Tiêu điểm

Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng24. 04. 17 - 8:13 pm

Anh Nguyễn

Tranh hí họa vẽ Kim Dung

Nghê Khuông là người nghiên cứu sâu nhất về Kim Dung tại Hồng Kông. Theo Nghê Khuông, Lộc Đỉnh Ký – tác phẩm “phong bút” của Kim Dung, là “cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất mọi thời đại, ở Trung Hoa cũng như trên thế giới.” Ông còn lập ra một hệ thống phân loại các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, trong đó Vi Tiểu Bảo được ông xếp hạng “thượng đẳng” vì tính cách rất đời thực với đầy những lầm lỗi đặc trưng của con người, trái ngược với Quách Tĩnh hoàn hảo nhưng nhàm chán (không được Nghê Khuông xếp hạng).

Tại cuộc hội thảo về Kim Dung tổ chức tại Đài Loan nhân dịp các tác phẩm của ông được chính thức phát hành (sau một thời gian dài cấm đoán,) những cuộc bàn luận về Vi Tiểu Bảo đã chiếm ba phần tư thời lượng chương trình. Sức hút mạnh mẽ của Vi Tiểu Bảo khiến Lộc Đỉnh Ký trở thành trường thiên tiểu thuyết đầu tiên của Kim Dung được dịch sang tiếng Anh, từ đó tiếng tăm của tên “tiểu gia hỏa”(*) này càng trở nên lừng lẫy, thu hút đông đảo sự chú ý của giới học thuật.

Bìa sách Lộc Đỉnh Ký bằng tiếng Anh (quyển một)

Vi Tiểu Bảo – kẻ “tiểu nhân” nhiều người muốn noi gương

Sự yêu thích đặc biệt của độc giả với Vi Tiểu Bảo không phải là ngẫu nhiên. Trái ngược với những anh hùng khác của Kim Dung, Vi Tiểu Bảo chúa ghét việc khổ luyện võ nghệ, chẳng có tấm lòng cứu nhân độ thế, lại càng không dũng mãnh phi thường. Song những thành tựu chính trị mà Quách Tĩnh, Dương Quá, Tiêu Phong, Trương Vô Kỵ đạt được đều thật nhỏ nhoi so với Vi Tiểu Bảo. Y hành hung thành công Ngao Bái – khai quốc công thần của nhà Thanh, phá hủy Thần Long giáo, đạt được hiệp ước biên giới với Nga, làm suy yếu thế lực của đại Hán gian Ngô Tam Quế, điều đình với sứ giả Mông Cổ-Tây Tạng…

Không những thế, Vi Tiểu Bảo còn dính dáng rất sâu với các thế lực giang hồ: y kiêm chức Hương chủ của Thiên Địa hội, Bạch Long Sứ của Thần Long Giáo, bái Trường Bình công chúa nhà Minh làm sư phụ, lại có ơn với bọn Mộc vương phủ, phái Vương Ốc, Lý Tây Hoa,… Có thể nói Vi Tiểu Bảo vừa là một đại công thần của nhà Thanh vừa là một yếu nhân bậc nhất trong võ lâm. Không những thế, Vi Tiểu Bảo còn là phú ông giàu có nhất, ông chồng nhiều diễm phúc nhất của Kim Dung với kho báu Lộc Đỉnh Sơn và bảy người vợ như hoa như ngọc.

Thế nhưng bất chấp những chiến tích đó, Vi Tiểu Bảo vẫn là một tên lưu manh dễ gần. Tiêu Phong, Quách Tĩnh giống núi Thái Sơn khiến người ta cúi rạp mình ngưỡng mộ. Dương Quá, Viên Thừa Chí là cánh chim tiêu sái vô định nằm ngoài tầm với. Vi Tiểu Bảo lại giống một người bạn mà ta có thể cùng chén chú chén anh, thậm chí hứng chí lên còn vò đầu, đá đít y một cái.

Cách Kim Dung dẫn dắt câu chuyện khiến người đọc cảm thấy Vi Tiểu Bảo có tài ứng biến khôn lường, luôn dễ dàng chuyển nguy thành an, song họ cũng có thể làm được như vậy. Một tên vô lại thất học thì tài cán đến đâu cơ chứ! Những cuộc phiêu lưu của Vi Tiểu Bảo luôn ly kỳ, nhưng không đến nỗi bất khả thi. Học võ thì khó, làm anh hùng hào kiệt lại càng khó, chứ giàu có, vợ đẹp như Vi Tiểu Bảo thì chỉ cần có chút vận may là được. Đây chính là nét hấp dẫn “thoát ly thực tế” (escapism) của Lộc Đỉnh Ký.

Bìa sách Lộc Đỉnh Ký bằng tiếng Anh (quyển ba)

Thấy phụ nữ là thấy tiềm năng lợi nhuận

Trên thực tế, tạo nên một Vi Tiểu Bảo tầm thường một cách phi thường như vậy không phải dễ dàng. Kim Dung thú nhận đã từng có cảm giác chán ghét Vi Tiểu Bảo khi bắt đầu viết Lộc Đỉnh Ký. Thế nhưng càng viết về y, ông càng bị chính nhân vật của mình cuốn hút. Khi Lộc Đỉnh Ký đi đến hồi kết, Kim Dung đã coi tên nhãi ranh tinh quái này là tri kỷ. Viết về Vi Tiểu Bảo là cách Kim Dung rà soát lại những quan điểm của chính mình về các khái niệm anh hùng, hiệp nghĩa, ái quốc, dân tộc. Trên hết, ông đã gửi gắm vào nhân vật này những trăn trở, ám ảnh về tư tưởng nhất thống Trung Hoa.

Khi bắt đầu câu chuyện, Vi Tiểu Bảo nằm ở nấc thang cuối cùng của xã hội phong kiến nam quyền, đơn giản bởi y là con trai của một kỹ nữ. Xuất thân của y có hai tầng nhơ nhuốc: thứ nhất, y là kẻ không cha, nghĩa là không có nguồn gốc. Thứ hai, mẹ y là món đồ chơi của tất cả các gã đàn ông có tiền, tức là ai ai cũng có thể làm “cha hờ” của Vi Tiểu Bảo! Về khoản này, chính Vi Tiểu Bảo đã thừa nhận:

Y nhón chân đi tới ngoài phòng mẹ, vừa thò đầu vào, thấy trong phòng không có ai, biết mẹ đang tiếp khách, nghĩ thầm “Mẹ kiếp, không biết lại là thằng khách ôn dịch nào đang chơi mẹ mình, làm cha hờ của mình đây”.

Khi vào cung, Vi Tiểu Bảo giả trang làm một thái giám nhỏ, lại lấy tên là Tiểu Quế Tử. Bị triệt tiêu bộ phận sinh dục nam, các thái giám trong cung là một tầng lớp đặc biệt trong xã hội: không phải đàn ông cũng không phải đàn bà. Việc biến thành thái giám (dù chỉ là tạm thời) một lần nữa nhấn mạnh khía cạnh “nhu nhược” của Vi Tiểu Bảo. Từ “quế” lại đồng âm với “quy” – con rùa, do đó Tiểu Quế Tử cũng có thể được hiểu là ‘thằng rùa nhỏ.” Ở Trung Hoa, chửi ai đó là “đồ rùa đen” là một sỉ nhục rất nặng, vì nó ám chỉ kẻ kia bị cắm sừng. Chi tiết này tương ứng ứng với hoàn cảnh “con trai kỹ nữ” mà ta vừa nói đến ở trên. Ở giai đoạn này, Vi Tiểu Bảo đã hoàn toàn bị tước đoạt những yếu tố nam tính: từ xuất thân đến thể xác (ẩn dụ,) và cả tên gọi nữa. Y không có sự tôn trọng của bất kỳ ai, kể cả đầy tớ trong Lệ Xuân Viện nơi y sinh ra cũng khinh thường y.

Vi Tiểu Bảo khi còn nhỏ (bên trái)

Ước mơ của Vi Tiểu Bảo rất đơn giản: từ nhỏ y đã muốn vung tiền trong Lệ Xuân Viện một phen ba ngày ba đêm cho thỏa chí bình sinh, nếu có thể làm lão bản mở kỹ viện riêng thì càng tốt! Sau này khi trở thành quan đại thần của nhà Thanh, mộng ước ngày xưa không thể thực hiện được nữa, y lại đưa mẹ năm vạn lạng bạc để mở Lệ Hạ Viện, Lệ Thu Viện, Lệ Đông Viện cạnh tranh cho Lệ Xuân Viện sập tiệm. Mỗi khi gặp một mỹ nhân nào, dù đó có là công chúa hay giáo chủ phu nhân, việc đầu tiên của Vi Tiểu Bảo là tính toán mức độ “hút khách” nếu nàng làm kỹ nữ, quả thực mật lớn bằng trời. Thậm chí thái hậu đương thời trong mắt y cũng chỉ là “con đĩ già.” Ví dụ khi gặp Tô Thuyên kiều diễm âm độc, y không sợ chết mà lại nghĩ như sau:

Vi Tiểu Bảo từ xa nhìn, thấy bàn tay đúng là như bạch ngọc tạc thành, trong lòng lập tức nảy ra ý nghĩ “Nữ nhân này mà làm vợ mình cũng không phải kém. Nàng mà tới Lệ Xuân viện làm ăn, thì khách chơi ở Dương Châu sẽ ùn ùn kéo tới xô vỡ cả cổng lớn Lệ Xuân viện”.

Hay khi diện kiến đệ nhất mỹ nhân Trần Viên Viên – người khiến cả Sùng Trinh, Ngô Tam Quế, Lý Tự Thành mê đắm, Vi Tiểu Bảo không mất công suy ngẫm về lịch sử hay mối họa vong quốc mà chỉ nghĩ cách kiếm lời:

“Bà ta vừa đàn vừa nói chuyện thế này, rất giống các tiên sinh kể chuyện ở Tô Châu vừa đàn vừa kể chuyện. Mình nói chuyện vài câu với bà ta, phụ họa vài tiếng, trở thành người giúp việc của tiên sinh kể chuyện. Hai người chúng ta mà tới quán trà ở Dương Châu làm ăn, đảm bảo sẽ làm chấn động cả thành Dương Châu, cả quán trà cũng bị chen lấn vỡ toang. Mình dựa vào bảng hiệu của bà ta, tự nhiên cũng sẽ nổi tiếng”

Vi Tiểu Bảo tằng tịu cùng công chúa Nga

Rõ ràng đối với Vi Tiểu Bảo, phụ nữ là một thứ “tư bản” (capital) – những vật thể có giá trị, có khả năng đo lường được sự giàu sang của người sở hữu chúng. Thế giới quan của Vi Tiểu Bảo được môi trường kỹ viện hun đúc mà nên, môi trường đó vừa rẻ rúng người phụ nữ, biến họ thành hàng hóa, vừa tước đoạt bản ngã nam giới của Vi Tiểu Bảo, khiến y nung nấu ý chí báo thù. Mẹ y là sở hữu của vô vàn đàn ông thì y sẽ sở hữu vô số đàn bà. Sự thèm khát phụ nữ của họ Vi không đến từ nhu cầu tình dục đơn thuần. Đối với Vi Tiểu Bảo, thu thập đàn bà là cách y bồi đắp cho mình một nhân thân mới, từ đó trở thành một nam nhân thực thụ.

Về mặt này, Trương Hải Hồng đã nhận xét: “Vi Tiểu Bảo thân không võ công, nhút nhát sợ việc, lại không phải bậc hảo hán nghi biểu đường hoàng, về bề ngoài và tinh thần đều đáng xếp vào hàng anh hai thỏ. Nhưng nói tới phụ nữ thì Vi Tiểu Bảo lại đặc biệt to gan, loại nào cũng dám chọc vào, đúng là dũng cảm điên cuồng, mù quáng. Món điểm tâm Song Nhi trước bữa ăn, canh cay Yến Ninh công chúa, uyên ương bỏ lò Phương Di, rau tươi thanh đạm Mộc Kiếm Bình, Phật trèo tường A Kha,… y đều nếm tất. Ngay cả tôm rồng đầy gai Tô Thuyên y cũng nhận lấy, nhấc đũa vung gươm khoái trá ăn luôn. Bản lĩnh của y là coi mọi người như nhau, làm bừa làm bãi, kéo hết Mãn Hán vào một chiếu, có thể nói là nhà hàng ăn đứng đầu trong dã sử. Đàn ông đều muốn làm Vi Tiểu Bảo, nhưng đều không làm được.”

Vi Tiểu Bảo và các người đẹp trên giường lớn

Chinh phục gái: biểu tượng của thu phục về chính trị và văn hóa

Thế nhưng quá trình gom vợ của Vi Tiểu Bảo không chỉ là câu chuyện của một cá nhân. Rõ rệt hơn, nó là biểu tượng cho ý nghĩa nhất thống văn hóa của Lộc Đỉnh Ký. Ở cuối truyện, tác giả hé lộ cho ta biết về lai lịch của Vi Tiểu Bảo: mẹ y tiếp đủ mọi khách, chỉ thiếu người Tây Dương. Vi Tiểu Bảo là sự kết hợp của năm dòng máu Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng, nói cách khác, y chính là ngụ ngôn của dân tộc Trung Hoa – một dân tộc kiêu ngạo, hãnh tiến, nhưng không ít lần trải qua những giai đoạn “nhược tiểu.” Nếu giải pháp của Vi Tiểu Bảo là sưu tập nữ nhân, thì giải pháp của dân tộc Trung Hoa là thu phục về chính trị và văn hóa.

Thử nhìn lại lai lịch bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo: Tô Thuyên là phu nhân giáo chủ Thần Long Giáo gian hiểm, Song Nhi là người của Trang gia bị hại bởi văn tự ngục, Kiến Ninh công chúa nhà Thanh nhưng thực ra gốc gác thuộc Thần Long Giáo, Phương Di và Mộc Kiếm Bình của Mộc vương phủ Vân Nam, Tăng Nhu phái Vương Ốc, A Kha con gái Sấm Vương Lý Tự Thành. Bảy người bọn họ đến từ những tổ chức lớn nhỏ khác nhau nhưng cùng chung mục đích phản kháng triều đình nhà Thanh. Về cuối truyện, họ đều bị Vi Tiểu Bảo thâu tóm bằng nhiều thủ đoạn.

Quá trình chinh phục mỹ nhân của Vi Tiểu Bảo chính là ẩn dụ cho quá trình chinh phạt các thế lực chống đối, quy Trung Hoa về một mối của nhà Thanh. Ngay trong Lộc Đỉnh Ký, những cuộc tình của Vi Tiểu Bảo luôn diễn ra song song với việc khuất phục “thù trong giặc ngoài” của Khang Hy: bức hàng họ Trịnh ở Đài Loan, vô hiệu hoá Thiên Địa Hội, triệt thoái Nga La Tư-Mông Cổ-Tây Tạng, dẹp loạn Tam Phiên,…

Lộc Đỉnh Ký ấn hành ở Trung Quốc

Cung cách của một Trung Hoa xâm lược và gây hấn

Thế nhưng trong quá trình viết Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung luôn ý thức được tính thái quá, lố bịch, thậm chí cực đoan trong nền móng cai trị của Trung Quốc. Đối với nhân vật Vi Tiểu Bảo, việc tích luỹ đàn bà luôn sóng đôi với thắng lợi chiến tranh và hạ nhục kẻ thù. Quá trình này bắt đầu với những sự việc tưởng chừng rời rạc, nhưng khi nhìn một cách tổng thể, chúng đã khắc họa rõ nét tâm lý xâm lược/gây hấn của y. Vi Tiểu Bảo ôm ấp Phương Di trong chăn, trên kiệu chưa đủ, y phải chôn sống, đái lên đầu Lưu Nhất Chu người yêu nàng mới thỏa ý. Y dùng bàn tay Lạt ma sờ lên má A Kha, trêu ghẹo nàng, cưỡng hiếp nàng vô cùng khoái trá, nhưng y thích thú hành hạ tình địch Trịnh Khắc Sảng còn hơn thế. Vi Tiểu Bảo ngủ với Tô Thuyên khiến nàng có thai, rồi lại giết chết Hồng giáo chủ – kẻ bị y cắm sừng. Những cặp phạm trù hiếp/giết trên gây liên tưởng mạnh mẽ đến những cuộc chiến tranh mà đàn bà bị cưỡng dâm, bắt làm nô lệ, đàn ông bị xử tử. Do cách viết bông đùa của Kim Dung, những hành động của Vi Tiểu Bảo khiến chúng ta bật cười thay vì tức giận, nhưng ẩn sau đó là tư tưởng chiếm đóng, xâm lấn của dân tộc Trung Hoa.

Vi Tiểu Bảo trêu ghẹo Phương Di, Mộc Kiếm Bình trong chăn

Tâm lý này được phát tác đến đỉnh điểm trong chuyến xuất mã thu phục “quỷ La Sát” (quân Nga) của Vi Tiểu Bảo. Tâm lý chiến được Vi Tiểu Bảo áp dụng là lột truồng quân địch, dọa thiến chúng. Chiến lược đánh trận thật sự của y lại bắt nguồn từ một trò chơi: y đái vào ống nước bắn lên thành, từ đó nghĩ ra kế làm những vòi rồng (thủy long) phun nước nóng vào thành, khuất phục quân địch. Ngay cả viên tướng Nga khi bại trận cũng bị chính lính của y lột trần truồng. Những vòi rồng phun nước đầy tính phồn thực là biểu tượng cho sức mạnh dương tính vượt trội của nhà Thanh, áp đảo quân thù. Món quà kỉ niệm chiến thắng Vi Tiểu Bảo gửi cho công chúa Tô Phi Á (Sophia) chính là một bức tượng khỏa thân của y với dòng chữ “Ta mãi mãi yêu cô” – Kim Dung còn thêm vào chi tiết các phụ nữ Nga hay đến ve vuốt hạ thể bức tượng để cầu xin con trai. Hệ tư tưởng “Chinese Supremacy” vậy là đã được đẩy đến cùng cực rồi. Cuối cùng, khi kí văn tự Điều ước Ni Bố Sở (Treaty of Nerchinsk), Vi Tiểu Bảo chỉ viết nguệch ngoạc một chữ Tiểu (小):

Vi Tiểu Bảo cả mừng, nghĩ thầm viết chữ Tiểu thì mình nắm chắc trong tay, lúc ấy bèn nhấc bút lên, vẽ một hình tròn bên trái, một hình tròn bên phải sau đó sổ một nét thẳng xuống ở giữa.

Sách Ngạch Đồ mỉm cười nói “Được rồi, viết rất đẹp”. Vi Tiểu Bảo nghiêng đầu ngắm nghía chữ Tiểu, đột nhiên ngẩng lên trời cười rộ. Sách Ngạch Đồ ngạc nhiên hỏi “Vi đại soái có gì mà cười?”. Vi Tiểu Bảo cười nói “Ngươi nhìn chữ này một con chim hai quả trứng, há không phải là như thế sao?”. Các quan lớn bên nhà Thanh không kìm được đều hô hô cười rộ, cả đám tùy tùng và thân binh cũng cười thành tiếng.

(*) đây là cách Kim Dung gọi Vi Tiểu Bảo trong bài viết “Wei Xiaobao zhe xiao jiahuo” ( Vi Tiểu Bảo thằng vô lại nhỏ) đăng năm 1981.

*

(Còn tiếp bài 2)

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

21:45 Saturday,6.5.2017 Đăng bởi:  hưng duy
Hình chú thích "Vi Tiểu Bảo tằng tịu cùng công chúa Nga" có lẽ là nên đổi lại chú thích vì đây là cảnh Vi Tiểu Bảo hỗ trợ công chúa Sophia bắt giữ tên đội trưởng lính canh, bắt đầu làm phản.
...xem tiếp
21:45 Saturday,6.5.2017 Đăng bởi:  hưng duy
Hình chú thích "Vi Tiểu Bảo tằng tịu cùng công chúa Nga" có lẽ là nên đổi lại chú thích vì đây là cảnh Vi Tiểu Bảo hỗ trợ công chúa Sophia bắt giữ tên đội trưởng lính canh, bắt đầu làm phản. 
12:45 Tuesday,25.4.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Tôi chưa đọc tác phẩm nào của Kim Dung, chỉ đọc bình luận trong sách khác nên không biết thực chất nhân vật Vi Tiểu Bảo là như thế nào. Nhưng khi đọc về tính cách của dân tộc Trung Hoa thông qua hình tượng nhân vật này lại nhớ một đoạn trong "Sử ký Tư Mã Thiên". Khi Lã Hậu khoét mắt, đốt tai, cắt mũi, cắt cả tứ chi của bà phi thất thế rồi vứt vào chuồng lợ
...xem tiếp
12:45 Tuesday,25.4.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
Tôi chưa đọc tác phẩm nào của Kim Dung, chỉ đọc bình luận trong sách khác nên không biết thực chất nhân vật Vi Tiểu Bảo là như thế nào. Nhưng khi đọc về tính cách của dân tộc Trung Hoa thông qua hình tượng nhân vật này lại nhớ một đoạn trong "Sử ký Tư Mã Thiên". Khi Lã Hậu khoét mắt, đốt tai, cắt mũi, cắt cả tứ chi của bà phi thất thế rồi vứt vào chuồng lợn, đặt cho biệt danh là "con người lợn" thì tôi thấy tận cùng của cái ÁC, ác đến ghê rợn của người Tàu. Con người xử Ác với nhau cũng chỉ đến thế là cùng! Mẹ tàn độc, ác tận cùng của ác như thế nhưng con trai lại là người hiền lương. Khi Hiếu Huệ Đế nhìn thấy cảnh thảm thương của bà phi đó thì nôn ọe rồi phát ốm cả tháng sau đó, chỉ thốt lên được một câu:
- Đó không phải là việc con người làm!!!
Ngày xưa đọc "Sử ký Tư Mã Thiên" tôi nhớ mãi đoạn này. Rồi còn xem phim cũng có cảnh này nữa. Càng về sau tôi càng thấu hiểu sự tàn độc ghê rợn, ÁC ĐẾN TẬN CÙNG CỦA ÁC của người Tàu!!!

Từ thời ấu thơ bà đã biết rõ những đáy sâu man rợ của người Trung Hoa... (19 - Hồng Đô nữ hoàng) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp