Tin tức

Tin-ảnh: Khắp nơi triển lãm 06. 02. 11 - 5:49 pm

L.D tổng hợp

VALENCIA – Triển lãm của Jasper Johns – họa sĩ đương đại chuyên vẽ cờ Mỹ và có tranh thuộc hàng cao giá nhất – rất hiếm (và ngày càng hiếm) ở châu Âu. Nhưng từ 1. 2. 2011, IVAM (Viện nghệ thuật hiện đại của Valencia) đã mở triển lãm “Những dấu vết của ký ức”, trưng bày khoảng 100 tác phẩm của ông trong vòng 50 năm qua. Trong ảnh, một người đàn ông ngắm tác phẩm “Những lá cờ”, 1987, của Jasper Johns tại triển lãm. Ảnh: J. C. Cardenas

 

VALENCIA – Một phụ nữ ngắm tác phẩm có tên “Không đề, 2006” của Jasper Johns trong triển lãm “Những dấu vết của ký ức” diễn ra tại IVAM từ 1. 2. 2011. Hơn 100 tác phẩm tại triển lãm mượn từ nhiều bảo tàng khác nhau, cũng như từ những bộ sưu tập tư nhân, trong đó có một bức tượng lớn nhất mà Jasper Johns nặn năm 2007 nhưng chưa từng trưng bày. Triển lãm sẽ kéo dài tới 21. 4. 2011, tức là suốt ba tháng nữa. Ảnh: J. C. Cardenas.

 

CLEVELAND, OH – Tác phẩm Bảo tàng nghệ thuật đương đại Cleveland mở triển lãm mùa đông của họ vào ngày 28. 1. 2011, trong đó có các tác phẩm của Teresita Fernández, một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới với các sắp đặt và điêu khắc khổ lớn. Tác phẩm của Fernandez thường đi chênh vênh giữa vật thể với các hiện tượng thị giác; thường tạo hình đôi bằng các màn hình, gương, kính, nghiên cứu mối liên hệ giữa thiên nhiên và nhận thức con người. (Nghe phức tạp nhỉ…). Trong ảnh là tác phẩm “Khát khao” (Chân dung đôi) bằng các viên bi bạc.

 

Chi tiết tác phẩm “Khát khao” (Chân dung đôi) của Teresita Fernández tại triển lãm mùa đông ở Cleveland

 

CLEVELAND, OH – Trong ảnh là tác phẩm “Chân dung” (Phong cảnh mù) của Teresita Fernández, bằng thép không gỉ được đánh bóng và men, tại triển lãm mùa đông ở Clevenland. Tác phẩm này là một “mẩu” trong dự án tham vọng hơn mà Teresita Fernández theo đuổi từ 2005-2009, gồm ba tượng lớn, một chuỗi 8 tác phẩm đính trên tường, và một bức tranh lớn vẽ tại chỗ. “Phong cảnh mù” là một trong 8 bức trên tường nói trên, cũng là tên của triển lãm.

 

HANOVER – Một bức tượng có tên “Silver Torso” (Tấm thân bạc) của nghệ sĩ Mỹ gốc Ukraine Alexander Archipenko trưng bày tại một triển lãm có tên “Chân dung Múa trong nghệ thuật hiện đại” tại bảo tàng Sprengel ở Hanover, Đức, 1. 2. 2011. Hơn 100 tác phẩm thuộc giai đoạn chuyển sang đầu thế kỷ 20 đến những năm 1930 sẽ cho người xem thấy rõ sự phát triển của bộ môn múa cũng như sự quan tâm của các họa sĩ tới thế giới của diễn viên múa thế nào. Ngoài tranh, tượng, tranh in, ảnh, phim của các nghệ sĩ nổi tiếng, triển lãm còn trình chiếu những tư liệu về các trường phái múa, các nhà biên đạo và nghệ sĩ múa chủ chốt, như Loïe Fuller, Mary Wigman và Gret Palucca. Triển lãm mở cửa tới 1. 5. 2011. Ảnh: Petersteffen.

 

LIMA – Một phụ nữ đứng xem tác phẩm “Nino de la Casa” của nhóm La Restinga trong triển lãm Poder Verde (Quyền lực Xanh) tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Tây Ban Nha ở Lima, Peru, ngày 4. 2. 2011. Mười hai nghệ sĩ Peru dùng các tác phẩm và hình ảnh, âm thanh (của những rừng nhiệt đới), phản ánh các vấn đề xã hội và chính trị hiện nay. Ảnh: R. Garcia

 

BHUBANESWAR – Nghệ sĩ cát Ấn Độ Sudarshan Pattnaik đang hoàn tất những nét cuối cùng của bức tượng cát, sáng tác theo chủ đề “Dừng Bạo lực ở Ai Cập”, tại bãi biển Puri, Ấn Độ, ngày 5. 2. 2011. Theo Pattnaik, anh muốn gửi thông điệp hòa bình đến thế giới bằng bức tượng cát này, chống lại bạo lực cách mạng đang leo thang tại Ai Cập. Ảnh: EPA

 

CAIRO – Trong khi đó, những người biểu tình chống chính phủ ở Ai Cập vẫn tụ tập ở quảng trường Tahrir (Tự do), tích theo đá gạch để ném. Bên kia, tòa nhà màu đỏ gạch là Bảo tàng Ai Cập, nơi trong cơn giận dữ họ đã vào chặt đầu hai xác ướp (hình thức cao nhất của “bạo lực cách mạng”?), cạnh đó là tổng hành dinh của Đảng Dân chủ Quốc gia mà tổng thống Hosni Mubaraks 82 tuổi sau 30 năm cầm quyền vẫn-chưa-thấy-chán không chịu xuống ngôi. Ảnh: Y. Behrakis

 

PARIS – Ai đánh nhau thì đánh nhau, ai có tiền thì chuẩn bị từ bây giờ để đi đấu giá nhé: vào 30. 3. 2011, Sotheby’s sẽ tổ chức đấu giá tranh các nghệ sĩ phương Đông tại Paris, trong đó đặc biệt có nhiều tranh của các họa sĩ sống tại Morocco. Hóa ra tranh Morroco cũng đắt ra phết. Trong ảnh là bức “Borjs xanh” của Jacques Majorelle ước lượng khoảng 90.000 – 120.000 euro. Tác giả là bậc thầy về vẽ phong cảnh và cuộc sống đời thường, đến sống tại Ma-rốc từ 1917.

 

PARIS: Giá của tranh Ma-rốc trong đợt đấu giá tháng 3 sắp tới tại nhà Sotheby’s không rẻ. Trung bình cũng phải 40.000 – 60.000 euro, như bức “Ba người đẹp Ma-rốc” đây của José Cruz Herrera.

 

Ý kiến - Thảo luận

9:56 Monday,7.2.2011 Đăng bởi:  Ngô Ngọc Lân
Thời này mà vẫn còn những nghệ sĩ cát làm tượng kèm thông điệp thì sợ thật. Bệnh ngô nghê này hóa ra chẳng phải chỉ có ở nước mình.
...xem tiếp
9:56 Monday,7.2.2011 Đăng bởi:  Ngô Ngọc Lân
Thời này mà vẫn còn những nghệ sĩ cát làm tượng kèm thông điệp thì sợ thật. Bệnh ngô nghê này hóa ra chẳng phải chỉ có ở nước mình. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả