Chính trị

Anh em Hồi giáo: chẳng anh em với ai hết, nhất là quân đội 01. 09. 13 - 6:42 am

Sáng Ánh

SOI: Có bạn “đặt hàng” giải thích về phong trào phong trào Anh em Hồi giáo – hiện đang mâu thuẫn nặng với chính quyền Ai Cập – nên tuần này tạm gác mục Văn nghệ để đọc Thời sự nhé các bạn.

*

Sau Thế chiến thứ nhất, với sự tàn lụi của Đế chế Ottoman, tinh thần và tư tưởng quốc gia (theo nghĩa đương đại), vốn đã manh nha từ thế kỷ 19, được dịp phát triển tại Trung đông. Sau những thế kỉ cai trị trực hay gián tiếp bởi Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực này rơi vào quỹ đạo của Tây phương Anh Pháp. Bài thực và phản đế có lắm con đường, xã hội chủ nghĩa, quốc gia, quốc xã-phát xít hay là tôn giáo-dân tộc (theo nghĩa rộng tức là Ả rập Ai cập). Trong bối cảnh ấy, vào thập niên 30, ông Hassan Al Banna thành lập tại Ai cập phong trào Anh em Hồi giáo (AEHG).

Hassan Al Banna

Đây là một tổ chức dựa vào các đền Hồi, theo tinh thần tương trợ, một hội kín (hay nửa úp nửa mở) kiểu Thiên Địa Hội, về ý thức hệ thì bảo thủ và cổ truyền (kiểu Cần Vương, ở đây là Cần giáo) nhưng công hiệu, ăn sâu bám rễ vào quần chúng nông dân hay lao động tỉnh thành. Lúc bí mật, lúc công khai, lúc chống đối vũ trang, lúc được tham gia bầu cử, trải qua 80 năm, đây là lực lượng qui mô, tổ chức hạ tầng vững chãi, giàu kinh nghiệm và đông đảo quần chúng nhất tại Ai Cập ngày nay. 

Biểu tượng của hội Anh em Hồi giáo

Những điều trên không thể chối cãi, trong năm cuộc bầu cử các cấp từ ngày ông Mubarak phải ra đi, AEHG đều về đầu, chiếm đa số tại Quốc hội, và ứng viên của họ là ông Morsi đắc cử Tổng thống với 51%. Ảnh hưởng của phong trào này khoảng 35% dân số, là thiểu số mạnh nhất trong một tình trạng chính trị phân hóa cực kỳ. Điển hình, ngày quân đội lật đổ chính phủ, ngồi đằng sau tướng Sisi là đủ các đại diện, mỗi thứ một tí: thành phần tôn giáo ôn hòa và bề trên (Viện Al Azar), tôn giáo về nguồn (Salafist, tức là cực đoan hơn AEHG về mặt tôn giáo này), thành phần chính khách thân Tây và cởi mở (El Baradei) và thành phần Twitter-Facebook (Tamarod).

Nhưng đối thủ của AEHG không phải là các thành phần mới kể trên mà là vị cầm micro hát karaoke vào dịp này trong khi họ chỉ gật gù ngồi nghe và vỗ tay. Anh được nhiều “like” nhất từ dân nối mạng, anh sa-lông giải Nobel Hòa bình hay anh quấn khăn râu dài không phải là địch thủ của AEHG. Đối thủ của họ là lực lượng qui mô và tổ chức, giàu kinh nghiệm và lâu đời nhất nước, nắm 40% tổng sản lượng của quốc gia và vũ trang đến tận răng cửa, là quân đội. Tất nhiên về mặt con số cử tri thì an ninh và quân đội, bộ máy nhà nước… cũng có chứ, nhưng điều quyết định là con số xe tăng trên quảng trường Tahrir kìa. Thua thì bỏ phiếu xuống, cầm súng lên:

Bàn tay bỏ phiếu lòng khòng
Bàn tay cầm súng là xong cái vèo

(Ca dao)

Xe tăng quân đội Ai Cập trong một cuộc diễu hành

Súng thì chắc là AEHG cũng có vài khẩu. Trong tuần qua, truyền thông nhà nước Ai Cập lu loa là bọn này “khủng bố”, cần phải dẹp và có cho thấy video một anh lăm lăm súng cầm tay trong một cuộc biểu tình. Anh này mang một khẩu tiểu liên Sten Mk1 hay Mk2 gì đó, là thứ súng quá date từ Thế chiến hứ hai của Anh quốc, chắc là mới đào lên từ sau vườn chôn cất từ ngày Đại tá Nasser lật đổ Hoàng đế Farouk (1952). Nhưng vũ khí Thế chiến thứ hai thì cũng chết người được (Thế chiến thứ hai chết rất nhiều người, ở đó mà cười!) và nếu phải trở lại thời kỳ bí mật thì AEHG đã sẵn sàng (và sẵn sàng từ lâu rồi).

Nhưng tại sao họ lại phải đọ súng, khi Tổng thống và Hành pháp chính đáng là của họ, Quốc hội và Lập pháp chính đáng là của họ? Đang cầm sổ đỏ, chẳng lý gì mà họ phải tìm cách cướp đất, chiếm nhà! Phần quân đội thì lại tìm cách đẩy họ về việc bạo động bởi một lý do dễ hiểu: quân đội thì chỉ thích có đấu súng, kiểu như ngạn ngữ bảo, “Tay ta cầm búa thì nhìn ai ta cũng thấy là đinh”.

Những người thuộc đảng Anh em Hồi giáo biểu tình ủng hộ Morsi

Quả là có khủng bố tại Sinai thực, nhưng đó là thành phần (tạm gọi là) Al Qaeda địa phương, trước đã gây chuyện với chính quyền Morsi, nay rối ren thì thỏa thuê lợi dụng để vung dao. Có đây đó đốt công sở và nhà thờ Ki-tô Copt, và ai đốt thì không biết, nhưng biết chắc là lực lượng an ninh có mặt không can thiệp và sau đó truyền thông nhà nước đến thu hình rất đẹp! 

Lựu đạn cay được phóng vào khu nhà thờ Copt Orthodox sau đám tang của 4 người Copt Kito bị giết trong một vụ xô xát giữa các phe phái gần Cairo vào hôm 7. 4. 2013. Ảnh: AP/Mostafa El Shemy

Nói thêm thiểu số Copt và Ki tô (9-10%) tại Ai Cập là thành phần bị đe dọa bởi AEHG (và các phong trào Hồi giáo khác, cũng như bởi chủ nghĩa Quốc gia Ả Rập). Theo người Copt, họ không phải là dân tộc Ả Rập mà dân tộc Ai Cập nguyên thủy từ ngàn xưa, tức là từ thời các Kim tự tháp tuổi còn thơ. Đạo Ki tô tại đây cũng là nguyên thủy (từ thời Đế quốc La Mã) chứ không phải du nhập từ Tây phương như tại Việt Nam chẳng hạn. Ông Ki-tô sinh ra đã là hàng xóm rồi chứ không phải theo thương thuyền hay chiến hạm Tây phương đổ bến. Hồi giáo theo các đạo quân xâm lăng đến Ai Cập sau đó vào thế kỉ 6-7. Nói cách khác, quyền lợi và ngay cả danh tính, căn cước của sắc tộc, dân tộc Copt này cho đến nay chưa được chế độ nào tại Ai Cập đáp ứng một cách xứng đáng.

Biểu tượng của Copt Kito giáo

Nhưng những chuyện này rất chán. Để buôn dưa, thì ngay chế độ quân chủ thế kỉ 19 và quân chủ bảo hộ bởi Anh quốc tại Ai Cập cũng lại chẳng phải Ả Rập mà là Albania “đánh thuê” của Đế chế Thổ nhĩ kỳ, được phái sang dẹp loạn nhưng ở lì lại xưng vương và triều cống Istanbul lấy lệ. Vua Farouk khi thoái vị còn không biết viết tên mình bằng chữ Ả Rập. 

Vua Farouk trên con tem Ai Cập hồi những năm 1939 – 40

Hoàng đế cuối cùng này (thực ra ông thoái vị nhường ngôi cho con mới sanh được thêm vài tháng và đứa bé này mới là Hoàng đế cuối cùng), Farouk, thuộc loại vui tính. Khi chơi xì phé với quần thần ông hô là có bốn cây già nhưng chỉ trưng ra có ba, còn chính ông là Già (Vua) thứ bốn, để sầu ở đó, tôi gom đây. Một em gái, ông gả cho Hoàng đế Iran Rezah Pahlavi thì còn được đi, tuy về sau ly dị. Một cô em gái khác lại mê một anh nhân viên ngoại giao hàng ba (lại là Ki tô Copt) khiến ông đuổi thẳng cả hai sang Mỹ. Cặp vợ chồng này lúc đầu còn sống nhờ mẫu hậu dấm dúi, sau công chúa Ai Cập này vì tình mà phải đi làm thuê nghề phục vụ ôsin còn chồng thì tài xế đánh xe. Khó khăn này khiến họ về sau ly dị và anh chồng cũ một hôm tặng bà 6 viên đạn vào đầu trong một căn hộ cấp 4 ở Los Angeles.

Vợ chồng công chúa út Fathia và chàng Riad Ghali

Mối tình của AEHG với quyền lực tại Ai cập hiện nay cũng thê thảm không kém gì. Ngày sau sẽ ra sao ai mà biết được. Hôm 22.8 thì chỉ biết, Mubarak được thả khỏi nhà giam để tại ngoại chống án (tù chung thân) trong khi Morsi thì nằm khám ở một nơi nào.

Cựu tổng thống Mubarak khi còn trong nhà lao

Rõ là:

Cái vòng lao lý luân hồi
Kẻ ngồi ấp lịch, người thôi ủ tờ.

 

Ý kiến - Thảo luận

8:08 Sunday,1.9.2013 Đăng bởi:  SA
Dưới đây là 1 buổi nói chuyện trước công chúng của CT Nasser (1953) về Anh em Hồi giáo (phụ đề tiếng Anh).http://www.youtube.com/watch?v=TX4RK8bj2W0Khi mới lên nắm quyền, Nasser gặp lãnh đạo của AEHG để thương thuyết. Ông kể, vị này đòi ngay là ra luật bắt buộc p
...xem tiếp
8:08 Sunday,1.9.2013 Đăng bởi:  SA
Dưới đây là 1 buổi nói chuyện trước công chúng của CT Nasser (1953) về Anh em Hồi giáo (phụ đề tiếng Anh).http://www.youtube.com/watch?v=TX4RK8bj2W0Khi mới lên nắm quyền, Nasser gặp lãnh đạo của AEHG để thương thuyết. Ông kể, vị này đòi ngay là ra luật bắt buộc phụ nữ ra đường phải có khăn che tóc
(quần chúng phía dưới "Thế thì sao y không quấn khăn đội đầu đi!", mọi người cười rộ).
Nasser " Theo tôi thì mỗi hộ tự quyết định trong phạm vi riêng của họ chứ!"
AEHG "Ông là CT nước, ông phải quyết định bắt họ phải như vậy"
Nasser "(Tôi biết là) Ông có 1 cô con gái SV thuốc. Cô này chẳng vấn khăn gì cả. Giờ 1 cô gái con ông ông còn chưa bắt che tóc được, ông lại muốn tôi ép 10 triệu người phụ nữ phải tuân thì sao tôi làm được (cười)"
Quần chúng tán thưởng.
61 năm sau thì chẳng còn ai cười nữa, hiện nay khác với bà ngoại bà nội của họ, rất nhiều phụ nữ Ai cập ra đường che tóc, có người còn che mạng và khoác cả áo trùm. 
Tổ chức AEHG sau đó bị CQ Nasser cấm đoán nhưng những người kế vị Nasser  lại thả lỏng, dùng họ để triệt hạ ảnh hưởng của các thành phần thiên tả, XHCN.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả