Tạp hóa - Xã hội

Học bơi cho nghệ sĩ (bài 7): Vẽ đường cho thỏ nhảy, tuồn thư vào hộp thư 31. 07. 16 - 5:58 am

Candid

(Tiếp theo bài 6)

Gần đây, tai nạn sông nước liên tục xảy ra, như vụ tai nạn tàu ở Đà Nẵng, vụ chìm nhà hàng nổi ở Vĩnh Hy. Lần nào đọc tin cũng thấy xót xa vì tai nạn có lẽ đã không bi thảm như thế nếu bơi lội được phổ cập. Ở Hà Nội nói riêng và các tỉnh của Việt Nam, việc bơi lội chưa được phổ cập là có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là còn thiếu bể bơi. Hồi tôi còn bé, ở Hà Nội chỉ có một vài bể bơi như Tăng Bạt Hổ, Quán Thánh, Đống Đa, lớp học bơi cũng rất ít; ăn còn chả đủ, ai mà nghĩ đến chuyện học bơi, trẻ con chúng tôi toàn bơi trộm ở các hồ như Giảng Võ, Thành Công, Ba Mẫu, Bảy Mẫu, Hồ Tây… hầu như hè năm nào cũng có tin trẻ con đuối nước. Khi lớn lên, tôi nhớ chỉ duy nhất có trường Đại học Ngoại thương là đưa chương trình bơi lội vào thành môn học thể dục bắt buộc, mặc dù việc dạy và thi cũng chỉ mang tính hình thức. Đến giờ số lượng trường học có bể bơi ở Hà Nội cũng rất ít và số trường bắt buộc môn bơi cũng ít không kém. Việc dạy và học bơi bây giờ chủ yếu dựa vào ý thức của từng gia đình.

Bến bơi tại Hồ Tây

Để tập luyện bơi ở bể cũng không dễ dàng. Do đặc tính thời tiết nên đa phần các bể bơi ở Hà Nội chỉ mở cửa vào 3 tháng mùa hè, bố mẹ nào cũng tranh thủ trẻ con nghỉ hè để cho con đi tập bơi, người lớn thì tranh thủ đi bơi để giải nhiệt. Thế nên nhiều khi ở dưới bể chỉ đủ khoảng trống cho ngâm người chứ muốn tập cũng khó. Một số bể bơi 4 mùa thì giá vé lại khá đắt so với mặt bằng thu nhập chung, khoảng 120k đến 180k/ lượt bơi nên khó có thể bơi thường xuyên. Ở Sài Gòn vấn đề này đơn giản hơn do số lượng bể bơi nhiều, bơi được quanh năm và giá vé rẻ hơn. Hy vọng là trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều bể bơi với gía cả hợp lý để mọi người luyện tập, vì cũng như các môn thể thao khác, bơi lội đòi hỏi một quá trình tập luyện lâu dài mới thành thạo được. Ngoài ra với môn bơi, vì nước là một môi trường khác hoàn toàn với môi trường chúng ta đang sống, nên lại cần mất nhiều thời gian để thích ứng.

Dùng xốp làm phao bơi

Ngoài chuyện bể bơi và tiền nong, có rất nhiều trở ngại ngăn cản chúng ta tập bơi. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, bao giờ tôi cũng phải đấu tranh tâm lý là có nên nghỉ một hôm không hay đi tập. Mẹo nhỏ là nên chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng từ tối hôm trước để sáng hôm sau đỡ ngại. Để không tập thì có muôn vàn lý do, nhưng để chúng ta tập thì chỉ có một lý do duy nhất: đó là chúng ta sẽ biết một năng lực rất ít người có khả năng thực hiện. Tôi từng đọc một số liệu ở đâu đó bảo chỉ có khoảng 3% dân số (thậm chí ít hơn) bơi sải được đường trường và điều đó biết đâu sẽ cứu mạng chúng ta.

*

Trong bài tập hôm nay, chúng ta sẽ đi vào tập động tác tay. Đây là một động tác khó và là yếu tố rất quan trọng dẫn đến việc ta bơi được dài hay không. Nếu bảo một người mô tả động tác quạt tay của bơi sải, tôi đảm bảo hầu hết mọi người đều diễn tả việc xoay tròn tay liên tục từ sau ra trước như cánh quạt.

Hình minh hoạ Deep catch từ trang này

Bơi như thế này chúng ta sẽ rất chóng mỏi, vì bả vai sẽ phải xoay tròn hoạt động liên tục và đa số chúng ta không có cơ vai như Lý Đức nên chỉ sau mấy chục mét là đành chào thua. Như ta thấy trong hình hầu hết mọi người sẽ quạt duỗi dài hết về phía sau, rồi quạt lên trên tạo thành một vòng tròn, chính điều này làm cho tay, vai nhanh mỏi.

Bí quyết của việc bơi dài là mỗi nhịp bơi chúng ta đều có pha thả lỏng để cơ thể phục hồi. Đối với bơi ếch, pha phục hồi này dễ thực hiện hơn nên hầu hết mọi người bơi ếch đều dài hơn bơi sải. Động tác giúp tay ta phục hồi sau mỗi nhịp bơi gọi là Recovery hand. Trong logo của Total Immersion, hình người đang bơi với cá heo, ta thấy tư thế tay của người bơi, một tay duỗi dài phía trước làm tay dẫn, tay kia giơ cao cùi chỏ, cổ tay và bàn tay thõng chỉ xuống dưới, đó chính là pha phục hồi, nếu làm đúng cách, trong khi bơi ta sẽ thực hiện động tác này hàng nghìn lần mà không nhức mỏi.

.

Để tập tư thế tay này ta sẽ lần lượt tập các động tác sau:

– Động tác 1: Vẽ đường bên thân

Ta bắt đầu tập khô trước. Đứng mô phỏng tư thế skate vơi một tay trái dẫn đường, tay phải bắt đầu rút cùi chỏ lên khỏi mặt nước, lưu ý cánh tay hướng xuống dứoi sao tro cùi chỏ tạo thành một góc 90 đô, nhúng các đầu ngón tay xuống nước, lưng bàn tay hướng ra phía trước, treo cùi chỏ ở tư thế cao, rê tay về phía trước cảm giác như vẽ một đuòng thẳng bên cạnh thân mình.

Chú ý đừng để tay quá xa người hoặc quá gần người, bày tay cũng không được xoay trong quá trình vẽ. Tưởng tượng cánh tay là một cái bút lông khổng lồ, bàn tay là đầu bút, giữ thẳng cán bút để vẽ một đường dọc theo người.

.

 

Giữ tay vuông góc, không quá xa cũng không xoay vào trong quá

Khi tập khô cho quen ta sẽ lặp lại như bài zen switch, lưu ý cùi tay luôn giữ được góc vuông để tạo thành một tam giác vuông như trong hình. Cánh tay ta sẽ tạo thành hình tương tự như cánh gà. Nên động tác này được gọi là chicken wing – cánh gà.

Tập tương tự zen switch, đều đặn vẽ những đường song song dọc theo thân.

– Động tác 2: thỏ và hộp thư

Động tác này sẽ chia làm 3 giai đoạn như sau:

1. Lập lại động tác rê tay để vẽ một đường bên thân.

2. tưởng tượng có một hàng rào tia lade bắn từ tai mình ra, đến hàng rào đấy cho tay nhảy qua rào như một con thỏ.

Tưởng tượng như có laser phóng ra từ tay và đưa tay “nhảy” qua đó

3. Nhẹ nhàng thả lỏng cổ tay, ấn bàn tay xiên xuống nước, tưởng tượng như bàn tay mình là một lá thư được ấn vào qua khe của một hộp thư.

.

Lần lượt thực hiện với hai tay.

.

Lưu ý: thông thường khi đổi tay dẫn ta bị lỗi là thu tay dẫn về quá sớm nên làm mất đi đường thẳng của cơ thể, làm tăng thêm sức cản nên bơi sẽ tốn sức. Để giải quyết vấn đề này cần nhớ thuật ngữ “Tay dẫn đường kiên nhẫn” để luôn duy trì một tay dẫn đường phía trước cơ thể, khi tay kia vào nước đến ngang với khuỷ tay dẫn đường mới thu tay dẫn đường về để đổi. Để tập luyện tay dẫn kiên nhẫn, ta có thể tập đổi tay bằng cách cầm một đoạn ống nhựa trong tay dẫn đường, khi bơi đổi tay cầm đoạn ống nhựa đó.

.

Cần lưu ý sao cho luôn duy trì hai tay ở phía trước cơ thể khi vào nước như trong hình:

.

Lưu ý khi vẽ đường bên thân ta luôn giữ khuỷ tay vuông góc để bàn tay xa khỏi thân, vẽ một đường rộng, khi tay vào nước cũng không vào ở vị trí thẳng của cơ thể mà hơi lệch sang bên, nhiều người bị lỗi cơ thể nghiêng quá mức dẫn đến tay vào nước bị lệch thành ra bơi chéo.

Khối lượng tập cũng tương tự các bài trước, lưu ý vẫn ôn lại các động tác cơ bản đầu và cuối buổi tập.

Video tập tại đâyđây 

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Luật của comment

RaumuongNoigian & SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả