Thiết kế

TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 3): Byredo Rose of No Man’s Land 09. 12. 20 - 4:45 pm

Willow Wằn Wại

(Tiếp theo bài trước)

“No man’s land” là vùng đất đang tranh chấp (chứ không phải là vùng đất không có đàn ông), thường được dùng để chỉ những vùng giao tranh trong chiến tranh. Năm 1918, bài hát “La rose sous les boulets” (Rose of no man’s land – tạm dịch là Đóa hồng trên chiến tuyến) được ra đời để tôn vinh những nữ y tá dũng cảm của hội Chữ Thập Đỏ trong đệ nhất thế chiến. Lấy ý tưởng từ đó, nhà nước hoa Byredo đã sáng tạo nên một mùi hương cùng tên.

Bìa nhạc bài hát “The Rose of No Man’s Land”

Trong bất kỳ cuộc chiến nào, sự đóng góp của các y tá cũng góp phần cứu sống hàng vạn sinh mạng. Tuy chai nước hoa để dành tặng cho những đóa hoa hồng không tên, người viết vẫn xin câu thêm ít chữ bằng cách kể chút chuyện về một đóa hồng y tá có tên và còn là cái tên nổi tiếng cả trong lẫn sau chiến tranh.

Mairi Chisholm vốn sinh ra trong một gia đình giàu có và được hưởng nền giáo dục tốt của gia đình. Khi còn đang tuổi thiếu niên, cô bé Mairi đã được chứng kiến anh trai mình cưỡi mô tô tham gia các cuộc đua và mê tít thò lò. Điều này khiến người mẹ cực kỳ phiền lòng và ra sức ngăn cản.

Thay vì cấm cản con gái như ý vợ, ông Chisholm mau mắn… tặng ngay một chiếc mô tô Douglas cho cô bé. Đến năm 18 tuổi, thay vì thêu thùa làm bánh như trong các tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nữ, Mairi chỉ có sở thích là phóng xe, chăm sóc xe và sửa xe.

Cô nhanh chóng kết thân được với một bà mẹ đơn thân cùng sở thích tên Elsie Knocker và hai nàng thỏa sức tung hoành. Khi đại chiến thế giới nổ ra, chị Elsie viết thư cho em Mairi rủ lên thành phố London làm nhân viên truyền tin cho một tổ chức huấn luyện y bác sĩ nữ. Em Mairi gói ghém đồ đạc và phóng đi ngay.

Mairi và Elsie trên xe. Mairi là người lái xe

Trong lúc đó, tình hình cấp bách và thương vong tăng cao trên chiến trường khiến bác sĩ Hector Munro thuộc Hội Chữ Thập Đỏ phải cấp tốc tìm cách đưa thương binh trên mặt trận về tuyến sau. Khổ nỗi nguồn lực thiếu thốn, các anh lính đều đã ra chiến trường phục vụ, đào đâu ra những người sẵn lòng lái xe giữa mưa bom bão đạn?

Khi đang lang thang ở London, bác sĩ Munro bất ngờ bắt gặp một cô gái lái xe với tốc độ cực nhanh, lại còn khéo léo lách qua toàn bộ người đi đường và xe cộ trên phố đông đúc. Cô gái đó không ai khác chính là Mairi. Bác sĩ Munro vội đuổi theo, đề nghị Mairi tham gia chương trình vận chuyển thương binh của mình và cô đồng ý ngay, không những vậy còn kéo theo cả chị Elsie đi cùng. Vậy là chương trình có hẳn hai nữ y tá lái xe.

Mairi cùng Elsie đã miệt mài chuyển vô số thương binh về bệnh xá trong hai năm. Đã vô số lần các cô lái xe ngay dưới bom đạn dội. Chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi trước cả khi nhận được sự chăm sóc của bác sĩ, hai chị em quyết định sẽ lập một bệnh viện dã chiến ngay tại mặt trận để kịp thời cấp cứu cho thương binh.

Việc tự ý tách riêng đồng nghĩa với việc tách khỏi hội Chữ Thập Đỏ và phải tự tìm nguồn kinh phí lẫn nhân lực để duy trì hoạt động. Nhưng những khó khăn đó không làm những cô gái nản lòng. Sau gần 4 năm không ngừng nghỉ trên chiến trường, hai cô được nhận huân chương Hiệp sĩ của Bỉ, huân chương quân đội của Vương quốc Anh và trở thành những ngôi sao thời đó. Sau một cuộc tấn công bằng khí gas, cả hai bị thương nặng phải rời khỏi chiến trường và tiếp tục phục vụ trong Lực lượng Nữ Không quân Hoàng gia.

Mairi và Elsie đeo huân chương

Sau chiến tranh, sức khỏe của Mairi thuyên giảm rõ rệt vì sức tàn phá của trận mạc nhưng cô vẫn giữ niềm đam mê tốc độ và đăng ký đua xe tiếp. Tuy vậy, tuổi tác cùng với lời khuyên của bác sĩ khiến Mairi phải bỏ dở những cung đường sau tay lái, trở về quê cùng bạn mình hợp tác làm ăn. Mairi ra đi năm 85 tuổi vì ung thư phổi, kết thúc một huyền thoại về bóng hồng trên trận mạc.

Elsie kết hôn với Nam tước Harold de T’Serclaes, nhưng do cô đã từng kết hôn trước đó nên Elsie chỉ được giữ danh hiệu Nam tước phu nhân chứ không được hưởng đặc quyền hoàng gia. Nam tước phu nhân lên đến chức thiếu tá trong Lực lượng Không quân, sau đó cũng về hưu, chăm sóc chó và bảo vệ rừng. Elsie ra đi năm 93 tuổi vì viêm phổi và rối loạn thần kinh.

Tượng đài của hai đóa hồng Elsie và Mairi ở Bỉ. Bên cạnh đó là chú chó trung thành tên Shot. Shot đã cảnh báo về vụ tấn công bằng khí gas vào trai cứu thương nên Elsie và Marie đã kịp thoát thân. Nhưng Shot thì không thoát kịp

Chai Rose of No Man’s Land. Nhà nước hoa này có nắp tròn xoe trên thân chai cũng tròn rất dễ thương. Trừ phiên bản đặc biệt, tất cả các chai của hãng này đều có thiết kế giống hệt nhau, chỉ khác mỗi cái tên.

Trong thế giới nước hoa, tinh dầu hoa hồng là một trong những loại tinh dầu hoa có mùi nồng nhất. Ảnh hưởng của hoa hồng lên một chai nước hoa có thể làm nhạt nhòa tất cả các mùi khác. Vậy nên dù là một trong những hương hoa nổi tiếng nhất, không phải chai nước hoa có mùi chủ đạo là hoa hồng nào cũng hay.

Đóa Hồng Trên Chiến Tuyến thì lại là một sự kết hợp và gia giảm hương ngào ngạt của hồng lẫn vị cay của tiêu, khiến cả hai tạo thành hình ảnh một đóa hoa đầy cá tính mạnh mẽ nhưng vẫn không mất đi chất mượt mà vốn có của một “bông hoa”. Hoa hồng trong Rose Of No Man’s Land nhẹ nhàng và thanh thoát, không hề bị lu mờ trước tiêu nhưng cũng không hề quá sỗ sàng lấn át.

Đây là một trong những chai mà người viết hết sức yêu thích, càng dùng lâu càng cảm nhận được sự tinh tế trong tay nghề của perfumer (nhà sáng tạo nước hoa) trong việc cân bằng hai mùi hương vốn khó tính.

(Còn tiếp)

*

Về nước hoa:

- Nước hoa: thứ thời trang vô hình nhưng cho nỗi đau ví rất thực

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 1): Do Son và Tam Dao

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 2): Baccarat Rouge 540 của nhà Maison Francis Kurkdjian

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 3): Byredo Rose of No Man’s Land

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 4): “cú lừa” Guerlain Mitsouko

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 5): Miss Dior và New Look 1947 – Ai là Miss Dior?

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 6): Endymion và Luna – đồ Hoàng gia xịn vẫn nhập nhằng quan hệ

- Nước hoa: vũ khí vô hình của (anh) chị em

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả