Kiến trúc

Kiến trúc phục vụ chính trị (bài 2): Hùng vĩ gian triển lãm của Liên Xô 23. 06. 16 - 1:05 pm

Christopher Laws – Trương Quý lược dịch

(Tiếp theo bài 1)

Cuối cùng thì triển lãm cũng đã sẵn sàng mở cửa ngày 25.5.

Vào năm 1937, châu Âu bị bao phủ bởi các khủng hoảng chính trị. Cuộc chiến tranh Ý-Abyssinia (ngày nay thuộc Ethiopia) lần thứ hai diễn ra từ tháng 10.1935 đến 5.1936. Cuộc chiến cho thấy những giới hạn của Hội Quốc Liên (một tổ chức được thành lập sau Thế chiến I với chức năng tương tự Liên Hợp Quốc ngày nay – ND), nhưng bất chấp những lệnh trừng phạt quá nhẹ mà tổ chức này áp đặt lên Ý khi nước này đưa quân vào Ethiopia, Mussolini vẫn dùng những lệnh phạt đó như một cái cớ để tách Ý ra khỏi khối đồng minh với Anh và Pháp, và tiến gần lại với nước Đức của Hitler.

Tranh cổ động cho phe Trục (Đức-Ý-Nhật). Bên trên là ảnh Hitler, Thủ tướng Nhật Fumimaro Konoe và Mussolini.

Vào tháng 3.1936, quân đội Đức vi phạm các điều khoản của Hòa ước Versailles và tiến vào Rhineland. Vào tháng 10, Đức và Ý đã đồng ý thành lập một trục giống hệt cơ chế liên minh giữa Đức và Áo năm 1938, sau đó vào cuối năm 1940 có thêm Nhật và tiếp theo là các nước Đông Âu gồm Hungary, Romania, Slovakia, Bulgaria, Nam Tư và Croatia. Nội chiến Tây Ban Nha nổ ra hồi tháng 7.1935, Đức và Ý ủng hộ lực lượng Quốc gia chủ nghĩa chống lại phe Cộng hòa, vốn được Liên Xô ủng hộ. Ở xa hơn, Nhật đã tiến hành cuộc chiến tranh ở Trung Quốc. Thế chiến II sẽ xảy ra chỉ vài năm sau đó.

Trong bối cảnh đáng lo ngại như thế, khoảng giữa năm 1937 có vẻ là một thời kỳ tương đối yên tĩnh. Tuy vậy gần như toàn bộ Triển lãm Quốc tế gợi nên những ý niệm chính trị. Gian hàng Tây Ban Nha, do chính phủ Cộng hòa tổ chức, được kiến trúc sư Josep Lluís Sert thiết kế, đáng chú ý vì đã tập hợp được những tên tuổi nổi bật nhất của nghệ thuật nước này. Sert đã mời những người bạn là Pablo Picasso, Joan Miró và Alexander Calder tham gia bày các tác phẩm nghệ thuật tại gian triển lãm,.

Bức Guernica của Picasso là được vẽ riêng cho triển lãm này. Ông từng cam kết vẽ một bức tranh tường cho triển lãm từ đầu năm, nhưng phải đến đầu tháng 5, khi đọc tin về vụ ném bom của không quân Đức và Ý xuống thị trấn Guernica ở xứ Basque, Picasso mới bắt đầu công việc mà ông đã hứa. Bắt tay vào việc ngay lập tức, ông đã hoàn thành Guernica đầu tháng 6. 1937, và bức tranh được trưng bày như một phần của gian Tây Ban Nha vào tháng 7. Mặc dù sau đó được các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu đánh giá cao, thoạt đầu bức tranh này được đón nhận khá chậm chạp.

Guernica của Pablo Picasso

Bên cạnh tác phẩm của Picasso là bức Lưỡi liềm (hay Người nông dân Catalan nổi dậy) của Joan Miró, một bức tranh tường được ông vẽ ngay tại chỗ, trực tiếp trên những tấm vách.

Joan Miró thực hiện tác phẩm tại gian triển lãm Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, sau khi triển lãm được dỡ đi sau khi kết thúc vào đầu năm 1938, bức tranh tường của Miró đã bị thất lạc hoặc bị phá hủy trên đường đưa về Valencia. Mặc dù vậy, ông cũng không nhắc đến nó nhiều vì tranh đã bị cái bóng của Guernica che khuất.

Còn trên sàn của gian triển lãm là tác phẩm Đài phun thủy ngân của Alexander Calder, một đài phun bằng sắt và nhôm phun thủy ngân thay vì nước. Tác phẩm này hiện nay được trưng bày ở Fundació Joan Miró ở Barcelona, được quây vách kính để đảm bảo an toàn cho người xem.

Alexander Calder bên tác phẩm của mình tại triển lãm, phía sau là bức Guernica của Picasso. Ảnh từ trang này

 

Đài phun Thủy ngân của Alexander Calder hiện trưng bày ở Fundació Miró, Barcelona. Ảnh từ trang này.

 

Bản maquette tại Museo Nacional Centro de Arte Reina Sofía, Madrid. Nhìn rõ hơn sẽ thấy chữ Amadén, tên thị trấn có mỏ thủy ngân cung cấp 60% sản lượng toàn thế giới. Calder làm tác phẩm này để tưởng niệm các nạn nhân của vụ vây hãm thị trấn này của nhà độc tài Franco (phe Quốc gia). Hình từ trang này

Nếu bức Guernica của Picasso truyền tải một cách gây tranh cãi văn cảnh trực tiếp của nó, triển lãm 1937 có lẽ được nhớ đến nhất ngày nay là nhờ các gian triển lãm của Liên Xô và Đức Quốc xã.

Gian triển lãm của Đức Quốc xã và gian của Liên Xô (phải) tại Triển lãm quốc tế Paris 1937

Gian của Liên Xô là sản phẩm của kiến trúc sư Boris Iofan. Iofan là một kiến trúc sư Xô-viết gốc Do Thái quê Odessa, ông đã từng học kiến trúc ở Rome. Năm 1932, ông đã thắng trong cuộc thi thiết kế Cung Xô-viết: một cuộc thi quốc tế thiết kế một tòa cung hội nghị khổng lồ, dự định xây ở Matxcơva, và dự kiến trở thành trung tâm hành chính của Liên bang Xô-viết. Địa điểm chọn xây Cung Xô-viết lúc đó là Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô đấng Cứu độ, nằm ở bờ bắc sông Matxcơva, được khởi sự sau khi Napoleon rút khỏi Matxcơva năm 1812, nhưng mãi đến năm 1883 mới hoàn thành. Năm 1931, để chuẩn bị cho xây Cung X-viết, nhà thờ đã bị phá bỏ.

Nhà thờ Chính tòa Đức Kitô đấng Cứu độ ở Matxcơva, khánh thành năm 1883

 

Nhà thờ bị phá hủy năm 1931 để lấy chỗ xây Cung Xô-viết

 

Minh họa dự án Cung Xô-viết, có so sánh chiều cao với những công trình nổi bật đương thời

Các kiến trúc sư nổi tiếng gồm Walter Gropius, Le Corbusier và Erich Mendelsohn đã tham gia cuộc thi, nhưng thiết kế Tân cổ điển của Iofan đã được chọn bởi một “hội đồng chuyên gia”, dưới sự chỉ đạo của Stalin. Sau khi Stalin yêu cầu, với sự tham gia của các đồng nghiệp theo khuynh hướng Tân cổ điển là Vladimir Shchuko và Vladimir Gelfreikh, thiết kế ban đầu của Iofan thậm chí còn được làm khổng lồ hơn.

Stalin muốn một tòa nhà cao hơn tháp Eiffel và cao hơn cả tháp Empire State, vốn được khánh thành năm 1931, là tòa nhà cao nhất thế giới khi đó với 381m. Hơn nữa, Stalin còn hình dung rằng Cung Xô-viết cũng phải được xem như một tượng đài của Lênin. Từ đề xuất ban đầu 260m, bản thiết kế cuối cùng cho Cung Xô-viết nâng lên chiều cao 415m, với một bức tượng Lênin trên nóc cao 80m.

Bản vẽ phối cảnh Cung Xôviết

Le Corbusier và Frank Lloyd Wright nằm trong số nhưng người chỉ trích dự án ở mọi khâu. Năm 1932, Le Corbusier cho rằng “thật khó để chấp nhận sự thật rằng họ sẽ thực sự dựng lên thứ kỳ quái đó mà gần đây bị báo chí dìm cho tơi tả”; trong khi Wright đã gửi thư cho Đại hội lần thứ nhất kiến trúc sư Xôviết tháng 6.1937 và nhắc Đại hội rằng “Công trình này – tôi hy vọng chỉ là đề xuất – sẽ là tốt nếu chúng ta dùng nó cho một phiên bản hiện đại của tích Thánh George diệt rồng”.

Việc xây dựng bắt đầu năm đó, và đến năm 1939 thì phần móng đã hoàn thành. Nhưng đến năm 1941, khi Thế chiến II diễn ra, các khung thép của công trình đã bị cắt và dùng vào các mục đích chiến tranh. Iofan tiếp tục chỉnh sửa thiết kế, nhưng tòa nhà không bao giờ được tiến hành xây trở lại, cho đến năm 1958 thì công trình được chuyển thành một bể bơi ngoài trời – khi đó là lớn nhất thế giới.

Bể bơi ngoài trời – từng lớn nhất thế giới – tận dụng từ móng công trình Cung Xô-viết từ năm 1958

Năm 1995, công việc xây dựng lại Nhà thờ Chính tòa Chúa Kitô đấng Cứu độ được bắt đầu tại đây. Nhà thờ mới được khánh thành tháng 8.2000.

Nhà thờ Chính tòa Đức Kitô đấng Cứu độ được phục dựng, khánh thành năm 2000

Cùng thời điểm dự án Cung Xôv-iết, Iofan cũng được giao nhiệm vụ thiết kế gian triển lãm của Liên Xô tại triển lãm Paris 1937. Cấu trúc của ông – bao phủ bằng đá cẩm thạch và kéo dài ra sau thành một chuỗi các hình chữ nhật gợi nhớ đến các tác phẩm trường phái Siêu việt của Kazimir Malevich – với đỉnh là tác phẩm điêu khắc Công nhân và nông trang viên của Vera Mukhina.

.

 

Búa liềm của bức tượng đang chuẩn bị được cẩu lên lắp vào phần thân

 

Bức tượng “Công nhân và nông trang viên” được lắp đặt bằng cần trục tại Paris

Sinh ra ở Riga trước khi chuyển tới Matxcơva, sau khi học ở Paris và Ý, Mukhina đã phát triển một phong cách nghệ thuật kết hợp giữa trường phái Lập thể và Vị lai. Công nhân và nông trang viên đã đem lại cho bà một danh tiếng quốc tế như một nhà hiện thực Chủ nghĩa xã hội xuất chúng. Tác phẩm điêu khắc thể hiện hình tượng một người nam và nữ sải bước mạnh mẽ về phía trước, cầm búa và liềm đan vào nhau. Người công nhân nam mặc đồ bảo hộ toàn thân, trong khi người phụ nữ mặc đồ mỏng phần ngực, nhưng phần váy dài nổi sóng cuồn cuộn. Chiếc khăn vắt từ hông người đàn ông đem lại cả sự cân bằng thẩm mỹ lẫn cấu trúc cho bức tượng, thêm trọng lượng vào phía sau của hai hình tượng.

Minh họa màu của gian triển lãm Liên Xô

 

Gian triển lãm Liên Xô vào ban đêm

 

Các khối điêu khắc ở phía trước gian triển lãm Liên Xô

Điêu khắc mang tính biểu tượng của Mukhina đã được dùng làm logo của hãng phim Mosfilm năm 1947. Đây là hãng đã sản xuất những tác phẩm quan trọng của Sergei Eisenstein cũng như Andrei Tarkovsky, hay Viy, một chuyển thể từ truyện ngắn Gogol trở thành bộ phim kinh dị đầu tiên của Liên Xô vào năm 1967, Chiến tranh và hòa bình của Sergei Bondarchuck, Dersu Uzala của Akira Kurosawa, và Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt, bộ phim đã giành giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1980, và đã được Ronald Reagan xem 8 lần nhằm tìm cách hiểu được tinh thần Nga.

Logo hiện nay của hãng phim Nga Mosfilm

 

Mặc dù nổi tiếng vì công trình hoành tráng của mình, có thông tin cho rằng Mukhina cũng là tác giả thiết kế của một sản phẩm ứng dụng rất nổi tiếng khác, chiếc cốc thủy tinh cao 10,5cm có nhiều mặt lõm ở thành để cầm cho chắc. Cốc này rất quen thuộc với người Việt thời bao cấp.

Frank Lloyd Wright gặp Boris Iofan trong chuyến thăm Liên Xô năm 1937. Sau khi trở về Mỹ, vào tháng 8, ông đã viết một bài báo dài ca ngợi vai trò đảm nhiệm của kiến trúc trong đời sống Xô-viết – ngay cả khi ông không hề thích thú gì dự án xây Cung Xô-viết. Bài báo này được xuất bản trên tạp chí Nước Nga Xô-viết ngày nay và trên Bản tin Kiến trúc, đều trong tháng 10.1937, và Wright đã thêm bài viết đầy đủ vào trong cuốn sách Frank Lloyd Wright: tự truyện, xuất bản lần đầu năm 1943. Trong bài viết, Wright đã nhắc lại lời phim ảnh Nga về những tòa nhà là “những nơi hợp thời nhất cho nhân dân, cần được thấy bất cứ đâu trên thế giới”, và khen ngợi “công cuộc kiến tạo xã hội vĩ đại này đang kêu gọi nền Kiến trúc giúp đỡ và chỉ lối”. Hơn nữa, ông cho rằng phương Tây phải nhìn về Liên Xô và:

“choáng ngợp vì sức sống và sự mạnh mẽ, sự lớn dậy của chủ nghĩa anh hùng và độ giàu có trong sự biểu đạt, và ngưỡng mộ đặc biệt tính cá nhân đầy màu sắc, chưa bao giờ biết đến bí mật của niềm hạnh phúc như thế […] Nước Nga có thể mang lại cho đám đông cãi cọ của những loại người già nua đầu óc sặc mùi tiền và chiến tranh của thế giới phương Tây phần tâm hồn đã thất bại trong việc tự tìm kiếm – và, tôi hi vọng, kịp thời xuất hiện để ngăn chặn sự tự diệt vong mà các quốc gia đang cùng nhau lao tới”.

Tạp chí Nước Nga Xô-viết ngày nay, số tháng 10.1937, với bài “Kiến trúc và Đời sống ở Liên Xô” của Frank Lloyd Wright

Trong bài viết năm 1937, Frank Lloyd Wright bảo lưu những lời tốt đẹp cho gian triển lãm của Iofan và điêu khắc của Mukhina mà ông đã được nhìn thấy ở Paris. Mô tả gian triển lãm, ông viết:

“Tòa nhà trong triển lãm Paris là một cái đài thấp, chạy dài và phù hợp cho một điêu khắc hiện thực chủ nghĩa đầy kịch tính đặt lên, trong khi Cung Xô-viết lại là trường hợp của một cái đài hoàn toàn không phù hợp, kịch tính hóa quá mức đến tồi tệ bên dưới một điêu khắc phong cách hiện thực cứng đờ”.

Ông kết luận rằng gian triển lãm của Liên Xô là “tòa nhà trưng bày thành công nhất và ngoạn mục nhất ở Triển lãm Paris”.

Bản vẽ mặt cắt cho gian triển lãm Liên Xô

(Kỳ 3: Nhờ gián điệp, đại bàng đối đầu cùng công nông)

 

Ý kiến - Thảo luận

15:00 Friday,24.6.2016 Đăng bởi:  candid
Trong bảo tàng HCM có 1 bản chép của Guernica :D
...xem tiếp
15:00 Friday,24.6.2016 Đăng bởi:  candid
Trong bảo tàng HCM có 1 bản chép của Guernica :D 
14:07 Friday,24.6.2016 Đăng bởi:  Quang Trần

Cám ơn tác giả, em được đọc bài viết khá đúng lúc vì hôm qua mới được xem bức Guernica tại Reina Sofia xong. Một vài điều thêm về bức tranh này của Picasso là độ hoành tráng của nó, nằm trong một phòng riêng biệt, trải dài hết bức tường lớn phía sau và luôn chật kín người xem.
Điều thú vị khi được xem bức này tại chính bảo tàng là sẽ được thấy qu
...xem tiếp

14:07 Friday,24.6.2016 Đăng bởi:  Quang Trần

Cám ơn tác giả, em được đọc bài viết khá đúng lúc vì hôm qua mới được xem bức Guernica tại Reina Sofia xong. Một vài điều thêm về bức tranh này của Picasso là độ hoành tráng của nó, nằm trong một phòng riêng biệt, trải dài hết bức tường lớn phía sau và luôn chật kín người xem.
Điều thú vị khi được xem bức này tại chính bảo tàng là sẽ được thấy quá trình phác thảo để hoàn thiện nó đi kèm, thật kinh ngạc với sức làm việc của Picasso khi chỉ trong 1 tháng mà ông có thể hoàn thành được một lượng lớn công việc như vậy (các phác thảo của ông thật sư có thể đứng riêng thành tác phẩm khác).
Tại Reina Sofia còn có nhiều tên tuổi lớn khác của mỹ thuật Tây Ban Nha và để đi hết tầng 2 của bảo tàng này (vốn chỉ trưng bày tranh từ thế kỉ XIX trở đi) cũng đã mất một buổi chiều (đi và chưa xem kĩ hết).
Tuy hơi lạc đề nhưng mỹ thuật Tây Ban Nha là một nền mỹ thuật đáng kinh ngạc!

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả