Văn & Chữ

Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có 26. 04. 17 - 1:52 pm

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài 1)

 

Lộc Đỉnh Ký

Lộc Đỉnh Ký được coi là một kỳ thư, và cũng là tác phẩm Kim Dung tự cho là hay nhất của mình. Nhân vật chính Vi Tiểu Bảo thì đã hóa thành một phần không thể thiếu của văn hóa đại chúng Trung Quốc. Nhiều cuốn sách trở nên rất ăn khách nhờ bàn về việc áp dụng tính cách của Vi Tiểu Bảo vào đời sống hay kinh doanh, ví dụ như Vi Tiểu Bảo thần công của Liu Tianci, Sang Mỹ dự Lộc Đỉnh Ký của Feng Liangnu, Vi Tiểu Bảo khải thị lục của Jin Ge, Khả dĩ để hiếu liêm: Vi Tiểu Bảo thoại thuyết của Zhang Mu.

Cuộc đời của Vi Tiểu Bảo có nhiều cái “số Một”: y là học trò của đệ nhất võ lâm Trần Cận Nam, đã từng diện kiến đệ nhất mỹ nhân Trần Viên Viên, kết giao với đệ nhất gian hùng Ngô Tam Quế, biết được bí mật kho báu đệ nhất thiên hạ Lộc Đỉnh Sơn. Thế nhưng Kim Dung không bao giờ cho phép người đọc quên đi hai điều: thứ nhất là xuất thân thấp hèn của Vi Tiểu Bảo, thứ hai là trình độ văn hóa vô cùng “ọt ẹt” của y.

Những người anh hùng trong tiểu thuyết Kim Dung đa phần là những hán tử thô hào, lỗ mãng, ít năng khiếu văn thơ. Thế nhưng Vi Tiểu Bảo là một trường hợp cá biệt. Y hoàn toàn mù chữ, nhưng lại mê truyện xưa tích cổ. Trí nhớ của y lèm nhèm không tốt, nhưng lại có khả năng biến báo thần kỳ. Nền văn minh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa khi lọc qua Vi Tiểu Bảo đã biến thành một phiên bản lỗ chỗ, “tạp pí lù,” chẳng khác nào phản chiếu của một tấm gương biến dạng, thế nhưng phiên bản đó vẫn đặc sệt tư duy Đại Hán. Và tư duy đó chính là nền tảng đem đến “đại công cáo thành” cho Vi Tiểu Bảo, dù không theo cách mà ta mong đợi. Đó là những điểm mà chúng ta cần phân tích trong bài này.

Vi Tiểu Bảo khi làm quan to

Biến dạng văn hóa tầng thứ nhất: đụng đến chữ nghĩa là dùng sai

Ở tầng thứ nhất của sự biến dạng văn hóa, Vi Tiểu Bảo thường xuyên sử dụng sai các thành ngữ, tục ngữ, tên gọi. Những câu nói sai của Vi Tiểu Bảo là một kho tàng truyện cười của Lộc Đỉnh Ký. Song chớ coi thường chúng. Kim Dung đã sử dụng chính những trò đùa bông lơn này để khắc họa tính cách Vi Tiểu Bảo. Một lời nói ra bốn ngựa (tứ mã) khó đuổi đã bị y thay bằng ngựa chết (tử mã). Ngựa chết thì còn đuổi thế nào? Hay “Nghiêu Thuấn Vũ Thang” là mỹ từ để ca tụng những vị vua tài đức, lấy từ danh hiệu của Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đại Vũ, Thành Thang. Biết Khang Hy thích được nịnh là Nghiêu Thuấn Vũ Thang, Vi Tiểu Bảo rất chăm chỉ vỗ mông ngựa, song y luôn nói nhầm thành “điểu sinh ngư thang” (canh chim-sinh-cá).

Vi Tiểu Bảo là một con vẹt lặp lại những câu nói hoa mỹ chứ trong bụng y không có một mảy may chữ nghĩa thánh hiền. Ngoài ra, y cũng chẳng hề tôn thờ những giá trị mơ hồ như nói lời phải giữ lấy lời, thương dân như con, v.v,.. Đối với y, chúng chỉ là những lời rỗng tuếch, và y… không hẳn đã sai. Thông qua Vi Tiểu Bảo, Kim Dung đã biểu lộ sự chán ngán với những khẩu hiệu vô nghĩa, mị dân đầy rẫy trong lịch sử Trung Quốc. Đúng như Khang Hy nhận xét, những lãnh đạo càng thích được ca tụng thì cai trị lại càng không ra gì!

Vi Tiểu Bảo đứng chầu vua Khang Hy

Tư duy Đại Hán mà chúng ta đã bàn đến ở bài trước cũng bộc lộ rất rõ ở tầng thứ nhất này. Người Hán luôn coi mình là chủng tộc đỉnh cao, họ không chỉ coi thường các dân tộc lân bang, từ thời Xuân Thu đã gọi họ là Tứ di (bốn thứ mọi rợ: nam Man, bắc Địch, đông Di, tây Nhung), mà còn khinh miệt cả người Tây phương nữa. Vi Tiểu Bảo nói sai tiếng Trung Quốc chưa đủ, mà còn nói sai cả… tiếng Nga. Hai viên sĩ quan cấp cao của Nga có tên Hoa Bát Tư Cơ và Tề Nặc Lạp Phu bị y gọi chệch thành Vương Bát Tử Kê (gà chết khốn nạn) và Trư La Noạ Phu (heo chó hèn hạ). Trong con mắt khinh thị của Vi Tiểu Bảo, người Tây phương là công dân hạng hai, thậm chí chỉ nhỉnh hơn động vật một chút. Tư tưởng Trung Quốc là trung tâm thế giới, cái rốn vũ trụ được biểu lộ rất rõ qua cách ăn nói của Vi Tiểu Bảo.

Biến dạng văn hóa tầng thứ hai: nhìn đâu cũng ra cờ bạc và gái đẹp

Ở tầng thứ hai của sự biến dạng văn hóa, Vi Tiểu Bảo đã bộc lộ nhiều khía cạnh thú vị trong tâm lý bản thân. Vi Tiểu Bảo sống chết vì cờ bạc và gái đẹp đến mức chúng ăn sâu vào tiềm thức, trở thành hệ quy chiếu của y. Khi nghe về Gia Định tam đồ (ba lần tàn sát của quân Thanh ở Gia Định,) cái đầu mê đánh bạc của y lại diễn giải thành:

“Lão Hoàng gia và hoàng thượng đều nói Gia Định tam đồ giết quá nhiều người, là sự kiện rất thê thảm, tại sao đánh bạc ba lần mà lại giết chết rất nhiều người? Không biết Gia Định ở đâu nhỉ? Người ở đó chắc đánh bạc giỏi lắm, phải hết sức cẩn thận mới được”.

Vi Tiểu Bảo

Một lần khác, Vi Tiểu Bảo đưa bảy người phụ nữ lên giường trong trích đoạn đáng nhớ ở hồi 39. Y vừa kết bái thành huynh đệ với vương tử Mông Cổ, mà A Kỳ lại là tình nhân của nghĩa huynh, vậy có nên bế luôn nàng lên giường hay không? Vi Tiểu Bảo đã tự hội thoại với bản thân mình như sau:

Vi Tiểu Bảo thấy nàng dung mạo kiều diễm, hơi thở gấp rút, lồng ngực không ngừng nhô lên hạ xuống, chợt thấy hối hận, “Mình kết nghĩa với đại Lạt ma và vương tử Mông Cổ không phải là tâm đầu ý hợp, chẳng qua chỉ là mưu kế, lừa cho họ không giết mình thôi. Đại ca nhị ca gì gì đều là thuận miệng nói bừa. Cô nương A Kỳ xinh đẹp như thế mà phải gọi là nhị tẩu thì quá đáng tiếc, chẳng bằng cứ lấy làm vợ luôn cho xong. Trong chuyện Tam tiếu nhân duyên cửu mỹ đồ, Đường Bá Hổ có tới chín người vợ. Nếu mình tính luôn A Kỳ vào chẳng qua cũng chỉ có tám mỹ, còn thiếu một mỹ. Phì, phì, phi! Con đĩ già vừa già vừa dữ, làm sao có thể tính là một mỹ chứ?”.

So với Đường Bá Hổ thì thiếu một mỹ, còn phải trừ thái hậu giả ra thì thiếu tới hai mỹ, quả thật kém hơn quá nhiều, lúc ấy liền bế A Kỳ lên đi vào phòng. Nhưng đi được vài bước, chợt nghĩ “Quan Vân Trường ngàn dặm đưa hoàng tẩu, cũng không đem Lưu đại tẩu biến thành Quan nhị tẩu. Vi Tiểu Bảo bảy bước đưa vương tẩu, cũng không thể quá không biết nghĩa khí, thiếu hai mỹ thì thiếu hai mỹ, sợ gì tương lai không tìm được cho đủ?”. Lúc ấy lập tức xoay người, lại bế A Kỳ ra đặt lên ghế.

Đây là trích đoạn rất ngộ nghĩnh. Đường Bá Hổ hay Đường Dần chính là một họa gia nổi tiếng đời Minh với các bức vẽ mỹ nhân phong tình. Ông chính là tác giả bức tranh người đẹp lả lơi “Hải đường xuân thuỵ” đặt trong phòng ngủ của Tần Khả Khanh và một loạt tranh Xuân Cung Đồ khác. (Thực ra trên đời không hề tồn tại một bức nào của Đường Bá Hổ có tên “Hải đường xuân thụy” cả – đây là biện pháp “trong thực có ảo” của Tào Tuyết Cần, nhưng xin để bài khác bàn sau). Đường Bá Hổ có một người vợ tên là Thẩm Cửu Nương, tam sao thất bản, thiên hạ tưởng ông có đến chín người vợ. Đây là Vi Tiểu Bảo “bé cái nhầm”, nhưng lỗi này không quá nặng. Khối người mắc lỗi tương tự, thậm chí ngay ở Hong Kong cũng có bộ phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương của Châu Tinh Trì, trong đó Đường Bá Hổ có chín vợ thật! Điểm cốt yếu ở đây nằm ở tư tưởng “quyết không chịu thiệt” của Vi Tiểu Bảo. Tuy ở những giây phút chênh vênh giữa chính và tà, Vi Tiểu Bảo luôn hãm lại vừa đủ để không hóa thành kẻ phản diện, song tư tưởng này luôn chi phối mọi hoạt động của y. Vi Tiểu Bảo có thể thua ai, chứ nhất quyết không kém vế trong cờ bạc và đàn bà!

 

Vi Tiểu Bảo nghe Trần Viên Viên hát Viên Viên khúc. Người mê Viên Viên thì cho rằng y có phúc phận cực lớn mới được nghe toàn bộ bài hát này, nhưng Vi Tiểu Bảo chỉ nghĩ cách biến Trần Viên Viên thành “ca sĩ phòng trà” để kiếm lời.

Biến dạng văn hóa tầng thứ ba: bóp méo và lợi dụng truyện xưa tích cũ

Ở tầng thứ ba của sự biến dạng văn hóa, Vi Tiểu Bảo đã tiến lên một cảnh giới mới. Tinh hoa văn học-lịch sử Trung Quốc đã bị Vi Tiểu Bảo bóp méo và vận dụng nhuần nhuyễn cho các mục đích khác nhau. Ngay từ đầu, Lộc Đỉnh Ký đã giới thiệu với bạn đọc sự yêu thích vô hạn của y với truyện xưa tích cũ.

Tại thành Dương Châu có rất nhiều người kể chuyện trong quán trà, kể chuyện các anh hùng trong Tam quốc chí, Thủy hử, Đại Minh Anh liệt truyện vân vân. Đứa nhỏ này ngày đêm ở trong kỹ viện, sòng bạc, quán trà, hàng rượu, chui vào chui ra, đấm chân mua hàng, châm dầu rót nước giúp người ta kiếm chút tiền thưởng, khi rảnh rỗi thì ngồi xổm cạnh bàn trà nghe kể chuyện. Y xưng hô rất ngọt ngào với các trà bác sĩ đại thúc trong trà quán, trà bác sĩ cũng không đuổi y ra. Y nghe kể chuyện rất nhiều, rất say sưa với các anh hùng hảo hán trong chuyện cổ.

Bản tính thích nghe kể chuyện của y từ bé đến lớn không hề thay đổi. Khi Vi Tiểu Bảo áo cao mũ dài trở về Dương Châu, hùng tâm đại chí y ôm ấp trong lòng là… nhổ sạch hoa thược dược trong vườn chùa Thiền Trí để trả thù cái nhục bị đánh ngày bé. Thế nhưng một viên quan khéo kể chuyện đã xuất hiện làm xoay chuyển tình thế:

Bố chánh sứ Mộ Thiên Nhan bước ra rạp hoa, tới khóm thược dược hái một đóa hoa to như cái bát, quay trở vào tiệc, hai tay đưa cho Vi Tiểu Bảo, cười nói “Xin đại nhân gài đóa hoa này lên mũ, ty chức có một chuyện cổ xin kể cho đại nhân nghe”.

Vi Tiểu Bảo vừa nghe lại có chuyện cổ, liền đón lấy đóa hoa, chỉ thấy đóa hoa thược dược này cánh hoa màu đỏ rực, mỗi cánh đều có một vệt ngang màu vàng, vô cùng tươi đẹp, liền cài lên mũ.

Mộ Thiên Nhan nói “Chúc mừng đại nhân. Loại thược dược này có tên là Kim đới vi, là một giống thược dược vô cùng quý hiếm. Trong thư tịch cổ có ghi chép, ai nhìn thấy loại Kim đới vi này về sau sẽ làm Tể tướng”.

Nhờ tài ứng biến của Mộ Thiên Nhan mà bấy nhiêu đóa thược dược xinh đẹp tại Dương Châu đã thoát cảnh bị nhổ cho ngựa ăn.

Một lần khác, cẩu quan Ngô Chi Vinh rắp tâm mở một vụ án văn tự ngục mới, oái oăm thay y lại tìm đến đúng Vi Tiểu Bảo mách tội. Chữ nghĩa có to bằng hạt đào thì họ Vi cũng không hề quan tâm, chỉ nghe đến chuyện xưa tai y mới vểnh lên:

Vi Tiểu Bảo từ nhỏ đã nghe tiên sinh kể chuyện kể Đại Minh Anh liệt truyện, chuyện cũ nhà Minh khai quốc đã nghe thuộc lòng, vừa nghe y nói tới hai đại tướng Từ Thường, lập tức tinh thần phấn chấn, khác hẳn với vẻ thiu thiu muốn ngủ lúc y đọc văn thơ mới rồi, cười nói “Hai vị đại tướng quân ấy oai phong tám mặt, rất là lợi hại. Ngươi có biết Từ Đạt dùng binh khí gì không? Thường Ngộ Xuân dùng binh khí gì không?”.

Vi Tiểu Bảo nghe Ngô Chi Vinh kể chuyện

Đam mê cái gì tất sẽ giỏi cái đó. Kiến thức chuyện xưa của Vi Tiểu Bảo có thể nói là rất lợi hạ: những chi tiết nho nhỏ y có thể mù mờ, nhưng những bài học tinh yếu thì y nắm rõ, lại áp dụng vô cùng uyển chuyển.

Lấy ví dụ trong Lộc Đỉnh Ký, khi Khang Hy muốn Vi Tiểu Bảo cắt đứt quan hệ với lực lượng giang hồ phản Thanh phục Minh bèn ra lệnh cho y đích thân xử tử Mao Thập Bát, mà người này lại là một bằng hữu thân thiết của y. Như thường lệ mỗi khi lâm vào thế bí, y lại nghĩ đến chuyện xưa tích cổ:

Vi Tiểu Bảo nhìn Phùng Tích Phạm dưới đất, ngẫm nghĩ “Thằng đầy tớ này thì xử trí làm sao là tốt? Tha y ra xong nhất định y sẽ bẩm cáo với hoàng thượng. Cho dù không có bằng chứng gì là mình, ắt hoàng thượng cũng đoán được là mình ra tay”. Y chắp tay sau lưng, đi qua đi lại trong sảnh, lại nghĩ “Trời sáng là phải xử chém Mao đại ca, có cách nào cứu được tính mạng y không? Cướp pháp trường như trong vở Đại Danh phủ thì không được rồi. Cướp pháp trường, cướp pháp trường…”.

Đột nhiên lại nhớ tới một vở tuồng khác “Pháp trường hoán tử! Đúng rồi! Tiết Cương gây họa, cả nhà chết chém, có lão già Từ gì đó râu trắng đem con ruột mình đánh tráo đứa nhỏ Tiết gì đó trong pháp trường ra…”.

Y xem không ít tuồng hát, tên các nhân vật trong vở thì không nhớ rõ lắm, nhưng cốt truyện thì nhớ rất rõ ràng. Vừa nhớ tới vở Pháp trường hoán tử, lại nhớ tới một vở khác Sưu cỗ cứu cỗ. “Chuyện này cũng không khác lắm, có một người tên Trình Anh râu đen, đem con trai mình thay vào con chủ, để con mình bị giết mà cứu sống được con chủ. Nhưng không làm thế được, may mà Mao đại ca tuổi tác khác hẳn con mình, nếu không mà bảo mình đem Hổ Đầu, Đồng Trùy tới pháp trường giết đi, đổi Mao đại ca ra, tuy nói bạn bè nghĩa khí là trọng, nhưng những việc như thế thì mình ngàn vạn lần không sao làm được. Tốt lắm, tốt lắm!”. Y đá mạnh một cước vào Phùng Tích Phạm dưới đất, nói “Ngươi thật may mắn, Vi đại nhân nhận ngươi làm con nuôi. Con ruột thì Vi đại nhân không bỏ được, chứ con nuôi thì thương qua loa thôi”.

Kế hoạch của y từ đấy có ba phần: bước một: gây náo loạn để bắt cóc Phùng Tích Phạm; bước hai: tráo người, cùng lúc đó dùng Xuân Cung Đồ để đánh lạc hướng Đa Long; bước ba: đổ tội giết Phùng Tích Phạm cho ái thiếp của y. Trò di hoa tiếp mộc của y lại một lần nữa diễn ra trót lọt, đến mức chính người nhà Phùng Tích Phạm còn biết ơn y “phá án.”

Một hình dung kiểu manga về Vi Tiểu Bảo

*

Hết lần này đến lần khác, những kế sách trơn tru đã đem lại cho Vi Tiểu Bảo tất cả: tiền bạc, địa vị, quan hệ, gái đẹp. Thế nhưng Vi Tiểu Bảo mãi là một phản anh hùng. Cái xuất chúng của Vi Tiểu Bảo là chắt lọc lấy cái gì có lợi cho mình, ngoài ra mọi thứ khác đều làng nhàng. Khi đặt Vi Tiểu Bảo lên bàn cân so sánh với các nhân vật trước đó của Kim Dung, sự khác biệt của y càng rõ rệt. Tinh thần thượng võ, dấn thân, lòng trung quân ái quốc, tình yêu chung thủy – những giá trị cố hữu của Thiên Long Bát Bộ, Anh Hùng Xạ Điêu,… đã trở nên xa lạ trong Lộc Đỉnh Ký. Tất cả những nhân vật mang lý tưởng cao đẹp trong Lộc Đỉnh Ký như Trần Cận Nam, Tra Y Hoàng đều lui về làm nền cho Vi Tiểu Bảo: khi đặt cạnh dáng vẻ tinh ranh, cơ hội, nhanh nhạy của y, họ trở thành những con rối không hơn không kém.

Về kết cấu chặt chẽ, tình tiết hấp dẫn, cách viết điêu luyện, Lộc Đỉnh Ký xứng đáng là tác phẩm xuất sắc nhất của Kim Dung, nhất là khi đem so với những truyện thời kì đầu như Thư kiếm ân cừu lục, Anh hùng xạ điêu,… Thế nhưng nhân vật Vi Tiểu Bảo lại là đại diện cho một xã hội kim tiền nhơ nhớp, giá trị đảo lộn. Có người đã chia trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung thành bốn giai đoạn: hoàng kim của Thiên Long Bát Bộ, bạch ngân của Xạ Điêu tam bộ khúc, thanh đồng của Tiếu ngạo giang hồ, và cuối cùng là hắc thiết của Lộc Đỉnh Ký. Võ công, phẩm chất, tính cách các nhân vật càng về sau càng kém đi mà thủ đoạn xảo trá lại tăng lên. Trong thời đại hoàng kim thì cao thủ võ lâm kiểu Nam Hải Ngạc Thần cũng thơ ngây như thiếu nhi, trong thời đại hắc thiết thì thiếu niên Vi Tiểu Bảo cũng chiêu trò không kém gì kẻ ác.

Lộc Đỉnh Ký không chỉ là một tiểu thuyết võ hiệp đơn thuần. Xã hội hiện đại hóa ngày càng hối hả tác động bên ngoài, sự chiêm nghiệm khi về già thúc đẩy bên trong, cả hai yếu tố đó đã góp phần làm nên sự biến đổi trong tư duy sáng tác của Kim Dung. Cảm xúc lẫn lộn trước thời cuộc đổi thay đã được Kim Dung chuyển hóa thành Lộc Đỉnh Ký, một cái kết hợp lý cho sự nghiệp lẫy lừng của ông. Có thể nói Kim Dung đã dùng Vi Tiểu Bảo để phủ định chính những hình tượng mà ông xây dựng lên. Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm Kim Dung khiến ta cười nhiều nhất, song nó cũng chứa đựng những dư âm chua chát nhất của thế sự.

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

7:22 Thursday,27.4.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Trung: hihi em xin tạ lỗi. Hôm nào đọc sách thì bác luyện thêm vài chục cái Phủ ngoạ chưởng (công phu hít đất) cho cân bằng lại vậy.

@candid: em đơn giản lắm. Vi hay Lệnh cũng chỉ là người trong truyện, còn bản thân em chỉ muốn làm phu nhân sung sướng :))
...xem tiếp
7:22 Thursday,27.4.2017 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Trung: hihi em xin tạ lỗi. Hôm nào đọc sách thì bác luyện thêm vài chục cái Phủ ngoạ chưởng (công phu hít đất) cho cân bằng lại vậy.

@candid: em đơn giản lắm. Vi hay Lệnh cũng chỉ là người trong truyện, còn bản thân em chỉ muốn làm phu nhân sung sướng :)) 
5:42 Thursday,27.4.2017 Đăng bởi:  Candid
Anh nguyễn: Bởi vì ta luôn muốn làm Lệnh Hồ Xung nhưng hoá ra lại chỉ là Vi Tiểu Bảo. :D
...xem tiếp
5:42 Thursday,27.4.2017 Đăng bởi:  Candid
Anh nguyễn: Bởi vì ta luôn muốn làm Lệnh Hồ Xung nhưng hoá ra lại chỉ là Vi Tiểu Bảo. :D 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả