|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngẨm thực Nhật (phần 13): đến người ăn tạp cũng phải thèm shoujin ryouri 15. 04. 17 - 6:39 amPha LêNhắc đến ẩm thực Nhật, một số người bảo đến Nhật ăn chay hơi bị khó. Nhật ăn theo mùa, nhiều rau, ít thịt, ăn cá. Tuy chú trọng rau và mới nhìn thì ai cũng có thể “tưởng là” Nhật có lắm món rau, nhưng thật ra đạm động vật len lỏi khắp nơi trong ẩm thực xứ anh đào. “Thủ phạm” thường thấy nhất chính là cá bào katsuobushi cũng như nước dùng dashi. Cá bào hiện diện ở khắp nơi, và dân Nhật còn rải nó lên các món “có thể thành chay” như đậu phụ chiên, rau cải luộc. Thôi thì cá bào còn đỡ, khi ăn kêu đầu bếp không rắc là xong. Nhưng chán một nỗi: nước dùng dashi – nấu từ kombu và cá bào – có ở khắp nơi. Ngay cả món đậu phụ chiên dù không rắc cá bào cũng sẽ nằm trong hỗn hợp nước tương pha dashi. Súp miso rong biển tưởng là chay nhưng nước dùng để nấu súp miso cũng là nước dashi. Nước tương dùng chấm mì soba hay udon lạnh cũng là nước pha với dashi nốt. Thời xưa, đến cả sư ở Nhật cũng không phải sư thuần chay hoàn toàn. Các dòng Phật giáo như dòng Nhật Liên (Nichiren) hay dòng Tịnh Độ Tông (Pure Land) không quá chú trọng vào chuyện ăn cái gì, mà quan tâm hơn đến việc “ăn như thế nào”. Sư của những dòng này cho rằng tốt nhất vẫn là ăn theo mùa, không ăn tham (tức ăn ít thôi, không cần ngày ba bữa và không cần no ứ hự), khi nấu không bỏ phí nguyên liệu, khi ăn không bỏ mứa, tôn trọng tự nhiên. Còn lại là chay mặn gì cũng được, đã tu thì không nên kén cá chọn canh rằng mình ăn cái này không ăn cái kia. Bởi vậy mà một số dân Tây ăn chay than rằng trình bày việc “tôi ăn chay” bằng tiếng Nhật hơi bị mệt. Gần và dễ nhất là nói “Watashi wa bejitarian des”, với chữ “benjitarian” lấy từ chữ tiếng Anh “vegetarian”. Khổ cái là ngay chữ benjitarian đối với dân Nhật lắm khi cũng chẳng có ý nghĩa gì hết, nghe nói mình là bejitarian xong, họ gật gật rồi dọn món có nước dashi cũng không chừng. Chắc ăn hơn có thể dùng chữ “saishoku shugisha” (菜食主義者 dịch thành “thái thực chủ nghĩa giả”) thay cho benjitarian nhưng cũng nên để ý vì một số đầu bếp không cho rằng cá bào hay nước dashi là… thịt). Chả trách sao có người phải cảm thán rằng Nhật là thiên đường ăn chay gói trong một địa ngục ăn chay. Thiên đường vì nguyên liệu sạch sẽ, rau củ tươi ngon, các nguyên liệu dân chay rất thích như đậu phụ, miso, natto… vừa đa dạng, hấp dẫn, vừa hữu cơ ỳ xèo. Tuy nhiên đây lại là địa ngục do đụng đâu cũng thấy cá, thấy nước dashi, tránh không được, bảo đầu bếp bỏ cá bào ra là họ sẽ rất khó chịu và coi mình như một đứa không có tinh thần tập thể. Dashi lại là nguyên liệu “ẩn”, khó trông mặt món để bắt hình dong nên hỏi thẳng đầu bếp vẫn là an toàn nhất, mà hỏi thì ngại. Shoujin ryouri cho chắc ăn, nhưng không ăn mãi được Dù khổ vậy, ăn chay tại Nhật không hề bất khả thi. Lời khuyên cho các bạn ăn chay lúc đi Nhật luôn là: ở chủ yếu tại Kyoto, nếu đi nơi khác nên điều tra kỹ về nhà hàng chay trước rồi hẵng đi, vào chùa đặt chỗ để ăn ẩm thực shoujin ryouri. Shoujin ryouri (dịch môm na ra thành “tinh tiến liệu lý”) là một hình thức ăn chay cao cấp (thành ra nó tốn bộn tiền, ai muốn thử nên chuẩn bị may túi ba gang trước) của chùa chiền xứ anh đào. Theo lý thuyết, shoujin ryouri không thuần chay do nó có thể sử dụng trứng và sữa, tuy nhiên sữa là vô cùng hiếm, gần như không bao giờ thấy, trứng cũng ít khi bắt gặp, bạn nào không ăn trứng có thể nhắn nhủ cho chùa biết khi đặt chỗ. Nên vào chùa mà xơi shoujin ryouri dù sẽ đắt hơn, do ẩm thực shoujin ryouri ở các nhà hàng bên ngoài không đảm bảo rằng họ sẽ không sử dụng sản phẩm từ cá. Giống với mọi trường phái ẩm thực Nhật, shoujin ryouri nhấn mạnh việc ăn rau củ theo mùa, ăn không phí phạm. Bắt buộc phải bỏ phần nào của nguyên liệu thì người nấu rồi mới bỏ, còn nếu ăn được vỏ rễ củ lá là phải tận dụng hết vỏ rễ củ lá. Giới shoujin ryouri do đó rất ưa các nguyên liệu như củ cải trắng hoặc bó xôi, do người có thể xơi được từ vỏ, ngọn, đến gốc rễ của các nguyên liệu này (dù tất nhiên khi bày ra là món phải đẹp chứ không phải bày một cây cải to lùng nhùng). Thời xưa ẩm thực shoujin ryouri không dùng các nguyên liệu nặng mùi như tỏi và hành, nhưng thời nay luật lệ có thoải mái hơn và sự du nhập của một số nguyên liệu Tây phương (cà chua, cà-rốt, khoai Lang, ớt…) cộng với cách chế biến Tây (như chiên tempura) cũng giúp shoujin ryouri đổi mới, đa dạng hóa món ăn hơn. Nhưng dù thay đổi đến đâu, shoujin ryouri vẫn luôn trọng cách ăn ít, từ tốn nhẹ nhàng, không phí phạm. Ngoài ra shoujin ryouri còn nhấn mạnh vào “ngũ sắc” với “ngũ vị”, tức một bữa shoujin ryouri chuẩn cần 5 màu: trắng, xanh, vàng, đỏ (hoặc nâu, tím), và đen. Rồi cần 5 vị: cay (hoặc umami), chua, ngọt, đắng, và mặn. Nhiều màu nhiều vị không phải chỉ để cho đẹp, mà còn để người nấu chú ý giúp bữa cơm được đa dạng. Do shoujin ryouri không có dùng… màu nhuộm thực phẩm nên muốn “ngũ sắc” là phải tận dụng đủ loại rau củ khác nhau. Tính sơ sơ các nguyên liệu cho các màu: xanh lấy từ rau lá, rau thơm, đậu. Vàng từ củ cải ngâm, khoai lang, khoai Tây, gừng bào. Trắng từ cơm/mì udon, củ cải bào, đậu phụ. Nâu/đỏ/tím lấy từ nấm, hoa, mơ umeboshi, rau củ ngâm trong giấm mơ umeboshi, miso đỏ. Đen lấy từ mè, rong biển nướng. Như vậy, một bữa sẽ có đủ rau, củ, ngũ cốc, chế phẩm lên men. Mỗi thứ một ít. Đa dạng nhưng không nhiều ứ hự, và đầy đủ vị chua ngọt bùi. Khuyết điểm của shoujin ryouri là khá đắt, du khách ghé vài tuần thì còn ăn được, chứ dân ăn chay nếu phải qua Nhật làm việc, định cư trong thời gian dài thường sẽ mua nguyên liệu về tự nấu chứ không thể xơi shoujin ryouri mãi nổi (hoặc gia giảm cái sự chay lại và chấp nhận dùng món có nước dashi đặng tiện đi ăn uống với đồng nghiệp, khách hàng). Nhưng dù không thể theo ẩm thực shoujin ryouri trăm phần trăm, chúng ta vẫn có thể lấy tinh thần “ăn đa dạng thực phẩm nguyên, không phí phạm, không qua nhà máy chế biến” của shoujin ryouri làm kim chỉ nam. Chay nhưng ăn lắm thực phẩm chế biến là đang tống vào người một đống đường cũng như một đống bắp với đậu – ví dụ các món “giả thịt, giả cá, giả sữa, giả tôm”… chế biến công nghiệp dành cho người ăn chay hiện đang có rất nhiều thành phần chiết xuất từ bắp và từ đậu nành công nghiệp, thứ trồng kiểu gì không ai biết, chẳng ai hay. Các món chế biến này nhìn tưởng phong phú chứ thành phần rất nghèo nàn, quanh đi quẩn lại. Trong khi đó, shoujin ryouri hoàn toàn đa dạng, đầy đủ sắc, vị, nom vô cùng hấp dẫn, đến người ăn tạp nhìn vào mà còn phải thèm thuồng ao ước rằng mình sẽ được thưởng thức một bữa như thế trong nay mai. * Ẩm thực Nhật: - 17. 11: Bạn biết nhiều về ẩm thực Nhật Bản chưa? - Ẩm thực Nhật (phần 1): Kombu bột ngọt và cá khô đập bể đầu - Ẩm thực Nhật (phần 2): Nấu kombu và cá bào, khi cương khi nhu - Ẩm thực Nhật (phần 3): Miso muôn sắc cầu vồng - Ẩm thực Nhật (phần 4): Miso cho tướng, cho vua, cho não dân thường - Ẩm thực Nhật (phần 5): Mirin – đứa con út ngọt ngào - Ẩm thực Nhật (phần 6): Đơn giản hay cầu kỳ thì vẫn là trứng hấp - Ẩm thực Nhật (phần 7): Mơ umeboshi, thuốc của người bình dân - Ẩm thực Nhật (phần 8): Ochazuke – từ món đuổi khách đến món quý tộc - Ẩm thực Nhật (phần 9): - Ẩm thực Nhật (phần 10): muốn chiến thắng, hãy gọi một tonkatsu - Ẩm thực Nhật (phần 11): Khi cơm là… tráng miệng - Ẩm thực Nhật (phần 12): Sanma, thanh kiếm mùa thu chỉ nên ăn nướng - Ẩm thực Nhật (phần 13): đến người ăn tạp cũng phải thèm shoujin ryouri - Ẩm thực Nhật (phần 14): Soba, ngồi mát ăn mẹt tre - Ăn lắm rong biển kombu có sợ bội thực i-ốt? Ý kiến - Thảo luận
9:16
Friday,29.5.2020
Đăng bởi:
Sa Thiên
9:16
Friday,29.5.2020
Đăng bởi:
Sa Thiên
Bài viết hay quá, trải nghiệm của Pha Lê thiệt là nhiều.Có gì thú vị viết thêm đi ạ
19:36
Saturday,15.4.2017
Đăng bởi:
Frederic Cacao
Cảm ơn sư phụ Pha Lê. Té ra lâu nay mình cũng ăn theo tinh thần Phật giáo Nhật một tí, tạp chay lẫn lộn, thuận theo tự nhiên, không kén cá chọn canh :D
...xem tiếp
19:36
Saturday,15.4.2017
Đăng bởi:
Frederic Cacao
Cảm ơn sư phụ Pha Lê. Té ra lâu nay mình cũng ăn theo tinh thần Phật giáo Nhật một tí, tạp chay lẫn lộn, thuận theo tự nhiên, không kén cá chọn canh :D
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp