|
|
|
|||||||||||||
Thị trườngSáu câu hỏi cho người sưu tập nghệ thuật Việt 30. 10. 21 - 10:33 pmAce Le
Sưu tập nghệ thuật Việt: khoảng cách và hướng đi Chúng ta hay thảo luận rất nhiều về phía cung mà sao nhãng phía cầu. Cũng do tính chất của những nhà sưu tập (nhất là nội địa) từ trước đến nay vốn thích riêng tư vì nhiều lý do, nên dữ liệu và thông tin nghiên cứu rất hạn chế; cộng thêm việc nước ta trải qua chiến tranh liên miên, và sự thiếu hụt giáo dục nghệ thuật căn bản, dẫn tới bốn vấn đề nổi cộm sau xuyên suốt nhiều thập kỷ qua: Thứ nhất, người nước ngoài hoặc giới Việt kiều có điều kiện nắm bắt cơ hội đã thâu nạp sớm được một số lượng lớn tác phẩm, phần nhiều được mang ra nước ngoài, gọi là hiện tượng “chảy máu tác phẩm”. Nhìn về mặt tích cực, nhiều người trong số họ đang nỗ lực mang tác phẩm về ngược lại Việt Nam và thiết kế nhiều chương trình bổ ích, làm điểm so sánh tốt cho nhà sưu tập nội địa. Thứ hai, nhà sưu tập nội địa hoạt động ở những mạch ngầm của riêng họ; thiếu sự kết nối và trao đổi kiến thức với giới bảo tàng trong nước và khu vực, với cộng đồng nghiên cứu và giám tuyển chuyên nghiệp, dẫn tới trình độ quản lý, lưu ký và bảo trì bộ sưu tập và tác phẩm còn sơ sài, yếu kém. Thứ ba, rất nhiều nhà sưu tập nội địa tự biến mình thành nhà môi giới – đây tuyệt đối không phải là điều xấu – nhưng do hạn chế kiến thức và đạo đức của một số cá nhân, dẫn tới nạn làm và bán tranh giả, lợi dụng tính chất bất đối xứng thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín toàn bộ thị trường nội địa. Thứ tư, giới sưu tập nội địa còn đang tập trung chủ yếu vào thị trường hiện đại, rất ít người manh nha kết nối với mảng đương đại. Cộng hưởng với sự thờ ơ của thể chế, dẫn tới hệ quả hầu hết các nghệ sỹ đương đại đều gặp khó khăn tài chính, chịu phụ thuộc vào khoản tài trợ từ các quỹ ngoại, vốn ưu tiên những ai thạo tiếng Anh, có điều kiện tiếp cận. Bốn vấn đề trên dẫn tới sự phân lập ghê gớm trong thị trường nội địa: mảng hiện đại thì sức mua lớn nhưng người mua còn ẩn dật, thiếu chuyên nghiệp và chịu nhiều nghi vấn; trong khi mảng đương đại gần như bỏ ngỏ, giới thực hành còn loay hoay trong cuộc chơi luật Tây, chưa có cách bắc cầu được tới nhà sưu tập (và mở rộng ra là đông đảo khán giả) trong nước. Tôi thường chia sẻ với bạn bè trong giới rằng, bản thân tôi có niềm tin rất lớn vào việc chấn hưng nghệ thuật nội địa, và câu trả lời quan trọng nhất nằm ở mắt xích bên cầu: chúng ta nhất thiết cần một thế hệ nhà sưu tập nội địa mới để tạo ra nguồn tài chính ổn định và bền vững cho cộng đồng tự vận hành (giả định thể chế nghệ thuật Việt Nam sẽ chưa có chuyển mình mạnh trong 10 năm tới). Có trao đổi kiến thức trong cộng đồng, giá trị văn hóa của tác phẩm sẽ tăng, dẫn đến giá trị tài chính của tác phẩm tăng theo, như vậy là trường hợp tất cả đều có lợi. Tác phẩm đương đại của Philippines đã cán triệu đô từ lâu, không có lý gì Việt Nam chúng ta lại phải đi sau nhiều như thế. Vậy, thế hệ nhà sưu tập mới là như thế nào? Họ có thể là những nhà sưu tập hiện đại hiện tại, nay mạnh dạn lấn sân sang vùng đương đại. Họ có thể là những nhà sưu tập đương đại hiện tại, nhưng ngày càng trau dồi chiến lược, cách quản lý và quảng bá cho thật chuyên nghiệp, sánh vai với các bộ sưu tập tư nhân quốc tế. Họ có thể là lứa trí thức du học sinh 8x, 9x nay đã về nước, có nhà riêng và có điều kiện, sẵn sàng dành 5-10% danh mục tài sản vào nghệ thuật. Họ lại cũng có thể là giới kinh doanh, viên chức (thậm chí là giới thực hành nghệ thuật) trung lưu nội địa, không cần phải giàu, nhưng có đủ khả năng tài chính và sự tôn trọng thẩm mỹ để sở hữu một số lượng khiêm tốn các tác phẩm nghệ thuật tử tế, thay vì tiếp tục ủng hộ văn hóa treo tranh chép, tranh nhái, tranh decor. Thật sự đã đến lúc thế hệ này lộ diện và tăng cường đối thoại, học hỏi lẫn nhau, cũng như tham gia trao đổi với cộng đồng thực hành. Và vì rất nhiều người trong số họ mới bắt đầu bước vào nghệ thuật, cộng đồng thực hành phải chuẩn bị tâm thế và khả năng đối thoại, diễn giải ở mức sơ khởi nhất với họ. Vậy, cách sưu tập mới là như thế nào? Theo những gì tự đúc kết được, tôi xin nêu ra sáu câu hỏi dẫn dắt để bạn tự vấn khi quyết định xây dựng một bộ sưu tập chuyên nghiệp [1]. Thứ nhất, xác định rõ, bạn sưu tập vì mục đích gì? Để đầu tư lâu dài hay có một sứ mệnh cá nhân nào đó? Cũng có thể là cả hai. Nhưng điều này ảnh hưởng quan trọng đến tất cả các điều sau. Ví dụ, SunPride Foundation của Patrick Sun ở Hongkong có bộ sưu tập queer art đầu tiên và quan trọng của châu Á, với sứ mệnh sưu tập đi song song với sứ mệnh về nhân quyền LGBTQ+ của tổ chức. Thứ hai, khung sưu tập của bạn là gì? Khung ở đây có thể là giai đoạn (Đông Dương/kháng chiến/đương đại), phương tiện (hội họa/điêu khắc /video/đa phương tiện), địa lý (Việt Nam/khu vực/quốc tế) hay tác giả (một hay nhiều nghệ sỹ cụ thể). Ví dụ, cặp vợ chồng bác sỹ John Chia và Cheryl Loh tại Singapore chuyên tâm vào sưu tập các tác phẩm video đương đại của nghệ sỹ châu Á. Thứ ba, bạn đã có kế hoạch tài chính cho bộ sưu tập chưa? Kế hoạch ở đây bao gồm quỹ tiền mua tác phẩm (định kỳ, ví dụ thường niên), chi phí vận hành, bảo quản và phục chế nếu cần, và dự định bán tác phẩm nếu cần. Nhà sưu tập người Indonesia nổi tiếng Oei Hong Djien [2] trong cuốn sách của mình có chia sẻ rằng quan trọng nhất với người sưu tập là kỷ luật – không được phép tiêu tiền quá mức cho phép, dù thèm muốn đến mức nào; và đến một lúc nào đó khi trong nhà không còn chỗ chứa tác phẩm, phải quyết định bước tiếp theo là gì: bán bớt để rút gọn hay tiếp tục mở rộng? Thứ tư, bạn đã có quy trình lưu trữ thông tin cho bộ sưu tập của mình chưa? Điều này là rất cần thiết, và nên làm ngay từ đầu, hoặc càng sớm càng tốt. Nhà sưu tập Stefan Edlis trong phim tài liệu “The Price of Everything” (2018) [3] (ông qua đời một năm sau khi phim phát hành) có cho chúng ta thấy cách ông tự tạo bảng Excel cho bộ sưu tập của mình để ghi lại dữ liệu về tác phẩm, tác giả, ngày mua, giá mua, nguồn mua, và các thông tin quan trọng về provenance cho tác phẩm. Bản thân tôi cũng học theo ông rất nhiều. Thứ năm, bạn đã có kế hoạch chia sẻ bộ sưu tập của mình chưa? Một trong những thú vui của sưu tập là được chia sẻ nó tới những người yêu nghệ thuật khác. Nhưng bạn cũng nên làm điều này một cách chiến lược. Chia sẻ một cách chiến lược là chia sẻ với các nhà nghiên cứu, giám tuyển, bảo tàng để làm triển lãm giới thiệu chúng đến với công chúng, và cũng là một cách họ giúp bạn thẩm định chất lượng bộ sưu tập. Trong bài phân tích về tranh cực thực ở Trung Quốc, tôi có đưa ví dụ nhà sưu tập Thang Thư làm rất tốt điều này [4]. Thứ sáu, bạn đã quảng bá cho bộ sưu tập của mình chưa? Cách quảng bá hiệu quả nhất để tạo hình ảnh chuyên nghiệp cho bộ sưu tập của mình là xây dựng một website, với đầy đủ thông tin về sứ mệnh, khung sưu tập, tác phẩm tác giả (tùy thuộc vào độ minh bạch bạn muốn). Hiện tại ở Việt Nam chưa có bộ sưu tập nội địa nào có một website hoàn chỉnh theo đúng nghĩa, nên ở phần phụ lục tôi xin liệt kê một danh sách các bộ sưu tập nghệ thuật Việt Nam (hầu hết) do người nước ngoài hoặc Việt kiều sở hữu, với nhiều bộ đã đạt độ chuyên nghiệp quốc tế, rất đáng để cộng đồng học hỏi theo. Việc chuyên nghiệp hóa thị trường sưu tập là một quá trình dài và cần sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhưng nhìn vào những vận động kinh tế-chính trị-xã hội đang diễn ra tại Việt Nam và trong khu vực, tôi tin rằng đây là thập kỷ tốt nhất để bắt đầu công việc. 05.09.2021 PHỤ LỤC [Trình bày theo: Bộ sưu tập (năm bắt đầu sưu tập) | số lượng & khung tác phẩm | địa điểm lưu trữ: website] Witness Collection (từ 1987) | 2,000 tác phẩm Đông Dương, hiện đại & đương đại | Penang: https://bit.ly/38G6QV9 Dato’ N. Parameswaran Collection (từ 1990) | 1,200 tác phẩm kháng chiến | Singapore (ủy thác cho NUS Museum): https://nus.edu/2WOYo3O H&S Collection (từ 1990) | 100 tác phẩm hiện đại | Brussels: https://bit.ly/2WOtJ6H The Albert I. Goodman Collection of Vietnamese Art (từ 1992) | 100 tác phẩm hiện đại | Chicago: https://bit.ly/2VhrtE1 Điềm Phùng Thị Art Foundation (từ 1993) | 400 tác phẩm hiện đại (của Điềm Phùng Thị) | Huế: https://bit.ly/38I0fJU Dogma Collection (từ 1990) | 1,000+ tác phẩm kháng chiến (tranh cổ động, tem) & đương đại (chân dung) | TP Hồ Chí Minh: https://bit.ly/3zOinxw Post Vĩ Đại (từ 1994) | 400+ tác phẩm đương đại | Geneve và TP Hồ Chí Minh: https://bit.ly/3kT8jNv The Nguyen Art Foundation (từ 1995) | kháng chiến & đương đại | Texas và Sài Gòn: https://bit.ly/3h3QxGk Lê Bá Đảng Art Foundation (từ 2006) | 400 tác phẩm hiện đại (của Lê Bá Đảng) | Huế: https://bit.ly/3kUS1Uo Tira Vanichtheeranont (từ 2006) | 2,000 tác phẩm kháng chiến | Bangkok (không có website) Museum Pasifika (từ 2008) | 50 tác phẩm Đông Dương | Bali: https://bit.ly/38FfTpx RMIT Vietnam Art Collection (từ 2010s) | ~100 tác phẩm đương đại | Hà Nội & TP Hồ Chí Minh: https://bit.ly/3tdqJMQ Salon Saigon (từ 2010s) | ~100 tác phẩm đương đại | TP Hồ Chí Minh: https://bit.ly/3yRQJi8 Flamingo Contemporary Art Museum (từ 2015) | 50+ tác phẩm đương đại (điêu khắc – Việt Nam & quốc tế) | Vĩnh Phúc: https://bit.ly/38IqEr2 * Cùng một người viết: - Duy Hòa: một cuộc tìm bắt bóng mặt trời - Tư cách học thuật của Jean-Francoise Hubert hay “con vẹt đến từ phương Tây” - HỎA MÙ NFT VIỆT: lạm thuật ngữ, lạm danh xưng, lạm định giá - Có tới ba bức “TRÀ ĐÀM”, và hai bức trong đó là GIẢ - Sáu câu hỏi cho người sưu tập nghệ thuật Việt Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|