Nghệ sĩ thế giới

Cuộc cắt giảm tài trợ nghệ thuật lớn nhất ở Úc: 65 anh hùng lao đao 16. 05. 16 - 8:27 am

Từ Jana Perkovic - Hoa Hoa lược dịch

 

.

Hội đồng Úc – cơ quan phụ trách việc tài trợ các ngành nghệ thuật của Úc, vừa thông báo một danh sách khiến lắm người buồn.

Trong lúc 128 tổ chức may mắn lọt vào chương trình tài trợ 4 năm, thì 65 tổ chức lần trước được nhận nhưng lần này rớt đài. Cuộc cắt giảm này được gọi là “tệ nhất trong một thế hệ”. Trong số các “nạn nhân” có:

– Trung tâm Nhiếp ảnh Đương đại
– Quỹ Nghệ thuật Thử nghiệm Úc
– Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Nam Úc
– Không gian Nghệ thuật Đương đại Canberra
– Hội Nghệ thuật Thị giác quốc gia
– Trung tâm Thiết kế Úc
– Hội Thủ công Queensland
– Biennale của Sydney
– Biennale của Adelaide
– Next Wave (một festival cho các nghệ sĩ thử nghiệm và đang lên ở mọi lãnh vực)
– Tạp chí Nghệ thuật Úc (ra hàng tháng)

Ballet Lab của Phillip Adams là một trong những công ty nghệ thuật có hồ sơ đẹp nhưng lần này cũng đã bị mất nguồn tài trợ. Ảnh của Jeff Busby

Việc cắt giảm này đặc biệt ảnh hưởng tới các loại hình vốn phụ thuộc vào tài trợ công. Nếu có $300,000/năm, một tổ chức cỡ vừa có thể trang trải chi phí vận hành, tổ chức triển lãm cho các nghệ sĩ độc lập…

Trong lãnh vực nghệ thuật trình diễn, nhiều tên tuổi lớn cũng rớt đài, như đoàn Ballet Lap của Phillip Adams rất nổi tiếng, hay nhà hát vũ kịch trẻ Arena… Nhiều tổ chức từng đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển nghệ thuật Úc, cũng rớt, như PACT là một trung tâm nghệ thuật trình diễn suốt 52 năm liền tù tì nhận tài trợ, nhà hát Arena thì 50 năn, hay tạp chí văn học Meanjin 76 năm… mà nay cũng mất.

“Việc cắt giảm này gây ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng, đúng như các ngành nghệ thuật đã lo sợ, và sẽ gây ra những tổn thất không sửa chữa được cho khối nghệ thuật,” Hội đồng Nhà hát Liên bang Úc đã nói (như dọa) trong một tuyên bố chung, và kêu gọi chính phủ liên bang xem xét lại việc cắt giảm này. “Đối với các ngành nghệ thuật, cắt tài trợ ở bất kỳ mức độ nào cũng gây hậu quả tai hại trong toàn bộ ngành – từ những nghệ sĩ độc lập tới những công ty nghệ thuật lớn.”

Biennale của Sydney hồi 2014. Liên hoan nghệ thuật này cũng rơi vào danh sách bị cắt giảm tài trợ. Ảnh từ trang này

Người đứng đầu Hội đồng Úc, ông Tony Grybowski, khi phát biểu trước báo chí thì lại có lập luận để bảo vệ quyết định cắt tài trợ. Ông nói, “Dĩ nhiên là sẽ đưa đến ít nhiều bất ổn, náo động” nhưng cho rằng việc thay đổi này sẽ tạo động lực cho đổi mới. “Chúng tôi biết thay đổi sẽ là thách thức. Tôi đồng ý hiện đang có thay đổi, nhưng không phải thời đen tối.”

Thực ra việc cắt giảm này đã được biết trước lờ mờ từ hồi 2015, khi Bộ trưởng Nghệ thuật lúc đó là George Brandis đã lấy nghiến 60 triệu đô Úc từ Hội đồng Úc để lập một quỹ tài trợ nghệ thuật chạy song song (với chương trình tài trợ lớn). Sau những thay đổi về chính trị, Hội đồng Úc lấy lại được 12 triệu, nhưng 48 triệu đã vĩnh viễn rơi vào một chương trình mới có tên là Catalyst, dưới sự kiểm soát trực tiếp của Bộ trưởng Nghệ thuật mới lên.

Tuy vậy, kể từ khi thành lập, chương trình Catalyst chưa làm được gì nhiều ngoài việc khiến cho người ta thắc mắc vì sự lù mù trong hoạt động. Mặc dù ngân sách của nó là 12 triệu đô Úc một năm, nhưng mới 6 tháng chương trình này đã ngốn hết 23 triệu đô, khiến nhiều nhà bình luận cho rằng việc lập quỹ này liên quan tới cuộc bầu cử liên bang sắp tới, hơn là cho nghệ sĩ.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả