Soi học

Phật giáo qua tranh: 8 điều kiện để thành Bồ tát 22. 11. 15 - 12:43 pm

Diệu Vợi tổng hợp

.

Bồ tát Quán Thế Âm thiền định trên đảo. Hình từ trang này

Hồi trước có một lần gặp một bạn lên chùa cúng Phật, bạn nhìn bức tượng Quán Thế Âm và hỏi: “Vì sao lúc thì gọi là Phật bà Quan Âm, lúc lại gọi Bồ tát Quán Thế Âm?”

Đây cũng là câu hỏi của nhiều người đặt ra, và xin phép được “gỡ” một cách từ từ, đơn giản nhất, và đa phần dựa trên các tài liệu có sẵn, gần như không có cái gì là do người thực hiện bài này tự nghĩ ra được. Trong lúc gỡ, có điều chi khác biệt, xin các bạn cùng góp vào cho rộng đường thông tin.

Câu hỏi này cũng xin được đi thành nhiều kỳ. Kỳ đầu tiên là về chữ “Bồ tát”.

*

Một vị Bồ tát dẫn một người phụ nữ cúng dường về nơi Cực Lạc. Tranh lụa cuối đời Tống.

Chữ “bồ tát” nguồn gốc từ tiếng Phạn, dịch âm ra đầy đủ là bodhisattva (đọc là “bô-đi-sạt-va”), tức “bồ đề tát đỏa”

Theo Thư viện Hoa sen, bồ đềgiác, “tát đỏa” là hữu tình. “Bồ tát” là “giác hữu tình”, tức là “loài hữu tình có giác ngộ”.

Giác ngộ đây không phải là giác ngộ cách mạng thưa các bạn, mà giác ngộ được cái chân lý “đời là bể khổ” (là cái câu mà các đại bàng vẫn xăm trên mình), rằng nỗi khổ đó không từ một ai, rằng cái gì cũng có thể mang lại khổ cho chúng sinh, có cũng khổ mà không cũng khổ, sinh cũng khổ mà tử cũng khổ…

Nhưng không phải như chúng ta khi ăn uống no say thì kêu thích quá vui quá, khi mất tiền mất việc thì kêu đời sao mà khổ quá, giác ngộ của chữ bồ tát là một sự giác ngộ thường trực về cái “khổ” trong mọi hành động, trong cả kiếp sống, không phải chỉ kiếp sống của mình, mà của cả người khác, loài khác, tưởng như không liên quan đến mình.

Tượng Quan Thế Âm bồ tát. Sa thạch, 550-560, Trung Quốc

Cao hơn nữa, giác ngộ ở cấp độ bồ tát không chỉ nhận biết về cái “khổ” luôn tồn tại, mà còn là thương lấy tất cả những kẻ đang chịu cái khổ đó. Và không phải như chúng ta chép miệng “thương quá” một cái rồi quên, cái thương xót của bồ tát là mức sâu sắc, đến mức quyết phải giải thoát cho kẻ đang phải chịu cái khổ ấy, dù kẻ ấy là người, là thú, là ma, hay là côn trùng…  tóm lại là tất cả “chúng sinh”.

Nhưng chừng đó thôi đã có thể gọi là bồ tát rồi sao? Sao mà dễ dàng vậy?

Đó mới chỉ là bản chất của chữ “bồ tát”, đặc tính của chữ ấy. Ai có sự giác ngộ nói trên, có sự sẵn lòng hy sinh để cứu người khỏi khổ thì gọi là có “tâm bồ tát”. Anh có thể có tâm bồ tát, tôi cũng thế, nhưng chúng ta vẫn còn là những chúng sinh hữu tình “thỉnh thoảng” giác ngộ. Còn trở thành một vị Bồ tát (viết hoa) thực sự thì nằm ở mức độ thực hành và ý định, chúng ta sẽ bàn kỹ sau.

Phật A Di Đà trùm ngọn núi. Bên trái là Đại Thế Chí bồ tát, bên phải là Quán Thế Âm bồ tát. Tranh lụa thời Kamakura (Nhật). Hiện ở đền Zenrin-ji (Kyoto). Hình từ trang này


Ai có thể thành Bồ tát?

Gọi theo ngôn ngữ thông thường, Bồ tát là một “cấp bậc”, một giai đoạn bắt buộc phải trải qua trước khi thành Phật. Giai đoạn này không thể rút ngắn được và bị ràng buộc bởi những điều kiện rất ngặt nghèo. Thí dụ, theo nhiều tài liệu dẫn kinh sách của Phật giáo nguyên thủy, người muốn trở thành Bồ tát cần hội đủ 8 điều kiện sau, mà điều kiện số 4 và số 8 trong bảng này là khó nhất, cũng như điều kiện số 2 là “khó xử” nhất:

1.     Phải là người đang sống ở cõi nhân gian
2.     Phải là đàn ông
3.     Phải là người tu xuất gia
4.     Phải có năm pháp thần thông (là Thần túc thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, có nghĩa là “tới được hết, thấy được hết, nghe được hết, hiểu được hết, thấu mọi kiếp”. Năm pháp thần thông này phải tu tập và thiền định mới có, không phải bẩm sinh). Ngoải ra phải thông suốt tám tầng thiền
5.     Phải quyết chí trở thành Phật
6.     Phải quyết từ bỏ tất cả, kể cả thân mình, vì Phật
7.     Trong kiếp tu đó, dù có được trở thành Alahán cũng phải từ chối, tiếp tục chuyển sang kiếp khác để tu
8.     Phải phát nguyện trước một vị Phật tại thế, và được vị Phật ấy xác nhận đủ phẩm chất là Bồ tát.

Địa Tạng bồ tát và 10 vị vua (Thập điện diêm vương) ở địa ngục. Tranh cổ 1799 của Hàn Quốc. Hình từ trang này

Muốn thành Phật phải rất khó…

Khi đã được vị Phật tại thế xác nhận đủ phẩm chất để là Bồ tát rồi, muốn tiến lên thành Phật, một vị Bồ tát phải trải qua thực hành 10 Ba-la-mật.

Mười Ba-la-mật là 10 phẩm chất: bố thí, giữ giới, xuất gia, có trí tuệ, tinh tấn, biết nhẫn nhục, chân thật, kiên định, từ bi, hỉ xả. (Hẳn có ai đó đang nghĩ: “Dễ thế nhỉ, khó mỗi điểm phải ‘xuất gia’!”)

Nhưng thưa bạn, muốn thành Phật thì cũng 10 Ba-la-mật trên, vị Bồ tát phải thực hành ở mức độ cao nhất. Có người đã ví thế này: người thường chúng ta khi làm 10 điều trên bao giờ cũng giữ lại cho mình một phần (nếu không nói là phần nhiều), Bồ tát thì không giữ gì cho mình cả. Thí dụ ta có tâm bồ tát đấy, nhưng ta có nhảy vào lửa cứu người thì vẫn giữ sao cho ta không bị thương nặng, nếu ước lượng thấy nguy hiểm có thể mất mạng thì ta đành bó tay dừng lại và thương xót kẻ bị lửa cướp đi. Bồ tát thì quên hẳn bản thân, có thể bỏ cả tính mạng để người kia được sống. Hay như ta có tâm bồ tát đấy, ta khá giả, mỗi tháng trích ít lương ra làm từ thiện đều đặn, thế cũng là tốt lắm. Nhưng một vị Bồ tát thì khi cần sẽ dốc tất tần tật để cho, cả vương quốc, cả vợ, cả con, cả bản thân, không tiếc gì cả. Người ta nói Bồ tát thực hành 10 Ba-la-mật không như ta rót nước nhón nhén thể nào cũng chừa lại một ít. Bồ tát thực hành ở mức cùng cực, như úp ngược bát nước xuống, không còn lại cho mình một giọt nào.

Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi. Hình từ trang này

Muốn thành Phật phải rất lâu

Nhưng không phải cứ thực hành 10 Ba-la-mật cùng cực như thế trong một kiếp là xong, là thành Phật, mà vị Bồ tát phải thực hành như thế liên tục suốt một thời gian rất, rất, rất lâu trong cõi đời đầy khổ ải này, qua nhiều kiếp, mỗi kiếp là một cảnh đời.

Nói “lâu”, nhưng cụ thể là bao lâu?

Người ta bảo, thời gian đó từ 4 tới 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, tùy theo loại Bồ tát nào và trở thành loại Phật nào.

A-tăng-kỳ là một đơn vị đo thời gian, được Đức Phật giảng cho một vị tì kheo như sau: có một khối đá vuông, cạnh 1 do tuần (khoảng 16km). Cứ 100 năm có một người lấy tấm lụa mỏng quét vào khối đá ấy. Thời gian để khối đá ấy mòn sát đất gọi là 1 A-tăng-kỳ

Hai bên Phật là hai vị Bồ tát: Văn Thù bồ tát bên tay phải cưỡi sư tử, Phổ Hiền bồ tát cưỡi voi.

Còn “đại kiếp” là một chu kỳ 4 thì “thành, trụ, hoại, không”, từ khi trái đất hình thành những thành phần đầu tiên, cho tới khi nó tan vào hư không, rồi xuất hiện thành phần đầu tiên của một địa cầu mới. Đại kiếp là kiếp của của địa cầu.  Trong một đại kiếp, vị Bồ tát kia có thể sẽ trải qua hằng hà kiếp sống…

Thế mà phải mất ít nhất là 4 A-tăng-kỳ (tức mòn 4 khối đá kia) và 100.000 đại kiếp thực hành liên tục 10 Ba-la-mật không gián đoạn, luôn tinh tấn, thì một vị Bồ tát mới thành Phật, đủ biết là công phu đến nhường nào, và thảo nào chỉ có khoảng chục vị Bồ tát “mấp mé thành Phật” hoặc đã thành Phật nhưng vẫn muốn ở lại làm Bồ tát, trong đó có ngài Quán Thế Âm của chúng ta.

*

(Còn tiếp)

 

*

Phật giáo qua tranh:

- Phật giáo qua tranh: Chọn trung đạo, đến dưới cây bồ đề

- Phật giáo qua tranh: Thần Đất, con gái Ma Vương… phe nào cũng lộng lẫy

- Phật giáo qua tranh: phật A Di Đà và phật Thích Ca: là hai hay là một?

- Phật giáo qua tranh: Ao ngòi ở
Tây Phương Cực Lạc

- Phật giáo qua tranh: 8 điều kiện để thành Bồ tát

- Phật giáo qua tranh: Một câu chuyện của Bồ tát từng ra gây rất nhiều tranh cãi

- Phật giáo qua tranh: Lời nguyện ở lại của Bồ tát

- Phật giáo qua tranh: Nhìn hoa sen và nhành dương để nhận ra bộ ba đến từ Tây Phương

- Phật giáo qua tranh: Nhìn mãnh thú để nhận ra Thích Ca tam tôn

Ý kiến - Thảo luận

18:26 Tuesday,12.4.2022 Đăng bởi:  Mai Hoa
Nhật Hoàng thân mến, mình nghĩ điều kiện phải là đàn ông vì làm thân nữ là thân không chủ động được nhiều thứ (bị ép uổng, có thai, có con...) khiến cho mối duyên nợ cứ lằng nhằng ra mãi. Làm thân đàn ông thì tự mình quyết được thân mình. Không hiểu nghĩ thế có đúng không nữa :-)
...xem tiếp
18:26 Tuesday,12.4.2022 Đăng bởi:  Mai Hoa
Nhật Hoàng thân mến, mình nghĩ điều kiện phải là đàn ông vì làm thân nữ là thân không chủ động được nhiều thứ (bị ép uổng, có thai, có con...) khiến cho mối duyên nợ cứ lằng nhằng ra mãi. Làm thân đàn ông thì tự mình quyết được thân mình. Không hiểu nghĩ thế có đúng không nữa :-) 
0:38 Tuesday,12.4.2022 Đăng bởi:  nhật hoàng.
con có thắc mắc về điều kiện " phải là đàn ông " trong công cuộc tu thành Phật của một vị Bồ tát. Theo như con tìm hiểu trong các văn bản của các tôn giáo khác cũng như nghiên cứu của con người chứng nghiệm về siêu thức, thì linh hồn chúng ta luôn mang bản dạng "tính nam và tính nữ" song hành trong thể hồn, còn tính sinh học của cơ thể chỉ tồn tại ở nhân gian mới
...xem tiếp
0:38 Tuesday,12.4.2022 Đăng bởi:  nhật hoàng.
con có thắc mắc về điều kiện " phải là đàn ông " trong công cuộc tu thành Phật của một vị Bồ tát. Theo như con tìm hiểu trong các văn bản của các tôn giáo khác cũng như nghiên cứu của con người chứng nghiệm về siêu thức, thì linh hồn chúng ta luôn mang bản dạng "tính nam và tính nữ" song hành trong thể hồn, còn tính sinh học của cơ thể chỉ tồn tại ở nhân gian mới chia ra giới tính đực, cái. Vậy tại sao lại đề ra một điều kiện vô lý với cơ thể (hay vô nghĩa với bản thể linh hồn vì phần hồn vốn dĩ không phân chia giới tính). Mong sẽ đón nhận được sự giải đáp cho nan đề này ạ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

10 bí quyết để trở thành
Họa sĩ Đói Dài

Kinh nghiệm của Lynn Basa – Lê Quảng Hàm st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả