Văn & Chữ

Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi 15. 04. 17 - 6:08 pm

Anh Nguyễn

Xạ điêu tam bộ khúc” là bộ ba tiểu thuyết võ hiệp Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký gộp lại mà thành, trải dài từ sự hình thành của đế chế Mông Cổ cho tới khi quân Minh đánh đổ nhà Nguyên. Trong đó, hai tác phẩm Anh Hùng Xạ ĐiêuThần Điêu Đại Hiệp Lữ có quan hệ chặt chẽ hơn hẳn Ỷ Thiên Đồ Long Ký xảy ra sau đó tận 80 năm. Chính vì vậy hai nhân vật chính Quách Tĩnh-Dương Quá cũng thường xuyên được đem ra đặt lên bàn cân so sánh.

Quách Tĩnh hồi bé. Minh họa từ Internet

Nhà phê bình Trần Mặc đã nhận xét rất xác đáng: “Linh cảm xây dựng hình tượng Dương Quá về cơ bản là xuất phát từ việc so sánh với hình tượng đại hiệp Quách Tĩnh mà ra. Quách Tĩnh chậm chạp ngốc nghếch, Dương Quá thì thông minh lanh lợi; Quách Tĩnh chính trực đôn hậu, Dương Quá thì mẫn cảm thiên kiến; Quách Tĩnh trầm tĩnh vụng nói, Dương Quá thì nhiệt tình giỏi biện luận; Quách Tĩnh chuyên nhất cố chấp, Dương Quá thì giảo hoạt đa biến; Quách Tĩnh xuất thân trong sạch, Dương Quá thì thân thế có bí ẩn và vết nhơ. Nếu ví tính cách của Quách Tĩnh như một khối đá vững chắc, không lay chuyển; thì tính cách của Dương Quá giống như một chất lỏng nóng chảy, mẫn cảm, lưu động, có lúc sưởi ấm lòng người, làm tan băng giá, nhưng có lúc lại đốt cháy người khác, thậm chí dẫn đến hủy diệt họ. Tóm lại, hình tượng Quách Tĩnh là mẫu mực chính tông của thế giới võ hiệp, còn hình tượng Dương Quá là một thứ khác hẳn, trái với mẫu mực của thế giới võ hiệp.”

Những ai đã đọc Kim Dung dù ít dù nhiều đều có thể kiểm chứng tính xác thực của những luận điểm trên. Cũng có nhà phân tích cho rằng Quách Tĩnh là tiêu biểu của Nho gia còn Dương Quá là tiêu biểu của Đạo gia, Quách Tĩnh mang gương mặt của Trung Hoa đại lục còn Dương Quá là một Hong Kong ngạo nghễ,… Ở bài này, thay vì “cày xới” lại những điều đã cũ, chúng ta hãy cùng tiếp cận hai nhân vật này từ một hướng khác – cảnh quan địa lý.

Quách Tĩnh tuổi thiếu niên

Những địa danh xuất hiện trong tiểu thuyết Kim Dung không đơn thuần là nơi diễn ra cảnh máu chảy đầu rơi hay những cuộc hội ngộ phi phàm. Chúng có một thứ linh hồn đặc biệt, siêu thực, vĩnh viễn ngự trị trong trí tưởng tượng của người đọc. Việc những địa danh này liệu có tồn tại trong thực tế không chẳng còn quan trọng nữa, bởi chúng đã được khắc sâu trong tiềm thức của giới “Kim mê” bằng những nét bút kỳ ảo. Ai có thể quên được Nhạn Môn Quan đầy tình ý thê lương trong Thiên Long Bát Bộ, Hắc Mộc Nhai thần bí của Tiếu Ngạo Giang Hồ, hay Quang Minh Đỉnh hùng vĩ trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký? Nhưng có lẽ không có tác phẩm mà cảnh quan địa lý lại đóng vai trò cơ bản trong việc mô tả tính cách nhân vật như bộ đôi Anh Hùng-Thần Điêu.

.

*
Trước hết hãy bàn về Quách Tĩnh. Thật không ngoa nếu nói hành trình của chàng trong Anh Hùng Xạ Điêu là một chuỗi các cuộc… leo núi. Chỉ cần điểm lại mà xem, ta sẽ thấy Quách Tĩnh liên tục chinh phục những đỉnh cao.

Lần thứ nhất, chú bé Quách Tĩnh chấp nhận thử thách của Giang Nam Lục Quái, trèo lên núi giữa đêm khuya khoắt để bái sư.

Lần thứ hai, cậu thiếu niên Quách Tĩnh lại leo lên đỉnh núi hiểm trở mỗi tối để học phép tu luyện nội công thượng thừa của đạo trưởng Mã Ngọc.

Lần thứ ba là khi chàng bắt Đô Sử lên núi để gây áp lực cứu Thiết Mộc Chân (sau là Thành Cát Tư Hãn), từ đó được phong làm Kim Đao phò mã.

Lần thứ tư, Quách Tĩnh chạy lên núi Thiết Chưởng để bảo vệ Vũ Mục di thư của Nhạc Phi, cuốn binh pháp này về sau sẽ giúp chàng cầm quân bách chiến bách thắng.

Lần thứ năm, chàng ta cõng Hoàng Dung lên núi tìm Nhất Đăng Đại Sư để xin chữa thương.

Lần thứ sáu, chàng leo lên đỉnh Cây Trọc mong gặp lại người yêu.

Lần thứ bảy, cũng coi như “lễ tốt nghiệp” của chàng khờ Quách Tĩnh – là cuộc luận kiếm tại Hoa Sơn với các đại cao thủ võ học.

Bìa sách Anh Hùng Xạ Điêu với cảnh núi non

Bảy lần leo núi được Kim Dung bố trí khéo léo trong Anh Hùng Xạ Điêu để tương ứng với những cột mốc trưởng thành của Quách Tĩnh. Từ một chú bé mồ côi cha đáng thương, Quách Tĩnh vụt sáng thành thiếu niên anh hùng, rồi lại trở thành đại hiệp lừng lẫy đương thời. Có hai điểm cần lưu ý về hành trình leo núi của Quách Tĩnh:

– Thứ nhất, mỗi lần leo núi Quách Tĩnh đều giành được một vật báu nào đó: khi là bí quyết võ học, khi là binh thư, khi là ngôi Kim Đao phò mã, khi là cách đánh thành,.. Thế nhưng điều chàng nhắm tới mỗi khi chinh phục đỉnh cao không bao giờ là võ công, của cải, hay danh vọng. Thứ thúc đẩy Quách Tĩnh luôn là danh dự và tình cảm dành cho những người xung quanh: với sư phụ, với Đại Hãn, với người yêu. Và đúng như hiện tượng “vô tâm trồng liễu liễu xanh rờn,” Quách Tĩnh luôn được số phận tưởng thưởng: chàng dần học được nội công Huyền môn của phái Toàn Chân và Nam đế, triệt thành Hoa Thích Tử Mô, giành lấy trái tim của Hoàng Dung,.. Càng quên mình, Quách Tĩnh càng may mắn. Ngược lại, những kẻ ham hố theo đuổi võ công, quyền lực, nhan sắc trong Anh Hùng Xạ Điêu như Âu Dương Phong, Âu Dương Khắc, Cầu Thiên Nhận đều nhận phải quả đắng. Luật nhân quả được Kim Dung áp dụng triệt để trong tác phẩm này.

Quách Tĩnh cùng Hoàng Dung trên đỉnh núi

– Thứ hai, những lần leo núi của Quách Tĩnh không đơn thuần là thử thách về thể lực. Ý nghĩa tượng trưng ở đây có thể nói là rõ mồn một. Mỗi lần Quách Tĩnh chinh phục một đỉnh cao là một lần chàng vượt qua chính mình, một lần lột xác: khả năng võ học của chàng mỗi lúc lại mạnh hơn, chàng cũng trở nên lịch duyệt giang hồ, không còn là cậu bé ngờ nghệch nữa. Thế nhưng Kim Dung đã rất tinh tế khi cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Quách Tĩnh vẫn không hề thay đổi! Xin thử đối chiếu hai đoạn dưới:

Y giữa tuyệt cảnh chợt nghĩ tới hai câu Tứ sư phụ từng nói:

– Không có việc gì khó. Chỉ e kẻ có lòng.

Nghĩ thầm trước sau cũng chết. ở đây tiến lui đều không được thì chẳng bằng cố sức bò lên, lúc ấy bèn rút đoản đao ra từ từ khoét vào vách núi mấy tấc, kế đó lại khoét lỗ phía trên. Y cố gắng như thế lại lên được thêm hơn một trượng, đã mệt tới mức đầu váng mắt hoa, tay chân mềm nhũn.

Quách Tĩnh

Đây là tình cảnh Quách Tĩnh lần đầu leo lên núi để học Mã Ngọc.

Y ngẩng đầu nhìn, đột nhiên bộp một tiếng, chiếc mũ da trên đầu rơi xuống mặt tuyết, trong chớp mắt ấy đã quyết định:

– Nếu mình không gặp được Dung nhi thì sống chẳng bằng chết. Ngọn núi này tuy hiểm trớ, nhưng nhất định mình phải liều mạng mà lên, cho dù sẩy chân ngã xuống chết thì cũng là làm theo ý nàng một lần.

Nghĩ tới đó, trong lòng lập tức khoan khoái.

Quách Tĩnh – Hoàng Dung

Đây lại là lúc Quách Tĩnh bị Hoàng Dung “làm khó,” bắt chàng ta phải leo lên ngọn Cây Trọc đóng băng trơn tuột mới được gặp mặt tạ tội. Cho dù mục đích cũng như phương thức leo núi của Quách Tĩnh có khác nhau, nhưng về cơ bản thì tính cách quật cường, kiên trinh, bướng bỉnh của Quách Tĩnh vẫn nhất nhất như một. Thà chết không từ, nhất nhất dấn thân, bản sắc anh hùng của Quách Tĩnh là vậy: thuần khiết, đơn giản, thậm chí cậu ta cũng không hề nghĩ mình đang đóng vai anh hùng.

(Bài tiếp theo: Dương Quá – chọn vực sâu để suốt đời tri kỷ)

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

9:16 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Tôi nghĩ trong truyện Kim Dung mặc dù nhân vật chính là nam nhân nhưng thường các nhân vật nữ lại nổi trội hơn, các đại hiệp thường bị các cô gái xung quanh quay như quay dế. Nói như lời của Ân Tố Tố dặn con trước khi chết là: "Con đừng bao giờ tin lời của con gái , nhất là con gái đẹp , càng đẹp càng dễ lừa gạt con ..."
...xem tiếp
9:16 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Tôi nghĩ trong truyện Kim Dung mặc dù nhân vật chính là nam nhân nhưng thường các nhân vật nữ lại nổi trội hơn, các đại hiệp thường bị các cô gái xung quanh quay như quay dế. Nói như lời của Ân Tố Tố dặn con trước khi chết là: "Con đừng bao giờ tin lời của con gái , nhất là con gái đẹp , càng đẹp càng dễ lừa gạt con ..." 
7:50 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  candid
Nhạt mặn là do miệng người ăn chứ không phải do tay người nấu.
...xem tiếp
7:50 Tuesday,18.4.2017 Đăng bởi:  candid
Nhạt mặn là do miệng người ăn chứ không phải do tay người nấu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả