Điện ảnh

Bài 9 – Nhật ký (không) làm phim:
Mối tình bất thành quanh Sàigòn 14. 11. 20 - 9:44 am

(Tiếp theo bài trước)

Trong một phim đầu tay,  một đạo diễn tơ lơ mơ không cần đến hiểu biết chuyên môn. Việc của anh là có cho được một viễn tượng, một hình dung về câu chuyện anh muốn kể bằng phim ảnh. Sản xuất sẽ là một người thính mũi, như Eric Tóc đỏ bắt được mùi balut, rau răm và húng quế. Việc của sản xuất là tìm ra một chuyện kể thu được tiền, xin lỗi nhe, nếu không thu được tiền thì không có ai làm phim hết, và nhiều tiền cơ, vì nó rất tốn kém. Sau đó, ông/bà này phải giúp cái thằng/cái con có câu chuyện hấp dẫn muốn kể thực hiện ra trên màn hình thứ mà nó đang ôm vật vã ở trong bụng, trong đầu. Đây là một hôn nhân lí trí chứ không phải tình cảm, hai người không yêu nhau điên dại nhưng phải sống chung ngọt ngào vì cả hai cùng yêu một con Phim.

Đứa con này, “Sàigòn thứ bảy”, là chuyện kể 24 giờ của ngày thứ bảy 6 tháng 1, 1975 tại Sàigòn. Hai thanh niên nhà giàu xách xe đi chơi với nhau trong ngày này, có tí đì đùng súng đạn, có party, có đĩ, có hộp đêm, ca sĩ, ca ve. Câu chuyện xuyên qua nhiều tầng lớp xã hội, câu chào mời quảng cáo là “Chiến tranh đã 30 năm nhưng ngày thứ bảy chỉ có 24 giờ” Nhớ đón xem! “Câu chào mời này sau sẽ lọt vào mắt (hay vào mũi) của Pierre-William, là sản xuất sẽ bỏ nhiều công sức nhất cho dự án. Nhưng trước ông này, tôi đã trải qua nhiều quan hệ sản xuất, những hôn nhân đổ vỡ và những hôn nhân bất thành (trong đó có một nhà sản xuất lên cơn và vào nhà thương điên ở Thái!)

JACK GAJOS – người (cùng) yêu lý tưởng

Ông ngồi trong bàn tiệc và mỉm cười. Bàn tiệc thì hơi tối và cũng thấy rõ ông, nhưng rõ nhất là bên cạnh ông có Antonio Banderas đang nắm tay Melanie Griffith hồi hộp. Đây là tối trao giải Golden Globe năm 1999 ở tại Los Angeles. Tôi thì lúc đó đang ở Pháp, coi trên truyền hình. Chẳng khi nào tôi xem tường thuật những giải này nhưng hôm nay thì có tí liên quan. Bộ phim “Central Station” (Ga chính, tựa tiếng Bồ là “Centro do Brasil”) của đạo diễn Walter Salles được đề cử trong thể loại phim ngoại ngữ, và diễn viên chính của bộ phim là Fernanda Montenegro được đề cử vai nữ xuất sắc nhất, thể loại Bi kịch.

Áp phích của bộ phim Brazil “Central Station” (1998) ảnh ở đây 

Nhà sản xuất Jack Gajos là một trong tá 12 associate producer của “Central Station”. Đây là một phim bé của Brazil, được coi là nghệ thuật, đang địch ở giải này với các phim tấn quốc tế và Hollywood, ở một giải được coi là “tiền Oscar”. Đây là lần hiếm hoi một diễn viên “ngoại vi” tức bà Montenegro người Brazil, được đề cử tranh giải diễn xuất với Meryl Streep, Susan Sarandon, Kate Blanchett và Emily Watson. Phần bộ phim “Central Station” thì dễ thở hơn, vì tranh giải thể loại phim tiếng nước ngoài, tức là không phải đua với “Mask of Zorro” (Antonio Banderas) hay “Saving Private Ryan” (Tom Hanks) cũng thi tài ở thể loại khác vào năm đó.

Kết quả xướng danh, trống đánh thùng thùng, là Kate Blanchett năm đó trúng nữ diễn viên chứ không phải là Fernanda Montenegro. Nhưng “Central Station” trúng phim ngoại ngữ. Jack cười tươi trong khi bên cạnh ông trước đó Antonio chỉ cười mỉm lịch sự (Michael Caine đoạt giải diễn viên Nam từ tay chàng hiệp sĩ bịt mặt này). Walter Salles lên nhận giải, mang theo bà Montenegro nói nhiều và đầy hưng phấn. Bà được dịp, chửi cho nền điện ảnh chính thống Hoa Kỳ một trận. Đáng đời Hollywood thấy chưa, chúng tôi phim phận nhà nghèo mà lại thắng!

Diễn viên Fernnada Montenegro với giải Quả cầu vàng của bộ phim năm 1999, ảnh ở đây 

Bà nói nhiều quá, đến lượt đạo diễn Walter cám ơn thì anh lúng túng, quên xướng tên Jack đang ngồi đó đợi khiến tôi thấy ông hụt hẫng ra mặt. Ông không phải là sản xuất chính, và chỉ là phim be bé nước nhỏ (nước nhỏ về phim ảnh, không phải là về bóng đá), phim lại do 10 công ty và 1 chục (chục 15) tổ chức khắp nơi bỏ tiền vào, sao nhớ hết được mà cảm tạ! Tôi thì mừng, vì trước đó Jack có xem kịch bản của “Sàigòn thứ bảy” và xem kỹ càng. Ông hẹn, để đi Golden Globe về thì mình bàn.

Jack là một nhà làm phim tiền thì ít mà nghệ thuật thì nhiều nên với tôi hợp tạng. Tôi biết ông qua một bạn từng làm phó đạo diễn của Jean Luc Godard, cho nên là cùng giới “New Wave” (Làn sóng mới) ngày nào. Tôi đến gặp Jack  tại công ty phát hành và sản xuất Unifrance, qua mấy cửa lễ tân và trợ l‎ý trong một bầu không khí rất là “điện ảnh”, chứ không như gặp các sản xuất khác, thường là ở nhà hàng mì Tàu. Ông có một bàn giấy to đùng sau đại lộ Champs Élysées và hút xì gà vung vẩy như là đang nhập vai của chính ông. Đó là hai ngày sau Golden Globe, tức là sau chiến thắng huy hoàng.

Jack ngồi bàn với tôi về bộ phim “Sàigòn” một cách rất nghiêm túc. Kịch bản là do tôi nặn ra, đương nhiên là tôi biết bạn nào đọc kỹ càng và bạn nào đọc lướt qua phù phiếm. Jack nhớ những chi tiết, khi đọc kịch bản ông đã làm phim trong đầu mình từng cảnh và hình dung ra hết bộ phim, lại rất gần với hình dung của tôi. Vậy là tâm đầu ý hợp, đúng trường hợp hai người cùng yêu một em. Ông bảo đây là một bộ phim xuất sắc, tôi thề với bạn là cách nào tôi cũng sản xuất nó cho bằng được, hẳn là đang nhờ hơi men của “Central Station” còn ngây ngất cộng với 9 múi giờ khác biệt mới vừa trải trên máy bay. Tình yêu thì nhiều người chỉ trăng chỉ đá, nhưng Jack thì tôi tin là thật. Nhưng hiện thì ông có nhiều việc, đang làm bộ phim “Lumumba” về lãnh tụ châu Phi này với Raoul Peck. Sau phim Nam Mỹ thì phim Phi Châu, sau phim Phi Châu thì phim Việt Nam là hợp lý với con người. Nhưng còn một dự án khác nữa, và thời hạn là 3 năm sẽ khởi công “Sàigòn”.

Áp phích của bộ phim mà Jack làm sản xuất, về Patrice Lumumba, lãnh tụ độc lập của Congo, ảnh ở đây 

Giờ thì tròn đã 19 năm (!) nhưng lúc đó 3 năm với tôi là lâu lắm. 3 năm là một đời, chí ít là một đời… phim. Tôi nói tôi không đợi được. Jack bảo phim này phải được thực hiện bằng mọi giá! Nếu giờ bạn gấp thì tôi giới thiệu cho một bà sản xuất khác. Nếu bà không làm hay không làm được thì tôi giới thiệu cho một sản xuất thứ nhì. Nếu ông này cũng không làm thì đã đến lúc 3 năm rồi, lúc đó tôi sẽ rảnh và chính tôi sẽ làm!

Tôi rời bàn giấy của ông, Paris tháng Giêng hôm đó lại là một ngày hiếm hoi tốt trời. Nắng xuyên qua vài cái lá hiếm hoi còn lại của những tàn cây, con người lả lướt qua lại, ai cũng vui vẻ và “Đại lộ đẹp nhất thế giới” tôi thấy xứng đáng với tên gọi. Tôi mới vừa ở Unifrance ra, sản xuất của “Central Station” mới thề sống thề chết là sẽ làm phim “Sàigòn” với tất cả tấm lòng trìu mến.

Jack ước tính, theo kiểu làm việc quen của ông, là phim tôi sẽ cần kinh phí 15 hay 17 triệu quan Pháp… thôi! Đó là trên 3 triệu USD dạo ấy và trước đây một nhà sản xuất khác, khi dự định ở Thái, đã gắng thu vén trong vòng có ½ triệu. Phía Thái thấy khó khăn, bảo cần tìm thêm đầu tư ngay tại Thái, thêm đồng nào hay đồng nấy và 1 triệu USD thì lý tưởng. Chẳng hiểu có phải vì thế mà nhà sản xuất ấy lên cơn điên không thì tôi không biết được và nhà thương tâm thần nhốt anh một tháng. Giờ, Jack “hạn chế” là 3 triệu rưỡi thì tôi giương mắt lên, vờ suy nghĩ một lát và gật đầu, bảo (có) thế thì (cũng) làm được.

Jack phân tích, đây là phim đầu, nếu bạn có quá nhiều phương tiện trong tay thì bạn khó mà kiểm soát hết được, nó chỉ thêm bối rối cho một đạo diễn mới, có khi 30 triệu lại không hay bằng 15. Đây là ngôn ngữ của sản xuất, nhưng tôi nghe rất lọt vì ý tôi là làm phim càng rẻ càng tốt, có nhiều tiền thì tôi làm nhiều phim chứ không phải là một phim. Nhưng tôi hiểu cái lý của Jack. Số tiền ấy đối với tôi là lớn quá, nhưng đây là cách làm phim chính quy của điện ảnh Pháp, của thành phần đoàn Pháp, có quỹ hưu cho nhân viên, bảo hiểm sức khỏe và tiền thất nghiệp tại vì trong nghề đâu phải là ai lúc nào cũng có việc quanh năm. ½ triệu là kiểu làm phim du kích, nói thật thì tôi thích hơn, nhưng gấp 5 gấp 6 tôi cũng chẳng cãi lại làm gì. Họ là thế, mình thì khác. Jack hút cì gà và tôi hút thuốc vấn.

*

Nhật ký (không) làm phim:

- Bài 1 – Nhật ký (không) làm phim: nhớ Non nhân xem Two Brothers

- Bài 2 – Nhật ký (không) làm phim: Niềm tự hào tại quán bar

- Bài 3 – Nhật ký (không) làm phim: Joey Luna tháo vát và ấm áp

- Bài 4 – Nhật ký (không) làm phim:
Từ Thái sang Phi tính đường làm phim Việt

- Bài 5 – Nhật ký (không) làm phim:
Chin Chin Gutierrez – gương tốt minh tinh

- Bài 6 – Nhật ký (không) làm phim:
Sản xuất già đời, đạo diễn tay mơ

- Bài 7 – Nhật ký (không) làm phim:
Để nhốt một đoàn diễn viên

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Bài 9 – Nhật ký (không) làm phim:
Mối tình bất thành quanh Sàigòn

- Bài 10 – Nhật ký (không) làm phim:
Gặp nhà phát hành đãi bôi. Xin được món tiền be bé

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả