở những chỗ có danh tiếng…Nếu không cuộc sống và công việc sẽ rất nhám chán. * Khi vẽ anh có ý thức tiếp cận với thế giới? – Trong sâu xa tôi cũng có nghĩ đến việc đó. Tranh không thể chi là một “đặc sản địa phương”, nếu vậy nó chỉ tốt cho một vùng miền mà thôi. Khi tham gia một cuộc chơi lớn thì không thể mang một hình thức và nội dung lạc lõng. Nghệ sỹ cũng như một cầu thủ, luôn mong muốn một ngày nào đó được đá bóng ở sân Old Tranford chứ không phải chỉ ở sân cỏ địa phương nơi mình sống. * Anh có kỳ vọng nhiều không khi tranh của mình bắt đầu bước vào các cuộc chơi lớn, các artfair quốc tế? – Hiện tại thì không nhiều lắm. Nghệ thuật Việt Nam xuất hiện lẻ tẻ và ít được chú ý trong cộng đồng nghệ thuật quốc tế. Tranh Việt Nam mới chỉ được chú ý ở khu vực như Hồng Kông, Singapo, Thái Lan.. và những cái tên được nhắc đến nhiều là Lê Phổ (tôi đã xem tận mắt những bức tranh lụa của Lê Phổ, phải nói là đẹp bàng hoàng!), Nguyễn Tư Nghiêm, Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, và hai nghệ sỹ gốc Việt xác lập được cái tên ở quốc tế bây giờ có Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyen Hatsushiba. Để tham gia cuộc chơi lớn đòi hỏi nỗ lực của cá nhân nhưng còn cả nỗ lực của một cộng đồng nghệ thuật ở quốc gia nơi họ sống. * Nghĩa là ở Việt Nam hiện tại chưa có một môi trường nghệ thuật tốt? – Xã hội Việt Nam chưa có một hạ tầng tốt cho nghệ thuật. Thật không ổn khi đến bây giờ vẫn định vị tên tuổi của một họa sỹ bằng việc họ bán được nhiều tranh, kiếm được nhiều tiền, xuất hiện nhiều trên báo. Phải thay đổi dần dần để đến khi nghệ thuật Việt Nam tiếp cận nhiều hơn nữa với cộng đồng nghệ thuật quốc tế, để giá trị của nghệ thuật và thương mại đi cùng với nhau, chẳng hạn ở các Art Fair lớn như Hongkong, Basel, NewYork, các triển lãm quốc tế ở Berlin, Paris, Thượng Hải. Tôi mong đến một lúc nào đó người ta nói nói về tranh như nói về một sở thích, một sự đầu tư, như mua một chiếc ô tô, như thị trường chứng khoán cổ phiếu này lên cổ phiếu kia xuống…Đến một lúc nào xem nghệ thuật và mua nghệ thuật là một phần thói quen trong đời sống. Mua nghệ thuật theo cảm hứng trong đời sống tinh thần, theo kiểu sưu tập, hay đầu tư một tài sản nói chung đều tích cực. Tất nhiên không phải mọi cách mua đều tốt, nhưng nhìn ai đó bỏ ra một khoản tiền lớn để mua một bức tranh thì rõ ràng là nó có một ý nghĩa nào đấy với họ, họ đã có những cân nhắc. Mua một tác phẩm đôi khi cũng là một cách người mua lý giải bản thân, tìm thấy bản thân họ nằm ở nơi đó, hoặc họ cảm thấy ở đó có sự chia sẻ, cảm thấy được xoa dịu về mặt tinh thần. * Xin cảm ơn anh!
(Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn – Bản do họa sĩ gửi)
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|