Bàn luận

Hóm hỉnh hồng, kiểu
Trần Hoàng Sơn… 14. 03. 11 - 11:09 pm

Vũ Lâm

.


Đi dự buổi khai mạc triển lãm “Gia phả + +” của họa sĩ Trần Hoàng Sơn (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chiều tối ngày 18. 2. Về, tôi mới nảy ra cái tiêu đề như trên rồi không nghĩ gì được gì tiếp. Tối nọ, trong một cơn “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh”, mọi ý nghĩ đâu đó chợt ùa về, hiện hình thành bài viết này. Tôi ghi lại xong mới thấy đã quá xa ngày khai mạc triển lãm rồi. Nhưng so với thời gian triển lãm dài tận một tháng, thì bây giờ mới là “nửa chừng xuân”, với cả bài viết nghệ thuật đâu có phải tin tức báo chí mà lo cũ. Lại nghĩ, dân ta đi xem triển lãm như xem đám cưới, đông vui buổi khai mạc rồi sau đó vắng tanh vắng ngắt. Nhưng so với công phu họa sĩ vẽ vời hàng năm giời mới được một triển lãm, thì tôi gần tháng mới xong một bài viết “hô ứng” đọc nhấm nháp cho vui thì đâu có thấm tháp gì…
  

 
 1.
Cũng bởi họa sĩ đã lấy cái tên triển lãm này là Gia phả, trên các tranh đa số vẽ chân dung quan hệ từ thân thiết nhất trở đi làm một cái “trục xoay” cho triển lãm: Cha mẹ vợ con, cô dì chú bác, thầy trò bạn hữu, người làng… Cho nên tôi cũng chọn cho bài viết của mình một cái “trục”, tuy mới đầu không có “dây mơ rễ má họ hàng” nhưng lại vẫn có mối liên hệ nhân duyên mật thiết. Đó là cái “trục” bố vợ và con rể, tức là tác giả triển lãm này và thi sỹ Lương Tử Đức (một kịch tác gia ưa triết lý duy nghiệm và khoái hùng biện, là nhạc phụ ở thì hiện tại của họa sĩ Trần Hoàng Sơn). Cái trục này đúng là chẳng có liên quan “cây phả hệ’ gì sất, có thể “cộng” mà cũng có thể “trừ” đối với chính tác giả, khi nhân duyên không còn.
 
2.
Nếu phân tích ra, triển lãm Gia phả ++ của Trần Hoàng Sơn có mấy điểm rất đáng chúc mừng.   

Từ trước tới nay, trong ấn tượng của tôi anh là một người có điều gì đó khá trượng phu, cư xử hào hiệp với bạn bè, tuy anh ít nói nhưng lịch sự và tươi tắn. Họa sĩ có tính cách trầm ổn và vững chãi như vẻ ngoài cao lớn, mặt vuông, miệng tròn. Theo tôi nhớ, thì gần như chưa thấy anh văng tục bao giờ (như nhiều họa sĩ khác), dù trong những cuộc vui suồng sã đến mấy, khi có văng ra vì cái gì đó khó chịu, anh cũng chỉ nói từ “mẹ” mà cắt đi cái động từ trước đó. Điều này có cảm giác như xem phim Cảnh sát hình sự của ta, các nhân vật xã hội đen bị kiểm duyệt cùng lắm chỉ chửi “mẹ nó” hay “mẹ kiếp”. Một người đứng đắn như vậy, chắc chắn là một người con hiếu thảo, cha mẫu mực, chồng chu đáo, thầy tận tụy. Dẫu vậy, đời là thế, có mẫu mực vuông tròn đến mấy cũng chưa chắc đã được yên thân… Và do họa sĩ “chỉn chu” quá, nhiều đồng nghiệp còn cho anh (và cả những sáng tác trước đây của anh) là đơn điệu, là “quá lành”.   

Điều đáng chúc mừng đầu tiên là hình như tác giả đã bước đến “nấc” trưởng thành thứ hai của người đàn ông, trước khi anh thực sự bước vào tuổi tứ thập. Đó là nhu cầu truy nguyên lý do và bản chất của sự tồn tại, qua chủ đề đề cập rất giản dị và gần gũi bắt đầu từ chính “cái thân này” mà ra. Họa sĩ không dùng mô-típ có ảnh hưởng nhiều ít từ truyền thống như trong đa số những sáng tác sơn mài trước đây. Thay đổi là bước đầu của sự thành công, hay nói cách khác, cứ thay đổi là một thành công cái đã.   

Điều đáng chúc mừng thứ hai là sự lựa chọn phương án sáng tác “hiện thực mới” – một trong những phương án sáng tác đang được ưa chuộng ngay cả ở những “kinh đô mỹ thuật” của thế giới. Sau khi đã đập phá tan tành chủ nghĩa tạo hình cổ điển ra thành từng đống, người ta không những di nghiền cho nát bét thêm, lại còn đứng trên đó mà nhảy múa nữa cơ. Nhưng rồi khán giả thế giới cũng đến hồi chán chê chủ nghĩa nọ, trường phái kia. Chán lạ, họ (một số cả người sáng tác lẫn thưởng thức) quay về với chủ nghĩa hình như gọi là chủ nghĩa “tân hiện thực”. Vẽ như kiểu cổ điển, cổ điển cả từ chất liệu với hình họa căn bản, làm công phu kỹ lưỡng. Nhưng cái món hiện thực mới này “trông dzậy mà không phải dzậy” đâu (tôi sẽ lý giải ý kiến này sau). Nhìn kỹ tranh của Trần Hoàng Sơn thì thấy anh đan nét và đan mầu khá công phu, dù làm một mình hay có trợ thủ thì cũng rất đáng nể vấn đề kỹ thuật.   

Điều đáng chúc mừng thứ ba là họa sĩ chọn một đề tài rất khó, (mà ngay cả nhiều họa sĩ Việt nổi danh cũng thường “né” hay biến báo chẳng ra sao). Đó là đề tài chân dung. Một đề tài có rất nhiều điều linh tinh beng làm cả nhân loại phải nhăn nhó suốt từ thời nguyên thủy đến giờ. Vì có điều gì khó hơn là nhân loại tự nhìn lại cái mặt của chính mình?   

Điều đáng chúc mừng thứ tư là tôi nhận thấy ngoài những gì do việc ít giao lưu với anh mà tôi không cảm nhận được, còn thì anh bày tỏ khá rõ trên bề mặt tác phẩm rằng anh là một người hóm hỉnh và dũng cảm. Lý do để có những nhận định này, tôi sẽ kể lể dông dài thêm ở phần sau…   

.

3.
Nhìn thoáng qua một lượt ba tầng triển lãm, với tầng một – thầy trò bạn hữu, tầng hai – gia đình họ hàng, tầng ba – người làng, thì thấy có vẻ như triển lãm này “cụ thể hóa” một nhận xét của Các Mác, rất hay được dẫn trong các tiết triết học sơ đẳng nhập môn ở các trường đại học: Con người cá nhân là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội. Nhưng nếu chỉ như thế thì chẳng có gì đáng nói nhiều. Có những điều có thể dùng ngôn ngữ ký tự mà nói được, còn trong lĩnh vực nghệ thuật, mỗi loại hình có ngôn ngữ riêng, không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà mô tả lại được. Ai cũng biết thế, có diễn giải cũng là diễn giải tạm mà thôi.   

Gần như ai xem triển lãm cũng nhận thấy đó là họa sĩ dùng phương pháp vẽ bị đa số người xem gọi là phương pháp “truyền thần” (ít ra là có hai bài viết trên Soi lúc trước tôi đọc thấy như vậy). “Truyền thần” là một cách gọi bị dùng sai, thực ra gọi là “truyền ảnh” thì đúng hơn. Đó là một loại mỹ thuật bình dân, phục vụ nhu cầu để làm chân dung thờ cúng, đang có nguy cơ tuyệt truyền, bởi bây giờ người ta dùng ảnh làm photoshop cho nhanh. Thời xưa người ta “truyền thần” bằng mực Nho, rất đẹp và trang trọng. Sau đó thì kém hơn, dùng “tăm bông muội đèn” hoặc đốt lốp ra lấy muội than. Người “truyền ảnh” kẻ ô rồi phóng to khuôn mặt từ ảnh nhỏ lên, sau đó lấy bông chấm mầu đen (muội) rồi di khối đậm nhạt. Đa số thợ truyền thần xưa không được học vẽ và tả khối theo kiểu hắt bóng đổ sáng như vẽ hình họa phương Tây nên họ dùng cách di đậm nhạt theo khối âm, hoặc ánh sáng chính diện của ảnh. Do đó khối hình của ‘truyền ảnh” rất mọng và nịnh mắt, nhưng trông nó cứ gia giả ma quái thế nào, rất phù hợp cho việc thờ cúng.  

Một ví dụ về truyền ảnh (ai xem phim Hàn Quốc quen sẽ nhận ra ngay)

Lại nói thêm, người xưa (hội họa Trung Hoa) có ba thể loại vẽ mặt người, đó là “chân dung”, “truyền thần”, và “tiếu tượng”. Tôi hiểu đại khái “chân dung” là vẽ mặt người khi còn sống, ngồi làm mẫu cho họa sĩ vẽ hẳn hoi, vẽ trung thực khuôn mặt cho thật giống. “Truyền thần” là họa sĩ có thể thích thú một gương mặt nào đó, vẽ phóng tác đi, cốt tả thần thái cá tính, có thể vẽ có mẫu hoặc vẽ theo trí nhớ, trí tưởng tượng… Còn “tiếu tượng” là vẽ theo lời kể, theo tướng mạo được thuật lại mà hình dung nên. Ở ta, gọi là “truyền ảnh” thì không oai, nên các ông “thợ truyền” gọi lệch đi là “truyền thần” cho nó oai, khác hẳn với nghĩa xuất phát từ hội họa xưa, đâm ra một cách gọi bây giờ ta thường hiểu.  

Cách vẽ của họa sĩ Trần Hoàng Sơn không phải là “truyền thần” như ta thấy trên phố. Nhưng tôi cho rằng tất cả (nếu không thì cũng đa số) các bức vẽ mặt người trong triển lãm Gia phả chính là được vẽ lại bằng bút nét nhiều mầu từ ảnh. Đối với một họa sĩ có đào tạo hình họa căn bản, hiện thời là thầy giáo nữa, lại sáng tác có quá trình lâu năm, thì việc chọn kiểu vẽ này là một sự có chủ ý. Đây là một chuyện không thể hiểu thô sơ, là “trông cứ như tranh truyền thần” để mà phán, mà cho rằng chẳng mới mẻ gì, xem qua chán ngắt rồi chuồn về uống bia tán dóc…  


4.
Thế nhưng, tại sao họa sĩ lại chọn cách thể hiện như vậy? Đây là điều mới phải đáng bàn kỹ!   

Có thể nói chủ đề tạo hình Trần Hoàng Sơn theo đuổi trong thời gian này là một sự tự vấn cá nhân, về sự tồn tại, là câu hỏi “Ta là ai? Từ đâu đến? Sẽ đi đâu?” (tác giả Mai Chilà người cũng nhận ra ngay “ý tư tưởng” như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng anh mới chỉ nhìn thấy một phần vấn đề trong triển lãm này). Tháng 9 năm ngoái, họa sĩ bày bức tranh Tứ đại đồng đường trong triển lãm của các giáo viên trường mỹ thuật cổ động cho 1000 năm Thăng Long ở Viet Art Centre, 42 Yết Kiêu. Bốn “mầu cờ sắc áo” của bốn thế hệ lồng trong một khung vuông. 

Tứ đại đồng đường – Tác phẩm của Trần Hoàng Sơn

Tôi không thích bức này lắm bởi “ý văn học” từ bức tranh toát ra hơi rõ quá. Nhưng loạt tranh Gia phả được bày tiếp theo này cho thấy nhu cầu truy nguyên “sự tồn tại cá nhân” của họa sĩ đã đi đến “bức thiết”. Anh đã dùng cả một thời gian làm việc dài cho câu hỏi đó. Và anh cũng có những câu trả lời cho câu hỏi ấy, theo cách thức của riêng mình, và rất đúng tính cách của anh.
Thứ nhất, anh chọn lối vẽ “truyền ảnh” bằng bút pháp tả khối của hình họa để cho nó dễ hiểu, và “bình dân” giản dị nhất, phóng ra cho to, cho ấn tượng. Thứ hai, tác giả dùng thủ pháp hình ảnh tượng trưng ước lệ để “nói thêm” cho rõ cá tính nhân vật. Đó là dùng hình ảnh hoa và một số đồ vật để tượng trưng biểu thị tâm tính và ước muốn trong đời sống tinh thần của mỗi “mẫu vẽ”. Ví dụ, trên đầu bậc thầy Phan Cẩm Thượng là các lý thuyết huyền ảo và minh triết Phật giáo qua hình ảnh tượng Nghìn tay Nghìn mắt chùa Bút Tháp.   

.

Đằng sau họa sĩ Lê Quốc Việt là các hình vẽ trong các ván in cổ, biểu thị một sự “truyền thừa” từ trong gen của vốn văn hóa cổ cha ông nằm trong đời sống tinh thần của đối tượng.   

.

 Đằng sau họa sĩ Trần Hậu Yên Thế là các ô cửa nhà chung cư, biểu thị mối quan tâm đến đời sống và nghệ thuật đô thị của anh. 

  

Đằng sau một nhân vật nữ khác là đô-la và hoa hồng, biểu thị tâm tính đơn giản, thích vật chất và phù hoa của nhân vật.   

.

  Đằng sau các cụ già “người làng” là bóng lá tre biểu tỏ nét gì đó hồn hậu chung của “dân tộc tính”…   

.

 Đại khái hầu hết tất cả các nhân vật đều được vẽ và mô tả từ khuôn mặt cho đến ham muốn tinh thần như vậy, rất dễ “đọc”, mỗi nhân vật lại có một loại tông mầu riêng cho phù hợp cá tính. Riêng có hai bức tác giả “tự họa”
  

.

và bức nữa không rõ là nhân vật nào (nhưng chắc là một người anh yêu quý) vẽ thêm tới chín tầng hoa sen (cửu phẩm liên hoa).  

.

Tranh tự họa của tác giả thì có hoa sen và lá tre, còn tranh nhân vật kia có thêm hình bông lúa chạy lượn ôm lấy khuôn mặt như hình bông lúa trong quốc huy. Có thể tạm “dịch nghĩa” hai bức này, rằng tác giả lý giải cho sự hiện tồn của con người cá nhân mình như một “hạt giống tự tính” mọc lên từ “hồn dân tộc” và “tinh thần Phật”, mà sen và tre là hình ảnh biểu tượng. Nhân vật kia thì được tạo nên từ lúa, sen, tre. Chắc ý tác giả rằng vị đó có làm nông nghiệp, còn tác giả có mỗi tre, sen thôi thì là do đã mất gốc, trở thành “nông dân cầy đường nhựa” ở thành phố rồi, nên thiếu lúa…   

Nói thêm về chữ “hạt giống tự tính” mà tôi viết ở trên. Kịch tác gia Lương Tử Đức có lần giảng cho tôi về hoa sen và tại sao nhà Phật lại chọn loài hoa này làm biểu tượng cho đạo. Ông nói đơn giản sen là loài sinh sản “tự tính”: hoa sen thì đẹp đã đành, còn là  loài hoa “lưỡng tính”, trên bông có cả nhị đực nhụy cái, tự thụ phấn không cần nhờ ong bướm; củ sen, rễ sen hay hạt sen đều cứ thế nhân thành cây được. Mùi thơm của hoa sen cũng “tự tính” (chỉ thơm ngát tự nó thôi), chứ không nhằm mục đích quyến rũ bươm ong. Cứ cắm thử một bình hoa sen mà xem, cho đến khi tàn cũng không hề có loài ong bướm nào vo ve cả. Nhân cách và nhận thức của con người nguyên bản theo tinh thần Phật giáo cũng là một thứ “tự tính” như vậy, biết tự đầy đủ, không phân biệt đực-cái, thiện-ác, hiền-ngu, sắc-không, sinh diệt… chi hết. Thế nên người ta mới chọn hoa sen làm biểu tượng cho tinh thần Phật giáo. Điều thú vị ông Lương Tử Đức nói này, tôi e rằng nhiều thiền sư cũng không giảng hay hơn được. Tôi không rõ là khi trở thành hiền tế của ông, họa sĩ Trần Hoàng Sơn có được nghe ông giảng về cái “hạt giống tự tính” đó không mà sinh ra bức self portrait một cách tự tôn khá đáng yêu như vậy!   


5.
Tựu trung là thế, những thứ có thể đọc ra bằng “ý văn học” từ triển lãm Gia phả thì tôi vừa trình bày. Nhưng như tôi đã “mào” ở đoạn trên, mỗi loại nghệ thuật có ngôn ngữ riêng, và trạng thái do “ngữ cụ” (công cụ ngôn ngữ – ấy là tôi ghép tạm cho vui tai) đặc trưng đó gây ra cho người thưởng thức mới là đáng kể. Ở hội họa, cái trạng thái gây ra sâu đậm nhất cho người xem ấy là “ngữ cụ” mầu sắc.  

Nhưng xem mấy lượt các tác phẩm trong Gia phả, về xem lại sách vài lần, tôi cứ thấy ngang ngang lăn tăn phải nghĩ thế nào ấy, mà không nói ra được. Lối vẽ trên giấy dó bồi khổ to cho ấm mắt, bố cục đơn giản bình dân, nhân vật nhìn thẳng nghiêm túc, các mô-típ tượng trưng dễ hiểu và “đứng đắn’… Vẫn chưa đủ, mãi tôi mới nghĩ ra rằng cái thứ nó làm tôi ngang ngang mắc họng ấm ức ấy hóa ra là cái mầu hồng quái dị, tôi gọi thế. Cái “sắc hồng quái dị” này nó lẩn khuất trên một số tranh trong hòa sắc, đậm trên môi một số nhân vật thành hồng-nâu, nhợt trên một số môi nhân vật thành ra hồng lợt.
  

.

 Cái màu hồng này, theo cách gọi của họa sĩ bình luận về mầu (xin lỗi trước, vì đây tôi chỉ thuật lại theo cách gọi của các họa sĩ, chứ không có chỉ ý gì hết) là trông mầu hồng nó rất “điếm”, rất “lẳng”, rất nhẹ, rất hào nhoáng lòe loẹt và nông nổi và đĩ thõa. Họa sĩ Lý Trực Sơn còn kể khi đi mua mầu vẽ sơn mài, dân bán mầu ở phố Hàng Hòm gọi nó là mầu “hồng ca -ve”. Nói “cho mua hai lạng cái hồng ca-ve” ấy là nó lôi ra đúng cái mầu ấy, cân cho mình hai lạng ngay…   

Thế là chỉ một vài cái sắc hồng thoảng qua ấy, cộng với một số vệt đen ám chì tương tác vào, một số tranh nhân vật nghiêm túc lại biến ngay thành trạng thái khác. Và cả triển lãm biến thành một trạng thái… rất chi là khó nói. Mà tôi cho rằng ngay những người trong nghề, có quan hệ thân thiết với họa sĩ, cũng chẳng khoái gì lắm hình ảnh của mình được vẽ lên trông tuy nghiêm trọng, nhưng với đôi môi hồng như thế đâu… 

.

 Và như thế nên tôi mới thầm phục họa sĩ, chọn ngay đối tượng cho triển lãm lần này là những nhân vật có quan hệ thân cận nhất với mình, tạo nên mình. Đó là một sự dũng cảm và hóm hỉnh kiểu… rất hồng!!!  

.

  

Và ở sau cái trạng thái khó nói ấy, tôi cảm thấy dường như có một câu hỏi vang vang lên từ những bức tranh: “Mình là ai nhỉ, tại sao mình lại thành ra cái thân như thế này, mang cái họ này. Tại sao mình lại là con của ông này, cháu của bà kia. Tại sao mình lại là học trò, là bạn của những tay đó. Tại sao mình lại là bố của thằng này? Tại sao mình lại sinh ra, đóng cái vai này trong cái thời dở hơi và phù phiếm này? vân vân và vân vân!” Cái câu hỏi thường thức của nhân loại ấy được hỏi theo một cách rất chi là cá biệt. Cái câu hỏi có tính truy cầu tiệm cận chân lý ấy thoảng qua hội họa Trần Hoàng Sơn một cách khó nắm bắt, hư ảo, bỗng nhận ra một tý mà thôi, rồi nó lại lẩn đi…   

Tôi cho rằng họa sĩ Trần Hoàng Sơn gần như là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đã chạm được tới cái nghệ thuật “tân hiện thực” theo kiểu “kisch”, mà tác giả Mai Chi vô tình gọi được ra là sự “hòa thuận phô diễn” (cho nên tôi mới bảo anh chỉ thấy nửa phần vấn đề là vậy). Đây là tính chất nghệ thuật mà nhà điêu khắc Đinh Công Đạt rất thích thú, nhưng ông tự nhận rằng vẫn chưa chạm tới được mấy. Nhìn từ trong một “gia phả” khuôn mặt có liên quan trực tiếp tới một cá nhân như vậy ra, cũng thấy đủ một nét gì đó có yếu tố “thời đại”. Đó là một giá trị “phản ảnh hiện thực” mà tôi nghĩ họa sĩ Trần Hoàng Sơn (và những động lực khiến anh hoàn thành triển lãm Gia phả) đã thành công được ngoài mong đợi!!! (Để hiểu “kisch” thực ra là gì, tôi xin gửi kèm bài viết khá kỹ càng và rất hay của bạn Phạm Diệu Hương đăng trên một số tạp chí của Viện Mỹ thuật năm ngoái, để người đọc tiện tham khảo cho vui).   

6.
Nữ họa sĩ nổi tiếng Georgia O’Keeffe (1887 – 1986) vẽ hoa phóng to một cách rất siêu thực lộng lẫy. Nhiều bức nhìn cứ vừa giống những “sinh thực khí”, vừa giống những “vương cung thánh đường” huyền bí. Có người hỏi là bà vẽ sinh thực khí nữ phải không? Bà trả lời tôi vẽ hoa, nhụy hoa đấy chứ, các ngài cứ nghĩ bậy đó thôi.

Tôi nhìn lại một lần nữa những bức tranh trong Gia phả, lại thấy sự tôn trọng, kính ngưỡng và âu yếm. Hy vọng những “suy diễn” vừa kể trên, nếu nói với họa sĩ, thì anh sẽ bảo tôi rằng: “Mẹ, mày chỉ nghĩ bậy, anh có vẽ thế đâu!”.   

Trong buổi khai mạc triển lãm Gia phả, ông nhạc mới của hoạ sĩ Trần Hoàng Sơn, nhà thơ Lương Tử Đức có lên phát biểu đôi lời: Tôi cho rằng đó cũng là những câu thích hợp nhất để kết thúc bài viết lê thê này:   

Một cõi thiêng đang nhắc nhở chúng ta đang lãng quên về tất cả một đời sống đồng hiện ở quanh mỗi chúng ta. Ngay khi chúng ta đang trò chuyện ở đây, thì ngoài kia một cây rau xà lách đang cuộn lá, một bà mẹ đang chờ đợi đứa con, một người xe ôm đợi khách. Và biết đâu đó cây xà lách đó sẽ tận hiến, người xe ôm sẽ đưa chúng ta về với mẹ, nhưng chúng ta vẫn đang trò chuyện ở đây. Phép đồng hiện đó là những tín hiệu, ký hiệu xuất hiện ở họa sĩ Trần Hoàng Sơn. Hôm nay chúng ta đứng trước những bức tranh thiêng liêng này và sau sự sợ hãi đó, chúng ta được nở một nụ cười đẹp nhất. Đó là nụ cười trước tiếng khóc của mỗi đứa trẻ sơ sinh!

*

CÂY PHẢ HỆ

Triển lãm của họa sĩ Trần Hoàng Sơn
Từ 18. 2 đến 18. 3. 2011
Art Vietnam Gallery
*

Bài liên quan:

– CÂY PHẢ HỆ: những phép cộng-trừ của quan hệ?
– Tối qua, tại Art Vietnam
– Gia Phả – khi lý thuyết xanh hơn cây đời
– KVT: “Family Tree” tại Art Việt Nam
– Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn
– Hóm hỉnh hồng, kiểu Trần Hoàng Sơn…

Ý kiến - Thảo luận

15:01 Saturday,12.10.2013 Đăng bởi:  Chũm Chọe
1. Em vẫn thường đọc bác Vũ Lâm, cũng có chung một cảm giác với anh Huy Thông khi đọc bài bác viết là nó không quá chát và hóm hỉnh. Hihi. Em thường thích như vậy, viết về nghệ thuật kiểu như thế sẽ giúp cho độc giả đỡ bị nặng đầu, phỏng ạ. Tuy nhiên, trong bài viết này, em l
...xem tiếp
15:01 Saturday,12.10.2013 Đăng bởi:  Chũm Chọe
1. Em vẫn thường đọc bác Vũ Lâm, cũng có chung một cảm giác với anh Huy Thông khi đọc bài bác viết là nó không quá chát và hóm hỉnh. Hihi. Em thường thích như vậy, viết về nghệ thuật kiểu như thế sẽ giúp cho độc giả đỡ bị nặng đầu, phỏng ạ. Tuy nhiên, trong bài viết này, em lại đoán, hình như bác "vì nể (bạn thân, người thân) mà viết", em nói thế khí không phải, mong bác bỏ qua. 
2. Bác Vũ Lâm trong bài này lại còn đọc tranh hộ khán giả? Nhẽ đâu, khán giả cần phải đọc diễn giải của bác thì mới hiểu được tranh anh Trần Hồng Sơn nói gì? Việc này, khiến em liên tưởng đến một số "nhà thơ" hiện nay, trang đầu tập thơ thế nào cũng có một bài viết của nhà thơ "có tiếng" nào đó về nội dung các bài thơ trong tập. Mà, chắc gì, cảm nhận của mỗi khán giả hoặc độc giả đã giống nhau? Chẳng biết em so sánh thế có khập khiễng không? Nhưng hình như thơ và hội họa cũng có tên gọi chung là nghệ thuật. 
3. Giá như bài viết này, bỏ hẳn cái đoạn cuối trích nguyên văn của nhà thơ (có được gọi là nhà thơ không nhỉ?)  Lương Tử Đức thì khách quan hơn nhiều. 
Kính bác! 
  
21:34 Wednesday,23.3.2011 Đăng bởi:  Pham Huy Thong
RaumuongNoigian nói đúng lắm. Tuy bạn nói chuyện với Han nhưng tôi chầu rìa cũng xin học tập rút kinh nghiệm từ comment của bạn. Cám ơn.
...xem tiếp
21:34 Wednesday,23.3.2011 Đăng bởi:  Pham Huy Thong
RaumuongNoigian nói đúng lắm. Tuy bạn nói chuyện với Han nhưng tôi chầu rìa cũng xin học tập rút kinh nghiệm từ comment của bạn. Cám ơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả