Ăn uống

Chuyện hai bác nông dân siêu phàm bị đẩy vào cuộc tranh luận 26. 09. 17 - 5:40 pm

Pha Lê

Hôm nọ dạo vòng trên web kiếm tài liệu trồng trọt để học và làm việc, bỗng thấy hai phe kêu gào.

Phe này bảo: Trồng trọt không cần bón phân động vật, suy ra không cần động vật. Phe này quăng sách của bác John Jeavons ra cãi.

Phe kia nói: Sao mà trồng không cần bón phân được? Thế thì thiên nhiên có “con” để làm gì? Phe ấy quăng sách của bác Joel Salatin ra cãi.

Trong khi hai bác này vốn mến nhau, hai bác thuộc hai mảng khác nhau, liên quan gì đâu mà lôi ra làm cớ cãi cọ?

Bác John Jeavons trong vườn trồng bio intensive (Hình từ trang này)

Bác John Jeavons chuyên trồng kiểu bio intensive. Trồng dày nhưng xen kẽ và luân canh, tuy mở rộng được nhưng phù hợp hơn cho vườn mini, vườn của nông dân nhỏ. Bác khuyên là thay vì nghĩ mình trồng rau, hãy nghĩ là mình đi nuôi đất. Để khỏi tối ngày phải mua phân bón (tốn xăng dầu vận chuyển, hao tài nguyên), bác chỉ cách chia vườn ra làm mấy phần, một phần chỉ dành trồng cây cỏ “không ăn được” và lấy chúng làm mùn bồi đất (compost), rồi dùng nó bón cho các phần còn lại. Như vậy dân tự chủ được phân bón, đỡ phải mua rồi vận chuyển về nhà.

Dù phải chừa chỗ như vậy, nhưng cách của bác giúp đất màu mỡ và tăng sản lượng thu hoạch đáng kinh ngạc. Cũng chừng đó diện tích mà bác chỉ cách trồng ra nhiều rau hơn gấp mấy lần, tiết kiệm ít nhất 50% phân bón và dùng nước ít hơn mức bình thường đến 60%. (sách của bác: “How to Grow More Vegetables (and Fruits, Nuts, Berries, Grains, and Other Crops) Than You Ever Thought Possible on Less Land Than You can imagine”)

Nhưng bác chưa bao giờ bảo là không cần phân động vật. Trong tài liệu phỏng vấn bác, chính miệng bác nói nhà bác có cây bưởi chùm. Gà, vịt hay tụ họp dưới cây đó đào bới, nhờ phân của chúng mà cái cây đó ra trái gấp 4,5 lần cây khác.

Một góc vườn trồng rau theo phong cách bio intensive của  bác John (Hình từ đây)

Lúc dân châu Phi xin bác lời khuyên để cải tạo đất, bác hỏi xung quanh địa phương của dân có gì, họ nói: nhiều phân động vật (châu Phi mà). Thế là bác chỉ họ cải tạo đất cho màu mỡ hơn từ phân động vật. Bác không thuộc dạng bắt bất cứ ai sống trong môi trường, khí hậu nào cũng phải đi trồng mấy cái cỏ ba lá với cây yến mạch để làm phân bón như bác mới là “tốt”. Bác John cũng không rành về gầy rừng hay làm mô hình food forest (trồng trọt xen với trồng rừng).

Bác Joel Salatin thì còn viết trong sách khuyên người dân nên học theo bác John mà làm vườn đi. Trang trại nhà Salatin nuôi đủ con để lấy phân bồi đất (vì đất rất rộng, thêm cả rừng, nên cách bồi phân đỡ tốn kém nhất là cho mấy con ăn cỏ nó “tung tăng”). Nhà bác đào hồ trữ nước, chăm gầy rừng và có trồng rau, nhưng bác không ưa bán rau mà thích dân nếu có vườn (địa phương của bác là miền quê nên nhà ai cũng đầy vườn, phải cái họ làm biếng) thì tự trồng lấy rau mà ăn. Châm ngôn của bác: để nông dân như bác làm những thứ người tiêu dùng khó làm được.

Nuôi mấy con lớn như bò, dê, vịt, cừu, heo… là việc không phải gia đình nào cũng làm nổi. Thế thì để bác làm cho, bắt bác lọ mọ đi trồng rau vừa tốn thì giờ vừa mệt. Nhưng dân trong vùng làm biếng nên bác đành trồng để cung cấp, tuy nhiên vận chuyển rau tốn công lắm (dù nhà Salatin chỉ giao nông sản cho dân địa phương và gần gần đó, không vận chuyển xa). Rau là món lắm nước nên dễ dập, gãy, hư thành ra tốn công gói ghém cẩn thận. Rau cũng cần tươi nên bác cứ phải đi mấy chuyến để giao. Trong khi đó thịt dễ vận chuyển hơn, chả dập, gãy gì. Một tuần mua một lần rồi trữ đông ăn từ từ là vừa phải.
Nếu dân lo được rau, bác sẽ rảnh rang tập trung chăn nuôi, gầy rừng… tốt hơn nữa.

Bác Joel Salatin ở trang trại với bò và phía sau là rừng (Hình từ The Cattle Site)

Ngoài ra các món chế biến người dân khó xử lý tại gia như: phó mát, thịt muối, xúc xích, giăm bông, pate, thịt xông khói… là bác Salatin có thể làm luôn. Rừng ngày càng tốt hơn thì bác có thêm nhiều gỗ, trái cây rừng, mứt từ trái cây rừng, mật ong… để cung cấp cho dân địa phương. Ăn món chế biến sạch sẽ an toàn do chính tay nhà Salatin làm chả tốt hơn đi mua siêu thị? Nhưng hiện giờ bác chưa thể bán các món chế biến theo mong muốn do còn vướng lo từ rau cho tới thịt để bữa cơm của dân địa phương được đầy đủ.

Bởi vậy bác mới khuyên dân đi học John Jeavons trồng rau đi. Hai bác mến nhau, hiểu rõ thế mạnh của nhau chứ chưa xâu bè xé phái để cãi cọ bao giờ.

Có vài tấm gương về học hai bác rồi làm, không đi cãi lộn om sòm, đó là:

– Gia đình Jodi Roebuck ở New Zealand: Anh Jodi tự nhận là học khóa bio intensive của bác John và đến trang trại nhà bác Joel để ngâm cứu. Khi về đến New Zealand anh rủ cả nhà (gồm vợ và hai con gái) mở nông trại.  Nông trại của nhà Roebuck trồng được rất nhiều rau theo cách bio intensive, trồng xen, luân canh, và trồng dày nhiều tầng lớp.

Anh Roebuck chỉ mọi người cách trồng Bio Intensive (Hình cắt từ clip này)

Roebuck nuôi gà và cừu theo cách bác Joel chỉ: thả cho gặm cỏ theo lô, lô này hết thì lùa đến lô kia để cho cỏ có thời gian mọc lại. Đàn gà chạy theo sau cừu để dọn dẹp, bới giun, và phát tán phân bón. Nhà Roebuck có đủ thịt rau trứng để ăn từ trang trại, và theo châm ngôn là ăn ít thịt, nhưng đã mổ một con cừu là ăn hết, không bỏ phí thứ gì.

Đàn cừu của nhà Roebuck (sau khi học theo bác Joel, nơi ban đầu chỉ có mỗi một loại cỏ của trang trại nhà anh đã um tùm đa dạng đủ loại cỏ cây hoa màu như vầy). Hình lấy trên trang web Roebuck farm

– Nhà Jules Dervaes: chủ của Urban Homestead nổi tiếng. Cả nhà có 400 mét vuông sân, tận dụng trồng rau nhiều tầng tán. Cả nhà ăn chay (nhưng không thuần vì có ăn trứng và dùng sản phẩm từ sữa). Họ trồng rau theo bio intensive để ăn như bác John chỉ nhưng có nuôi thêm gà (giờ có thêm dê) để chủ động thêm phân bón và lấy trứng, cộng với nuôi ong cho lợi cây/môi trường. Mảnh vườn cung cấp 90% nhu cầu ăn của nhà bốn người (Ông bố Jules và 3 con), tiết kiệm mấy chục ngàn đô tiền ăn. Thậm chí vườn còn dư để bán nên cả nhà thu về 20.000 USD/ năm từ vườn. Mảnh đất 400 mét vuông mỗi năm đem về 400 loại cây hoa đa dạng, 9-22kg mật ong, 2000 trứng, 2,7 tấn rau (ờ, tấn) với sản lượng tăng dần khi đất ngày càng tốt lên (khiếp!).

Căn nhà với 400 mét vuông vườn mà đầy rau. Hình lấy từ trang web cùa Urban Homestead

(Kết luận của Soi nhân đọc bài: Ở đời bao giờ cũng thế, người giỏi thì học nhau, không cãi nhau; người không được giỏi vừa không học được ở người giỏi, lại hay mượn người giỏi ra làm vũ khí chiến nhau).

*

Nguồn: từ Fb của Pha Lê

Ý kiến - Thảo luận

11:06 Saturday,27.6.2020 Đăng bởi:  Lê Trí Cường
Tuy lần đầu tiên nghe tới tên của hai bác Joel Salatin và John Jeavons, nhưng cách hai bác nhìn nhận các yếu tố mình có và dựa vào môi trường mình sống mà có cách canh tác thích hợp, cũng như hiểu biết và tôn trọng điểm mạnh trong cách làm của nhau khiến em thật sự rất khâm phục. Tự nhiên muốn về làm vườn quá!
...xem tiếp
11:06 Saturday,27.6.2020 Đăng bởi:  Lê Trí Cường
Tuy lần đầu tiên nghe tới tên của hai bác Joel Salatin và John Jeavons, nhưng cách hai bác nhìn nhận các yếu tố mình có và dựa vào môi trường mình sống mà có cách canh tác thích hợp, cũng như hiểu biết và tôn trọng điểm mạnh trong cách làm của nhau khiến em thật sự rất khâm phục. Tự nhiên muốn về làm vườn quá! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả