Khác

Bài tập của sinh viên nhầm thành tranh Tàu kinh điển bán được với giá 11.4 triệu đô-la 22. 09. 11 - 5:53 am

Madeleine O'Dea – Ngọc Trà dịch

 

Bức vẽ ban đầu được cho là của danh họa Từ Bi Hồng

 

BẮC KINH – Trong một vụ việc đặc biệt đáng xấu hổ trước thềm mùa đấu giá mùa thu của Trung Quốc, một bức tranh bán tại buổi đấu giá năm ngoái với giá 72.8 triệu NDT (11.4 triệu đô-la) như một kiệt tác của danh họa hiện đại Trung Quốc Từ Bi Hồng (1895 – 1953) đã bị tuyên bố là giả.

Bức tranh – được chào bán là tranh khỏa thân sơn dầu trên vải vẽ vợ họa sĩ, bà Tưởng Bích Vi, vẽ vào những năm 1920 – đã được mua với giá nhiều triệu đô tại Nhà Đấu giá Quốc tế Jiuge Bắc Kinh tháng Sáu năm 2010. Jiuge mới được tổ chức Conseil de Ventes của Pháp công nhận là một trong 20 nhà đấu giá hàng đầu thế giới, tính theo doanh số.

Bức tranh này, hè năm ngoái, được con trai cả của Từ Bi Hồng là Từ Bá Dương chứng thực với nhà đấu giá bằng một bức hình chụp ông với bức tranh, cũng như một bức thư chứng thực, coi như là một phần tài liệu đi kèm bức tranh để nhà đấu giá trưng ra với người đấu giá.

Từ Bá Dương cầm bức họa mà ông tuyên bố do cha ông vẽ, bên trên là bức thư chứng thực của ông.

Tuy nhiên, theo một bức thư ngỏ đăng cuối tuần trước bởi mười sinh viên vẽ tranh sơn dầu của Trường Mỹ viện Trung ương Bắc Kinh (CAFA), bức tranh thực chất được vẽ bởi một trong số bạn học của họ trong một “bài tập của lớp” vào năm 1983, ba mươi năm sau khi danh họa qua đời. Các cựu sinh viên này nói rằng họ không chắc ai trong số hai mươi người học cùng lớp học đã vẽ bức tranh nhưng chắc chắn nó là một trong những bức vẽ được vẽ vào năm 1983 như một phần của một bài tập kéo dài ba tuần về sao chép phong cách “hiện thực kinh điển” của Từ Bi Hồng và các họa sĩ cùng thời với ông đầu thế kỉ 20. Họ nói thêm, đây không hề là một bức chân dung của vợ nghệ sĩ, mà chủ thể bức tranh là một người mẫu tranh chuyên nghiệp từ một vùng quê phía đông tỉnh Giang Tây.

Những người có khả năng làm sáng tỏ vụ việc nhất có vẻ như đã mất hút. Theo một bài phóng sự trên tờ Global Times (tờ báo lá cải bằng tiếng Anh song sinh với tờ China Daily của Đảng Cộng Sản Trung Quốc), Jiuge không có bình luận về những tuyên bố của các sinh viên, và tờ China Daily cho biết những nỗ lực nhằm liên lạc với Từ Bá Dương, hiện đang sống ở Hồng Kông, đều không thành công.

Ý kiến các chuyên gia được đăng tải khắp trên báo đài Trung Quốc càng làm dấy thêm nghi ngờ về tính xác thực của tác phẩm. Học giả trường Đại học Thanh Hoa, ông Lü Lixin, nói khi so sánh các bức ảnh của bà Tưởng Bích Vi với bức tranh thì thấy rõ bà không phải là chủ thể. Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Quốc gia Trung Quốc, nghệ sĩ nổi tiếng Trần Đan Thanh gay gắt: “Một người giả mạo sẽ thật sự cố gắng bắt chước tác phẩm của Từ Bi Hồng. Đằng này bức tranh này chả có chút gì giống với phong cách của ông.” Ông Trần nói thêm, ông tin rằng bức tranh đã bị “cố ý đánh lận con đen” làm tác phẩm của họ Từ.

Xin xem một số tranh của Từ Bi Hồng, bạn sẽ thấy phong cách của ông rất… loạn:

Ở bức này thì thấy họ Từ vẽ theo bút pháp phương Tây rất điêu luyện.

 

“Hãy hạ roi xuống”, sơn dầu trên vải bố, vẽ năm 1939

 

Từ Bi Hồng cũng hay vẽ than chì. Bức “Người nam ngồi”, than chì và phấn trắng trên giấy, 50 x 32cm, vẽ năm 1924

 

Chân dung nhà thơ Shao Sunmei do Từ Bi Hồng vẽ chì

 

“Những lão điên dời núi”, mực và màu trên giấy, 1940

 

Một bức tranh vẽ mực tàu của Từ Bi Hồng từng bán với giá hơn 2 triệu USD

 

“Ma núi”

 

“Ác là” – cũng tranh của Từ Bi Hồng

Mặc dù chưa có tin tức gì từ phía người mua kém may mắn – người đã trả gần 11 triệu rưỡi đô-la Mỹ cho một bức tranh không biết ai vẽ, nhưng các nhà bình luận đã chỉ ra rằng cơ hội lấy lại tiền là khá mong manh.

Các nhà đấu giá ở Trung Quốc về luật là không được phép đưa ra các tuyên bố về tính xác thực của các tác phẩm họ bán – và một số người đã biết tận dụng điều này để miễn trừ cho nhà đấu giá khỏi chịu trách nhiệm về các tranh cãi quanh tính xác thực. Nhưng luật riêng của ngành công nghiệp đấu giá nói rằng cần phải trả tiền đền bù nếu có “ít nhất ba chuyên gia” đồng ý rằng một tác phẩm bán đấu giá là giả. Tuy nhiên, mức đền bù là bao nhiêu thì không cụ thể. Toàn bộ vấn đề cũng đã chỉ ra sự thiếu hụt của một hệ thống giám định vững vàng ở Trung Quốc cho các tác phẩm nghệ thuật.

Năm ngoái Từ Bi Hồng được Artprice xếp hạng 6 trong top 10 họa sĩ dựa trên doanh thu đấu giá, với tổng doanh thu lên tới 176.3 triệu đô-la. Là một tên tuổi rất được tôn kính và có ảnh hưởng trong hội họa hiện đại Trung Hoa, Từ nổi tiếng nhất về các tác phẩm mực trên giấy – chủ yếu vẽ ngựa – và là người đã nỗ lực đưa các ý niệm về phối cảnh và cấu trúc của phương Tây vào tranh truyền thống Trung Quốc. Từ cũng là một nhà tiên phong trong việc dùng sơn dầu trên vải thời kì đầu thế kỉ hai mươi, từng tham gia một làn sóng các nghệ sĩ trẻ tiến bộ du lịch đến Paris vào những năm 1920 để học nghệ thuật phương Tây.

Ngựa là mảng tranh lớn nhất của Từ Bi Hồng

 

Chân dung của Sun Duoci, vẽ theo phong cách phương Tây

 

Các tác phẩm của Từ Bi Hồng được chú trọng đặc biệt trên danh sách của một số nhà đấu giá hàng đầu vào mùa thu này, trong đó có Sotheby’s Hong Kong. Triển lãm tổng kết sự nghiệp đầu tiên của Từ Bi Hồng ở Bắc Mỹ sẽ được mở cửa vào ngày 30 tháng Mười ở Bảo tàng Nghệ thuật Denver.

 

Ý kiến - Thảo luận

20:48 Sunday,5.10.2014 Đăng bởi:  Ngân Nghi Ngốc
Hoạ sĩ vẽ tranh thật y như người ! Nhầm hoạ thành nhân mà !
...xem tiếp
20:48 Sunday,5.10.2014 Đăng bởi:  Ngân Nghi Ngốc
Hoạ sĩ vẽ tranh thật y như người ! Nhầm hoạ thành nhân mà ! 
23:29 Thursday,9.5.2013 Đăng bởi:  dilettant

Còn nhớ trong truyện Lỗ Tấn, có vú Ngò bị AQ chê có bắp chân to. Vâng, đồng ý vơi em-có- ý- kiến (iem - dễ thương quá hỉ) là một chị nông phu như thế khó làm vợ họa sĩ Trung quốc sinh đầu thế kỷ trước.
Bức ngựa làm tôi nhớ đến thời nhỏ: một chuyên gia Trung quốc biếu
...xem tiếp

23:29 Thursday,9.5.2013 Đăng bởi:  dilettant

Còn nhớ trong truyện Lỗ Tấn, có vú Ngò bị AQ chê có bắp chân to. Vâng, đồng ý vơi em-có- ý- kiến (iem - dễ thương quá hỉ) là một chị nông phu như thế khó làm vợ họa sĩ Trung quốc sinh đầu thế kỷ trước.
Bức ngựa làm tôi nhớ đến thời nhỏ: một chuyên gia Trung quốc biếu ông già bức tranh ngựa, nếu không giống hệt, thì cũng phỏng rất sát bức tranh này. Bức tranh ấy đã "lớn" cùng tôi. Tôi rất ấn tượng với cẳng và có của nó. "Hãy hạ roi xuống" và "ma núi" cũng rất Trung quốc, nhỉ (xin phép được nói thế với các bạn).
Bức "Những lão điên dời núi" có ngụ ý chính trị gì không nhỉ (vẽ năm 40). Muộn hơn thì chắc khó giữ được dưới thời "bác" Mao.
Cũng xin e lệ có í ciến là hồi nhỏ thấy các truyện tranh Trung quốc: họa sĩ Mã Lương, rồi Ngu công chuyển núi, Tôn ngộ không đánh bạch cốt tinh... vẽ đẹp lắm, có thể hơn cả Từ Bi Hồng. Hay vì hồi ấy mình nhóc?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả