Bàn luận

Tức thật, theo truyền thống là theo thế nào? 19. 08. 10 - 2:46 pm

Thảo Hảo

 

Giờ thì cái việc mọi người đoán là sẽ xảy ra đã xảy ra: báo đã đăng về màn trình diễn của Lại Thị Diệu Hà, nhưng kèm theo ý kiến của Sở VH-TT-DL Hà Nội và của Cục Nghệ thuật Biểu diễn.

Ý kiến của ông Nguyễn Đức Bình (thuộc Sở), thuần túy thuộc hành chính, tức việc biểu diễn đã được cấp phép hay chưa…, thôi ta không nên bàn. Đó là việc của Nhà Sàn, như một cơ sở có đăng ký.

Nhưng ý kiến của ông Phạm Đình Thắng (thuộc Cục) thì đúng là chối không chịu được.

Theo báo Đất Việt, ông bảo, “Dù là nghệ thuật trình diễn đương đại hay cái gì đi nữa thì cũng phải đảm bảo tính định hướng, truyền thống văn hóa của dân tộc. Hiện nay, hoạt động này thuộc vào quy chế hoạt động chuyên nghiệp, mặc dù nó mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng không thể thả nổi được.”

Nhớ lại, từ hồi cụm từ đậm đà bản sắc dân tộc ra đời (cho đến nay được khoảng 5 năm?), nó đã bị lạm dụng trong mọi hoàn cảnh có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật. Hồi ấy dùng cụm từ ấy là đúng mốt, thì giờ đây dùng cụm từ ấy có phần lỗi mốt, phải đổi đi một tí, nhưng quanh quẩn vẫn là lấy truyền thống dân tộc ra như một con ngoáo ộp để hù dọa và để gỡ bí.

Bản chất của ngoáo ộp là gì? Là không thấy mặt mũi. Là để dọa kẻ còn non.

Bản sắc dân tộc Việt Nam, mặt mũi nó là gì? Mời một quan chức văn hóa ra, e rằng vặn một vài câu ngài cũng khó trả lời trôi chảy. Chắc đến 99% là trong đầu chỉ hiện lên những thứ hữu hình rất bề nổi, thí dụ khăn đóng, áo dài, cờ ngũ sắc, trống đánh thùng thùng (nên lễ hội nào cũng phải có đủ những thứ này); cao hơn một tí là lờ mờ những khối “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, thì những “khối” này dân tộc nào chẳng có, nếu không nói là còn hơn ta!

Hồi ấy người viết được nghe một người thầy giảng, là nước Nhật cứ để người Nhật tha hồ muốn tự do, bạo liệt như Tây, vì thách anh đấy, chẳng bao giờ anh thành Tây được, cái mũi anh thấp thế này, cái mắt anh bé thế kia, da anh vàng vàng… Anh cứ bắt chước Tây cho kịch tường đi cũng chẳng thành Tây. Bản sắc của anh nằm trong ADN, trong từng tế bào da, tế bào máu. Anh cứ tha hồ đi đến cùng để nhận ra rằng có một sợi dây giật anh về lại, lúc đó anh mới biết về căn cơ mình là gì, mình có gì, mình khác gì so với người ta…

Đằng này ta cứ hễ vừa mới làm gì là có người giơ ngoáo ộp truyền thống dân tộc ra dọa. Như đứa trẻ vừa mới bước vài bước vào vùng tối là bố mẹ lôi ra ngay, khiến đứa trẻ luôn luôn tò mò về vùng tối đó, và thế là chẳng đi xa cũng chẳng về gần.

Ông Phạm Đình Thắng nói màn trình diễn “phải đảm bảo tính định hướng, truyền thống văn hóa của dân tộc”. Cụ thể nhé, theo ông, Diệu Hà là người Việt Nam thì phải cởi yếm à? Hay cởi khăn vấn? Hay vừa cởi vừa nhai trầu? Hay là hoàn toàn không được cởi? Viện đến truyền thống, thế những lễ hội truyền thống của ta giờ đây đang phục dựng thì có quá là cởi không? Lễ linh tinh tình phộc ấy, diễn ra cách đây vài tháng đấy, truyền thống hẳn hoi nhé, có gấp trăm lần cô Diệu Hà không?

Thà rằng nói chuyện hành chính, cái này vi phạm vì giấy phép, cái kia vi phạm về giờ mở cửa, cái nọ vi phạm độ hở hang, độ cồn…, thì còn biết đường mà lần. Đằng này cứ lôi cụm từ mà bản thân cũng mù mờ vào, biến mọi chuyện thành không còn đường biên thì quả là hết sức vô trách nhiệm. Trên nghe cũng thông mà dưới (không) tường cũng sợ.

Khi đất nước mở cửa hơn, mọi việc ngày càng thoáng hơn, đó là cái tốt mà chúng ta cũng nên nhìn ra. Nhưng để sẵn sàng với việc mở cửa đó, các quy chế nên chặt chẽ, để xử thì cứ chiếu theo mà xử, cũng không ai kêu ầm lên được là bị làm khó. Nhưng cũng nên tránh cho xa những cụm từ mơ màng, lấy những thứ vô hình như “ma” ra đè những vụ việc cụ thể, đó không phải là lối hành xử thích hợp và khôn ngoan của người cầm cân trong một thời nhiều thách thức.

Ý kiến - Thảo luận

1:25 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Theo truyền thống không có nghĩa là phải cầm đèn thắp nhang tôn thờ cái Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trường DHMTHN, DHMTCN, DHSPNHTW, DHSPHN, và một số tổ chức khác, mà phải mở đường mà đi cứu nước, đi cùng ta là bạn, đi sau ta là em, đi trước ta là lòng yêu tổ quốc, yêu nghệ thuật chỉ có thế mới mang lại những điều mới mẻ và phong phú cho nghệ thuật nước nhà.
...xem tiếp
1:25 Sunday,7.8.2011 Đăng bởi:  NGUYỄN HỒNG SƠN
Theo truyền thống không có nghĩa là phải cầm đèn thắp nhang tôn thờ cái Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trường DHMTHN, DHMTCN, DHSPNHTW, DHSPHN, và một số tổ chức khác, mà phải mở đường mà đi cứu nước, đi cùng ta là bạn, đi sau ta là em, đi trước ta là lòng yêu tổ quốc, yêu nghệ thuật chỉ có thế mới mang lại những điều mới mẻ và phong phú cho nghệ thuật nước nhà. 
5:17 Friday,10.6.2011 Đăng bởi:  Giời Ơi
Những gì đang diễn ra như Thảo Hảo tường thuật chính là bản sắc dân tộc đấy. Người Việt thường rất ghét những thứ mình không hiểu được, những việc mình không làm được, những món mình không ăn được, những trò mình không chơi được. Tớ cho rằng những người lãnh đạo ngành văn hóa có đầy đủ phẩm chất người Việt (của hai thế kỉ trước)mà không phán
...xem tiếp
5:17 Friday,10.6.2011 Đăng bởi:  Giời Ơi
Những gì đang diễn ra như Thảo Hảo tường thuật chính là bản sắc dân tộc đấy. Người Việt thường rất ghét những thứ mình không hiểu được, những việc mình không làm được, những món mình không ăn được, những trò mình không chơi được. Tớ cho rằng những người lãnh đạo ngành văn hóa có đầy đủ phẩm chất người Việt (của hai thế kỉ trước)mà không phán thế mới lạ. Riêng chuyện này thì họ có tiến bộ so với đồng bào mình. Nghĩa là nói ra cái điều mình ghét. Nhưng như thế thì lại mắc vào lỗi truyền thống "ghét để bụng" của dân mình. Hoan hô lãnh đạo! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả