Mua-Bán

Steve Jobs – nhà sưu tập Tân bản họa 27. 02. 21 - 1:39 pm

Archivu st và lược dịch

.
“Hồ Benten ở Shiba “ – một bức tân bản họa của Kawase Hasui

Một ngày tháng 3 năm 1983, ba chàng trai mặc quần jean áo phông bước vào một gallery nổi tiếng ở quận Ginza trung tâm Tokyo. Matsuoka Haruo, phụ trách phòng tranh, chào đón họ bằng tiếng Anh.

Một người trong số đó đưa danh thiếp có thiết kế đầy màu sắc, là thứ rất hiếm vào thời bấy giờ. Đó là Steve Jobs, chủ tịch 28 tuổi của Apple. Hai người còn lại là đồng sáng lập Steve Wozniak và đồng nghiệp Rod Holt.

Jobs nói với Matsuoka anh muốn học về tân bản họa, và muốn sưu tầm những tác phẩm của trào lưu này. Ngay hôm đó Jobs đã mua hai bức, một bức vẽ núi Phú Sĩ và hoa anh đào, chủ đề được các nhà sưu tập Âu Mỹ ưa chuộng, bức thứ hai là chân dung của một phụ nữ, rất hiếm và đắt tiền. Matsuoka đã rất ấn tượng về sự lựa chọn này. Cuộc gặp gỡ ấy ở Ginza đánh dấu sự khởi đầu của một tình bạn kéo dài hai thập kỷ.

*

Tân bản họa (shin-hanga) – bản in tranh khắc gỗ đầu thế kỷ 20, đặc trưng bởi việc sử dụng màu sắc hiện đại và đánh dấu sự chuyển đổi từ các bản in ukiyo-e truyền thống phổ biến từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19 tại Nhật.

Trong thời gian ở Nhật, có lẽ để đàm phán hợp tác cùng hãng Sony, Jobs thường hay đến phòng tranh, nhiều khi một ngày đến hai lần và đến rất sớm lúc gallery còn ít người. Dù Jobs nói muốn học về tân bản họa nhưng Matsuoka nhanh chóng nhận ra Jobs đã rất am hiểu trào lưu này và có lẽ đã nghiên cứu trong nhiều năm nên biết được bức nào là kiệt tác. Jobs đặc biệt quan tâm các bản in có từ trước thảm họa động đất Kanto năm 1923; những bức này đều rất hiếm và có giá trị. Bill Fernandez, một trong những người bạn thời thơ ấu của Jobs nói rằng niềm đam mê của Jobs có từ thời thiếu niên và chính mẹ của Bill, người từng theo học nghệ thuật Nhật Bản tại Đại học Stanford, là người đã đưa anh đến với tân bản họa. Jobs đã bị cuốn hút các bản in của Kawase treo trong nhà Bill.

Jobs đã mua trên 40 tác phẩm, trong đó có 25 bức của nghệ sĩ mà anh hâm mộ, đó là Kawase Hasui . Anh thích những bức chân dung phụ nữ và những bức phong cảnh tuyết.

Bản in từ tranh của Kawase Hasui treo trên tường nhà Bill Fernandez hồi bé – ngôi nhà mà Jobs vẫn đến chơi thời niên thiếu.

*
Trong buổi ra mắt chiếc máy tính Macintosh đầu tiên vào tháng 1 năm 1984, màn hình lớn đã hiển thị bức tranh “Người phụ nữ chải tóc” của Goyō Hashiguchi.

Hashiguchi Goyo, “Woman Combing Her Hair”, 1920, tranh in từ bản khắc gỗ. Mực và màu trên giấy.

Năm 2003, khi Matsuoka đã rời Ginza và lập một gallery riêng, một ngày nọ, ông nhận được một tin nhắn qua điện thoại của phòng tranh, “Chào Haru! Jobs đây!” Nhiều năm sau, khi Matsuoka đọc một cuốn sách về bạn mình, ông để ý đến một bức ảnh được chụp tại nhà Jobs vào năm 2004: trên tường treo một trong hai tác phẩm Jobs đã mua khi lần đầu tiên đến thăm phòng tranh Ginza.

Năm 2011, 28 năm sau lần đầu đến thăm phòng tranh ấy, Jobs qua đời vì bệnh ung thư.

Từ máy tính Macintosh đến iPhone, là kiến trúc sư của vô vàn đổi mới công nghệ mang tính thời đại, nhưng nhà sáng lập Apple hóa ra còn là một người có niềm đam mê văn hóa Nhật Bản; đó là lý do khiến ông thường nói về cách lấy cảm hứng từ Phật giáo Thiền tông và tình yêu với văn hóa Nhật Bản.

*

Nguồn: Từ Fb của tác giả

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả