Ở Đâu - Làm Gì

Khai mạc CHIHIRO & TOTTOCHAN: Hay và cảm động 17. 08. 11 - 12:19 am

Tịch Ru

 

.

Triển lãm CHIHIRO & TOTTOCHAN
Thế giới của cô bé bên cửa sổ và Iwasaki Chihiro

Khai mạc: 10:00 – 11:30, Thứ ba 9. 8. 2011
Từ  Thứ ba 9. 8 đến Thứ tư 31. 8. 2011
Mở cửa: 9:30 đến 18:00
Phòng triển lãm – Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn  Kiếm, Hà Nội

Chihiro là một nữ họa sĩ nổi tiếng Nhật Bản, tranh của bà được lấy làm hình minh họa cho cuốn truyện thiếu nhi nổi tiếng “Tottochan bên cửa sổ” của Tottochan (tên cúng cơm là Kuroyanagi Tetsuko). Cuốn truyện này đã có ảnh hưởng rất lớn đến phần đông thiếu nhi xưa và nay. Trước khi đi tôi đã nghĩ, chắc hôm nay sẽ có rất nhiều bạn trẻ đi xem triển lãm. Khai mạc đúng vào ngày 9. 8, cũng là sinh nhật của Tottochan ngoài đời – tác giả Kuroyanagi Tetsuko.

 

10h mới khai mạc mà 9h đã chật kín chỗ gửi xe. Thế là phải mang xe đi gửi ngoài. Bước vào thấy rất nhiều bạn trẻ đang loay hoay ghi ghi chép chép gì đó bên một cái bàn dài.

 

Đến hóng hớt thì được một chị mặc áo dài trắng dúi cho một tờ giấy, là tờ thăm dò ý kiến người xem. Ngoài vài câu về triển lãm này, bên dưới còn có những câu chung về triển lãm Nhật tại Việt Nam, thí dụ: “Quý vị có muốn được thưởng thức nhiều triển lãm Nhật Bản hơn không?” Yeah yeah!!!, nhưng đừng Manga nhiều quá.

 

Ai ghi xong tờ phiếu thăm dò thì sẽ nhét vào đây.

 

Ngay bên cạnh là một cái rổ đựng phiếu bốc thăm, đặt dưới là những tập truyện Tottochan. Sẽ có bốn bạn may mắn được sở hữu quyển Tottochan có chữ kí tác giả. Cuốn truyện thiếu nhi này, hay đúng hơn là cuốn hồi ký của tác giả về tuổi thơ, bạn bè, gia đình, đặc biệt là ngôi trường tiểu học Tomoe bé nhỏ, quả thực là một mô hình thật tuyệt vời để trẻ con mơ màng: được học trong những toa tàu, lại có thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku luôn sẵn sàng lắng nghe học sinh “luyên thuyên” liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, đến tận khi nào các em chẳng còn nghĩ ra điều gì để nói nữa mới thôi.

 

Phải công nhận hôm nay rất, rất đông người đến xem. Phòng triển lãm lại rất nhỏ (chắc 20 mét vuông) thế mà người xem cứ ùn ùn. Hầu hết là các bạn trẻ, mà phần lớn lại là nữ.

 

Xét ra có hai trường hợp người đi xem triển lãm. Một là họ thích Tottochan (dĩ nhiên), và trường hợp thứ hai là các bạn trẻ vẫn say mê văn hóa Nhật Bản… Nhưng phần lớn các bạn đến đây không mấy ai biết về họa sĩ Chihiro. Trong phòng triển lãm đã có tiểu sử của bà.

 

Và tiểu sử của Kuroyanagi Tetsuko – Tottochan – một diễn viên và đại sứ thiện chí của UNICEF, nay là giám đốc bảo tàng mang tên… Chihiro.

 

Toàn là dân “ngoại đạo” đến xem, nhưng tôi thấy họ chăm chú hơn nghệ sĩ chúng mình mỗi khi đi xem triển lãm tranh. Nghệ sĩ hình như toàn xem kiểu cưỡi ngựa xem hoa, lớt phớt và tán dóc với nhau là chính.

 

Ô, có cả bác Nguyễn Mạnh Hiền, người vẫn thường xuyên có mặt tại các buổi khai mạc triển lãm, từ lớn tới bé, từ cổ điển tới đương đại. Hôm nay bác cũng đến sớm, có lẽ hồi trẻ bác cũng mê mệt Tottochan ấy chứ.

 

Có cả nhạc sĩ Kim Ngọc đến dự.

 

Chị còn dẫn theo con gái và một bé trai đến xem tranh. Thật sự là ở Việt Nam ít có triển lãm nào mà các nghệ sĩ dẫn con mình đến để cùng xem tranh như những người bạn. Thường thì mang con đến như là cho nó “bám càng” vậy: nghệ sĩ xem và đám trẻ thì chạy rông.

 

Mẹ và cậu bé này đứng trước lời giới thiệu cả chục phút để cho cậu bé đánh vần từng chữ một.

 

Dĩ nhiên cũng có rất đông người Nhật đến dự.

 

Khá đông phóng viên quay phim chụp ảnh. Họ liên tục tác nghiệp trong phòng triển lãm bé tí.

 

Các phóng viên thi nhau phỏng vấn người xem, nào là biết thông tin triển lãm ở đâu, cảm nghĩ thế nào về triển lãm, trước kia đã biết gì về hai tác giả chưa, đã đọc Tottochan chưa?…

 

Các bé cũng được phỏng vấn, nhưng thường thì các câu hỏi được đặt và được các em trả lời hơi quy củ, ngay ngắn quá mức “trẻ con”. Thôi cũng là nếp quen của cách giáo dục ta, chẳng trách được.

 

Rất thú vị là phần trưng bày các hình ảnh liên quan đến trường Tomoe.

 

Hội trường của trường Tomoe

 

Khung cảnh giờ học trong khoang tàu (bạn nào thắc mắc học gì trong khoang tàu thì xin mua Tottochan về đọc). Rồi còn rất nhiều ảnh nữa về đại hội thể thao, cắm trại, xem kịch… và giới thiệu sơ qua về trường Tomoe. Nền giáo dục của trường Tomoe được miêu tả trong sách là nền giáo dục giúp cho trẻ con có thể thoải mái phát huy khả năng, cho chúng tình yêu thương, tập cho chúng biết giúp đỡ che chở lẫn nhau. Hơn thế nữa, khi ra trường những con người đó đều có tình yêu thiêng liêng với ngôi trường tiểu học (chứ không phải như nước ta, học trò nhớ lại mà rùng mình trước cảnh liếm ghế, hít đất, bị phơi nắng ngoài trời…) Không hiểu các giáo viên nước ta có chịu đọc Tottochan để mà rút kinh nghiệm không nhỉ?

 

Nhưng “nhân vật” chính của triển lãm là 30 bức tranh của họa sĩ Chihiro. Bức bé gái đội chiếc mũ màu nâu được dùng làm bìa sách.

 

Rồi cô bé đội chiếc mũ màu tím nhạt.

 

Cô bé trong chiếc áo len màu hồng (có sự ảnh hưởng của hội họa Xô Viết)

 

Trẻ em ngồi trong lớp học. Các nét vẽ của Chihiro mang lại cảm giác bình yên, man mác buồn.

 

Cô bé tìm thấy cánh hoa (nhưng vẫn đậm chất buồn của Nhật). Xem bức này tôi lại nhớ đến nhạc của Mono, một band Post-rock khá nổi tiếng ở Nhật.

 

Hoa bìm bìm và ba đứa trẻ. Tranh của Chihiro, cả người lớn và trẻ em xem đều rất thích. Màu sắc tươi tắn, nhẹ nhàng, lãng mạn và man mác. Chắc vì bà vẽ trong thời chiến.

 

Trẻ em giữa hoa anh thảo. Một bạn nữ nhận xét rất hay: tranh của Chihiro mềm như cánh anh đào, lạnh như tuyết và ngọt ngào hơn cả bánh Mochi (chắc là một loại bánh của Nhật Bản mà tôi chưa có dịp thưởng thức).

 

Trong triển lãm còn bày một loạt các ấn phẩm Tottochan được lưu hành bằng các thứ tiếng khác nhau.

 

Bên cạnh những bức tranh của Chihiro, thỉnh thoảng lại xen kẽ một vài mẩu trích ngắn lấy trong “Tottochan bên cửa sổ”. Bao giờ cũng có hai phần: một tiếng Việt và một tiếng Nhật.

 

Đúng 10h bắt đầu khai mạc triển lãm. Ông Yoshikawa Takeji, giám đốc trung tâm giao lưu văn hóa lên phát biểu. Ông nói về cuốn Tottochan, năm nay là 30 năm kỉ niệm cuốn sách ra đời, và lần xuất bản này có sự hợp tác với Nhã Nam.

 

Anh Vũ Hoàng Giang, giám đốc công ty sách Nhã Nam lên phát biểu.

 

Rất đông người đến xem và rất trật tự nghe lời khai mạc (cho dù lời khai mạc rất mang tính hình thức và hơi sách vở). Có thể tưởng tượng được rằng người xem hôm nay ngày xưa đều là những học trò ngoan.

 

Sau khi khai mạc, khách tham dự sẽ được dẫn lên tầng hai để nghe bà Matsukata Michiko, giám tuyển bảo tàng Chihiro kể về cuộc đời của hai tác giả và quyển sách. Cuộc trò chuyện diễn ra tầm 30 phút với 3 chủ đề: Chihiro là ai? Tottochan là ai? Cuốn sách ra đời như thế nào?

 

Sau đó là chương trình bốc thăm. Bốn người may mắn nhận được quyển Tottochan có chữ kí của chính tác giả Tottochan. Những quyển có chữ kí khác sẽ được tặng cho những bạn nào viết bài cảm tưởng thật hay về triển lãm cũng như về truyện “Tottochan bên cửa sổ”.

 

Sách có chữ ký sẽ như thế này đây.

 

Tình cờ đi xuống nhà thấy có một cô bé rất dễ thương, đúng kiểu Tottochan mà tôi vẫn tưởng tượng.

Ngày khai mạc hôm nay thật sự là thành công vì thu hút được rất đông công chúng. Nhưng thật lạ là các nghệ sĩ nhà ta hôm nay đến không đông. Cho dù cách thức thể hiện mọi thứ có hơi mộc mạc thì đây vẫn là một triển lãm rất hay và đẹp. Các bạn rất nên đến xem, triển lãm còn dài mà, mãi 31. 8 mới kết thúc.

À, có một thông tin bạn cũng nên biết nhé: Ai mua quyển Tottochan – bên cửa sổ thì tức là đã đóng góp 10.000 ủng hộ nạn nhân động đất sóng thần ở Nhật Bản rồi đấy. Nhanh lên các bạn nhé…

 

*

Bài liên quan:

– “CHIHIRO & TOTTOCHAN”: Tranh xinh & sách hay
– Khai mạc CHIHIRO & TOTTOCHAN: Hay và cảm động

Ý kiến - Thảo luận

23:39 Monday,29.8.2011 Đăng bởi:  admin
Việt Hà ơi, cảm ơn bạn. Xin lỗi là đến hôm nay mới sửa lại được, vì nhiều việc quá mà quên thôi. Mong bạn thứ lỗi. Thân mến.
...xem tiếp
23:39 Monday,29.8.2011 Đăng bởi:  admin
Việt Hà ơi, cảm ơn bạn. Xin lỗi là đến hôm nay mới sửa lại được, vì nhiều việc quá mà quên thôi. Mong bạn thứ lỗi. Thân mến. 
15:18 Monday,22.8.2011 Đăng bởi:  Trần Thị Việt Hà
Cảm ơn bài viết của Soi! cho mình sửa một chút nhé: Tên của Giám đốc Trung Tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại VN là Yoshikawa Takeji còn tên của Giám tuyển bảo tàng Chihiro là Matsukata Michiko nhé!
...xem tiếp
15:18 Monday,22.8.2011 Đăng bởi:  Trần Thị Việt Hà
Cảm ơn bài viết của Soi! cho mình sửa một chút nhé: Tên của Giám đốc Trung Tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại VN là Yoshikawa Takeji còn tên của Giám tuyển bảo tàng Chihiro là Matsukata Michiko nhé! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả