Điện ảnh

“Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được 24. 02. 17 - 5:50 am

Sáng Ánh

 

.

Đây có lẽ là bộ phim Triều Tiên (2012, đạo diễn Kim Gwang Hun) được quốc tế biết đến nhiều nhất sau Pulsagari (1985, thể loại quái vật giả tưởng ).

 “Comrade Kim Goes Flying” được gửi đi dự nhiều Liên hoan phim quốc tế, chiếu tại các Đại học Âu Mỹ, có trang Facebook v.v. và là 1 nỗ lực quảng bá hình ảnh của quốc gia bí ẩn này trên thế giới. Bộ phim này được điện ảnh (tư nhân) Anh quốc và Bỉ đầu tư sản xuất, yểm trợ phần hoạt hình, âm thanh, hậu kỳ thực hiện tại Trung quốc.

Đây là nỗ lực hiếm hoi của điện ảnh Triều Tiên để “ra biển lớn” sau 30 năm. Bận trước là Pulsagari do một đạo diễn Hàn Quốc thực hiện. Ông này cùng vợ cũ đã ly dị là một nữ diễn viên Hàn Quốc nổi tiếng bị bắt cóc (riêng rẽ) đưa về Bình Nhưỡng để phục vụ điện ảnh Triều Tiên và nối lại duyên xưa nhờ chủ tịch Kim Chính Nhật là một fan cuồng của hai người. Pulsagari giờ vẫn còn quần chúng vì rơi vào lãnh vực “cult movie” của thành phần khán giả thờ thần Godzilla. “Đồng chí Kim đi (đu) bay” thuộc về một thể loại khác, tình cảm nhẹ nhàng (Rom-Com hay Romantic Comedy, phim hài lãng mạn), là thể loại phổ biến rộng rãi hơn, tựa như “Những cô gái chân dài” của Vũ Ngọc Đãng.

Cốt chuyện cũng tương tự và của như hầu hết các bộ phim thuộc dạng này. Yong Mi là một cô gái mất mẹ sớm và làm nghề công nhân mỏ than cùng với cha ở một tỉnh lẻ. 

Bé Yong Mi lúc mẹ còn sống, mơ một ngày sẽ được bay bổng, hình từ trang này 

Than, nói qua, là một nguồn xuất khẩu chính của Triều Tiên (sang Trung quốc). Cô ngưỡng mộ một nghệ sĩ xiếc đu bay nổi tiếng đang vào tuổi sắp rời nghề. 

Xiếc, nói qua, là một bộ môn xuất sắc của Triều Tiên và là đại sứ của quốc gia này ở nước ngoài.

Được dịp lên Bình Nhưỡng để lao động trong ngành xây dựng, Yong Mi đến rạp và được gặp thần tượng. Jang Phil xuất hiện. Anh là nghệ sĩ xiếc, mặt thấy mà ghét, và khích bác cười khỉnh “Dân hầm mỏ mà cũng đòi đu bay lên trời”. 

Thợ than Yong Mi đạt chỉ tiêu lao động 120%, hình từ trang này

Diễn tiến ra sao, ta đã đoán được. Vượt khó và chuyên cần, Yong Mi (lúc nào cũng tươi như mugunghwa, “vô cùng hoa”, một loại dâm bụt và biểu tượng của bán đảo) trở thành nghệ sĩ xiếc đu bay và thực hiện được giấc mộng tuổi thơ. Trong vòng tay của ai? Của cái anh này zô ziên, tức là Jang Phil lực lưỡng chứ còn ai nữa. “Giai cấp công nhân nỗ lực thì gì mà chẳng thực hiện được” là câu kết, nhưng đừng có cười, chí ít là cũng thực hiện được tên lửa có tầm với tới Hawaii hay là Los Angeles, mang theo đầu đạn nguyên tử.

Chọn lựa về cốt chuyện là khôn khéo. Những phim Triều Tiên nội địa về hành động thì biệt kích phi thân đá Hàn quốc bò lăn; về chiến tranh thì lấp lỗ châu mai Nhật Bản; về lịch sử thì nông dân áo vải khởi nghĩa chém đầu phong kiến. Ở đây, hình ảnh là miền quê dễ thương ngăn nắp, kinh đô hùng vĩ trật tự (“Ồ, tháp Chủ thể kìa!”). Xã hội tiêu thụ đã có mặt. Thì 2012 mà, Yong Mi được ngồi xe con và cạnh ghế sa-lông của nhà Jang Phil có một cái đài chạy đĩa CD khủng. Con người trong phim ai cũng tốt, tuyệt đối cả phim không có một nhân vật phản diện, và chỉ tiêu trong ngành than hay ngành xây dựng ngày nào cũng bị vượt, cứ thế thì tuần sau tên lửa sẽ với đến New York. Thức ăn thì đầy đủ, không có thịt nướng nhưng có xôi nếp. Jang Phil ném cho Yong Mi một trái táo làm mặt nàng ửng hồng. Đây không phải là ném cho Phi Thanh Vân một hộp sô cô la Godiva để cho ngực nàng mịn màu nâu của cuộc sống khát khao.

Phần hoạt hình do phía Bỉ quốc thực hiện, hình từ trang này 

Bộ phim này, về mặt chuyên chở y thức hệ, không khác vô khối các phim Âu Mỹ, hay gần gũi hơn, các phim Hàn Quốc bên kia vĩ tuyến thứ 38. Nó ngây ngô, gần với một phim bộ truyền hình hơn là một phim điện ảnh. Các màn hài trong phim nhè nhẹ, cũng như màn sexy duy nhất: lãnh đạo công trường đi nhầm vào phòng thay đồ của nghệ sĩ xiếc , ông bị đuổi ra và lạc lên sân khấu đang biểu diễn, làm trò cười cho khán giả (dĩ nhiên đây không phải là Kim Chính Ân đi lạc, nếu thế toàn rạp sẽ bị xử bằng đại liên phòng không). Sự ngây ngô này không gây khó chịu mà ngược lại, nó dễ mến bởi vì nó thành thật trong cái giới hạn này. Tôi là một cô gái vui tính, tôi không đẹp mấy và tôi có vậy. Nó không màu mè lên gân cường điệu, không đeo theo phong trào nước ngoài và tập tễnh nửa vời, làm cho bằng được Âu Mỹ hay Hàn mà đáng thương (hay bực mình) không tới. Bộ phim này, đơn giản, em chỉ là Triều Tiên, một Triều Tiên tất nhiên sạch sẽ nhưng em không phải là cao bồi ruộng, em không là catwalk xóm củi.

Yong Mi trong buổi biểu diễn của công nhân công trường xây dựng. Hình từ trang này 

Về mặt thực hiện, động máy, cắt dựng, hình ảnh rất ngăn nắp trường lớp và cổ điển chứ không có cái kiểu: ta mới có cái drone thu hình, ta cho nó bay vòng vòng là phim ta như “Trường Thành” của Trương Nghệ Mưu. Âm thanh là đáp tiếng, biết đâu một số diễn viên lại chẳng là do người khác lồng (như giọng miền Tây của Hà Kiều Anh trong thập niên 90). Tuy nhiên, nó được chuyên viên nước ngoài gắng sức hòa âm phần tiếng động. Phim gây cảm giác như là đi thăm khu giải trí Disney: nó giả, ta biết là nó giả, có khi nó muốn cho ta biết là nó giả, nhưng nó dễ thương và ok. Nó giống một cô bé lên 8 yểu điệu, ừ thì nó lên 8 mà, ta tha thứ, chứ không phải một gái bar uốn éo đây sẽ đoạt giải bia ôm hoàn vũ (đây là một cách ví von các phim điện ảnh, người viết không có ý xấu gì về gái bar cả, bia ôm hoàn vũ hay là không và xin lỗi các bạn này). 

Theo thiển ý, bộ phim này nếu quay theo kỹ‎ thuật hình “miniature” thì tuyệt vời: đây là một cách thu hình khiến nhà cửa, đường xá v.v. cái gì cũng trở nên be bé như đồ chơi. Nhưng đây là phim Triều Tiên, cái gì be bé thì không qua khâu duyệt, mỗi khi có xen lao động thì nhạc thúc dục “xung phong!” phải bắt buộc hò rầm rĩ.

Kỹ thuật miniature khiến mọi thứ như trong thế giới đồ chơi. Hình từ trang này 

Diễn xuất ở đây thì vẫn rất sân khấu hay sân khấu kiểu phim bộ truyền hình. Khi Yong Mi vật tay với một thanh niên trẻ, xong rồi, cô đã đi, anh còn phải nhìn tay của anh và nói “Nắm được tay nàng thì cũng đáng vật thua”. Ngôn ngữ của nó vẫn là ngôn ngữ kịch, khi khán giả ngồi cách xa diễn viên 30 mét, không nói lên thành thoại thì sao người ta biết. 

Hai diễn viên chính trong phim là nghệ sĩ đu bay ngoài đời, vì nhu cầu này trên phim đòi hỏi, và được huấn luyện diễn xuất. Họ làm tròn nhiệm vụ diễn xuất này một cách tốt đẹp, sao thì cũng được việc hơn là diễn viên nhà nghề, vì nhu cầu của phim mà phải huấn luyện đu bay? Phần còn lại là một dàn siêu sao diễn xuất Triều Tiên. Vai lãnh đạo công trường xây dựng là Ri Yong Ho. Nghe đâu chỉ cần nhắc đến tên ông này là các bà U40, U50 tại Triều Tiên vẫn còn bừng lên má.

Yong Mi và chàng Jang Phil vào lúc đã phải lòng nhau, hình từ trang này 

 Sự thành công của “Đồng chí Kim đi (đu) bay” thứ nhất là do sự hiếu kỳ mà thế giới dành cho quốc gia phong kín này. Nhưng cái mặt phim ảnh nó cho chúng ta thấy ở đây rất chỉn chu và tươm tất, như gia chủ của một hộ khiêm tốn có việc ra phố phải lên đồ lớn. Ông ủi cái áo sơ mi trắng và đánh bóng đôi giày tây dành cho những dịp này từ 20 năm nay. Ông không huyênh hoang khoác áo phông Hilfiger và mang cái quần bò rách gối là chẳng kém gì Brad Pitt. Bộ phim có cái duyên của phim truyền hình Mỹ 50-60 năm về trước (“I love Lucy”, “Happy Days”…) hay của phim Xô Viết ngày xưa. Trong hoàn cảnh “không hội nhập với ai hết” của Triều Tiên thì nó chấp nhận được và được chấp nhận.

 

*

Sáng Ánh viết về điện ảnh:

- Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt

- Sống cùng điện ảnh

- Bài học từ “The Room” (phần 1):
Dở không tả được

- Bài học từ “The Room” (phần 2):
Cái gì cũng dở tuy dùng toàn thứ chuyên môn

- Bài học từ “The Room” (phần 3):
Thành công bất ngờ và ngậm ngùi cá nhân (tôi)

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được

- “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu

- Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền)

- Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay

- Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu

- Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá

- Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào?

- “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới

- “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu?

- “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc

- “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta

- ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời…

Ý kiến - Thảo luận

20:55 Saturday,6.7.2019 Đăng bởi:  minh vu
Hay nhứt là câu kết " Chấp nhận được và  được chấp nhận "Bài viết hay .
...xem tiếp
20:55 Saturday,6.7.2019 Đăng bởi:  minh vu
Hay nhứt là câu kết " Chấp nhận được và  được chấp nhận "Bài viết hay . 
20:45 Saturday,25.2.2017 Đăng bởi:  dilletant
"Lãnh đạo công trường đi nhầm vào phòng thay đồ của nghệ sĩ xiếc , ông bị đuổi ra và lạc lên sân khấu đang biểu diễn" đúng là một kịch bản kiểu xô (khoảng từ cuối 1970, đầu 80). Câu kết của tác giả SA cũng có ý này. Còn về văn phong, ngồi nghĩ mãi thấy câu ca ngợi nào của mình cũng chỉ vét đĩa (không xứng) so với ngòi bút của tác giả. Đọc bài của bác S
...xem tiếp
20:45 Saturday,25.2.2017 Đăng bởi:  dilletant
"Lãnh đạo công trường đi nhầm vào phòng thay đồ của nghệ sĩ xiếc , ông bị đuổi ra và lạc lên sân khấu đang biểu diễn" đúng là một kịch bản kiểu xô (khoảng từ cuối 1970, đầu 80). Câu kết của tác giả SA cũng có ý này. Còn về văn phong, ngồi nghĩ mãi thấy câu ca ngợi nào của mình cũng chỉ vét đĩa (không xứng) so với ngòi bút của tác giả. Đọc bài của bác SA, dilletant đỡ bị chứng tâm thần do phải chịu những tai nghe mắt thấy hàng ngày. Kính chúc sức khỏe bác. Đa tạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả