|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamDuy Hòa: một cuộc tìm bắt bóng mặt trời 03. 10. 20 - 5:28 pmAce Lê“Có những họa sỹ biến mặt trời thành một đốm vàng, nhưng cũng có những họa sỹ, với sự trợ giúp của tài năng và trí tuệ, biến một đốm vàng thành mặt trời.” (Pablo Picasso) Tranh phong cảnh không phải để tả cảnh Năm 2013, Duy Hòa mở triển lãm đầu tay Sắc màu thiên nhiên cùng các bạn trong nhóm trực họa Lưu Động. Khi ấy, nhà nghiên cứu Natalia Kraevskaia đã có một bài bình luận sắc sảo trên Hanoi Grapevine, gây ra một cuộc xôn xao nhẹ khi đặt vấn đề: làm thế nào một đề tài đã cũ ở châu Âu với những nhóm trực họa như Ấn tượng ở Pháp (1860s-1890s) hay Peredvizhniki (“Lưu động”) ở Nga (1860s-1920s), có thể được làm mới trong ngữ cảnh đương đại Việt Nam? Mười tám tháng sau, trong bài phê bình triển lãm kế tiếp của nhóm vào năm 2014, bà Kraevskaia đã chuyển lòng nghi ngại ấy “sang sự tôn trọng cách xử lý tranh phong cảnh một cách nghiêm túc dựa trên khảo cứu lịch sử mỹ thuật thấu đáo và toàn diện của các thành viên” , đồng thời đánh giá cao tranh của Duy Hòa từ giai đoạn sớm ấy bởi khả năng vượt xa sự tả cảnh đơn thuần. Tiêu chí của Kraevskaia rất khớp với quan niệm của nhóm Les Nasbis (1880s-1900s) rằng tác phẩm nghệ thuật sinh ra không phải để biểu đạt cảnh quan duy vật, mà phải tổng hợp được biểu tượng và ẩn dụ mỹ quan cá nhân của người nghệ sỹ. Ở những tác phẩm giai đoạn đầu của Duy Hòa như Sông Đuống (2012) hay Trò chuyện (2013), không khó để nhận ra âm hưởng của Edouard Manet hay Paul Sérusier, nhưng người xem vẫn mau chóng nhận ra một ngôn ngữ hội họa cá nhân được manh nha gột nên từ trực cảm và triết lý của riêng họa sỹ. Gửi gắm trực cảm và lý trí lên toan vẽ Sau một thập kỷ bền bỉ với con đường mình chọn, Duy Hòa đã chắt lọc hơn trong thể hiện và táo bạo hơn trong thể nghiệm, đẩy cái riêng lên một tầm cao mới. Bóng mặt trời là triển lãm đơn đầu tiên trong sự nghiệp họa sỹ, tổng kết hơn 70 sáng tác trong năm năm trở lại đây. Vẫn trung thành với những khung toan cỡ nhỏ và vừa, nhưng trong giai đoạn này, họa sỹ đã dần dần chuyển từ phương pháp vẽ trực họa hoàn toàn – với những giới hạn của thời gian và ngoại cảnh – sang kết hợp giữa phác họa trực họa và hoàn thiện trong studio. Nếu một số tranh trực họa có thể được hoàn tất chỉ trong vài giờ đồng hồ, thì mỗi bức trong studio được họa sỹ nghiền ngẫm thao tác trong nhiều tháng trời. Việc thay đổi quá trình sáng tác này là một thể nghiệm công phu để họa sỹ tập trung nghiên cứu mỹ học một cách nghiêm túc nhất, đi sâu vào thế giới nội tâm để vẽ nên hiện thực cảm nhận. Có lẽ vì vậy mà toàn bộ các tranh giai đoạn này đều có chung một đề tài xuyên suốt, đó là quê nhà Đan Phượng, một nơi gần gũi nhất, được họa sỹ thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc với mọi vui buồn, trăn trở và lo toan. Đan Phượng là một huyện ven đô nhỏ phía tây bắc Hà Nội, khiêm tốn nhưng đầy sức sống. Xưa kia nơi đây vốn là ngã ba sông Hồng-Nhuệ-Đáy, nên có địa hình bằng phẳng với thổ nhưỡng phù sa màu mỡ. Bởi vậy nên mặc dù diện mạo khu vực có thay đổi những năm gần đây do đô thị hóa, nhưng nông nghiệp vẫn là ngành nghề bản lề. Chính quyền đặt ra chủ trương hỗ trợ người dân chuyển đổi canh tác từ lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng xen kẽ ngũ cốc, rau quả và hoa để cung cấp vào nội thành, tạo nên một dải màu sắc chạy dọc theo con đê Song Phương, từ Đan Phượng tới Hoài Đức. Đời sống nông trại bình dị mà muôn vẻ ấy chính là một sân khấu lớn với nhiều tư liệu để họa sỹ sáng tác. Dựa vào nội dung thể hiện, hơn 70 bức trong Bóng mặt trời được giám tuyển thành ba gian. Gian thứ nhất mang tên Chốn quanh, gồm những tranh có tính trực cảm cao, thể hiện cảm nhận tại chỗ của họa sỹ khi quan sát sự sống thân thuộc, sắp theo ba khóm: Chuyện của ngô, Trên giàn nứa, và Trong nông trại. Gian thứ hai mang tên Nắng trên vai, gồm những tranh tiềm ẩn nhiều nghiền ngẫm triết lý, cũng sắp theo ba khóm: Những mùa đất, Nắng đêm và Trở mình. Gian thứ ba mang tên Ngồi lại, là nhóm tranh tĩnh vật khám phá mối quan hệ giữa tĩnh lặng và vận động. Ngôn ngữ hội họa của Duy Hòa Tranh Duy Hòa ở triển lãm này đã ấn định rõ ràng sự quá độ lên phong cách bán trừu tượng, đoạn tuyệt dứt khoát với lối tả kể ước lệ và con mắt thị giác hướng ngoại. Sau mười năm, họa sỹ đã xây dựng chắc chắn cho mình một hệ thống ngôn ngữ hội họa nhất quán – từ bố cục tới hình khối, từ màu sắc đến hình ảnh ẩn dụ – xem toan vẽ như cuốn nhật ký giúp bản thân lý giải mối quan hệ của thế giới ngoại quan và nội tại tâm tưởng. Trong gian Chốn quanh, hầu hết tranh có bố cục cận cảnh gần sát, khiến người xem có cảm giác mình đang được mang giá vẽ lẽo đẽo đi theo trực họa cùng họa sỹ, ngồi bên giàn đậu đũa hay đứng giữa nương ngô, thủ thỉ rì rào tâm sự cùng chúng. Họa sỹ đặc biệt tinh tế khi vẽ những cây ngô. Trong loạt Chuyện ngô 1-2-3, bảng màu được chắt lọc tương ứng với vòng đời cây, truyền tải những cảm giác an tâm (xanh của ngô non), mong đợi (vàng của ngô ra hoa) hay u hoài (nâu bàng bạc của ngô tàn). Màu sắc trong tranh Duy Hòa không phải là một phần của hình thể, mà chính là hình thể: họa sỹ không dùng contours, mà dùng cọ quệt nên những khối màu để chúng tự tương tác. Sự tương tác ấy có thể diễn ra trên một nền trật tự đan xen giữa ngang và thẳng trong Ngày đông, hay là sự ứng đáp giàu nhịp điệu của những quả cà chua trong Những trái chín. Trong gian Nắng trên vai, ta thấy họa sỹ hết sức táo bạo vận dụng ngôn ngữ bán trừu tượng để gửi gắm triết lý nội tại. Điển hình như ở Bóng mặt trời – bức tranh được đặt tựa cho triển lãm – không gian bị cắt theo lối cận Lập thể, đặt ra câu hỏi hiện sinh: hiện thực khách quan (mặt trời lớn) chỉ là chính nó, hay là là tổng hợp của những bản sao nhỏ (những bóng mặt trời phản chiếu dưới nước) do mỗi người cảm nhận chủ quan? Họa sỹ tập trung nghiền ngẫm mối quan hệ ấy, bỏ ngoài toan tất cả những chi tiết không liên quan. Nhắc tới các cách biểu hiện triết lý nội tại của Duy Hòa, không thể không nói đến những ẩn dụ xuyên suốt khóm tranh Chuyện của đất, với hình ảnh quen thuộc của những nấm mộ trên ruộng mạ, chính là sự tồn tại song song của sự sống và cái chết, là vòng đời tất yếu của những gì sinh ra từ đất rồi lại tiêu tan về với đất. Một ẩn dụ khác là những đám rạ bị đốt cháy đen cháy đỏ trên thửa ruộng trong Mùa khói với thủ pháp dùng màu để khuếch đại và tương phản hình khối, khiến ta như cảm thấy được sức nóng của tro, chuyển động của khói, thậm chí cả mùi khét trong gió. Một ví dụ độc đáo khác là hình ảnh ẩn dụ của những vườn hoa màu được trang bị hệ thống đèn đêm vững chãi và sáng lóa trong khóm tranh Nắng đêm. Quả vậy, cuộc sống người nông dân vốn phụ thuộc cả vào những thửa đất ấy, nên họ coi chúng như một thứ tôn giáo sống còn – họa sỹ khéo léo hé lộ cho ta thông điệp này trong cái tên Ngôi đền. Nhưng cũng như mọi niềm tin, nguồn gốc của nó lại là một sự bất an tột độ. Trong khóm tranh Trở mình, họa sỹ khám phá những gì diễn ra khi trạng thái cuộc sống biến chuyển. Không gian ở Trại hoa đồng tiền đêm 1 bị những cọc nứa cắt làm mấy lớp, nhốt vào đó đám hoa sau khi phun thuốc đêm như đang thảng thốt gọi nhau bất ổn. Trái lại, bố cục mở rộng lỏng lơi ở Vũ điệu, với những khóm ngô vàng và đu đủ xanh hân hoan khiêu vũ với nhau, cũng giống cách những chiếc lá xanh vàng tương tác trên cây đu đủ trong phút giao mùa ở Nhịp điệu thu. Ngôn ngữ hội họa của Duy Hòa nhất quán xuyên suốt từ phong cảnh sang tĩnh vật ở gian Ngồi lại. Thú vị thay, cái tĩnh của tranh Duy Hòa không bao giờ là tĩnh hoàn toàn, mà luôn ẩn chứa những vận động khác nhau. Có thể đó là sự trôi chảy không thiên vị của thời gian khi thanh xuân trôi qua trong Hoa cúc, là ánh trăng như tan chảy trong không gian và trên mặt bàn trong Dưới trăng, hay là cuộc trò chuyện tưởng tượng giữa những tán lá màu lam nhạt trong Cây hoa sứ. Biểu hiện trên mặt toan không cần trung thực với hiện thực khách quan, chỉ cần trung thực với hiện thực cảm quan của họa sỹ. Lời mời người ngoài toan Cũng như Vincent Van Gogh tự tìm thấy tiếng nói riêng khi vẽ lại tranh Jean-François Millet và Utagawa Hiroshige, ở đây Duy Hòa đã bỏ công tìm tòi nghiêm cẩn để kế thừa kỹ thuật và tư tưởng từ những tượng đài đi trước – từ Ấn tượng đến Trừu tượng – để ghi xuống toan những trực cảm và triết lý tự thân. Những trực cảm ấy là duy nhất, bởi chúng có cội rễ từ đời sống và tâm hồn của Đan Phượng và của riêng Duy Hòa. Nhưng những triết lý xây nên từ đó lại không chỉ thích ứng với quê hương họa sỹ, mà là triết lý chung của nhân loại. Trong mười năm qua, Duy Hòa đã bền bỉ kiến tạo nên một hệ thống ngôn ngữ hội họa độc đáo nhằm ghi lại những trực cảm và triết lý đó – để tìm bắt những bóng mặt trời cho riêng mình. Triển lãm lần này là một lời mời bạn bước vào thế giới quan kỳ khôi ấy, để cùng trải nghiệm cái khó, cái mới, và cái dũng cảm mà họa sỹ đang và đã đi qua. * BÓNG MẶT TRỜI * Cùng một người viết: - Duy Hòa: một cuộc tìm bắt bóng mặt trời - Tư cách học thuật của Jean-Francoise Hubert hay “con vẹt đến từ phương Tây” - HỎA MÙ NFT VIỆT: lạm thuật ngữ, lạm danh xưng, lạm định giá - Có tới ba bức “TRÀ ĐÀM”, và hai bức trong đó là GIẢ - Sáu câu hỏi cho người sưu tập nghệ thuật Việt Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|