Nghệ sĩ Việt Nam

Phỏng vấn ĐÀO CHÂU HẢI: Về “Không vô can…” và nhân “Không vô can…” 15. 09. 11 - 6:11 pm

Nguyễn Anh Tuấn thực hiện

Toàn cảnh phần trưng bày điêu khắc của Đào Châu Hải trong triển lãm “Không vô can và Ballad biển Đông”. Người chụp: Nguyễn Anh Tuấn.

(LỜI NGƯỜI THỰC HIỆN PHỎNG VẤN: Triển lãm Không vô can và Ballad biển Đông vừa qua diễn ra tại Viet Art Center đã gây được tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật tạo hình và công chúng, bởi cách diễn giải một chủ đề mang tính chính trị – xã hội đầy nhạy cảm bằng phương án trưng bày mạch lạc và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, giàu xúc cảm. Một trong hai nhân vật chính của triển lãm, điêu khắc gia Đào Châu Hải, trong những năm gần đây đã liên tục theo đuổi nhiều ý tưởng nghệ thuật lớn thông qua nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm, những tìm tòi ngôn ngữ đương đại và một chất liệu mới đang thịnh hành trong điêu khắc Việt Nam là sắt thép. Bài phỏng vấn này với Đào Châu Hải sẽ xoay quanh những chủ đề sự hình thành ý tưởng của nghệ sỹ, diễn giải về ngôn ngữ nghệ thuật mà ông sử dụng trong triển lãm và điều mà ông đang theo đuổi trong nghề nghiệp.)

*

Thưa ông Đào Châu Hải, cùng với Lý Trực Sơn, triển lãm (TL) của hai ông đã gây được nhiều ấn tượng và cảm xúc đối với người trong giới cũng như những khán giả yêu nghệ thuật. Vì nhiều người đã xem và thông tin về TL đã đầy đủ, tôi xin phép đi thẳng vào những câu hỏi trọng tâm. Như đã biết, việc có được triển lãm và ý tưởng chính của nó được hình thành sau chuyến đi Trường Sa, tuy nhiên, là một người theo dõi các sáng tác của ông trong thời gian không ngắn, tôi cảm nhận thấy TL còn chứa đựng nhiều tâm tư khác của ông về nghệ thuật nói riêng, và về các vấn đề VH-XH nói chung. Hay nói cách khác, cảm xúc và ấn tượng từ Trường Sa chỉ là một nguyên cớ chính. Vậy ông có thể nói rõ thêm về câu chuyện lần này của ông ?

– Đối với một nghệ sỹ, trước hết, tôi luôn đặt vai trò của mình là một công dân bình thường sống trong xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp, có quyền lợi cũng như có trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, nghệ thuật và cộng đồng. Chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội phức tạp, nhiều biến động từ các vấn đề của chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục v.v… và tất cả những điều ấy đều nổi lên trên bề mặt xã hội, tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống con người ở khía cạnh tiêu cực của chúng. Điều mâu thuẫn nhất lại nằm ở chỗ chúng ta luôn muốn xây dựng, phát triển xã hội tiến lên đời sống văn minh hơn, song tất cả dường như lại làm mọi việc trở nên rối rắm và hỗn loạn hơn.

Thời gian gần đây, Trường Sa đã nổi lên như một tiêu điểm của các vấn đề, vừa là một sự kiện có tính thời sự chính trị, vừa là một vấn đề hàm chứa tính lịch sử, ảnh hưởng đến bề mặt xã hội, chủ quyền, lòng tự tôn dân tộc, thậm chí, trong cảm nhận cá nhân tôi, nó có thể còn lớn hơn nữa. Khi nhìn nhận và tiếp xúc với một câu chuyện như vậy, tôi tự hỏi, nó có liên quan gì đến công việc của một nghệ sỹ hay không, đến quá trình sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật hay không? Và tôi tin chắc chắn là có. Nghệ thuật của ngày hôm nay không còn là nghệ thuật Thị giác thuần túy. Nó đã vượt qua giới hạn đó rất xa. Nó liên quan nhiều hơn nữa, trực tiếp hơn nữa đến số phận con người, nằm trong tương quan nào đó giữa đời sống cộng đồng và nền văn hóa. Đó mới là điều gần gũi nhất, đúng nhất của bản chất nghệ thuật, vì nghệ thuật thực thụ luôn gắn liền với đời sống nhân văn. Tôi cho rằng, ở điểm này, nghệ thuật của chúng ta có sự gần gũi với chủ nghĩa Hậu Hiện đại đã phát triển ở Châu Âu và Mỹ những năm nửa đầu thế kỷ 20. Mặc dù xét trên các mặt kiến trúc thượng tầng như kinh tế, tri thức, văn hóa… và hạ tầng cơ sở, giữa chúng ta với các nước phát triển trên là một khoảng cách lớn và không thể đặt để so sánh như vậy, song có thể nhận thấy ở Việt Nam hiện nay và hoàn cảnh phát triển của các nước Âu châu trong giai đoạn trên đã bắt đầu có nhiều điểm tương đồng. Nghệ thuật của chúng ta bắt đầu xuất hiện những nội dung, những biểu hiện gần gũi với Chủ nghĩa Hậu Hiện đại thoát thai từ nền văn hóa Âu châu thời gian đó. Và điểm mấu chốt nhất trong khái niệm nghệ thuật mới là loại bỏ dần các vấn đề Thị giác, sự quan tâm và bình luận đến sự đẹp – xấu trong từng tác phẩm, trong cách hiểu và cảm nhận nghệ thuật theo nghĩa thông thường nhất. Người ta bắt đầu chú ý đến sự tương tác giữa con người – xã hội – tác phẩm trong cùng một bối cảnh là như thế nào. Đó cũng chính là cảm nhận và quan tâm của cá nhân tôi, không còn tự trói mình vào các vấn đề của thẩm mỹ thị giác nữa, hay nói cách khác, thẩm mỹ thị giác đã không còn thỏa mãn tôi trong sáng tạo nghệ thuật.

Quay trở về với câu chuyện Trường Sa, đó là một chuyến đi đầy bất ngờ, nhưng nó lại tạo cho tôi những ấn tượng thực sự mãnh liệt. Đối với tôi, Trường Sa là một mảnh trong đời sống xã hội chung của chúng ta cần quan tâm, một mảnh bé nhỏ nhưng hết sức điển hình, hết sức mấu chốt. Quá trình hình thành suy tưởng của tôi từ mơ hồ dần dần trở nên rõ ràng trong chuyến đi Trường Sa, như một quả trái cây từ từ bị lột bỏ các lớp vỏ dầy bên ngoài để hiện rõ cái nhân quả bên trong. Khi chúng ta ở đất liền, trong các đô thị hưởng thụ đời sống xa hoa, loanh quanh với miếng ăn và đồng tiền, khả năng nhận biết và nhạy cảm thẩm mỹ cũng trở nên mù mờ và hạn hẹp. Trường Sa đã tạo cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất, cảm xúc mạnh mẽ nhất, vượt lên trên rất nhiều mối quan tâm mà đời sống thường ngày tạo ra, và làm cho tôi khao khát được khai thác nó, trình bày nó, kể lại câu chuyện ấy bằng những ngôn ngữ nghệ thuật của mình. Đó thực sự là điều đầy bất ngờ và hấp dẫn đối với một người luôn khao khát tìm cái mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật như tôi.

Một phần trưng bày điêu khắc của Đào Châu Hải trong triển lãm “Không vô can và Ballad biển Đông”. Người chụp: Nguyễn Anh Tuấn.

Trong những năm gần đây, ông liên tục thay đổi với loại vật liệu điêu khắc: gỗ, đá, bê-tông và kim loại, cùng với việc thể nghiệm các ngôn ngữ hình khối và ý tưởng không gian khác nhau. Sự phát triển của ngôn ngữ hình khối của mỗi tác giả diễn ra theo một quá trình nhất định, mà qua đó người ta có thể nhận ra mạch tư duy về ý tưởng và nghệ thuật phát triển. Đối với ông quá trình đó diễn ra như thế nào ?

– Về bản chất, điêu khắc cũng tương tự các loại hình nghệ thuật tạo hình khác như hội họa, đồ họa, kể cả kiến trúc và sau này là Sắp đặt, là một quá trình tìm kiếm ngôn ngữ biểu hiện, phương án biểu hiện, chất liệu biểu hiện cho bất kể nội dung gì, ý tưởng gì mà người nghệ sỹ muốn nói. Nhiều khi trong một tác phẩm hình thức lại trở thành nội dung, tự hình thức cũng có ngôn ngữ để nói lên ý tưởng cần truyền đạt. Tôi nói như vậy không phải có ý đề cao Chủ nghĩa Hình thức, mà muốn nói rằng chỉ khi ta tìm được một tiếng nói, tìm được một cấu trúc, cái lõi hạt nhân của ngôn ngữ nghệ thuật, thì ta có thể trình bày tất cả các ý tưởng và nội dung khác nhau bằng thứ ngôn ngữ nghệ thuật tự thân của riêng ta một cách hoàn toàn tự do. Tôi cho rằng đó là điều quan trọng nhất mà các nghệ sỹ tìm kiếm trong cuộc đời sáng tạo của mình mà không phải ai cũng thành công. Trở lại vấn đề chất liệu, tôi muốn quay lại khoảng thời gian từ xa hơn nữa, đó là khi tôi bắt đầu sáng tác với mây tre đan, tạo nên những tác phẩm “Nơm, Đó” đã trưng bày trong TL “Không gian mới” năm 1997. Từ lúc đó, tôi đã luôn muốn đi tìm và thử thách với các chất liệu mới, ngôn ngữ mới nhằm để truyền tải các câu chuyện của tôi, nội dung của tôi, để đến một lúc nào đấy, tự thân tác phẩm đó, chất liệu đó và ngôn ngữ hình khối đó có thể có được câu chuyện riêng của chúng, có được nội dung riêng của chúng, vượt qua và lớn hơn ý tưởng của cá nhân người tạo ra chúng. Đó cũng chính là quan niệm chung của chúng ta về một tác phẩm nghệ thuật đích thực luôn có đời sống riêng của nó. Nhưng điều đó vượt qua rất xa nghệ thuật hiện tại, và tôi cũng chưa muốn đặt mình vào mục đích nhiều tham vọng như vậy. Đơn giản chỉ là tiếp tục quá trình tìm tòi và thử thách với nhiều chất liệu khác nhau, kỹ thuật khác nhau để bộc lộ điều mình mong muốn mà thôi.

Đứng trên phương diện nghiên cứu nghệ thuật, đánh giá một nghệ sỹ cũng phải dựa trên quá trình sáng tác lâu dài, không còn phụ thuộc vào việc nhìn nhận một bức tranh, một pho tượng là hay hay dở nữa. Ở phương Tây, đã có từ lâu rất nhiều nhà nghiên cứu chuyên biệt và chuyên sâu theo từng nghệ sỹ, hoặc từng thời kỳ nghệ thuật, từ đó nghiên cứu và phê bình trở nên sâu rộng. Quay lại với câu chuyện, từ tác phẩm Sóng làm tại Đồ Sơn năm 2007, TL Tứ Pháp cuối năm 2007, TL Sóng ngầm năm 2009 với những chiếc đe sắt hàn, đến TL Không vô can này, rõ ràng rằng tư duy nghệ thuật và cách sử dụng ngôn ngữ hình khối của ông thay đổi qua từng triển lãm. Ông có thể giải thích thêm về ngôn ngữ điêu khắc của ông ?

– Nghệ sỹ có thể đưa ra nhiều khái niệm, nhiều cách hiểu về ngôn ngữ điêu khắc. Tôi chỉ phân biệt hình khối ra hai dạng đơn giản: khối đặc, khối rỗng và sự kết hợp của đặc-rỗng, tất cả các loại điêu khắc đều nằm trong ba dạng đó. Mỗi dạng khối có ưu việt riêng của nó, điêu khắc đặc là khả năng chiếm lĩnh không gian, và điêu khắc rỗng là ngược lại. Hay nói rõ hơn, điêu khắc đặc chiếm lĩnh không gian bên trong của nó, điêu khắc rỗng chiếm lĩnh không gian bên ngoài của khối tự thân, và đó là hai mặt của ngôn ngữ hình khối. Sự kết hợp và tương tác giữa khối đặc – rỗng lại tạo ra nhiều hiệu ứng khác: sự đan chéo không gian, cảm giác bên trong-bên ngoài, đặc-rỗng, đầy-vơi… rất phong phú và đa dạng. Khi muốn thể hiện nhiều phương án điêu khắc như vậy, lại cần phải có những chất liệu phù hợp. Với chất liệu mây tre đan như đã nói ở trên, sau một thời gian làm việc, tôi gặp phải rất nhiều hạn chế. Xử lý và chế tác mây tre đan hoàn toàn là một quá trình thủ công thuần túy, không áp dụng được nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại, do vậy cũng không đạt được ý đồ về hình khối, không gian và cũng không tạo ra được ngôn ngữ tự thân của chính chất liệu. Cảm giác về khối và hiệu quả thẩm mỹ bởi vậy cũng bị yếu đi rất nhiều. Đối với các chất liệu tự nhiên khác như gỗ, đá, tôi cũng gặp những vướng mắc tương tự. Chất liệu tự nhiên bộc lộ những hạn chế nhất định trong chế tác, mặc dầu chúng rất gần gũi với con người về mặt cảm giác, sự gần gũi tự nhiên, phù hợp với nền tảng kinh tế – văn hóa của dân tộc hiện tại, cũng như đã có chỗ đứng nhất định trong lịch sử điêu khắc. Nhưng hiện tại với tôi như thế là chưa đủ. Khi tìm đến với kim loại, tôi nhận thấy kim loại là một chất liệu có nhiều ưu việt: về kết cấu, về khả năng tổ chức không gian, chiều kích, về kỹ năng chế tác, có thể cắt ghép, đúc, hàn, làm các mô-đun, cho ta nhiều phương án hơn để giải quyết vấn đề. Và điểm quan trọng nhất là bản thân kim loại cũng có ngôn ngữ tự thân, nó hấp dẫn, gần gũi với cảm quan của xã hội hiện đại, mặc dù có thể nói Việt Nam chưa hoàn toàn là một xã hội phát triển công nghiệp, nhưng nhận thức của chúng ta về đời sống công nghiệp đã rất rõ rệt. Chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được sự hiện diện của kim loại ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống hàng ngày, các vật dụng, đồ đạc, kiến trúc và thậm chí cả trong hơi thở và các giác quan. Đó là lời giải thích của tôi về quá trình liên tục tìm kiếm và thử nghiệm các vật liệu mới cùng ngôn ngữ mới nhưng vẫn dựa trên một tinh thần xuyên suốt là thể nghiệm sự quan hệ, khả năng kết hợp của khối đặc-rỗng trong không gian.

Một ý nữa mà tôi cảm thấy cần phải nói rõ hơn là việc lựa chọn chất liệu chế tác, quá trình tư duy, ngôn ngữ hình khối cho đến xây dựng tác phẩm đều dựa trên phong cách nghệ thuật của từng cá nhân. Hiểu một cách rõ hơn là cái này chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo của nghệ sỹ.

Tác phẩm “Đường hầm Sóng” của Đào Châu Hải ở Khu du lịch Hòn Dấu (Đồ Sơn, Hải Phòng), năm 2007. Người chụp: Đào Châu Hải.

Nói chi tiết hơn, đối với tác phẩm “Đường hầm Sóng ở Đồ Sơn” đầu năm 2007, người ta nhận thấy ông đã vận dụng cả tư duy về không gian của kiến trúc hiện đại vào trong tác phẩm. TL Tứ pháp cuối năm đó là một biểu hiện rõ rệt hơn, ông hứng thú với những kết cấu đa diện và đồ sộ của các ngôi tháp, khả năng gây ấn tượng và phá vỡ không gian mà chúng tạo ra, để xây dựng 4 pho tượng lớn. Và phương án trưng bày cùng ngôn ngữ khối tự thân của mỗi pho tượng trong TL đó có thể cho phép chúng được phóng lớn, dựng trong các không gian ngoài trời, không gian công cộng như một kiểu kiến trúc-điêu khắc trong môi cảnh hiện đại. Chúng ta bắt gặp điều này rất nhiều trong các điêu khắc gia hiện đại phương Tây như Henry Moore, A.Calder…, sau này là Anthony Caro ở Anh, Louise Bourgeois, Anish Kapoor ở Mỹ. Ông có thể nói rõ hơn về sự ảnh hưởng và vận dụng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại trong các sáng tác?

–  Tôi có sự ngưỡng mộ nhất định với kiến trúc hiện đại ở sự phối hợp giữa nhiều chất liệu tự nhiên và công nghiệp: gỗ, đá, tre, bê-tông, thủy tinh, sắt, thép… , ở hình khối có tính đa hướng, đa chiều, kết cấu khoa học, khả năng kiểm soát và chiếm lĩnh không gian. Ở Việt Nam, có một thực tế là chúng ta rất ít, hoặc không có khả năng tiếp cận đời sống văn minh, văn hóa đô thị thực tế của các nước công nghiệp phát triển, trong khi đô thị Việt Nam chưa vươn được đến tầm cỡ ấy. Từ đó dẫn đến một xu hướng là ta luôn phải hướng ra ngoài quan sát, học hỏi, nhưng hết sức hạn chế vì thực tế là ta không hoàn toàn sống trong môi trường đó, do đó rất khó để phát triển các cảm quan nghệ thuật có hơi thở của đô thị hiện đại. Cảm quan của con người sống trong đô thị hoàn toàn khác so với cảm quan con người sống trong xã hội nông nghiệp, văn minh lúa nước về mặt nhận thức, phẩm chất, hình thành tính cách và nhân cách. Sự mâu thuẫn là chúng ta vẫn có thể tiếp xúc được những đỉnh cao của văn minh nhân loại từ kiến trúc, công nghệ thông tin, truyền thông, vật dụng… một sự thừa hưởng có tính ngẫu nhiên và đương nhiên bởi do cùng ngồi trên cỗ xe chung của nhân loại, nhưng chúng ta vẫn mang tâm thức của con người nông nghiệp, của nền văn hóa lúa nước. Đó không phải là điều tốt hay xấu, mà rõ ràng những tâm thức và thói quen đó không còn nhiều phù hợp trong thời điểm hiện tại nữa, và đó là mẫu thuẫn của chúng ta, sự thiệt thòi của chúng ta. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải tìm cách tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề chung có tính bản lề, nền tảng của văn minh nhân loại ngày nay. Xét về khía cạnh nghệ thuật, điêu khắc truyền thống đã có những thành tựu lớn, với ngôn ngữ và chất liệu phù hợp và rõ ràng là đứa con đại diện cho nền văn hóa-văn minh nông nghiệp. Tôi cảm thấy ngôn ngữ đó, chất liệu đó cho đến nay không còn phù hợp nữa, không còn đi xa hơn được nữa, mặc dù tôi cũng có gần 10 năm khai thác chất liệu gỗ, bề mặt phủ sơn mài. Con đường đó đã trở nên nhỏ hẹp vì phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật thủ công truyền thống, phải nằm dưới cái bóng lớn của thẩm mỹ truyền thống và rất khó từ đó nói lên cảm quan của cuộc sống hiện tại.

Khi xem xét sự ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại với điêu khắc hiện đại, tôi cho rằng đó là hai khía cạnh trong một vấn đề, hay nói rõ hơn, kiến trúc và điêu khắc hiện đại hôm nay đã gặp nhau ở một điểm. Chúng ta có thể nhìn ra điều đó từ nhiều công trình của các kiến trúc gia hiện đại như Normal Foster với công trình kiến trúc hình quả dưa chuột St. Mary Axe ở London (Anh quốc), Frank Gehry với công trình bảo tàng nghệ thuật Guggenheim ở Bilbao (Tây Ban Nha)… và một số người khác. Với họ, không còn ranh giới giữa kiến trúc và điêu khắc, vì xét ở góc độ hình khối trong không gian, một tác phẩm kiến trúc không khác gì một tác phẩm điêu khắc, chỉ khác ở vấn đề công năng sử dụng, kết cấu bên trong. Hoặc có thể nói một tòa nhà hiện đại là tổng hòa của rất nhiều loại hình: kiến trúc, điêu khắc, ánh sáng, design, công nghệ, điện năng, kết cấu v.v… cũng như nhiều loại chất liệu phong phú. Đối với tôi, ảnh hưởng của kiến trúc sang điêu khắc là rõ rệt và sâu sắc, không chỉ giới hạn trong những vấn đề hình khối, không gian, mà còn là sự tương tác, gợi ý, cảm hứng trong sự nhận thức và tư duy nghệ thuật.

 

Tác phẩm điêu khắc ngoài trời của Alexander Calder dựng bên ngoài bảo tàng nghệ thuật Sprengel (Hannover, Đức) năm 1971. Nguồn: wikipedia.org

 

 

–  Triển lãm này có sự kết hợp giữa nghệ thuật Sắp đặt với điêu khắc, hay nói rõ hơn là ông vận dụng thủ pháp của nghệ thuật Sắp đặt trong việc trưng bày tác phẩm để nâng cao hiệu quả của hình khối và khả năng truyền đạt ý tưởng. Ưu điểm lớn của nghệ thuật Sắp đặt là khả năng biểu hiện, gây ấn tượng mạnh, trực tiếp, tuy vậy giữa điêu khắc và Sắp đặt có nhiều điểm khác nhau. Tác phẩm điêu khắc bên ngoài việc truyền đạt ý tưởng của tác giả, nó cũng có những ngôn ngữ tự thân: sự chuyển động của hình khối, biểu cảm bề mặt, ánh sáng, kết cấu không gian… , chúng hoàn toàn phụ thuộc vào cảm quan thẩm mỹ của người xem và vượt ra ngoài ý tưởng, sự kiểm soát của tác giả. Điều này khác với ngôn ngữ của Sắp đặt khi luôn nhấn mạnh vào việc truyền đạt ý tưởng, gắn với sự kiện, thời sự và thiếu tính bền vững. Việc kết hợp giữa điêu khắc và Sắp đặt trong triển lãm có một vài hạn chế nhất định. Ví dụ ta chỉ xem được trưng bày ở mặt trước – chính diện, khi đi sang bên cạnh và đằng sau thì khả năng biểu hiện yếu đi rất nhiều. Hoặc khi tách rời một cục điêu khắc để bày riêng thì không nói lên điều gì cả, gần như không nói được ý tưởng của tác giả như khi phối hợp với các khối trong bố cục triển lãm. Điều này nảy sinh trong quá trình bày đặt, hay đã có một chủ ý trước đó ? Nó có nằm trong sự kiểm soát của ông khi thể hiện tác phẩm hay không?

– Tôi cho rằng, ở đây, ta quay lại vấn đề giữa hình thức và nội dung tác phẩm như trên đã đề cập. Khi một tác phẩm điêu khắc thành công, hình khối tự thân của tác phẩm cũng có tính tổng hợp, tính biểu hiện như một tác phẩm Sắp đặt, nếu có sự khác nhau thì chỉ có thể nằm ở cấu trúc tác phẩm. Không có loại ngôn ngữ không gian nào dù mới hay cũ lại ưu việt hơn hay kém biểu hiện hơn giữa điêu khắc ba chiều truyền thống và nghệ thuật Sắp đặt hiện đại. Đối với triển lãm này, ngay từ đầu tôi đã hình thành ý tưởng hình khối, kết cấu không gian và phương án trưng bày như vậy. Hình khối lớn phải bị cắt ra thành nhiều mảnh, sau đó lắp ghép lại dựa trên cách sắp xếp, sự liên kết và tương tác giữa các hình khối lớn-nhỏ, ngay cả không gian cũng được cắt theo chiều hình khối như phần lưng của khối sóng. Khi đó không thể tránh được việc phải có diện trước mặt-sau lưng của các khối. Đối với tôi, điều đó vẫn có ý nghĩa nhất định, nó nằm trong cảm quan không gian của cá nhân tôi khi muốn khám phá hiệu quả của sự chia cắt các hình khối lớn ra nhiều mảnh. Việc tạo ra những diện và mặt phẳng sau lưng của mỗi khối sóng cũng nằm trong ý đồ chứ không phải là một sự vô tình. Nó có thể không mang ý nghĩa về nội dung, nhưng đối với tác giả, nó có sức biểu cảm riêng, nó mang ý nghĩa về sự kết thúc của một hình khối lớn và tôi thích thú khi có một chiều thẳng đứng, một diện bị cắt phẳng như vậy. Tuy vậy, tôi cũng thừa nhận khi nhìn trong một khung cảnh từ phía sau, có vẻ như phần nào có sự khó chịu và thiếu biểu cảm như khung cảnh trưng bày đằng trước.

Xin nói thêm về ngôn ngữ điêu khắc mà tôi sử dụng trong triển lãm này. Trước hết, hình tượng khối trong triển lãm phải liên quan đến sóng, những con sóng, cảm giác về sóng biển, đại dương. Đối với một điêu khắc gia, việc thể hiện hình ảnh như vậy khó hơn nhiều so với việc một họa sỹ vẽ sóng biển lên tấm toan. Sắt trở thành chất liệu chế tác chính, ngoài khả năng linh hoạt trong chế tác, còn bởi cảm giác dữ dội, khốc liệt mà bề mặt kim loại có thể đem lại cho tác phẩm. Điều đó hoàn toàn phù hợp với những cảm xúc của tôi về Trường Sa và vùng biển nơi đó, một nơi vô cùng hoang sơ, nghèo nàn, trống trải nhưng dữ dội như mặt biển và những cơn sóng đại dương. Đó không phải là một hình ảnh thị giác đẹp đẽ thơ mộng, bởi khung cảnh đó còn gắn liền với những vấn đề lịch sử, con người… những câu chuyện không hề đơn giản và dễ chịu. Sự xâu chuỗi của nhiều yếu tố như vậy làm nên câu chuyện lớn cho Trường Sa và là nguồn cảm hứng chính cho sáng tạo của tôi. Tên của TL gọi là Không vô can cũng bao hàm ý nghĩa như thế, nghĩa là một sự liên quan, liên đới nhất định, là vấn đề mà tất cả chúng ta đều không nằm ngoài cuộc. Từ câu chuyện và nhận thức như vậy đã hình thành ý tưởng khi triển khai hình tượng khối phải có sự liên kết hoặc tạo ra sự liên kết, trình bày một kết cấu mang tính liên kết. Hình khối do đó phải bị chia cắt thành nhiều khối nhỏ, rồi từ sự sắp xếp, lắp ráp các khối nhỏ để hình thành nên bố cục mà vẫn có sự kết nối của từng phần. Chất liệu phải bằng sắt thép, hình tượng phải có sự dữ dội, sắc nhọn, bạo lực và hoang dã. Đó là con đường từ cảm xúc cho đến ý tưởng, quá trình tư duy ấy đã dẫn đến giải pháp cho hình tượng, ngôn ngữ, chất liệu, kết cấu, phương án thể hiện cũng như trưng bày cho triển lãm này.

 

 

Như vậy, từ một câu chuyện cụ thể, những nhận thức bên ngoài về lịch sử và xã hội phối hợp với những cảm xúc đã dẫn dắt hình thành nên ý tưởng và đưa ra tác phẩm có tính tổng thể. Ông cho rằng nó hoàn toàn bị dẫn dắt bởi ý tưởng để rồi tự xuất hiện giải pháp về khối, không gian và kết cấu, và cũng hoàn toàn thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, liệu đó có phải là cách giải quyết vấn đề tốt hay không khi ta nhìn nhận phương pháp ấy ở một khía cạnh khác. Một tác phẩm, một triển lãm được đặt ra chỉ để diễn tả về bất kỳ câu chuyện, sự kiện hay tình huống lịch sử đang xảy ra, dù đó có thể là một sự kiện hết sức điển hình trong thời đại đó, thì đó có phải là điều hay hay không? Trong hội họa Việt Nam hiện đại đã có những bài học sáng giá. Hai bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” và “Giặc đốt làng tôi” của Nguyễn Sáng hết sức thành công cả về ý tưởng chính trị và ngôn ngữ hội họa, là đỉnh cao của dòng nghệ thuật Hiện thực XHCN ở Việt Nam trong thế kỷ 20. Nhưng khi giai đoạn lịch sử đó qua đi, thì dấu ấn và cảm xúc của các tác phẩm đó đến nay không còn đọng lại gì nhiều, đặc biệt với những thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh, chắc chắn họ không thể hứng thú khi đứng trước bức tranh như vậy, bởi một điều đơn giản là bức tranh đó không chứa đựng xúc cảm của đời sống hôm nay, hay hiểu theo cách khác, tác phẩm nghệ thuật không hàm chứa những yếu tố, những phẩm chất lớn hơn, vượt lên trên phông nền của bối cảnh xã hội tạo ra nó. Từ bài học như vậy, tôi muốn đặt câu hỏi trở lại đối với phương án nghệ thuật như trên, khi bắt đầu làm tác phẩm này, ông có cái nhìn và thấy như vậy hay không?

– Thực ra, tôi cũng nhận ra vấn đề ấy và cũng có sự suy ngẫm trong nhiều năm về những phương án nghệ thuật của mình, đó là kiến thức bắt buộc của một người làm công việc sáng tác lâu dài như tôi. Việc thể hiện một chủ đề, đề tài đạt được hiệu quả như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của tác giả, bản thân các đề tài không có bất kỳ vấn đề gì đối với người nghệ sỹ. Có nhiều cách để giải quyết một đề tài như đặt nó vào trong bản chất câu chuyện, hoặc trong cảm quan cá nhân, tư tưởng cá nhân, hoặc chỉ thuần túy là biểu hiện bằng ngôn ngữ thị giác và biến nó thành nội dung tác phẩm. Không có tác phẩm nghệ thuật nào mà không có chủ đề, ngay cả nghệ thuật Trừu tượng, cũng là một Hiện thực nhìn theo cách khác, mà lên đến đỉnh cao của trừu tượng thì hình thức của tác phẩm, đường nét, màu sắc, tương quan… cũng trở thành nội dung của tác phẩm. Vấn đề của TL này cũng là như vậy. Tài năng của tôi, tài năng của ông Lý Trực Sơn đến đâu trong câu chuyện này, nó chỉ dừng lại ở việc thể hiện sự kiện một cách thuần túy, hay nó có thể nói được những thứ sâu xa hơn, đứng đằng sau lưng hiện thực ấy. Đó là điều mà chúng tôi mong muốn đạt đến một ngôn ngữ nghệ thuật, thứ ngôn ngữ rất khó nắm bắt, rất khó biểu đạt thành ngôn từ và vật chất cụ thể, nó đứng sau lưng vấn đề mà ta muốn bày tỏ nhưng nó lại là yếu tố cốt lõi của giá trị trong tác phẩm. Tôi cho rằng TL này thành công đối với chúng tôi ở góc độ không cần thiết phải đặt ra một thứ ngôn ngữ nghệ thuật cụ thể, rõ ràng về một đề tài có tính chính trị-xã hội đang xảy ra. Nó không giới hạn ở các vấn đề của biển Đông, của Trường Sa, nó là cách thể hiện của khả năng nhận thức và ứng xử của nghệ sỹ trong đời sống và trong nghệ thuật với tâm tư và ngôn ngữ biểu hiện của cá nhân. Nếu bỏ đi tên triển lãm, chắc chắn những tác phẩm trưng bày ở đây sẽ mang đến những ý nghĩa khác, cảm xúc khác cho người xem, có tính đa nghĩa nhất định và nếu đặt cho nó trong tên gọi khác đi chăng nữa cũng vẫn có thể hấp dẫn người xem, làm họ phải có sự suy ngẫm về ngôn ngữ nghệ thuật đang diễn ra ở đây, cái hình thành bởi ngôn ngữ tự thân của tác phẩm. Đó cũng là hướng phấn đấu của tôi trong những sáng tạo sau này, phải vượt qua được hiện thực khách quan và biểu hiện tác phẩm ở một ngôn ngữ nghệ thuật cao nhất, đứng sau lưng cái hiện thực, đa nghĩa và có tiếng nói tự thân.

 

 

Một câu hỏi cuối về vấn đề hậu TL. Từ TL Tứ Pháp năm 2007 đến nay, ông luôn triển khai các chương trình nghệ thuật của mình với quy mô lớn, cả về hình thức và sự đầu tư kinh tế. Những tác phẩm của ông đều được đánh giá cao cả trong giới chuyên môn và người xem nghệ thuật, nhưng sau các TL lại quay về xếp xó trong xưởng bụi bặm. Như thế là một sự lãng phí cả về giá trị kinh tế và văn hóa, bởi một tác phẩm nghệ thuật khi có giá trị nhất định thì nó cũng đại diện cho một vấn đề, một khía cạnh của văn hóa trong thời đại đó, và nó xứng đáng được lưu giữ như một phần của lịch sử xã hội. Ông nghĩ gì về vấn đề này và ông sẽ có dự định gì cho các tác phẩm của mình sau này?

– Tôi cho rằng vấn đề này không thuộc về khả năng của người nghệ sỹ, bởi người nghệ sỹ chỉ làm những việc thuộc về thiên chức và nghề nghiệp của họ, đó là quá trình tìm tòi, suy ngẫm, đưa ra ý tưởng cho sáng tác và biến nó thành tác phẩm nghệ thuật. Khi đã đưa nghệ thuật ra trưng bày, kết thúc TL, công việc sau đó thuộc về những nhà quản lý văn hóa nhà nước, những đơn vị hay tư nhân có khả năng bảo tồn và lưu trữ; Đó có thể là Bảo tàng Nhà nước, Bảo tàng tư nhân, các Doanh nghiệp, tổ chức hay các cá nhân, những người thực sự quan tâm đến đời sống văn hóa xã hội hoặc có nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật. Điều đó hết sức bình thường ở các xã hội văn minh, nhưng lại là điều không tưởng ở Việt Nam. Nghệ sỹ tự sáng tác, in sách, làm triển lãm hay tự tìm cách giới thiệu mình với công chúng, và sau đó tự tìm cách tiêu thụ nghệ thuật của mình. Đó là một điều hết sức bất hợp lý mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở xung quanh chúng ta. Có thể có rất nhiều giải pháp, nhưng hoàn toàn không thuộc về phía nghệ sỹ, hay đúng hơn là họ hoàn toàn bất lực khi đứng trước vấn đề như vậy, thậm chí còn có thể bị hiểu lầm khi tự tìm cách tiêu thụ tác phẩm của mình. Điều đó có thể cũng có mặt tích cực nhất định chăng, khi ở trong hoàn cảnh như vậy nghệ sỹ hầu như không chịu sức ép về kinh tế chi phối sáng tác nghệ thuật của mình, và dường như nó cũng phù hợp với thực trạng kinh tế-văn hóa-tri thức của xã hội ta hiện nay. Khi có một ý tưởng nghệ thuật, tôi tìm mọi cách thể hiện ý tưởng đó ra thành tác phẩm trong khả năng vật chất và kinh tế của mình, hoàn toàn vì công việc và sự thỏa mãn về niềm đam mê sáng tạo của bản thân. Còn ý nghĩ về sau đó, khi kết thúc công việc, tác phẩm đó, bức tượng đó có đến được với công chúng hay không thì không phải là điều tôi tính toán được, tôi cũng không tiếc về điều đó. Tôi cho rằng mối quan hệ giữa tác phẩm-công chúng trong nền nghệ thuật tạo hình của chúng ta có vấn đề, đó là một hiện tượng tiêu cực và đáng tiếc trong sự tương tác giữa nghệ sỹ và công chúng, của nền văn hóa nói chung và của khía cạnh quản lý nhà nước. Trong câu chuyện của tôi, tôi xác định một điều rõ ràng rằng mình được làm nghệ thuật, làm những gì mình yêu thích và chia sẻ với một số người cùng quan điểm, như vậy đã là điều quá xa xỉ trong đời sống hiện nay.

(Tháng 12. 2010)

 

*

Bài liên quan:

– “Không Vô Can và Ballad Biển Đông” Triển lãm đôi đẹp nhất trong năm
– Ý kiến quanh một triển lãm về biển Đông

– Tuyên ngôn mới của sự đối thoại

– Không đủ liên can nên thành ballad

– Phỏng vấn ĐÀO CHÂU HẢI: Về “Không vô can…” và nhân “Không vô can…”

Ý kiến - Thảo luận

11:47 Monday,19.9.2011 Đăng bởi:  Ớt Xanh
Ở đây cũng có "đường hầm sóng" Không biết ông Dani Karavan này có đạo ý tưởng của Điêu khắc gia Đào châu Hải không ? Hay ngược lại .
http://www.danikaravan.com/main_new.htm
...xem tiếp
11:47 Monday,19.9.2011 Đăng bởi:  Ớt Xanh
Ở đây cũng có "đường hầm sóng" Không biết ông Dani Karavan này có đạo ý tưởng của Điêu khắc gia Đào châu Hải không ? Hay ngược lại .
http://www.danikaravan.com/main_new.htm 
10:30 Sunday,18.9.2011 Đăng bởi:  chinsu
Khi mà cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn phải dùng rất nhiều lời để nói về Mỹ thuật thì có nghĩa là Mỹ thuật đang có vấn đề. Không là nghệ thuật nữa rồi. Ôhô ai tai.
Cũng lạ là bác Hải nói nhiều như thế, vẫn còn tâm huyết như đang đứng trên bục giảng nhà trường, nói hay như thế mà lại vẫn đi làm Tượng đài, làm thêm ở Hội Mỹ thuật V
...xem tiếp
10:30 Sunday,18.9.2011 Đăng bởi:  chinsu
Khi mà cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn phải dùng rất nhiều lời để nói về Mỹ thuật thì có nghĩa là Mỹ thuật đang có vấn đề. Không là nghệ thuật nữa rồi. Ôhô ai tai.
Cũng lạ là bác Hải nói nhiều như thế, vẫn còn tâm huyết như đang đứng trên bục giảng nhà trường, nói hay như thế mà lại vẫn đi làm Tượng đài, làm thêm ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Những cái đó bác phê phán nó lắm cơ mà. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả