Bàn luận

Hàng Việt giống hàng ngoại
và chuyện của Huy An 22. 06. 11 - 11:54 pm

Người làm Hà Nội

.

Đã làm nghệ thuật, có lẽ không ít người từng rơi vào hoàn cảnh được đồng nghiệp nhắc khéo rằng tác phẩm của mình giống người này người kia. Cảm giác luôn là bực bội, tự ái kèm với hoang mang rồi quay ra tự vấn bản thân mình. Ngay trên trang Soi này, chuyện tác phẩm người này giống người kia cũng không có gì là mới mẻ nữa, và những tranh cãi xung quanh chúng luôn luôn bất tận mà không đi một tới kết luận nào. Bởi vậy tôi hơi e ngại mỗi khi thấy mình chuẩn bị nhảy vào một cuộc tranh cãi kiểu này.

Tuy nhiên khi đọc thư ngỏ của bà Natasha gửi Huy An, trong đó có vẻ như Huy An bị kết tội “ăn cắp vặt” tác phẩm của Robert Therrien, tôi thấy mình không thể không góp vài lời. Xin nói thẳng ngay từ đầu, tôi không ủng hộ quan điểm của bà Natasha trong vấn đề của Huy An. Cũng thật nguy hiểm cho An, một họa sĩ còn trẻ, nay vướng phải vòng thị phi, nếu không vững tâm và biết cách đối phó tích cực, sự nghiệp tương lai có thể sẽ như diều đứt dây.

Nhưng tôi cũng biết rằng người làm nghệ thuật như tôi không bao giờ nên đi bắt bẻ ngôn từ hay đọ trí nhớ với các nhà phê bình. Không sứt đầu cũng mẻ trán. Bởi vậy thay vì lao trực tiếp vào phân tích cái giống cái khác giữa Huy An và Robert Therrien, tôi xin đi vòng một chút về việc các họa sĩ Việt Nam có tác phẩm giống với họa sĩ nước ngoài. Để làm gì? – Dìm hàng bạn bè ư? Không, qua những ví dụ dưới đây. Tôi sâu sắc cảm thấy rằng việc sáng tác cũng lắm gian truân. Làm sao cho tác phẩm là chính mình, phản ánh con người mình. Ấy nhưng lắm lúc ngoảnh ra, lại thấy những người khác cũng hùng hục phản ánh chính họ, vậy mà tác phẩm của mình và họ lại rất giống nhau.

Nghệ sĩ luôn phải căng mắt ra cảnh giác, tránh đi nhầm vào đường người khác. Than ôi, nền nghệ thuật thế giới thì nhan nhản các vĩ nhân và nhan nhản các tác phẩm. Tìm đâu được mảnh đất cắm dùi. Xảy một cái là dẫm nhầm lên chân người khác và vì thế sẽ mang cái gông “ăn cắp vặt”.

 

Cách phản ứng chung trước một sự vật hiện tượng

Con người chúng ta sinh ra với hệ thống phản xạ giống nhau. Tay chạm phải lửa thì rụt lại, gặp điều gì sợ hãi thì tóc dựng, mặt căng ra, mắt trợn lên. Đó là phản ứng vô điều kiện giống như con tinh tinh xù lông lên hù dọa kẻ thù. Tiếp lên nữa, do chung môi trường xã hội nên những loại phản ứng khác của con người cũng giống nhau. Các nam nhân gặp điều gì phiền toái bất lực thì bực tức đấm tay vào tường. Các nữ nhân gặp những bất công của xã hội ai nấy đều bất giác sờ xuống dưới mà thốt lên rằng: “Giá đây đổi phận làm trai được”.

Các họa sĩ, nghệ sĩ… hay gì gì nữa cũng đều là con người nên thường cũng có lối phản ứng giống nhau trước một vấn đề. Ví dụ như với nữ nghệ sĩ ấm ức cho thân phận đàn bà, không ít người đã phơi bày cơ thể mình hay những vật dụng tế nhị khác để truyền tải thông điệp, lấy cái khác biệt làm thế mạnh. Việc nuy hay khoe xì líp trước tiên là giống nhau. Tuy nhiên sau cái mở bài đó là sự phát triển tác phẩm theo cách riêng của mỗi tác giả (ở Việt Nam, gần đây cũng có ít nhất hai nữ tác giả trút bỏ quần áo nhưng tác phẩm của họ khác nhau và khác với… Abramovic).

Một nghệ sĩ có bản lĩnh, sau những phản ứng có sự giống nhau sẽ đưa ra được cách xử lý khác người khác trước một đề tài cụ thể. Đây là một việc không đơn giản. Trước khi bực mình đấm vào tường mà lại phải về tra sách xem trước kia đã có cha nào đấm tường chưa thì… mất hứng lắm.

*

Một số hàng nội giống hàng ngoại:

*

Như Huy giống Ai Wei Wei

Tôi đưa dẫn chứng này ra trước tiên bởi bản thân curator Như Huy cũng rất cởi mở về vụ giống nhau giữa mình và Ai Wei Wei. Trên blog của mình, khoảng một tháng trước đây, Như Huy đưa ra phát hiện rằng một tác phẩm trước đó của mình rất giống với tác phẩm của nghệ sĩ Tàu nổi tiếng:

Tác phẩm của Như Huy

Tác phẩm của Ai Wei Wei

Hai tác phẩm giống nhau bởi nó được tạo bởi hai nghệ sĩ có phông văn hóa tương đồng, sống trong điều kiện chính trị xã hội tương đồng. Hình ảnh ba con khỉ, vì muốn sống yên ổn nên phải tự bịt mắt, bịt mồm, bịt tai, là hình ảnh tương đối phổ biến trong điêu khắc cổ ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Với loài hiếu động như khỉ, cam chịu như vậy chắc là khổ tâm lắm. Hai nghệ sĩ trên vì muốn bộc lộ khổ tâm của mình với thế cuộc nên cùng liên hệ tới chuyện của ba con khỉ.

Hình ảnh ba con khỉ trong điêu khắc kiến trúc cổ

Trò nghịch nghợm diễu nhại của học trò. Nếu bạn search google: “Hear no evil, see no evil, speak no evil” sẽ ra nhiều ảnh tương tự.

 

*

Bàng Nhất Linh giống Ai Ai Đó

Tháng 5 năm 2010, có hai tác phẩm rất giống nhau cùng ra mắt công chúng, một ở L’Espace Hà Nội và một ở Hội chợ nghệ thuật Hồng Kông. Tôi không biết rõ tác phẩm bày bên Hồng Kông là của tác giả nào, ý đồ khi cố gắng tạo một mô hình ô tô từ bột mì vì sao. Nhưng tôi biết Bàng Nhất Linh ở Việt Nam là một nghệ sĩ có sức làm việc tốt, các tác phẩm có tính tư duy và thông điệp rành mạch.

Tác phẩm sắp đặt trong Art HK 2010. (Nguồn: http://www.luxartasia.com/2010/05/second-thoughts-on-art-hk-2010.html)

Bà con nông dân ta có thói quen quy mọi thứ ra thóc. Nhưng với khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, sự quy đổi này đôi khi đem lại tủi hổ, đắng cay. Một chiếc ô tô tiền tỉ phải đánh đổi bằng bao nhiêu tấn thóc? Một chiếc xe của ông quan tỉnh vi hành có thể so sánh với một cỗ xe bao nhiêu nghìn trâu kéo?… Đề bài cụ thể, cách diễn giải vấn đề cũng cụ thể:

Tác phẩm của Bàng Nhất Linh tại L’Espace Hà Nội. (Nguồn : http://soi.today/?p=5668)

 

*

Phương Linh giống Angella Ellsworth

Các tác phẩm của Phương LinhAngella Ellworth cùng chung mối quan tâm về thân phận người phụ nữ với vai trò là phái yếu trong một xã hội do đàn ông nắm quyền. Hai cô đều quyết định sử dụng đồ lót để khẳng định sự khác biệt và dùng đinh nhọn đâm vào trong để nói về những nỗi khổ mà phụ nữ phải chịu đựng. Cùng một đề bài, cùng một cách phản ứng và cách giải quyết vấn đề (cũng tự nhiên thôi) và bùm… chúng ta có hai tác phẩm giống hệt nhau.

Tác phẩm của Angella mang tên “My compulsion is your consumption” (bạn nào dịch hộ với). Sáng tác năm 1997, sử dụng quần lót và 10 ngàn đinh ghim vải. Tác phẩm đã đoạt giải gì đó trong Arizona Biennale. (Nguồn: http://aellsworth.com/works/objects_undies1.html)

Tác phẩm của Phương Linh cũng sử dụng quần lót và đinh nhọn. Sau đó Linh đổ keo vào cho cứng. Chính keo đã làm cho làn da con gái của Linh bị dị ứng. Tác phẩm có tên “Dị ứng” đã được giải Ánh Mắt Trẻ năm nào đó tôi chưa nhớ ra. Nguồn: http://plinh.com/web/works/sculptures/allergy/

Tôi là người biết Phương Linh (xin lỗi Linh nhé, tôi phải giấu tên không phải vì sợ Linh mà vì sợ.. Natasha). Tôi hiểu tính cách thẳn thắn, tài năng và quá trình sáng tác của nghệ sĩ trẻ này nên tôi tin chắc rằng Linh chưa bao giờ nhìn thấy tác phẩm của Angella Ellsworth trước khi làm tác phẩm Dị ứng của mình. Không thể vì tác phẩm quá giống nhau mà vội vàng gán cho nhau tội “ăn cắp vặt”.

*

Bùi Công Khánh giống Tsherin Sherpa

Là nghệ sĩ, ai cũng có những hiểu biết riêng về văn hóa và nhân tình thế thái. Họ muốn lưu giữ lại nhìn nhận của mình trước sự đổi thay của thời gian để có cơ hội kể với con cháu sau này. Bùi Công Khánh ở Việt Nam và Tsherin Sherpa từ Tây Tạng có cùng một đề bài, và cùng cách giải quyết là đóng hộp nó lại (chắc có cho thêm chất bảo quản). Bùm… chúng ta lại có những tác phẩm từa tựa nhau dù rằng thái độ của hai nghệ sĩ với đối tượng được lưu giữ trong lọ có vẻ khác nhau:

Tác phẩm nằm trong “Dự án bảo tồn” của nghệ sĩ Tây Tạng Tsherin Sherpa. Chất liệu acrylic, bột màu và vàng trên giấy. Sáng tác năm 2009. (Nguồn http://www.tsherinsherpa.com/Artwork/PP.html)

Tác phẩm “Nước Nhân Lực” của Bùi Công Khánh đã triển lãm tại Sàn Art tháng 4. 2010. (Nguồn: http://soi.today/?p=3542)

*

Quay lại chuyện của Huy An

Những điểm mà tác phẩm của Huy An giống với Robert Therrien, bà Natasha đã điểm ra hết rồi. Tôi thấy rằng để nhìn rõ hơn việc này, cần có một cái đầu thoáng và một sự quan sát rộng hơn.

Trước tiên phải nhìn vào quá trình làm việc của Huy An. Việc dùng than lưu lại bóng của vật thể đã được An sử dụng ở nhiều tác phẩm trước đó, nó giống như một chuỗi tác phẩm mang dấu ấn riêng (dù hơi nhàm về sau nhưng vẫn là dấu ấn riêng). Tôi nhớ tới màn trình diễn của An tại cuộc thi do Tài Năng Trình Diễn do quỹ CDEF Đan Mạch tổ chức. An di chuyển rất chậm theo hình tròn. Mỗi bước ngắn lại dừng, An rắc bột than theo bóng mình, xóa bỏ bóng bột than rồi lại tiến thêm một bước. Quá trình kết thúc một vòng tròn là quá trình bôi đen và tẩy xóa nền đất. Dù có tẩy sạch nhưng bụi than vẫn còn lưu lại và ghi dấu của tác giả trên mặt đất. Có người nói tác phẩm của An mang nhiều suy nghĩ thiền, có người nói tác phẩm của An có hơi hướng chính trị. Tôi thì nghĩ tác phẩm này mang tính tối giản và vì thế gợi nhiều hơn tả.

Sau này, khi sử dụng cái bàn làm một phần trong tác phẩm của mình. An có sự thay đổi đôi chút trong nhận thức (tiếc thay sự thay đổi này mang nhiều ảnh hưởng từ Trần Lương). Chiếc bàn này không đóng theo kiểu dáng ngẫu nhiên của bất cứ mẫu bàn nào mà là mẫu bàn cán bộ thời bao cấp. (Bà Natasha có lẽ cũng biết điều này khi dùng từ “quan liêu” trong bài viết của bà). Như vậy, tác phẩm đã có hơi hướng chính trị. Bóng của chiếc bàn được “than hóa”, choán lấy không gian gây ám ảnh. Lối làm việc quan liêu đổ bóng xuống sàn đen ngòm, kể cả khi cái bàn kia được dỡ đi thì bóng của nó vẫn còn ở lại ám thế hệ sau. Tôi thấy (và như một số bạn đọc Soi cũng thấy), nhân vật chính của tác phẩm là cái bóng. Bóng cũng là một phần trong cả chuỗi công việc mà An là từ trước đó.

Việc sử dụng cái bàn được phóng to lúc này giống hay không giống cũng không còn quan trọng nữa. Tôi nghĩ, trong trường hợp này, An đứng trước một đề bài đơn giản là tạo nên cái gì đó có sức trấn áp tâm lý người xem. Và cách giải quyết cũng đơn giản (có phải vì thế mà giống người khác) là phóng đại vật thể lên. (Giống như cách các họa sĩ trẻ bây giờ thay vì vẽ tranh khổ 73 x 92cm lại nhảy sang khổ 150 x 200cm cho nó “hoành”).

Tôi biết một vài lời vòng ngoài của tôi chẳng thể nào là một kết luận có thể giúp đỡ Huy An. Cũng như một vài lời của bà Natasha cũng không thể giết chết sự nghiệp của Huy An nếu như anh này đủ rắn. Tôi chỉ mong công chúng hiểu thêm một vài tâm sự của lũ chúng tôi – những người làm việc.

 

*

Bài liên quan:

– Cần hít thở nhưng nhiều bế tắc
– Thư giải thích gửi Nguyễn Huy An của Natalia Kraevskaia
– Hàng Việt giống hàng ngoại và chuyện của Huy An
– Thư gửi bà Natalia Kraevskaia của Nguyễn Huy An

– Hít vào ắt phải thở ra…

– Họa sĩ Nguyễn Huy An: Cuộc chiến giữa bóng và hình

– Giống và/mà không giống

– Tiếp câu chuyện Thở ra hít vào…

Ý kiến - Thảo luận

10:41 Saturday,2.7.2011 Đăng bởi:  chanel
Nghệ thuật cần "câm" nhiều hơn. Đừng lấy cái suy nghĩ cá nhân mà kết tội cho người khác. Như thế là hại người đấy...
...xem tiếp
10:41 Saturday,2.7.2011 Đăng bởi:  chanel
Nghệ thuật cần "câm" nhiều hơn. Đừng lấy cái suy nghĩ cá nhân mà kết tội cho người khác. Như thế là hại người đấy... 
4:00 Friday,24.6.2011 Đăng bởi:  admin
Hoang Bao: Soi muốn gửi thư riêng cho bạn về nội dung cmt và giải thích vì sao không lên được. Bạn cho Soi một địa chỉ email có thể gửi được. Thân mến.
...xem tiếp
4:00 Friday,24.6.2011 Đăng bởi:  admin
Hoang Bao: Soi muốn gửi thư riêng cho bạn về nội dung cmt và giải thích vì sao không lên được. Bạn cho Soi một địa chỉ email có thể gửi được. Thân mến. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả