Văn & Chữ

Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ 17. 04. 17 - 6:46 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài 1)

Trái ngược với Quách Tĩnh ở bài trước, nhân vật Dương Quá lại có một đường đời rất khác.

Nơi đầu tiên chúng ta gặp mặt chàng là một căn hầm đất nấu rượu bỏ hoang – nơi chú bé Dương Quá rách rưới cư ngụ sau khi mẹ qua đời. Được Quách Tĩnh đem về nuôi nấng và đưa tới núi Chung Nam học đạo, Dương Quá không những không tuân theo môn quy mà còn trở thành đào đồ. Chàng gia nhập phái Cổ Mộ, từ đó cùng Tiểu Long Nữ cư trú trong Hoạt Tử Nhân Mộ, tránh ánh mặt trời. Về sau dòng đời xô đẩy đưa Dương Quá tới Tuyệt Tình Cốc, một thung lũng kín đáo ít người biết tới. Dưới đáy sâu của Tuyệt Tình Cốc lại có thêm một tầng nữa: đầm cá sấu chứa nữ tù nhân Cừu Thiên Xích do chính chồng bà ta giam cầm.

Trên đường lưu lạc giang hồ, Dương Quá có trôi dạt tới hang đá có mộ phần của Độc Cô Cầu Bại – đó cũng là nơi chàng gặp gỡ Điêu huynh, luyện Huyền Thiết Trọng Kiếm, sáng tạo ra Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng. Sau 16 năm truân chuyên lạc mất người tình, chàng lao đầu xuống đáy Đoạn Trường Nhai, tái hợp Tiểu Long Nữ. Kết thúc câu truyện, Dương Quá dắt tay Tiểu Long Nữ trở về Cổ Mộ, kể từ ấy “Thần điêu hiệp lữ, tuyệt tích giang hồ.”

Minh họa Dương Quá và Tiểu Long Nữ

Khác với Quách Tĩnh, Dương Quá không mặn mà tha thiết gì với núi non. Khi bị đưa tới núi Chung Nam và bị bắt đầu nhập phái Toàn Chân, phản ứng của Dương Quá là uất hận, nổi loạn, và chạy trốn. Hai lần lên núi Hoa Sơn, chàng cũng mau chóng rời đi. Trong truyện Kim Dung, những ngọn núi luôn là biểu tượng của nam tính phồn thực, tuyệt đỉnh võ học, và khí khái anh hùng kiểu Nho gia. Sự chối bỏ của Dương Quá với núi Chung Nam, và cả núi Hoa Sơn sau này, chính là thái độ quay lưng với tất cả những giá trị đó. Những chặng đường của Dương Quá, trái ngược với Quách Tĩnh, luôn gắn liền với hang động, hầm sâu, vực tối. Chúng là biểu tượng của bóng đêm lạnh lẽo và cái chết; của nữ tính, âm tính; của sự cô độc và chối bỏ. Vì sao Kim Dung lại có quyết định như vậy?

Lý do thứ nhất nằm ở mục đích sáng tác. Anh Hùng Xạ Điêu, trên hết, là câu chuyện về “anh hùng.” Phía sau những diễn biến giang hồ, từ trang đầu tiên cho đến chương cuối cùng, là bức phông nền quốc gia, chính trị, xã tắc. Nỗi đau mất nước của người dân Tống, cuộc chiến chống Kim, xung đột với Mông Cổ,.. luôn hiển hiện trong từng trang sách. Quy trình “trèo lên đỉnh núi cao vời vợi” vừa xác lập tính cách trượng nghĩa cổ điển của Quách Tĩnh, vừa khẳng định uy thế bất diệt của Hán tộc trước ngoại tộc. Ở tuổi trung niên, Bắc hiệp Quách Tĩnh vẫn có thể thi triển “Thượng thiên thê” leo lên thành trước mặt hàng vạn quân địch, chính là tiếp nối mạch truyền thống này.

Bìa cuốn Thần Điêu Hiệp Lữ

Thần Điêu Hiệp Lữ, trái lại, là câu chuyện về một đôi tình lữ thần tiên. Nó vừa là tiểu thuyết võ hiệp có thiên hướng lãng mạn nhất của Kim Dung, vừa là bức tranh sinh động về các cung bậc tình cảm. Trong suốt câu chuyện, nhân vật Dương Quá không chỉ trải nghiệm mối tình sắt son với Tiểu Long Nữ mà còn bị giằng xé bởi chữ hiếu với người cha đã khuất Dương Khang, tình nghĩa huynh đệ, tình cảm sư đồ, và không loại trừ lòng yêu nước đau đáu. Hành trình bildungsroman của Quách Tĩnh thẳng tắp một đường còn Dương Quá thì lạc lối trong mê cung tình cảm. Bị thu hút bởi nữ giới và tà khí, nhiều khi chàng quay cuồng trong bóng tối của chính tâm hồn mình. Tuyệt Tình Cốc, Hoạt Tử Nhân Mộ, Kiếm Mộ nằm ngầm dưới lòng đất chính là biểu tượng cho những ngõ ngách tâm lý cùng niềm đau giấu kín của con người.

Lý do thứ hai, Kim Dung cố tình khắc họa một Dương Quá thoắt ẩn thoắt hiện nơi âm u, cách biệt với thế giới để biến chàng thành người hùng cô độc. Từ nhỏ đến lớn, Dương Quá luôn là kẻ thách thức quyền uy, đảo lộn trật tự. Những hành động mang tính “phản nghịch” của chàng như lấy sư phụ làm vợ, nhận Âu Dương Phong làm cha, ám sát Quách Tĩnh,…khiến chàng mãi mãi là kẻ đứng ngoài lề võ lâm chính thống. Trong truyện Kim Dung, võ lâm chính là nhân sinh. Nếu Quách Tĩnh có thể đường hoàng ngồi ở vị trí Bắc Hiệp trang trọng trong thành Tương Dương thì Dương Quá vĩnh viễn đeo tấm mặt nạ u buồn, giấu hình giấu tên, không lộ tung tích.

Dương Quá

Về cuối truyện, Kim Dung để cho Dương Quá lập đại công được người người tung hô, nhưng chàng vẫn cầm tay Tiểu Long Nữ trở lại Hoạt Tử Nhân Mộ để sống nốt cuộc đời như mộng. Hơn ai hết, Dương Quá ý thức được rằng cái tôi cá nhân của chàng vốn không thể dung hòa cùng tập thể vốn quá nhiều lễ giáo khắt khe. Giống như tiền bối Độc Cô Cầu Bại, Dương Quá chấp nhận chọn cách tự tách biệt khỏi xã hội, miễn sao có tri kỷ bên cạnh. Độc Cô Cầu Bại có Thần Điêu bầu bạn, Dương Quá cũng chỉ cần một mình Tiểu Long Nữ là đủ cho chàng trên thế gian này.

(Bài tiếp theo: Hoạt Tử Nhân Mộ vs Tuyệt Tình Cốc)

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

2:02 Tuesday,12.9.2017 Đăng bởi:  Rhum Đoàn
Lại nhớ sư huynh của Dương Quá khi hành hiệp không bận một mảnh vải thỏa trí thỏa thân, tung hoành ngang dọc. Bay tới bay lui.
...xem tiếp
2:02 Tuesday,12.9.2017 Đăng bởi:  Rhum Đoàn
Lại nhớ sư huynh của Dương Quá khi hành hiệp không bận một mảnh vải thỏa trí thỏa thân, tung hoành ngang dọc. Bay tới bay lui. 
15:43 Monday,17.4.2017 Đăng bởi:  candid
Đúng rồi, sau này nếu nhớ không lầm có cả bản in dùng cả 2 tên Thiên Long Bát Bộ (Lục Mạch Thần Kiếm).
...xem tiếp
15:43 Monday,17.4.2017 Đăng bởi:  candid
Đúng rồi, sau này nếu nhớ không lầm có cả bản in dùng cả 2 tên Thiên Long Bát Bộ (Lục Mạch Thần Kiếm). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả