Chính trị

Kẹo lạc cho họa sĩ: Chị Ấn Độ có gì, em Pakistan có nấy 24. 05. 13 - 8:11 am

Sáng Ánh

Pakistan là một quốc gia Hồi giáo, chẳng những thế mà còn là một quốc gia thành lập trên căn bản đạo Hồi, trước kia ta gọi là Hồi quốc, với Đông Hồi là Bangladesh và Tây Hồi là Pakistan, kẹp giữa là Ấn Độ.

Ali Jinnah (Pakistan) cùng với Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) tại Simla, 1946

Trong cuộc đấu tranh với Đế quốc Anh thì Hồi (do Ali Jinnah lãnh đạo) và Ấn (Nehru lãnh tụ) sát cánh, nhưng khi độc lập (1947) thì người Hồi thành lập một quốc gia riêng. Số dân tộc, ngôn ngữ và tiểu quốc khác nhau tại bán lục địa Ấn lại có nhiều hơn là số phó mát ở Pháp*. Tôn giáo tại đây lại không chừa dân tộc, ngôn ngữ hay khu vực địa lý nào, thế mới nhức đầu. Thiếu nữ quần dài hay là thiếu nữ mặc váy, đàn ông để râu hay là đàn ông nhẵn nhụi, bô lão uống chè hay là bô lão cà phê nơi nhiều nơi ít, nhưng nơi nào cũng có, và lắm nơi còn xen kẽ.

Kền kền và xác các nạn nhân của cuộc bạo loạn tôn giáo, tháng 8. 1946. Cuộc bạo loạn này diễn ra khi Ali Jinnah của Hồi quốc kêu gọi dân chúng biểu tình chống lại Đảng Quốc đại Ấn của người Hindu, do Gandhi và Nehru lãnh đạo. (Wide World, Osborne và Cotler)

Pakistan ra đời với hai phần lãnh thổ, cách nhau 2.000 kilômét, ở giữa lại là Ấn Độ! Trên hai đầu Pakistan, dân chúng đa số là Hồi, nhưng cũng có nhiều người Ấn. Ngược lại, trên phần đất Ấn cũng có không ít người Hồi. Vậy là một cuộc di dân khổng lồ trên căn bản tôn giáo đã xảy ra, kẻ cầm cốc cà phê về Buôn Mê, người ôm ấm trà trở về Thái, giữa đường gặp nhau lại choảng vỡ đầu, kẹo lạc và bánh ngọt rơi vung vãi tạo thành một cảnh tượng hãi hùng. 10 -15 triệu, cả hai chiều, thảy đều bỏ nước đang sôi trên bếp mà đi. Nhưng con số ở lại cũng không phải là ít. Tại Ấn Độ ngày nay vẫn còn 130 triệu người theo đạo Hồi (14% dân số) và tại Pakistan các thiểu số không theo đạo Hồi là 7%, tại Bangladesh là 10%.

Người Hồi tị nạn đi ngang một nấm mộ chôn nông của những nạn nhân trong một cuộc tấn công của người Sikhs. Ảnh: Margaret Bourke-White.

Với các bang tự trị (tức vương quyền) thì được tự chọn, nhưng bang Kashmir giữa hai nước, tuy vương quyền Ấn Độ giáo nhưng dân chúng thì Hồi giáo nên lại chọn Ấn Độ, và đến nay vẫn là vấn đề tranh chấp giữa hai bên. Bang Junagadh, ngược lại, vương quyền Hồi và dân chúng Ấn nên chọn Pakistan, nhưng vị trí địa dư lại lọt thỏm giữa các vùng đất Ấn và đành để Ấn chiếm. Thủ tướng bang này vào ngày đó, là một ông Shah Nawaz Bhutto. Nhà có phúc, con ông hơn cha, về sau trở thành Chủ tịch đảng, Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto. Cháu nội ông là bà Benazir Bhutto.

Ảnh chụp ngày 28. 6. 1972, ở Simla, Ấn Độ: Tổng thống Pakistani Zulfikar Ali Bhutto bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, bên cạnh là con gái ông – Benazir Bhutto. Học tại Oxford và Harvard, bà Bhutoo trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của một nước Hồi giáo, vào năm 1988. (Ảnh và chú thích: U.S. News)

Ngôn ngữ chính thức của Pakistan là Urdu, trên thực tế chỉ có 8% dân số Pakistan hiểu được. Ngôn ngữ chính thức này, ngay cả cố lãnh tụ Ali Jinnah – người thành lập Hồi quốc – cũng không sõi. Khi chấm dứt bản tuyên ngôn độc lập (bằng tiếng Anh), Ali Jinnah** hô “Pakistan muôn năm!” bằng tiếng Urdu là “Pakistan Zindabad!”. Câu này ông phát âm tệ đến nỗi người nghe tưởng là ông hô “Pakistan is in the bag!” tức Pakistan đã ở trong túi rồi.

Alin Jinnah đọc tuyên ngôn độc lập ngày 1. 7. 1948. Hai tháng sau, vào ngày 11. 9. 1948, ông qua đời.

Phía Đông của Pakistan cũng Hồi giáo nhưng xa vời, dân tộc và ngôn ngữ lại là Bengali, sau 20 năm ở trong túi lại bò ra khỏi, để trở thành một quốc gia Bangladesh thế tục và độc lập, nhưng không tránh khỏi một cuộc chiến lại cũng đẫm máu với chính quyền trung ương ở mãi tận phía Tây, tất nhiên là với sự trợ giúp của Ân Độ (chiến tranh 1971).

Như vậy, về mặt đối ngoại, chủ yếu là quan hệ với nước anh em là Ấn Độ, thì Ấn Độ có gì Pakistan có nấy và chậm hơn một chút thôi. Ấn Độ có nữ thủ tướng thì Pakistan cũng có nữ thủ tướng. Ấn Độ có nữ thủ tướng là con của thủ tướng (bà Gandhi là con ông Nehru) thì Pakistan cũng thế luôn. Ấn Độ có nữ thủ tướng bị ám sát thì Pakistan cũng có nữ thủ tướng bị ám sát vậy. Ấn Độ có bom nguyên tử thì Pakistan cũng phải có. Múa rốn thì có lẽ Pakistan còn có trước và khác một chút ở điểm này. Ấn Độ là một quốc gia có quân đội trong tay, còn Pakistan (đến giờ này) là một quân đội có quốc gia trong tay.

Đối với Tây phương thì Pakistan ở một vị trí chiến lược, đặc biệt với Hoa Kỳ trong “Chiến tranh chống khủng bố”, tuy chiến tranh chống khủng bố chỉ là một chiến thuật phục vụ cho chiến lược toàn cầu của siêu cường này, chứ không phải vì tôi siêu cường nên tôi phải chống khủng bố. 2014 là hạn rút quân Mỹ ở Afghanistan, cho nên vai trò của Pakistan là trọng yếu, nhất là vai trò của quân đội nước này. Hiện ở mức thụt lùi hết biết (dưới cả Việt Nam về GDP đầu người khoảng 10%), nhưng Pakistan có một tiềm năng phát triển mạnh trong khu vực nếu theo đà, thì hỡi ôi, cũng lại của Ấn Độ chứ còn của ai.

Cờ Pakistan

*
Thôi, biết chừng đó thôi đã. Và để giải trí (uống chè mà), thì kể chuyện sau đây xảy ra vào thời Taliban còn cai trị Afghanistan. Taliban thì rất khó tính, cái gì cũng bực mình, cấm nghe nhạc, cấm thả diều, cấm chụp hình, treo ảnh linh tinh. Một hôm lãnh đạo tối cao của Afghanistan là pháp sư độc nhãn Omar sang Pakistan họp. Nhắc lại, cha đẻ của phong trào Taliban là cơ quan tình báo ISI của Pakistan (do quỹ của Saudi và Hoa Kỳ tài trợ). Vào phòng họp, Omar quen thói gắt gỏng, mắng ngay sao ở đây lại treo ảnh, gỡ xuống! Khiến phía tình báo ISI phải giải thích, đây là ảnh của lãnh tụ Ali Jinnah nhé và công sở nào cũng có; vả lại, tôi là bố anh chứ không phải con anh nghe chưa, và may cho anh là chưa có ảnh của Veena Malik!

Pháp sư Omar

(Nữ diễn viên người mẫu Pakistan này lên bìa của tạp chí FHM ở Ấn Độ mà trên người chỉ mặc có mỗi hàng chữ xăm tay “ISI”. Qúy vị khăn trùm bên nhà công phẫn, cho là nhục quốc thể. Cô bèn chối, bảo là có mặc quần đùi lúc chụp, khiến tờ FHM phải đeo vào cho cô trên bìa một cái túi đạn. Túi đạn thì ông Omar thích lắm, chắc nhìn ảnh này ông chỉ thấy có nó và hàng chữ “ISI” mà sáng con mắt còn lại.)

Veena Malik trên bìa FHM (nguyên gốc).

 

Veena Malik trên bìa FHM (đã được đeo thêm túi đạn)

Mà cởi truồng thế thì ăn thua gì. Tới bà Benazir Bhutto, tức mẹ đỡ đầu của các phong trào kháng chiến chống Liên Xô của Afghanistan, có thủa còn tồng ngồng nơi cộng cộng, như tích “thích nghỉ mát ở Cap d’Agde” của bà cho biết. Thị xã miền Nam nước Pháp sống động ấy, vào mùa hè không có tình báo mà chỉ có “cảnh sát quần áo”. Các chiến sĩ này chỉ có mũ đội trên đầu và nhiệm vụ là nhắc nhở gay gắt (không kém Pháp sư Omar), kìa những ai đến thị xã này đều phải cởi hết ra! Tụt xuống ngay!

Nhưng quan tâm hiện nay của quần chúng Pakistan không phải là tình trạng thiếu vải mà là một nền kinh tế thảm hại, thiếu điện và thiếu nhiên liệu đến nỗi có nơi mất 12 tiếng một ngày và hàng triệu xe con, xe máy (dùng ga) phải nằm nhà. Quốc nạn không phải là Hồi giáo quá khích mà là bộ máy chính quyền tham nhũng quá khích. Ở đây lại so sánh một chút, nếu Taliban không thích nghe nhạc, xem hình, thì họ cũng không thích vàng bạc nữ trang hay xe con khủng, cho nên chế độ Taliban khi cầm quyền ở nước láng giềng Afghanistan là chế độ trong sạch nhất. Không hề có viên chức Taliban nào muốn sắm Iphone cho vợ con hay cảnh sát giao thông Taliban kiếm tiền trà nước bằng cách phạt người cỡi lừa không dùng mũ bảo hiểm; không hề có lãnh đạo Taliban nào dấm dúi ngân hàng hay sậm sật sàn chứng khoán (Hồi giáo rất khắt khe chuyện cho vay lấy lãi).

Cho nên thành công tương đối của Imran Khan trong kỳ bầu cử Pakistan năm nay cũng nhờ hình ảnh chống tham nhũng, văn minh và pháp quyền của đảng Công lý, mặc dù ông không có tiền sử ba hay bảy đời cha ông vững mạnh, hay một địa phương hậu cứ với một đội quân tá điền một mực trung thành. Trong quốc hội kỳ trước, đảng Công lý của ông chỉ được có 1 ghế, kỳ này có những 30, cho nên có thua thì cũng là tăng trưởng gấp 30 lần.

Ngược lại, tuy ông tai tiếng nhiều về nhũng lãm, chiến thắng của Nawaz Sharif trong kỳ bầu cử năm nay lại là chiến thắng trước hết của những hứa hẹn cải thiện nền kinh tế. Ông thuộc giai cấp tư sản kỹ nghệ (thép) chứ không phải phong kiến; làm giàu từ trong nước sang đến Saudi, và hiện là hy vọng của quần chúng trong một chu kỳ phát triển sắp tới. Cử tri tin rằng biết đâu sẽ nhờ cái tài xoay trở của ông mà cả nước bớt đói?

Nawaz Sharif

Chú thích:

* Theo tướng De Gaulle, ai mà cai trị được một nước có đến 300 loại phó mát.

** Jinnah toan dùng Junagadh (cho Ấn) đổi lấy Kashmir (về cho Pakistan) nhưng không được.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:46 Friday,24.5.2013 Đăng bởi:  văn minh

thật mà nói thì tôi hay đọc SOI, đúng là bài viết vừa đấm vừa nén


...xem tiếp
22:46 Friday,24.5.2013 Đăng bởi:  văn minh

thật mà nói thì tôi hay đọc SOI, đúng là bài viết vừa đấm vừa nén

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi xam xám giữa copy và biến cải

Daniel Grant - Ngọc Trà dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả