Tạp hóa - Xã hội

Chim ưng đi máy bay: có hộ chiếu, có ghế riêng nếu muốn 02. 02. 17 - 10:11 pm

Lê Linh dịch theo CNN

 

Những người đàn ông Emirate chụp hình cùng với những chú chim ưng của họ sau một buổi huấn luyện vào chiều tối. Một nhóm bạn thường xuyên đến đây vào những buổi chiều để gặp nhau và huấn luyện chim ưng. Việc huấn luyện ngày càng trở nên một việc để bạn bè đàn đúm, chia sẻ hiểu biết, hơn là để ganh đua tồn tại. Ảnh toàn bài: CNN 

Bạn đã bao giờ lên một chuyến bay mà lòng lo sợ không biết ai sẽ là “hàng xóm” trong suốt mấy tiếng đồng hồ chưa?

Kẻ đó có thể ngáy, lấn chỗ của bạn, hay có thể là một đứa bé la khóc suốt.

Tuy nhiên, hành khách của Qatar, Emirates, Etihad hay Royal Jordanian Airlines lại có một loại “hàng xóm” đặc biệt để mà lo: thú cưng chim ưng

Trên những chuyến bay vùng Trung Đông này, chim được phép bay cùng. Chúng có hộ chiếu riêng, và trong máy bay chúng thường đậu trên tay chủ nhân.

Biểu tượng của vị thế

Ở Trung Đông, chim ưng là biểu tượng tối thượng của vị thế.

Và nhiều chủ nhân của chim ưng khi đi máy bay (hạng phổ thông hay thương gia) thường cho chim theo cùng, không nhốt trong lồng.

Săn bằng chim ưng ngày nay đã trở thành một môn thể thao của quốc gia và gần giống như một nghi lễ mà nhiều thanh niên Emirate phải trải qua . Họ dành nhiều thời gian để huấn luyện chim ưng của họ.

Tuần này, một bức ảnh chụp một khoang máy bay đầy những con chim quý đã lan truyền trên mạng xã hội.

Ahmet Yasar, người post bức ảnh này Reddit, nói với CNN rằng những con chim ưng này trên đường tới Jeddah, Saudi Arabia, và bức ảnh này do bạn anh là một phi công chụp được.

Bức ảnh này của Ahmet Yasar cho thấy hàng chục con chim ưng đang đi máy bay tới Jeddah của Saudi Arabia, mỗi con một ghế.

Trong khoang hành khách có chim ưng không phải chuyện bất thường, nhưng có cùng một lúc nhiều con thì lại cực hiếm, vì các hãng hàng không dân dụng thường giới hạn chỉ cho tối đa một chuyến 6 con.

Một biểu tượng của can đảm, quyết đoán, và tự do

Thú đi săn bằng chim ưng đã có từ năm 2000 trước Công nguyên, và đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa Trung Đông, đến nỗi UNESCO phải thêm nó vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại. 

Những người đàn ông Emirate quan sát một chiếc trực thăng mini đang lượn với một túm lông trên không trước khi họ thả chim ưng ra để bắt (chiếc trực thăng) lại.

Xưa kia, chim ưng được dùng như một cách để kiếm thức ăn, nhưng ngày nay (ai mà cần thức ăn kiểu đó nữa) người ta chỉ nuôi chim ưng như thú cưng, dùng cho thể thao.

Chuyên gia văn hóa Nasif Kayed từ trang The Arab Culturalist, nói với CNN rằng chim ưng có thể có giá từ 2,000 dirhams ($544) tới 70,000 dirhams ($19,058).

“Giá tùy thuộc bạn muốn cái gì và bạn có bao nhiêu tiền, dĩ nhiên,” ông nói. “Giá tùy vào giống, có giống mạnh về tốc độ, có giống chuyên săn khoảng cách xa.”

Chim ưng có giá từ 2,000 dirhams ($544) tới 70,000 dirhams ($10,058) 

 

Theo truyền thống, chim ưng từng được dùng để kiếm thúc ăn, nhưng ngày nay người ta nuôi chúng như thú cưng và dùng cho mục đích thể thao. Các chủ nhân có một sự gắn bó sâu sắc với chim ưng của họ.

Ở Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, chim ưng phải có hộ chiếu riêng, do Bộ Môi trường và Nước cấp, để chống lại nạn buôn bán chim lậu. Mỗi sổ có thời hạn 3 năm và giá $130.

Từ năm 2002 đến 2013, chính phủ nước này đã cấp hơn 28.000 hộ chiếu cho chim ưng.

Chim ưng thậm chí có cả hộ chiếu để lên máy bay ở UAE.

 

Bên trong một hộ chiếu của chim ưng, có chi tiết số ID của chim khớp với vòng ID gắn trên chân chim.

Kayed nói chim có thể được huấn luyện trong vòng 6 tuần (là khôn), và đàn ông Emirate có một mối quan hệ thân thiết với động vật này.

“Với chúng tôi, chúng đại diện cho lòng can đảm, tính kiên trì, sự kiên định, và tự do.”

Một con chim ưng ngồi trên đĩa đậu trước khi được tung vào tập bay, trong một buổi huấn luyện. Mắt con chim được che lại để nó bình tĩnh và đảm bảo để nó không vụt bay và săn mồi bất thình lình.

 

Những người luyện chim ưng mất khoảng sáu tuần để luyện chúng cách săn mồi.

Ngồi cạnh một con chim ưng cảm giác thế nào?

Năm 2014, Tom Whitehill lấy một chuyến bay của Qatar Airways từ Dubai tới Doha và được trải nghiệm việc ngồi cạnh chim ưng ngoài đời thực.

“Thật lạ lùng, chẳng có cảnh báo gì rằng chúng sẽ có mặt trên chuyến bay,” anh kể lại

“Tôi từng nghe khối chuyện về chim ưng đi lại trong vùng Vịnh, bằng máy bay, trong khoang hành khách, nhưng chưa bao giờ chứng kiến tận mắt. Thật là một sự ngạc nhiên hay ho, nhưng chắc chắn là có chút siêu thực.”

Whitehill nói bọn chim không ồn ào, và hiếm khi chộn rộn, trừ lúc máy bay sắp hạ cánh.

“Chúng có đeo giọ mỏ, nên khá yên lặng và thư giãn cho tới khi máy bay bắt đầu hạ thì chúng mới đập cánh,” anh kể.

Chuyên gia văn hóa Kayed nói rằng những người chủ thường phải che mắt chim lại để giữ cho chúng được yên, “vì nếu thấy cái gì đó là chúng phải xông tới để lấy cho bằng được.”

Những người luyện chim ưng đứng trên một chiếc xe địa hình bám theo một chú chim ưng săn mồi tại khu bảo tồn Maroon Hunting, khoảng 150kms về phía tây Abu Dhabi. Môn thể thao này có từ hàng ngàn năm trước và đã trở thành một phần quan trọng của văn hóa vùng này.

Vậy, hãng bay nào bạn có thể mang chim ưng lên?

Chủ nhân của những con chim ưng trong bức hình đang lan truyền trên mạng tuần này có vẻ đã mua cho mỗi con một ghế riêng, tuy nhiên nhiều hãng hàng không cho phép cả chủ lẫn chim được “đậu” cùng một ghế.

Theo trang web của Qatar Airways, họ cho phép mỗi hành khách được đi cùng một chim ưng với tư cách một khách hạng phổ thông, và toàn khoang có tối đa 6 con. Mỗi con như thế phải trả tiền, từ $115 tới $1,620 /con

Hãng Etihad cũng có chung điều luật cho việc bay cùng chim ưng, nhưng hãng Emirates bắt tất cả động vật đi cùng mà ở trong khoang hành khách thì phải được nhốt trong chuồng.

Các hãng Qatar, Etihad, Emirates và Royal Jordanian Airlines đều cho phép chim ưng vào khoang hành khách. Ảnh: CNN

Hãng Royal Jordanian Airlines có đôi chút rộng rãi hơn, cho phép hai chim ưng chung một ghế, và trong khoang hành khách được có mặt tối đa 10-15 con, tùy máy bay to nhỏ. Nhưng mỗi con chim sẽ phải đóng tiền bằng 3 lần giá hành lý quá tải. 

Hãng hàng không Lufthansa của Đức có những động thái cho thấy trong tương lai có thể họ cũng sẽ cho phép hành khách mang theo chim ưng. Hồi 2014 họ đã sản xuất một loại giá cho chim đậu có tên “Falcon Master” chỉ dành cho khách VIP. Trong khi loại giá này vẫn chưa thấy lắp, người phát ngôn của hãng nói với CNN rằng họ đang trong quá trình trao đổi với nhiều khách hàng tiềm năng.

“Falcon Master” là giá để chim đậu

 

“Falcon Master” dễ dàng tháo lắp

“Ý định của chúng tôi trước giờ vẫn là cung cấp sản phẩm rất đặc biệt này cho một nhóm nhỏ những khách riêng và khách VIP vẫn đi lại bằng máy bay riêng với những chú chim kiểu chim ưng.”

 

Ý kiến - Thảo luận

22:15 Thursday,2.2.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Ở Abu Dhabi có một bệnh viện dành riêng cho chim ưng.
...xem tiếp
22:15 Thursday,2.2.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
Ở Abu Dhabi có một bệnh viện dành riêng cho chim ưng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả