Nghệ sĩ thế giới

Mitsuru Watanabe: hai tình bạn nuôi lớn một tài năng 09. 12. 21 - 7:01 pm

Janet Whitmore - Quala lược dịch

 

“Thuyết địa tâm”, 2019, Sơn dầu và lá vàng trên toan. 116.8 × 116.8 cm

Mitsuru Watanabe sinh năm 1953 ở tỉnh Aomori, Nhật Bản, là cậu con út, trên có ba anh chị. Mẹ ông là một họa sĩ nghiệp dư; bà mua về cơ man là sách mỹ thuật chất trong nhà. Nhờ lục sách, cậu út Mitsuru dần làm quen với nhiều phong cách mỹ thuật và thẩm mỹ. Cậu còn tìm đọc thêm các sách về kỹ thuật vẽ và ký họa, tự mình gây dựng cho mình một nền tảng “chậm mà chắc” cho nghề vẽ của mình trong tương lai.

Ở trường cũng có tiết mỹ thuật, nhưng Mitsuru thấy rất chán, không phải là thứ mỹ thuật cậu muốn. Tốt nghiệp phổ thông, cậu tự mình mày mò và bắt đầu vẽ, rồi đăng quảng cáo trên một tạp chí mỹ thuật, thử xem có khách mua tranh mình không. Kết quả: một nhà sưu tập thay mặt cho họa sĩ Seiichiro Ban (hơn cậu có 3 tuổi) mua một bức. Seiichiro Ban quá ấn tượng trước tranh của Mitsuru, mời Mitsuru lên Kyoto, dạy cho Mitsuru tất tần tật các kỹ thuật hội họa, từ cách dùng sơn dầu, đi cọ, tới chỉnh màu. Hai người dần dần thành bạn thân của nhau.

“Yukiko và hoa trà”, 2001. Sơn dầu và dát vàng vàng trên toan.

Ở Kyoto, Mitsuru làm việc cho một công ty in ấn được vài năm, sau đó bỏ làm, dành toàn thời gian cho vẽ. Để có tiền tiêu và trả các hóa đơn, Mitsuru chơi mạt chược và pachinko (Japanese pinball). Nhớ lại quãng đời bấp bênh vô định ấy, Mitsuru vẫn đầy thích thú.

Năm 1975, Mitsuru lấy vợ, chuyển về Hachinohe sống và có ba con: một trai, hai gái. Những năm đầu, Mitsuru mang con đến thư viện, vừa trông con vừa đọc sách. Anh đặt các sách về triết học, tôn giáo, nhân chủng học văn hóa, phân tâm học, phê bình đương đại… Vài năm sau, khi tranh của Mitsuru đã bán rất chạy, một thủ thư có nói với anh rằng hồi đó họ đã phải tiêu 200.000 yen mỗi năm để mua những sách anh đặt; và rằng việc anh không đến thư viện nữa đồng nghĩa với việc họ không còn được phân bổ một ngân sách hào phóng như thế nữa.

”Shiro”, 2019, sơn dầu trên toan, 116.2 × 90.8 cm

Để nuôi một gia đình đông con, Mitsuru làm thêm nhiều nghề, có lúc viết cả kịch bản cho các đoàn kịch. Có tiền, anh tổ chức được một triển lãm solo thành công, rồi quảng bá tranh mình trên các tạp chí nghệ thuật, thu xếp được một triển lãm tại khu Ginza “ăn chơi xa xỉ”. Tranh của Mitsuru tại triển lãm ấy được bán hết sạch, sự nghiệp của anh cũng cất lên từ đó.

Vào những năm1980s, kinh tế Nhật Bản bùng nổ, thị trường tranh đương đại phất theo, Mitsuru được các gallery ở Tokyo rồi Hong Kong săn đón.

Nhưng một lần nữa, cuộc đời của Mitsuru lại được nhờ bạn: năm 1990, anh gặp và két bạn với họa sĩ Hiroshi Furuyoshi. Hiroshi hào phóng dạy cho Mitsuru rất nhiều kỹ thuật hội họa của phương Tây. Tác phẩm của Mitsuru từ đấy là một sự pha trộn của truyền thống phương Tây với Nhật Bản. Anh mượn hình ảnh từ tác phẩm của các danh họa phương Tây, từ Pieter Brueghel và Hieronymus Bosch tới Henri Rousseau như một cái nền để kể câu chuyện đương đại của mình.

”Naoko đi trong rừng của Rousseau”, 2019. Sơn dầu trên toan, 161.9 × 112.1 cm

 

“Naoko với Lenardo ở tháp Babel”, 2003, Sơn dầu trên toan, 116.7 × 116.7 cm

“Naoko tắm bồn trong rừng của Rousseau”, 2003. Sơn dầu trên toan, 65.2 × 65.2 cm

“Naoko thăm địa ngục của Bosch”. Sơn dầu trên toan.

Hầu hết nhân vật trong tranh của Mitsuru là trẻ con, và đó chính là con gái, con trai của họa sĩ. Tranh của Mitsuru và có gì đó hài hước, lại bí ẩn, nhiều ẩn ý. Mitsuru nói đây là một thứ có trong thơ Nhật truyền thống – thể thơ Honka-dori – với một bài thơ tanka mới được sáng tác dựa trên câu trích của một bài thơ tanka có trước. Những đứa trẻ trong tranh Mitsuru là các “đại sứ” của giao thoa văn hóa, và như Mitsuru đã nói, “Chừng nào còn sống, tôi còn đi lang thang trong thế giới hội họa như một đứa trẻ, như Peter Pan.”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả