Ở Đâu - Làm Gì

NOWHERE – Đến xem để mà tranh luận tiếp 28. 10. 11 - 7:06 am

Thông tin từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản

 

.

 

NOWHERE
Triển lãm của ba nghệ sĩ Motoyuki Shitamichi, Mamoru Okuno và Tuấn Mami

Khai mạc: 18g thứ  Sáu ngày 28. 10. 2011
Từ 28. 10 đến 20. 11. 2011
Phòng triển lãm và khuôn viên ngoài trời
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam
27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Buổi thuyết trình lúc: 19:00 – 20:30 Thứ 6 ngày 4. 11. 2011
Tại Nhà sàn Studio, 462 Đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội

 

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam xin được trân trọng giới thiệu đến với các bạn Triển lãm “NOWHERE” được thực hiện bởi ba nghệ sĩ tài năng đầy hứa hẹn: Motoyuki Shitamichi, Mamoru Okuno và Tuấn Mami từ ngày 29. 10 – 20. 11. 2011 tại thủ đô Hà Nội.

Cuộc triển lãm lần này là một phần trong dự án Hỗ trợ Tài Năng Trẻ, một dự án mà thông qua đó, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn được giới thiệu các nghệ sĩ trẻ tài năng đến với đông đảo người dân Việt Nam, cũng như tạo cho họ cơ hội để có thể tự khám phá và tiến xa hơn nữa trong chặng đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Ba nghệ sĩ này gặp gỡ lần đầu tiên tại Tokyo Wonder Site thông qua chương trình nghệ sĩ cư trú tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản (Chương trình JENESYS, những nhà lãnh đạo trẻ Đông Á dành cho Tuấn Mami). Sau một vài cuộc trò chuyện và trao đổi, những nghệ sĩ này đã trở nên gắn bó với nhau hơn qua những cái nhìn và quan điểm chung về nghệ thuật.

Cuộc triển lãm là sự nỗ lực đầu tiên của những nghệ sĩ tài năng này nhằm tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới từ quá trình tìm tòi và quan sát của họ ở Hà Nội, sau khi đã tìm thấy ở nhau sự hòa hợp về mặt tâm hồn trong thời gian làm việc tại Tokyo. Shitamichi và Mamoru đã ở Hà Nội một tháng để thực hiện dự án này.

Thông điệp từ các nghệ sĩ trong cuộc triển lãm lần này như sau:

Chúng tôi đi ngang qua mà vô thức không nhận ra nó, nhưng nó vẫn nằm ở đó.”

Shitamichi sẽ mô tả những kỷ niệm vô hình và giá trị của những cảnh quan thông thường thông qua những vật liệu và hình ảnh đơn giản, trong khi đó Mamoru sẽ giúp bạn tăng cường trí tưởng tượng của mình thông qua những âm thanh, giọng nói hết sức thân thuộc của cuộc sống hàng ngày. Mami sẽ truyền nguồn cảm hứng để bạn suy nghĩ về bản chất mối quan hệ của con người qua sự trình bày và những bức ảnh của anh.

Triển lãm được bắt đầu từ 18:00 thứ 6 ngày 28 tháng 10 với phần trình diễn khai mạc của nghệ sĩ Tuấn Mami và kéo dài đến Chủ nhật ngày 20 tháng 11 tại Trung tâm Giao lưu Văn Hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Buổi thuyết trình của các nghệ sĩ cũng sẽ được tiến hành từ 19:00 thứ 6 ngày 04 tháng 11 tại Nhà Sàn Studio (462 Đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội). Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ thấy hứng thú với những quan điểm nghệ thuật của các nghệ sĩ về thế giới như tựa đề của cuộc triển lãm này: No-where (không ở nơi đâu), Now-here (bây giờ ở nơi đây).

*

Lý lịch nghệ sĩ:

Motoyuki Shitamichi

Motoyuki Shitamichi

Sinh năm 1978, sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản.

Tốt nghiệp khoa Hội họa (chuyên ngành tranh sơn dầu), Đại học Mỹ thuật Musashino Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Shitamichi đã đi tìm tòi, nghiên cứu và du lịch vòng quanh Nhật Bản. Trong những chuyến đi này, anh đã chụp hình một sê ri các quanh cảnh miêu tả hình ảnh của những tòa nhà bị bỏ hoang thời chiến. Mục đích ban đầu của những tòa nhà còn sót lại này đã được thay đổi hoàn toàn 60 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Những người dân nơi đây đã cải tạo và xây dựng lại thành những ngôi nhà, vườn hoa hay sở thú. Các tác phẩm của anh đã được xuất bản như một bộ sưu tập ảnh như bộ Bunkers (Nhiên liệu), được phát hành bởi nhà xuất bản Little more vào năm 2005. Các dự án khác bao gồm Sunday Painter hay Người họa sĩ Chủ Nhật (2005 – 2010), trong đó Shitamichi đã đi thăm hỏi những người sở hữu các bức tranh mà ông nội anh đã vẽ như một sở thích. Bên cạnh đó, còn có dự án A Concealed Landscape hay Một quang cảnh được giấu kín (2010 tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Osaka), trong dự án này, anh đã tổ chức một buổi hội thảo, vẽ ra một tấm bản đồ bằng những con chữ, khám phá ra những điểm mốc bé nhỏ ở góc các con phố. Hình dung của anh về những kỷ niệm và giá trị vô hình trong những khung cảnh đang thay đổi một cách nhanh chóng thông qua những chuyến đi thực địa, nghiên cứu và tìm tòi rất có thể có bắt nguồn từ giấc mơ thời con trẻ của anh: trở thành một nhà khảo cổ học.

Các tác phẩm của anh được trưng bày ở nhiều nơi khác nhau như bộ Bunkers (được trưng bày năm 2005 tại Nhà Triển lãm Inax Gallery, Tokyo), Fatomes (2008/ Espase Japon, Paris), Torii (2008/Puffin Room, NY), Sunday Painter (2010/ Contemporary, Art Center, Art Tower Mito), Dusk/Dawn (2011/Nap Gallery, Tokyo). Anh cũng từng tham gia Chương trình nghệ sĩ cư trú tại: Cite International des Arts (2007-2008/ Paris), Tokyo wonder site Aoyama (2010-2011/Tokyo), Aomori Contemporary Art Center (2011-2012/ tỉnh Aomori, Nhật Bản).

Tác phẩm “Kết nối”, 51.5 x 72.8 cm, Motoyuki Shitamichi

Lời ghi chú của nghệ sĩ:

Vạn vật được sắp đặt trên đường phố là để băng qua những khoảng cách. Một con chip gỗ hay một hòn đá đều có thể chuyển mình trở thành một “cây cầu” khi chúng được đặt ở đó. Tôi mường tựa ra rằng, ở Hà Nội, khi mọi người trở về nhà bằng xe máy, họ đều phải băng qua những “cây cầu” như thế.

Chúng ta sống với sự tiếp thu từ những sự thay đổi nhanh chóng của những quang cảnh hàng ngày và những thành phố đang phát triển. Tôi nghĩ rằng những “cây cầu” này là những vật thể nhỏ nhoi nhất của những điều thiết yếu trong cuộc sống và là một trong những giao ước nhỏ nhất trong những cảnh quan như thế này.

Trong khi những kho tàng quý giá của nền lịch sử thế giới được trưng bày ở các viện bảo tàng, thì những dấu vết của cuộc sống đời thường quanh ta được sắp đặt trong triển lãm của tôi.

Là một nhiếp ảnh gia – Tôi hình dung thế giới này một lần nữa trong các tác phẩm của tôi. Tôi tin rằng đây là một hành động nhằm tạo ra một cái nhìn cụ thể hơn về những góc phố vô danh và ít được biết đến. Đây là cách tôi muốn liên hệ bản thân mình với thế giới một cách trực tiếp.

*

Mamoru Okuno

Mamoru Okuno

Sinh năm 1977, sống và làm việc tại Osaka, Nhật Bản.

Tốt nghiệp khoa Mỹ thuật (chuyên ngành ca nhạc biểu diễn), trường Cao Đẳng trực thuộc trường Đại học thành phố New York, Hoa Kỳ.

Sau một vài năm biểu diễn âm nhạc ngẫu hứng, đầu tiên là piano, sau đến những dụng cụ âm nhạc tự chế và âm nhạc điện tử ở Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới, Mamoru đã bắt đầu tiến hành một sê ri các tác phẩm nghệ thuật mang tên Etude for everyday life (xin được tạm dịch là Khúc luyện cho cuộc sống thường ngày) bắt đầu từ năm 2007.

Từ “etude” thường được sử dụng nhằm để chỉ một bản nhạc ngắn biểu đạt khả năng luyện tập nhất định cho những sáng tác âm nhạc trên các nhạc cụ. Tuy nhiên, sê ri Etude for everyday life của anh không được viết cho bất cứ nhạc cụ nào, mà để dành cho các vật thể quen thuộc hàng ngày như ống hút, bọc thực phẩm, nước đá, móc treo quần áo, mỳ ăn liền, siêu nước, lò vi sóng cũng như hoạt động thường nhật như mua sắm, ăn uống và dọn dẹp. Đầu tiên, mỗi bản “etude” này được thể hiện như một lời chỉ dẫn cho mọi người tự làm và nghe theo những âm thanh thường nhật, và thường được phát triển thành nhiều dạng khác nhau như biểu diễn, video và các tác phẩm sắp đặt.

Sê-ri Etude for everyday life được triển lãm và biểu diễn tại MOCA Taipei (Viện Bảo tàng nghệ thuật đương đại Đài Loan), Aomori Contemporary Art Center (Trung tâm nghệ thuật đương đại tỉnh Aomori, Nhật Bản), MUMOK (Viện Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại tại Viên, Áo), SCHELTEMA (Trung tâm triển lãm SCHELTEMA tại Leiden, Hà Lan), La Chambre Blanche (Viện Bảo tàng La Chambre Blanche tại Quebec, Canada), Diapason Gallery (Nhà triển lãm Diapason, thành phố New York, Hoa Kỳ), Yuka Contemporary (Trung tâm triển lãm nghệ thuật đương đại Yuka, Tokyo, Nhật Bản), B-312 (Nhà triển lãm B-312, Montreal, Tây Ban Nha) cũng như nhiều nơi khác. Vào năm 2010, anh đã dành vị trí quán quân trong Lễ hội thử nghiệm Tokyo: âm thanh, nghệ thuật và trình diễn được tổ chức bởi Tokyo Wonder Site.

Tác phẩm “Mamoru Okuno Khúc luyện số 11 mắc áo, thay đổi với một cây quạt”, 2011, mắc áo, giá treo quần áo, quạt điện, kích thước khác nhau, Mamoru Okuno.

Lời ghi chú của nghệ sĩ:

Khi tôi vừa đến Hà Nội, tôi đã bắt đầu ghi chép lại những âm thanh mà tôi bắt gặp. Ví dụ như, vào một ngày, khi tôi ngồi ở một quán cà phê gần Nhà thờ lớn, tôi nghe tiếng mọi người cắn hạt hướng dương. Những tiếng cắn lách tách, kết hợp với những lời bàn tán, trò chuyện của những người khác, lại tạo ra những nhịp điệu kỳ lạ với những âm thanh phát ra từ các phương tiện giao thông. Những ghi âm này chưa được hoàn thành, tuy nhiên, tôi luôn bắt đầu sáng tác các tác phẩm của mình dựa trên những sở thích như thế này.

Ngoài ra, về trực quan mà nói, tôi học được rất nhiều từ cách mà mọi người sống. Cách mà các chủ cửa hàng tự trưng bày sản phẩm của mình lên những giá để hàng hay cách mà mọi người phơi quần áo, cách mọi người nấu ăn và bày biện thức ăn trên bàn và còn nhiều nữa. Bạn sẽ tìm thấy ở họ sự hài hước, sự nhạy cảm về không gian và những ý tưởng thực sự bất ngờ.

Từ nguồn cảm hứng qua việc quan sát cách mọi người sống, tôi hy vọng rằng các tác phẩm của tôi cũng sẽ nhấn mạnh thêm quan điểm sống của họ, cũng như góp phần giới thiệu một vài phương pháp mới bằng cách sử dụng những vật thể rất quen thuộc hàng ngày và tập trung sự chú ý vào những âm thanh mà chúng tạo ra.

*

Tuấn Mami

Tuấn Mami

Sinh năm 1981, sống và làm việc tại Hà Nội, Việt Nam
Tốt nghiệp khoa Sư phạm Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Ngoài việc sáng tác tranh sơn dầu, anh còn nỗ lực thử nghiệm rất nhiều các phương pháp nghệ thuật khác nhau, có thể kể đến như installation art (nghệ thuật sắp đặt), video art (một loại hình nghệ thuật được dựa trên những bức hình chuyển động cùng với sợ hỗ trợ của video và âm thanh), conceptual art (nghệ thuật ý tưởng hoặc nghệ thuật khái niệm) và performance art (nghệ thuật trình diễn). Anh đã từng tham gia vào nhiều sự kiện và triển lãm khác nhau cả trong nước và quốc tế như triển lãm tại Hà Nội va thành phố Hồ Chí Minh/ Việt Nam; Berlin, Munich/ Đức; Vienna/Áo; Thượng Hải/Trung Quốc; Singapore; Yangon/Myanmar; London/Anh. Anh cũng từng tham gia các trại sáng tác quốc tế như: Casino Luxembourg; Organhaus, Trùng Khánh; 934-Artspace, Côn Minh/Trung Quốc; Hooyong art center/Hàn Quốc; Tokyo Wonder Site tại Tokyo/Nhật Bản.

Điều làm anh quan tâm nhất là nhận thức sâu sắc về bản chất sự tồn tại của con người. Bởi vậy, anh luôn mong muốn khám phá bản thân mình, cũng như mối quan hệ phức tạp giữa cá nhân và xã hội thông qua việc thực hành nghệ thuật. Đối với anh, việc sáng tạo nghệ thuật cũng như hai mặt của một vấn đề. Thông qua việc sáng tác, anh luôn cố gắng phản hồi lại với những trạng thái hàng ngày của hiện tại, đồng thời đưa ra những gợi ý mang tính cá nhân nhằm thay đổi tình trạng đó. Các tác phẩm của anh còn là sự pha trộn giữa trí tưởng tượng và những suy nghĩ sâu sắc, giống như đường ranh giới giữa hiện thực và giấc mơ.

Tác phẩm “Tôn vinh cho giây phút hiện tại và tình yêu”, 2011, 9 x 13 cm, Tuấn Mami.

Lời ghi chú của nghệ sĩ:

Nghệ thuật giống như một trò chơi của sự chuyển hóa trong khái niệm về nhận thức sự vật hay sự tồn tại nhằm lý giải: Cái gì là bản chất của sự sống? Cái gì là bản chất của nghệ thuật? Và điều gì làm nên một tác phẩm nghệ thuật hay một người nghệ sỹ? Bản thân tôi cho rằng, hành vi thực hành nghệ thuật giống như cách thức bạn thách thức nhận thức của bản thân nhằm sáng tạo, bám theo và hướng tới những thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống ngày nay. Tôi thích thử thách bản thân mình để nhìn sự việc trên những khía cạnh khác nhau và tìm ra mối quan hệ giữa cuộc sống và nghệ thuật.

Bằng phương pháp hoán đổi và gắn kết mọi người vào trong những quá trình tạo ra một tác phẩm, như trong chuỗi tác phẩm “Tôn vinh cho giây phút hiện tại và tình yêu”. Tôi giấu đi vai trò trung tâm của mình nhằm tạo ra những không gian cho người khác có cơ hội tham gia vào quá trình sáng tạo và đóng vai trò là nghệ sỹ. Trong dự án: “Tôn vinh cho giây phút hiện tại và tình yêu” đang được thực hiện tại Hà Nội trong tháng 10.2011. Tôi muốn khơi gợi những cảm xúc khác nhau trong đời sống hàng ngày, những thứ dường như luôn tồn tại nhưng có thể được nhận thức hoặc bỏ quên. Dự án khởi nguồn từ cảm giác mong manh của cuộc sống, của giây phút hiện hữu, của sự tan vỡ và biến mất bên trong mối quan hệ giữa người với người, giữa hành vi với hành vi và cảm xúc với cảm xúc…

*

Thông tin triển lãm

Thời gian:  Thứ 7 ngày 29 tháng 10 – Chủ Nhật ngày 20 tháng 11 năm 2011
Giờ mở cửa: 9:30 – 18:00 (mở cửa cả vào thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ)
Địa điểm:  Phòng triển lãm và khuôn viên ngoài trời
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Khai mạc:  18:00 – Thứ 6 ngày 28 tháng 10 năm 2011

Triển lãm bao gồm:
◆ Phần trình diễn khai mạc của nghệ sĩ Tuấn Mami

Buổi thuyết trình 19:00 – 20:30 Thứ 6 ngày 4 tháng 11 năm 2011 của các nghệ sĩ
Tại: Nhà sàn Studio, 462 Đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội

Buổi trò chuyện với nghệ sĩ: NOWHERE. Với sự tham gia của: Motoyuki Shitamichi, Mamoru Okuno, Tuấn Mami, Hiroyuki Hattori (Giám tuyển, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Aomori)

(* Cùng với phiên dịch Nhật – Việt)

 

*

Bài liên quan:

– NOWHERE – Đến xem để mà tranh luận tiếp
– Khai mạc NOWHERE – phần 1: Hai tác giả Nhật

– NOWHERE – Và đây là Tuấn Mami

Ý kiến - Thảo luận

0:20 Monday,31.10.2011 Đăng bởi:  Trần Lương
He He! Bạn Thúy Vũ nói như đài nhà nước ấy! không cần "bất cứ thứ gì" như bạn nói, chỉ cần bạn lấy bât kì 3 vật trong đời sống và cố "gượng ép nhồi nhét" vào "ý nghĩ (?) biểu tượng" xem có tương tự không. Và dù thế nào thì sau thể nghiệm này bạn sẽ tiếp tục thể nghiệm mà không nói như đài nữa đâu. Thử đi hãy phản ứng nhé ! Cảm ơn !
...xem tiếp
0:20 Monday,31.10.2011 Đăng bởi:  Trần Lương
He He! Bạn Thúy Vũ nói như đài nhà nước ấy! không cần "bất cứ thứ gì" như bạn nói, chỉ cần bạn lấy bât kì 3 vật trong đời sống và cố "gượng ép nhồi nhét" vào "ý nghĩ (?) biểu tượng" xem có tương tự không. Và dù thế nào thì sau thể nghiệm này bạn sẽ tiếp tục thể nghiệm mà không nói như đài nữa đâu. Thử đi hãy phản ứng nhé ! Cảm ơn ! 
11:27 Sunday,30.10.2011 Đăng bởi:  Thủy Vũ
Anh Trần Lương ơi, đọc phần diễn giải tôi thấy đúng là một sự gượng ép, nhồi nhét. Nếu cái cầu có từng ấy ý nghĩ biểu tượng thì bất cứ thứ gì trên đời cũng có thể có ý nghĩ biểu tượng tương tự như thế.
...xem tiếp
11:27 Sunday,30.10.2011 Đăng bởi:  Thủy Vũ
Anh Trần Lương ơi, đọc phần diễn giải tôi thấy đúng là một sự gượng ép, nhồi nhét. Nếu cái cầu có từng ấy ý nghĩ biểu tượng thì bất cứ thứ gì trên đời cũng có thể có ý nghĩ biểu tượng tương tự như thế.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả