|
|
|
|||||||||||||
Kiến trúcThe Breakers (phần 1): nhà của Vanderbilt – “người giàu nứt đố đổ vách” 29. 04. 17 - 6:46 amAnh NguyễnMấy năm trước tôi đã có dịp đến thăm The Breakers – dinh thự mùa hè của Cornelius Vanderbilt II. Khi dạo quanh ngắm nghía nội thất dát vàng la liệt, trong đầu tôi đã nảy ra suy nghĩ: “Nhà này là hợp với Donald Trump lắm đây”. Khu nghỉ dưỡng mùa đông Mar-a-Lago mà Donald Trump sở hữu cũng có nội thất cũng mang nhiều âm hưởng của The Breakers (xin đừng nhầm The Breakers của nhà Vanderbilt với khách sạn The Breakers khu Palm Beach cạnh Mar-a-Lago). Bẵng đi vài năm, bỗng dưng đọc phải bài báo “Donald Trump mua lại The Breakers với giá 112 triệu đô la Mỹ” mà hết hồn. May thay đấy chỉ là tin trào phúng. Nhân dịp Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45, xin cùng buôn chuyện với mọi người về một tác phẩm kiến trúc rất đẹp, rất to, và dát rất nhiều vàng. * Giới nhà giàu Âu Mỹ thời xưa không thèm ở khách sạn như chúng ta bây giờ (trước khi khái niệm “khách sạn sang chảnh” ra đời thì đa số khách sạn chỉ dành cho giới lao động, lữ khách ít tiền, và các thành phần bất hảo khác). Đã ưng ý chỗ nào thì họ xây biệt thự ở đó luôn. Mới đầu chỉ các chủ đồn điền miền Nam tranh thủ đi… mua nô lệ đến xây biệt thự ở Newport, sau cả dân Yankees lắm tiền cũng lũ lượt tới Newport nghỉ hè. Giai đoạn này được gọi là “Gilded Age” (Thời Dát Vàng) dựa trên cuốn tiểu thuyết châm biếm của Mark Twain. Những ai đã đọc cuốn The Age of Innocence ắt sẽ cảm nhận được rõ nét không khí của thời kỳ này. Cảnh tiệc tùng hoa lệ của giới quý tộc mới như một lớp vàng mỏng tráng lên những vấn đề xã hội đầy rẫy. The Breakers nguyên thủy không to như bây giờ. Nó vốn là một tòa nhà nông thôn (cottage) xinh đẹp bằng gạch và ván thuộc sở hữu của doanh nhân Pierre Lorillard IV. Giống như nhiều nhà nông thôn khác ở Newport, The Breakers được xây theo phong cách Baroque kiểu Anh. Tiêu biểu cho phong cách này là những dinh thự thời Nữ hoàng Anne (1702-1714) với thiết kế thanh lịch nhã nhặn. Tại The Breakers, đi kèm tòa biệt thự chính còn có một phiên bản nhà mini dành cho trẻ con chơi đùa bên trong. Vị trí đắc địa nên The Breakers mau chóng lọt vào mắt xanh của Cornelius Vanderbilt II. Ông này mua nó vào năm 1884 với giá tương đương 12 triệu đô bây giờ. Vì chất liệu không chống được lửa nên The Breakers đã bị thiêu trụi vào năm 1892; phần khu nhà mini may quá được xây tách ra nên không vấn đề gì. Sau vụ cháy, Cornelius Vanderbilt II đặt hàng kiến trúc sư Richard Morris Hunt thiết kế một công trình khác trên nền đất cũ sao cho thật lộng lẫy và quan trọng nhất là cấu trúc không được có gỗ (để chống cháy.) Trước tiên phải nói qua về chủ nhân của The Breakers. Cái tên Vanderbilt ở thế kỷ 19 đồng nghĩa với “giàu nứt đố đổ vách”. Ngay cả bây giờ, nhắc đến Vanderbilt là ám chỉ tới dòng dõi thế phiệt trâm anh với mùi tiền phảng phất. Chẳng thế mà mấy bộ phim hiện đại như Gossip Girl vẫn để nhân vật chút dính dáng với nhà Vanderbilt cho ra vẻ danh gia vọng tộc. Thế nhưng ở thế kỉ 19 thì nhà Vanderbilt vẫn bị giới quý tộc châu Âu coi là giàu xổi. Coi là coi thế thôi nhưng quý tộc mà không có tiền thì cũng mệt, thế nên có ai nhà Vanderbilt cầu hôn thì các hầu tước bá tước công tước vẫn gật đầu vội. Cụ tổ nhà Vanderbilt gốc Hà Lan, thường được gọi là Commodore Cornelius Vanderbilt để phân biệt với các cháu chắt cùng tên. Cụ có 2 bà vợ (đều là em họ) và 13 đứa con, thế nhưng một mình con trai cụ là William kế thừa gần hết tài sản khi cụ qua đời. 8 đứa con gái không được cụ để lại xu nào vì cụ cho rằng “đàn bà cần gì tiền với bạc”. Nhà Vanderbilt thế là lôi nhau ra tòa. Con trai ông là William “Billy” Vanderbilt kế nghiệp cha và tiếp tục giữ vị trí giàu nhất cho đến khi chết. Con trai của William được đặt theo tên của ông nội và cũng là cháu cưng của Cornelius Vanderbilt. Suốt đời mình, Cornelius Vanderbilt II là một người mộ đạo và ham làm từ thiện. Ông đóng góp rất nhiều cho hội Chữ thập đỏ, viện Met, Cứu thế quân, v.v.,… Đây cũng chính llà ông chủ của The Breakers mà ta đang nhắc đến. Nhờ có ông mà The Breakers trở thành thành một Địa danh Lịch sử Quốc gia (National Historic Landmark) của Hoa Kỳ. Nhưng The Breakers mà không có bàn tay của kiến trúc sư Richard Morris Hunt thì chưa chắc tiếng tăm đã vang xa như vậy. Richard Morris Hunt là người Mỹ đầu tiên theo học tại trường Mỹ thuật danh giá tại Paris. Tại đây, ông đã góp phần vào việc nâng cấp bảo tàng Louvre. Ông cũng là người thiết kế đế của bức tượng Nữ thần tự do, sảnh lớn cùng mặt tiền viện Met, và đại học Yale. Những căn biệt thự xa hoa nhất trên đại lộ Fifth Avenue đều do ông đảm nhiệm. Được coi là “đại sứ của nền kiến trúc Mỹ,” Richard Morris Hunt có vai trò không nhỏ trong việc hình thành bộ mặt của New York nói riêng và New England nói chung. Tại Newport, Richard Morris Hunt mau chóng trở thành một nhân vật được giới thượng lưu trào đón nhiệt tình. Vốn sinh ra trong gia đình có của nên Hunt giao thiệp môt cách vô tư thoải mái với những khách hàng tiềm năng của mình, trong đó có kha khá thành viên của đại gia đình Vanderbilt. Không những thế, ông còn đi tiên phong trong việc đòi hỏi nghề kiến trúc sư của mình được coi trọng ngang hàng với bác sĩ và luật sư chứ không chỉ là “thợ vẽ.” Tại Newport, ông cũng có một biệt thự riêng mang tên “Hypotenuse” (cạnh huyền). The Breakers được xây dựng trong vòng 3 năm, một thời gian khá ngắn so với kích thước và độ hoành tráng của tòa nhà. Những nguyên liệu quý nhất được chuyển về từ khắp nơi trên thế giới: cẩm thạch từ Ý, gỗ quý từ châu Phi, gạch lát từ Trung Đông và châu Á. Nhiều bộ phận của The Breakers được gỡ trực tiếp từ các lâu đài Pháp và chuyển về Hoa Kỳ. Khi hoàn thành, The Breakers có 70 phòng với tổng diện tích là 6 ngàn m2, chưa kể 5 ngàn m2 sân vườn, và đã tiêu tốn của Cornelius Vanderbilt II số tiền tương đương với 335 triệu đô la hiện nay. Cổng chính bằng sắt uốn lượn của The Breakers mở ra đại lộ Ochre Point Avenue còn toàn bộ phần sau trông ra biển rộng mênh mông. Phong cách của The Breakers được các nhà phê bình gọi là “Gout Rothschild,” dựa theo gia tộc siêu giàu Rothschild ở châu Âu. Khác với nhà Vanderbilt, đế chế của nhà Rothschild được xây dựng trên cái nền tài chính, ngân hàng. Vốn gốc Do Thái, nhà Rothschild bành trướng thế lực và quan hệ bằng cách kết hôn với giới quý tộc hoặc các gia đình tài phiệt khác. Về kiến trúc, “kiểu Rothschild” là một sự kết hợp của Phục Hưng Ý, thời kì Victoria của Anh, và Hàn lâm Pháp. Nhưng phần làm nên dấu ấn của The Breakers chính là nội thất được trang trí cầu kỳ và sang trọng đến cực điểm, mà chúng ta sẽ bàn đến trong bài kế tiếp. * (Còn tiếp phần 2: “Nhà dát vàng của Thời Dát Vàng) Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|