Mua-Bán

Có tới ba bức “TRÀ ĐÀM”, và hai bức trong đó là GIẢ 18. 09. 21 - 9:07 pm

Ace Le

BỨC THỨ HAI XUẤT HIỆN

Ngày 16. 9. 2021, Anh bạn gửi cho tôi thông tin nghi vấn quan trọng về hai bức “Trà đàm” (1971) giống nhau như đúc của Mai Thứ. Một bức sắp được đấu trong phiên sắp tới của nhà Aguttes, một bức vừa đấu năm ngoái tại nhà Sotheby’s.

Dựa vào lai lịch (provenance) và phân tích thị giác sơ khởi, hiện tại quan điểm cá nhân của tôi đang nghiêng về bức của nhà Aguttes là thật (xin thông cáo lên đây để cộng đồng cùng đánh giá). Nhưng nay với thông tin Hubert đứng sau bức Sotheby’s, cán cân đã nghiêng hẳn về bên kia. Như vậy, thêm nửa triệu đô nữa có nguy cơ bị hóa giấy vụn?

Aguttes: Lô 03, phiên sắp tới tại Paris 30. 09. 2021
“Trà đàm” (1971), Mai Thứ, 55.8 x 55.8 cm, mực và màu trên lụa
Định giá: 300,000-500,000 EUR
Lai lịch: Bộ sưu tập cá nhân tại Pháp, mua trực tiếp từ triển lãm 1971 tại Galerie Jacques Doucet.

Sotheby’s: Lô 1052, phiên Hongkong 05. 10. 2020
“Trà đàm” (1971), Mai Thứ, 60 x 58.5 cm, mực và bột màu trên lụa
Giá gõ búa: 500,000 USD
Lai lịch: Bộ sưu tập cá nhân tại châu Á, mua trực tiếp từ phiên Sotheby’s Singapore ngày 04.04.2004. Phiên này https://bit.ly/3ljOuz4 thì không ghi thông tin lai lịch tranh.

Theo thông tin tôi vừa tra cứu, cố vấn cấp cao từ 2003-2009 cho Sotheby’s không ai khác chính là gương mặt quốc dân Jean-Francois Hubert

VÀ THÊM BỨC THỨ BA

Sau nghi vấn trên về vụ việc Tôn Hành Giả vs. Giả Hành Tôn với hai lô đấu “Trà Đàm” (1971) khác nhau của Mai Thứ tại Sotheby’s (2004 & 2029) và Aguttes (2021), đã có thêm bạn bè trong giới cung cấp thêm nhiều thông tin, chứng cứ quan trọng cho tôi. Đặc biệt là sự xuất hiện của một Hành Giả Tôn – bức “Trà Đàm” thứ ba.

Bức “Trà đàm” thứ ba

Bức “Trà Đàm” thứ ba này, về mặt thị giác, rất gần với bức “Trà Đàm” Sotheby’s, nhưng ta có thể nhận ra là hai bức hoàn khác nhau:

– dấu triện của bức thứ ba rõ ràng, không bị quệt mực như bức Sotheby’s;
– chữ ký “MAI THU” cũng cách xa triện hơn;
– đồng thời, đường xẻ hông tà áo dài của nhân vật nữ áo lục cũng ngắn hơn;
– về mầu sắc và chất liệu, bức này rất gần với bức Sotheby’s – tôi cho rằng cả hai bức đều là giả, và từ cùng một lò mà ra;

Lò ấy là từ đâu? Theo hai nguồn tin độc lập, bức thứ ba này đã đổi chủ thứ cấp nhiều lần, nhưng chưa từng lên sàn đấu giá, với chi tiết như sau:

“Gia đình uống trà trong vườn cùng trẻ nhỏ” (“Thé en famille dans le jardin avec enfants” – 1971), Mai Trung Thứ
Bột mầu và mực trên lụa, 61.5 x 60 cm. Ký và ghi năm 1971. Tên và dấu triện họa sỹ ở mặt sau.

Đây là thông tin trao tay giữa những người chủ cũ của bức tranh. Nguồn tin cho hay, người môi giới sớm nhất cho bức thứ ba này chính là Jean-Francois Hubert, bán cho một nhà sưu tập tư nhân tại Pháp. Người này bán cho một nhà sưu tập “Dr Tin” (Bác sỹ/Tiến sỹ “Tin”). Dr Tin bán cho một nhà sưu tập khác, và người ngày đã bán thành công cho chủ mới nhất của bức này trong vòng vài tháng gần đây, với giá rao bán 325,000 USD.

VẬY BỨC NÀO LÀ GIẢ? ĐÃ CÓ THÊM CHỨNG CỨ QUYẾT ĐỊNH

Như vậy trong ba bức, bức nào là giả? Chứng cứ quan trọng nhất lại không nằm ở trong ba bức này, mà ở các bản in phái sinh ta có thể tìm được.

Như ta biết, trong giai đoạn Mai Thứ được đại diện bởi Galerie Jacques Doucet, còn có một phòng tranh/nhà in khác của JF Apesteguy được họa sỹ đồng ý cho phép chuyển thể một số bản lụa để sản xuất hàng loạt nhiều bản in trên linen hoặc thạch bản với giá rẻ, cho những ai không mua được bản chính.

Trong quá trình thu thập chứng cứ, tôi đã tìm được/được gửi đến những bản in và ảnh chụp quan trọng của những bản in đó, cho thấy về mặt thị giác, chúng giống với bức “Trà đàm” sắp đấu giá ở nhà Aguttes. Tôi liệt kê các chứng cứ như sau:

1. Bản in trên linen từng được đấu giá hai lần, tại nhà Artprecium ngày 15.10.2017 và tại nhà Millon ngày 01.02.2018. Cỡ 50 x 50cm, có chữ ký tay bằng bút bi ở góc dưới bên phải như trong hình sau:

Bản in trên linnen từng được đấu giá hai lần tại nhà Artprecium và tại nhà Millon

2. Bản in Millon đó chính là bản in đã xuất hiện trên bích chương quảng cáo cho triển lãm 1971 của Mai Thứ tại Galerie Jacques Doucet ở Place Beauveau – bạn hãy để ý khung tranh. Ảnh chụp dưới đây được lấy từ website Mai Thứ chính thức của cô Mai Lan Phương, con gái cụ Thứ. Triển lãm này mang tên “Trẻ em và gia đình”, là triển lãm ngay trước chuyến hồi hương lần đầu của cụ năm 1973.

Bích chương quảng cáo cho triển lãm 1971

3. Một bức ảnh chụp bản in Millon (bạn để ý khung tranh) trong studio họa sỹ, treo trên tường. Bức này cũng lấy từ website Mai Thứ.

Bản in Millong trong studio họa sĩ

4. Một bức ảnh khác chụp rõ bức tranh gốc tại phòng tranh JF Apesteguy ở Deauville, nhìn giống với bức “Trà Đàm” sắp bán ở Aguttes (kể cả khung tranh). Tôi đoán rằng, bức này được chụp ở quãng thời gian xấp xỉ với triển lãm ở Doucet, và đây là giai đoạn Apesteguy mượn tranh về để in ra nhiều bản linnen. Bức này cũng lấy từ website Mai Thứ.

Bức tranh gốc tại phòng tranh JF Apesteguy

5. Một bức ảnh cuối cùng chụp trực diện một bản in, hoặc bản gốc trước khi thay khung, với khung đơn giản. Bức này cũng lấy từ website Mai Thứ. Dù là bản in hay bản gốc, ta có thể thấy rõ nó giống với bản của nhà Aguttes. Các bạn để ý phần dây bèo/bóng nước sát với góc trên bên phải của chữ ký MAI THU – chi tiết này không có trong hai bản “Trà Đàm” Sotheby’s và “Trà Đàm” thứ ba:

Chi tiết phần dây bèo/bóng nước sát với góc trên bên phải của chữ ký

Như vậy, các chứng cứ trên khớp với thông tin được Aguttes đưa ra, là bản Aguttes được mua trực tiếp từ triển lãm 1971 và giữ nguyên trong gia đình nhà sưu tập cho đến nay.

Đến đây, cá nhân tôi xin kết luận chủ quan, có thể tin rằng bản của nhà Aguttes là thật (rất tiếc tôi không được dịp xem tận mắt để đánh giá kỹ hơn).

Chữ ký và con triện trên bức “Trà đàm” (1971) đấu ở nhà Aguttes cuối tháng 09 này

LỜI KÊU GỌI MỞ

Với bức “Trà Đàm” Sotheby’s được lên sàn dưới sự tư vấn của Jean-Francois Hubert năm 2004, và bức “Trà Đàm” thứ ba cũng được quy về nguồn từ nhân vật này, một lần nữa, tôi xin nêu lên độ nghiêm trọng và sự cấp thiết trong việc truy cứu và xử lý vấn nạn làm tranh giả, đặc biệt là Đông Dương với giá dâng cao như hiện nay.

Để bảo vệ lợi ích của thị trường tranh Việt nói chung và các nhà sưu tập nói riêng, tôi xin có lời kêu gọi mở tới:

I. Sàn Sotheby’s là nhà thuê cũ của Jean-Francois Hubert với tư cách cố vấn cao cấp mảng tranh Việt Nam

II. Sàn Christie’s là nhà thuê hiện tại của Jean-Francois Hubert với tư cách cố vấn cao cấp mảng tranh Việt Nam
nên có các động thái sau:

1. Ngừng mọi dịch vụ tư vấn từ Jean-Francois Hubert

2. Lật lại toàn bộ số tranh cũ đã được Jean-Francois Hubert tư vấn đưa lên sàn, đặc biệt là các tranh thuộc dạng nghi vấn như bức “Trà Đàm” bán tại Sotheby’s 2004

3. Đưa ra kết luận thẩm tra công khai cho thị trường được rõ

Bức “Trà Đàm” của nhà Aguttes có khung

Bên cạnh đó, tôi cũng có lời kêu gọi mở tới các nhà sưu tập đã từng mua tranh từ Jean-Francois Hubert hoặc được truy về nguồn từ Jean-Francois Hubert – trong trường hợp này là chủ hiện tại của bức “Trà Đàm” thứ ba – dũng cảm xuất hiện và cung cấp thêm chứng cứ để công luận giúp các bạn xác định rõ thật, giả. Nếu đúng là mua phải tranh giả, tôi khuyến khích nhà sưu tập khởi kiện để đòi lại công bằng cho chính mình.

Ta hãy tưởng tượng, một bức “Trà Đàm” bán được trên Sotheby’s với giá 20,000 USD – một số bạn có thể cho là quá rẻ để làm giả. Nhưng nếu họ làm giả thêm 50 bức khác, thì họ đã có 1 triệu đô rồi đó. Đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn, từ cả khía cạnh dư luận, truyền thông và luật pháp, để những vụ việc như thế này không trôi đi theo thời gian như vụ việc đình đám năm 2016 đã được báo chí đưa.

Cuối cùng, xin cảm ơn cộng đồng đã cung cấp những thông tin quan trọng ở trên. Tôi xin phép không được tiết lộ nguồn để bảo vệ danh tính cho họ.

*

Nguồn: Từ Fb của tác già. Tên bài do Soi đặt.

*

Cùng một người viết:

- Duy Hòa: một cuộc tìm bắt bóng mặt trời

- Tư cách học thuật của Jean-Francoise Hubert hay “con vẹt đến từ phương Tây”

- HỎA MÙ NFT VIỆT: lạm thuật ngữ, lạm danh xưng, lạm định giá

- Giám tuyển là gì?

- Có tới ba bức “TRÀ ĐÀM”, và hai bức trong đó là GIẢ

- Sáu câu hỏi cho người sưu tập nghệ thuật Việt

Ý kiến - Thảo luận

23:30 Saturday,18.9.2021 Đăng bởi:  Sáng Ánh
Khoảng năm 1970-1973, tôi có dịp vài bận đến xưởng vẽ của họa sĩ Mai Trung Thứ, lúc đó ở quận 14, Paris.

Dạo ấy bác đang vẽ chân dung cho một chị người Việt khoảng ngoài 20. Chân dung đó vẽ nhiều bận. Chị đến đó ngồi 1-2 tiếng làm mẫu. Mẹ chị một hôm thốt lên là ấy chết, quên mang cái vòng ngọc trai hay khánh vàng gì đó cho con gái đeo! Họa sĩ cười bảo,
...xem tiếp
23:30 Saturday,18.9.2021 Đăng bởi:  Sáng Ánh
Khoảng năm 1970-1973, tôi có dịp vài bận đến xưởng vẽ của họa sĩ Mai Trung Thứ, lúc đó ở quận 14, Paris.

Dạo ấy bác đang vẽ chân dung cho một chị người Việt khoảng ngoài 20. Chân dung đó vẽ nhiều bận. Chị đến đó ngồi 1-2 tiếng làm mẫu. Mẹ chị một hôm thốt lên là ấy chết, quên mang cái vòng ngọc trai hay khánh vàng gì đó cho con gái đeo! Họa sĩ cười bảo, bà muốn vòng gì thì tôi vẽ vòng đó cho nó, việc gì phải mang theo để đeo!

Hóa ra, nữ trang trên các chân dung phụ nữ nhiều khi cũng có thể là giả, và giả tưởng! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả