Văn & Chữ

Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất? 31. 05. 18 - 5:09 pm

Anh Nguyễn

Cách đây mấy hôm vô tình đọc được hai câu thơ lục bát trên mạng: “Lấy chồng hãy chọn Đông Tà. Đừng yêu Bắc Cái không nhà không xe.” Trong bụng chợt nghĩ trong năm đại cao thủ võ lâm Đông Tà, Tây, Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông, ai là người đáng chọn làm phu quân nhất? Hôm nay rỗi rãi thử làm một bài tổng kết. Vốn chẳng có ý tứ sâu xa gì, lại dám mạo muội đem tiêu chuẩn kết hôn thế kỉ 21 áp vào võ lâm ngũ bá đời nhà Tống, hy vọng không khiến mếch lòng các chư vị anh hùng.

Võ lâm ngũ bá (nhà sư góc dưới cùng bên phải là Nam đế khi chuyển thành Nam tăng)

1. TƯỚNG MẠO – YẾU TỐ ĐẦU TIÊN ĐỂ CHỌN TÌNH LANG

Đừng nghĩ ở thời hiện đại người ta mới coi trọng vẻ ngoài của nam nhân. Ngày nay các cô gái mê mẩn vẻ đẹp trai của thần tượng Kpop, diễn viên Hollywood, hay gần gũi hơn là thủ môn Bùi Tiến Dũng đội tuyển U23, thì ngày xưa cũng vậy. Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa được truyền tụng đã đành, còn có tứ đại mỹ nam ít được biết đến hơn là Tống Ngọc, Phan An, Lan Lăng Vương, Vệ Vương Giới. Cụ Nguyễn Du đã đưa Tống Ngọc vào Kiều (Sáng đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh). Vệ Vương Giới thì đẹp trai đến mức bị các cô gái đeo bám đến nhà, sợ hãi sinh bệnh nặng mà chết. Từ đó có thành ngữ “nhìn chết Vệ Giới” (khán sát Vệ Giới,) có thể nói là ca đầu tiên được ghi nhận chết vì fan cuồng. Dài dòng như vậy để nói rõ rằng trong việc chọn chồng thì ngoại hình là yếu tố không thể xem thường.

Từ trái qua: Nam Đế, Tây Độc, Trung Thần Thông, Đông Tà, Bắc Cái

Võ lâm ngũ bá khi xuất hiện thì đều đã ở lứa U50, vẻ xuân sắc đã sớm nhường chỗ cho ánh tà dương của tuổi trung niên. Tuy nhiên dựa trên những mô tả trong Anh Hùng Xạ Điêu vẫn có thể đưa ra một số phỏng đoán về “nhan sắc” của ngũ tuyệt.

Thứ nhất là Đông Tà Hoàng Dược Sư: “Khuôn mặt thật của y vừa lộ ra, chỉ thấy y tướng mạo thanh cù, phong tư tuấn tú ung dung tiêu sái, khí vũ hiên ngang.

Đông Tà Hoàng Dược Sư

Thứ hai là Bắc Cái Hồng Thất Công: “Người này hàm vuông mặt dài, dưới cằm có râu, tay thô chân to, quần áo trên người vá chằng vá đụp nhưng rất sạch sẽ, cầm một chiếc gậy trúc xanh bóng loáng như ngọc, lưng đeo một chiếc hồ lô lớn sơn đỏ, vẻ mặt rất thèm thuồng, thần thái rất nôn nóng, tựa hồ nếu không đưa y phần phao câu gà thì y sẽ giơ tay ra cướp.”

Bắc Cái

Thứ ba là Nam Đế Đoàn Trí Hưng: “Một người khác mặc tăng bào bằng vải thô, hai hàng lông mi dài che rũ xuống khóe mắt, mặt mũi hiền từ, trong mắt thấp thoáng vẻ sầu khổ nhưng lại lập tức ánh lên nét tinh anh, chỉ nhìn một cái là biết.”

Thứ tư là Tây Độc Âu Dương Phong: “Bèn ngưng thần nhìn người đi sau Âu Dương Khắc, thấy y thân thể cao lớn, cũng mặc áo trắng, chỉ vì phía sau y có ánh sáng nên không nhìn thấy rõ diện mạo.”

Âu Dương Phong thường được miêu tả với tướng mạo khá thô

Thứ năm là Trung Thần Thông Vương Trùng Dương: Khi các sự kiện trong truyện diễn ra thì y tạ thế đã lâu, hình bóng chỉ tồn tại trong ký ức những người còn sống, chẳng khác nào kì lân trong cổ tích. Người tình cũ của y là Lâm Triều Anh khi sinh thời đã kịp hoạ một bức chân dung y, khi chia tay y lại ra lệnh cho lũ đồ đệ nhổ vào đó cho bõ tức. Thế nhưng “tấm ảnh cũ” này lại chỉ có lưng mà không có mặt: “Dương Quá nhìn, thấy bức chân dung vẽ một đạo sĩ thân hình cao lớn, lưng đeo trường kiếm, ngón trỏ tay phải chỉ về góc đông bắc, có điều là đạo sĩ quay lưng lại nên không thấy mặt.

Vương Trùng Dương trước khi xuất gia là một công tử nhà giàu. Y là nhân vật có thực trong lịch sử, hiện tại vẫn được thờ phụng trong Đạo giáo

Vậy thì ai xứng đáng là mỹ nam trong càn khôn ngũ tuyệt? Đoàn Trí Hưng dòng dõi vương tộc, cả gene di truyền lẫn điều kiện dinh dưỡng đều vào hàng tuyệt phẩm, dung mạo chắc chắn không kém. Trung Thần Thông vừa gặp Lâm Triều Anh đã khiến nàng ta điên đảo thần hồn, hẳn cũng là một trai đẹp trong võ lâm. Hồng Thất Công có phong thái hào sảng của dân Sơn Đông, còn Âu Dương Phong lại ánh lên vẻ nham hiểm, hung dữ. Dựa trên hậu nhân mà suy luận, con ruột của Âu Dương Phong là Âu Dương Khắc là một thanh niên tuấn tú, nên có lẽ vẻ ngoài của ông bố không thể quá xấu xí. Nhưng tất cả đều chịu thua Hoàng Lão Tà.

Hình dung lãng tử về Đông Tà khi còn trẻ

Thứ nhất, Đông Tà là người được Kim Dung mô tả hấp dẫn nhất, mà như dân mạng bây giờ hay nói đó, “quan trọng là thần thái.” Thứ hai, con gái y Hoàng Dung là hoa hậu trong Anh Hùng Xạ Điêu, người đời lại nhận xét cha con y giống nhau như hệt từ mắt đến miệng, đương nhiên Hoàng Dược Sư là một trung niên mỹ mạo. Thứ ba, y không chỉ có vẻ ngoài “lạnh lùng lộng lẫy” mà còn biết cách ăn vận phong cách. Một đời y chuyên mặc trường bào màu xanh tôn da tôn dáng, lại luôn giữ thân mình sạch sẽ không vết nhơ. Giả sử mà kết hôn với Cửu Chỉ Thần Cái “một tháng áo sạch, một tháng áo bẩn” chắc phụ nữ thời nay khó thể chịu nổi.

Kết luận: Đông Tà hạng Nhất về vẻ đẹp.

2. NGHỀ NGHIỆP – YẾU TỐ THỨ HAI ĐỂ CHỌN CHỒNG

Nam nhi đại trượng phu phải có chỗ đứng trong trời đất, ngày xưa đã thế mà thời nay cũng vậy. Lấy chồng thất nghiệp thì dù đẹp trai cũng không thể nào mài ra mà ăn. Nhìn lại cảm thấy các nhân vật trong càn khôn ngũ tuyệt đều có sự nghiệp lừng lẫy, đáng để người ta kính phục, song để chọn làm chồng thì tương đối khó nói.

Đông Tà Hoàng Dược Sư là một cướp biển đã về hưu. Nhờ làm cướp biển mà y thu thập được một khối tài sản lớn, từ đó xây dựng trên đảo Đào Hoa một cơ đồ đáng nể, lại sưu tầm vô số châu báu. Do không phải lo kiếm ăn nên y có thể thong thả thu nhận sáu đồ đệ, nghiền ngẫm Cửu âm chân kinh, tranh đấu với Chu Bá Thông. Tuy nhiên nghề hải tặc không những nguy hiểm mà còn bất chính, vì nó mà Hoàng Dược Sư bị mang tiếng ác. “Người ven biển sợ đảo Ðào Hoa như rắn rết, dặn nhau không được tới bốn ngàn dặm quanh đảo, nếu nói tới tên đảo Ðào Hoa thì cho dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không chiếc thuyền đánh cá nào dám đi.” Lấy y cũng như uống ly rượu – rượu nồng khiến người ta say ngây ngất nhưng ẩn chứa độc tính.

Hình dung về Đông Tà

Bắc Cái Hồng Thất Công là thủ lĩnh bang hội lớn nhất thiên hạ, thế lực nghiêng trời, được giang hồ kính nể. Có điều y làm bang chủ Cái Bang thì vợ y cũng không tránh khỏi đám khiếu hóa từ vây xung quanh tối ngày, mà đa phần họ là những kẻ thô lỗ, hay nói tục chửi bậy, khạc nhổ, nuôi rắn rết bọ cạp trong bao, vệ sinh thân thể cực kém.

.

Nếu sinh ra là một người phụ nữ tao nhã, mềm mại, thích thêu thùa đốt hương, vẽ hoa ngâm thơ thì thật khó dung hòa với công việc của Bắc Cái. Phụ nữ thời nay đã bớt ngâm thơ vẽ tranh nhưng bản tính ưa sạch sẽ muôn đời vẫn thế, chắc chắn cũng không thích chồng làm thủ lĩnh ăn mày. Hơn nữa xã hội ngày càng phát triển, nghề ăn mày dần dần cũng ít được tôn trọng. Lấy Hồng Thất Công chẳng khác nào hàng ngày cũng xơi món thịt lợn luộc không mắm muối, tuy đủ dinh dưỡng nhưng chẳng thấy ngon.

Nam Đế Đoàn Trí Hưng là vua một nước, địa vị trong cõi thế tục là cao nhất trong ngũ tuyệt, người đời tất thảy đều kính ngưỡng y. Y lên làm vua nước Đại Lý đúng vào thời điểm thái bình thịnh trị, anh em trong hoàng tộc hoà thuận, có thể nói là việc nhẹ lương cao, tha hồ luyện võ. Làm vợ y thì yên cái bụng vì vinh hoa phú quý, châu ngọc đeo đầy mình, mỗi tội có vài trăm bà vợ khác cũng tranh nhau sự ân sủng của y, nếu ai có chút máu Hoạn Thư thì đây là điểm trừ duy nhất nhưng rất nặng. Nhất là phụ nữ ngày nay vốn quen với chế độ một vợ một chồng thì mùi vị đó thật khó mà nuốt trôi. Về sau y lại đùng đùng bỏ việc, đem đổi ngai vàng hoàng đế lấy cái bồ đoàn nhà sư, sự nghiệp thứ hai này khiến y không thể lấy vợ nữa nên không bàn tới. Đoàn Hoàng Gia chính là mâm cỗ nhiều cao lương mỹ vị nhưng khiến chị em lo sợ mình tăng cân.

Đoàn Nam Đế đi tu

Tây Độc Âu Dương Phong làm nghề luyện độc ở vùng Bạch Đà Sơn. Chọn Âu Dương Phong làm ý trung nhân là phải gánh chịu một thứ rủi ro nghề nghiệp khá lớn. Thứ nhất, xung quanh y luôn lổm ngổm các loại rắn rết, trùng độc đáng sợ, y lại luôn mang theo xà trượng có hai quái xà cực độc bò lên bò xuống, lỡ đãng trí va quệt phải thì thật nguy nan.

.

Tây Độc không chỉ luyện độc từ dị thú mà còn từ nhiều loài thực vật khác nhau, kiến thức sinh-hóa rất rộng rãi. Nếu y tái sinh ở thời này thì có thể làm giáo sư hóa học tài giỏi hay lương y chữa độc, có điều người làm sao của chiêm bao làm vậy, y chỉ thích hạ độc người khác. Sống cạnh y là luôn phải thấp thỏm lo lắng cho sự an toàn, cần giữ thuốc giải độc bên mình như tính mạng. Chẳng những thế, vì Âu Dương Phong luyện độc nên người y cũng đầy độc tính, lỡ hôn y một cái mà không có miễn dịch tốt thì có thể về chầu ông bà như chơi. Lấy y chẳng khác nào xơi món cá fugu cực độc của Nhật, mỗi lần ăn là một lần đánh cược với số phận.

Trung Thần Thông Vương Trùng Dương trước theo sự nghiệp kháng chiến chống Kim, sự nghiệp này thất bại, y chuyển sang làm đạo sĩ mũi trâu. Cả hai công việc đó đều cao cả nhưng không cho phép y vui thú hôn nhân. Hồi xưa say mê hoạt động cách mạng thì y dành hết sạch thời gian, tâm trí vào công việc, phát nguyện không thắng Kim không lấy vợ. Sau y làm đạo sĩ lại càng ngoan cố không chịu hoàn tục.

Vương Trùng Dương xa lánh thế sự, về dạy dỗ Toàn Chân thất tử

Tài sản của Vương Trùng Dương có nhiều nhưng phần lớn là huy động trong dân chúng để chống giặc, không thể sử dụng bừa bãi. Yêu y chính là đi vào địa ngục không lối thoát. Số phận gái ế chết già trong ngôi mộ cổ của Lâm Triều Anh chính là tấm gương cho những bóng hồng có ý kết duyên với Vương Trùng Dương. Y là củ sâm nghìn năm trong truyền thuyết, ăn vào có thể trường sinh bất lão, là Đường Tam Tạng tu hành mười kiếp, nhưng nào có ai trói buộc được y?

Kết luận: Nam Đế hạng Nhất về nghề nghiệp.

(Con tiếp bài 2)

*

Về chưởng Kim Dung:

- Truyện Kim Dung (phần 1): phàm đại hiệp đều phải mồ côi cha

- Truyện Kim Dung (phần 2): bildungsroman muốn li kỳ thì phải thiếu nơi nương tựa

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 1): từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 2): cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

- “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa (phần 3): ba lý do của một người khôn ngoan

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 1):
ai là Thiên, ai là Long?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 2):
ai là Dạ Xoa, ai là Atula?

- Về ‘Thiên long bát bộ’ (phần 3):
còn ai là Garuda và ai là Khẩn Na La?

- Đọc Kim Dung (bài 1): Quách Tĩnh – Bảy lần leo núi để thành núi

- Đọc Kim Dung (bài 2): Dương Quá – chọn vực sâu để tìm tri kỷ

- Đọc Kim Dung (bài 4): “tình thánh” Dương Quá và hình tượng máu

- Đọc Kim Dung (bài 5): ba thử thách đắng và một cái kết ngọt cho Dương Quá

- Vi Tiểu Bảo (bài 1): “thằng vô lại nhỏ” được Kim Dung gửi gắm toàn biểu tượng

- Vi Tiểu Bảo (bài 2): phản anh hùng đạt được mọi thứ mà anh hùng khó có

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 1):
Ai đẹp nhất? Ai nghề nghiệp ổn nhất?

- Trong ngũ bá kẻ nào về nhất? (bài 2):
Tính ai hay nhất? Nhà ai thích nhất?

Ý kiến - Thảo luận

12:35 Monday,4.6.2018 Đăng bởi:  Siêunoob
Chú nào vẽ cái tranh Bắc cái thứ 2 nhộn quá thể.
...xem tiếp
12:35 Monday,4.6.2018 Đăng bởi:  Siêunoob
Chú nào vẽ cái tranh Bắc cái thứ 2 nhộn quá thể. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả