Gẫm & Bình

Nguyễn Thái Tuấn: Màu của tâm trạng 15. 11. 11 - 7:08 am

Lý Đợi

Bài viết trong lúc triển lãm “Sự thiếu vắng tràn đầy” đang diễn ra tại Sàn Art (3 Mê Linh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khai mạc tối 10. 11. 2011 và kéo dài hơn 1 tháng.

Không đề #13 - Acrylic và sơn dầu trên vải, 170 x 150cm, 2003

 

Quan sát gián tiếp tranh của Nguyễn Thái Tuấn từ khoảng năm 2000 đến nay, tôi nghĩ đây là họa sĩ có ý thức trong việc lập ý và lập ngôn, muốn xác lập một đường hướng cụ thể về nhận thức, thái độ, biểu đạt… nên không dễ dàng gì để viết vài dòng là đủ, đặt vài câu hỏi hay nói vòng vo vài ý là xong.

Tôi gặp Nguyễn Thái Tuấn lần đầu qua một email rất ngắn vào khoảng tháng 8. 2011; nói chuyện qua điện thoại 2 lần trong tháng 9 và 10. 2011 – mỗi lần khoảng 1 phút; gặp nhau một lần tại quán cà phê ở Sài Gòn với vài người bạn khác sau buổi khai mạc 2 ngày, ngồi với nhau khoảng 1 tiếng… Có thể nói là rất sơ giao, nên bài viết này hoàn toàn dựa vào chủ ý cá nhân.

1.
Với một bối cảnh hội họa hiện đại và đương đại thuộc vùng biên, chậm phát triển như Việt Nam thì việc ảnh hưởng đây đó là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là mỗi nghệ sĩ phải tạo ra được thế giới hay sinh quyển (dù nhỏ dù to) của mình, để qua đó, người xem, nếu đồng cảm thì có thể “nhập vào” sống cùng hay chia sẻ, phản biện này nọ. Tôi cho rằng Nguyễn Thái Tuấn đã tạo ra được sinh quyển như thế, nên cần được lưu tâm. Tôi sẽ trở lại ý này trong các ghi chú dưới đây.

Trong kinh nghiệm hạn hẹp của mình, tôi chưa tìm thấy một họa sĩ nào của Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay mà không bị ảnh hưởng ít, hoặc nhiều. Nên tôi sẽ không bàn cách vẽ của Nguyễn Thái Tuấn hiện nay là trước hoặc sau ai đó, giống hoặc không giống ai đó – tôi chỉ bàn đến chuyện này khi mà họa sĩ không có thế giới riêng, không còn chuyện gì để nói.

Nhân đây, rất mong ai đó biết một hai họa sĩ “biệt lệ” và “sạch sẽ” trọn vẹn thì chỉ ra giúp, hầu mong khai thông cho những người xem tranh còn u mê như tôi thấy được chất “tinh anh”, “độc sáng” của hội họa Việt Nam. Cá nhân tôi thì vẫn nghĩ rằng, nếu có thể làm tốt người học trò ngoan, học trò giỏi… dù có chịu ảnh hưởng của thầy, của bạn… về motif thì cũng đã quá khó với hội họa Việt Nam, nơi mà cái gì cũng tỏ ra biết nửa vời, học nửa vời và làm nửa vời. Đó là chưa nói đến nạn tranh chép, tranh nhái, tranh giả và tranh gian… đang hủy hoại phẩm giá của cả nền nghệ thuật.

Tôi nghĩ nghệ thuật Việt Nam nói chung – mà hội họa là một bộ phận nổi trội vì đang dính rất nhiều đến chuyện mua bán, rất dễ thị phi, ghen tức – đang cần thật/giả hơn là mới/cũ, đẹp/xấu, đúng/sai… Một nền nghệ thuật mà cứ giả giả, không vươn đến được sự thật, thì khoan hãy nói đến những điều gì khác.

Không đề #32. Acrylic và sơn dầu trên canvas, 170 x 150cm. Vẽ năm 2005

2.
Như đã nhiều lần đề cập hoặc thắc mắc: Tại sao hội họa Việt Nam lại ngại dùng đến lý tính? phần nhiều câu trả lời mà tôi nhận được qua phỏng vấn là theo hướng nói quanh co; hoặc đùn đẩy trách nhiệm: “Đó là chuyện của văn học, còn hội họa chỉ lo chuyện cảm tính và cảm xúc mà thôi”.

Tôi nghĩ rằng Nguyễn Thái Tuấn (đặc biệt qua loạt Tranh đen) thuộc nhóm ít những họa sĩ Việt Nam dùng đến lý tính và lý trí trong việc tạo lập ý niệm và biểu đạt tác phẩm. Nói nôm na như nhiều họa sĩ là tôi đã “vắt kiệt cảm xúc” để cho vào tác phẩm, thì Nguyễn Thái Tuấn đã khá vất vả với việc “dùng trí não” để lập ý và lập ngôn qua ngôn ngữ hội họa giá vẽ. Hay nói hình tượng hơn, trong khi nhiều họa sĩ dùng “trái tim” để vẽ thì Nguyễn Thái Tuấn dùng đến “cái đầu nhận thức” của mình.

Nhiều tác phẩm trong loạt Tranh đen (hàng trăm bức) là một sự tỏ bày thái độ sống, là cách ghi chép lịch sử, là tiếng nói phản tư và phản biệt của người trí thức… Chính vì vậy, mà có thể nói không ngoa, sau vài chục năm nữa, những tác phẩm này chính là ký ức của thời đại, của lịch sử.

Tranh đen số 17, 89x130cm, 2008

Xin nói rộng hơn một chút, có những quan điểm cực đoan đã cho rằng hội họa Việt Nam không có lịch sử rõ ràng, vì qua mỗi thời đại, tiếng nói và sự ghi chép của người họa sĩ quá mờ nhạt, trong khi sức sáng tạo và sự phát kiến ra các phong cách, trường phái thì càng mờ nhạt hơn. Trong khi ai cũng biết rằng, nếu không nắm vững lịch sử thì khó mà làm được cách mạng, dù là cách mạng trong nghệ thuật. Tôi thì cho rằng, vì chạy theo cảm xúc đơn thuần (vốn có nhiều tương đồng về rung động), nên phần nhiều hội họa Việt Nam không có ký ức.

Những quan điểm ít cực đoan hơn thì cho rằng lịch sử hội họa Việt Nam là lịch sử của tranh ký họa, đặc biệt là các ký họa kháng chiến, lao động và sinh hoạt thường nhật… Nhưng khổ nỗi, không phải ai cũng công nhận đây là tác phẩm; không phải họa sĩ nào cũng ký họa trung thực, dám đứng ngoài sự chi phối của tuyên truyền; đó là còn chưa nói những ký họa “ký lùi năm”, “ký họa tưởng tượng”… nhằm bán cho các nhà sưu tập ham hố. Tất cả điều này làm cho lịch sử bị bóp méo rất nhiều.

Các bạn hãy tìm trên mạng, nhìn lại loạt Tranh đen của Thái Tuấn, xem anh đã ghi chép những điều gì về thời của mình đang sống? Hai ba mươi năm nữa, đây có phải là một mảng ký ức của thời này hay không?

Tranh đen #62. 110x130cm, 2009

 

3.
Thái Tuấn là họa sĩ cố gắng dùng màu để diễn tả cho được cái tâm trạng chán chường, ngán ngẩm và đầy mỉa mai về không gian sống. Các nhân vật trong tranh của Nguyễn Thái Tuấn không đơn thuần là cái cớ tạo hình, tạo bố cục để phô diễn màu sắc, đường nét; nó cũng không đơn giản là cách để trang trí, làm đẹp… Trong sự tiết chế về màu với chủ đích rõ ràng (không dùng màu nguyên), tác phẩm là cách để bày tỏ ý niệm về thời cuộc – một cảm thức xuyên suốt qua gần hai thập niên cầm cọ.

Untitled, sơn dầu trên bố, 81x155cm, vẽ năm 1996

Tranh đen số 87, sơn dầu trên bố, 81x60cm, vẽ năm 2009

Thử nhìn qua nhìn lại mà xem, trong các thế hệ họa sĩ 6X, 7X, 8X (tạm gọi sau Đổi mới) tại Việt Nam, có mấy người dám “trực chỉ nhân tâm” để lập ngôn như Nguyễn Thái Tuấn!? Trong nghệ thuật ngày nay, việc tạo ra con đường độc đạo là điều không thể, nên những tiếng nói bày tỏ được ý niệm và thuộc nhóm thiểu số về thẩm mỹ như Nguyễn Thái Tuấn là điều cần ủng hộ. Bởi không khéo, hội họa Việt Nam được và bị đồng nghĩa với chỉ hai chữ “trang trí”.

Mà hai chữ “trang trí” thì đã ăn sâu vào tâm thức của giới mỹ thuật Việt Nam từ lâu và thành cách nghĩ đại trà, khó dứt bỏ được. Bởi từ khi người Pháp lập trường mỹ thuật ở Bình Dương (năm 1901 – có tên Trường Mỹ thuật đồ mộc Thủ Dầu Một), Biên Hòa (năm 1903 – thường gọi Trường Bá nghệ Biên Hòa, hay Trường Nghệ thuật và Kỹ nghệ Biên Hòa; Trường Mỹ nghệ Biên Hòa), Gia Định (năm 1913 – có tên Trường Dạy vẽ (Ecole de Dessin), thường gọi Trường Vẽ Gia Định), hay Hà Nội (năm 1925 – Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương)… chủ đích ngầm của họ là tạo ra thợ trang trí, chứ không phải tạo nghệ sĩ sáng tạo độc lập. Cái “tâm thức” hội họa chỉ là làm đẹp (theo hướng trang trí), đúng hơn đèm đẹp, mà vô can với thời đại mình đang sống vẫn đeo bám và chi phối các họa sĩ Việt Nam đến tận hôm nay. Không tin, thử giở giáo trình lý luận về mỹ thuật hiện nay ra mà xem!

Tranh đen #26, 100x81, 2008


4.
Cuối cùng, xin mượn ý từ kinh Vệ Đà: “Không có gì mới dưới mặt trời này” hay tiểu luận Make It New (1935) của thi sĩ Ezra Pound (1885–1972), hay tiêu chí viết kịch bản của Hollywood “không có viết mới, chỉ có viết lại”… để hiểu về hai chữ “tái tạo”, nghĩa là không thể làm mới hoàn toàn. Tôi nghĩ rằng tranh của hai người cùng thời là chị Liên Trương và anh Nguyễn Thái Tuấn đang ở trạng thái “tái tạo” những ý niệm đã có trước đó bằng nội giới của mình, nhưng họ đã chạm đến thế giới riêng, nên thật khó để phán xét này nọ. Hơn nữa, trong bối cảnh sống được chi phối bởi tinh thần “giải trung tâm”, “giải mẫu mực” của hậu hiện đại, nơi mà ai cũng có thể mở miệng nói “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa”…, thì việc “tư duy toàn cầu, hành động địa phương” đâu có gì là lạ.

Đây là khởi thảo của bài viết về thế giới hội họa Nguyễn Thái Tuấn, nên rất có thể trong các phiên bản công bố sau này sẽ có những sửa chữa, thêm bớt.


La Hán Phòng, 14. 11. 2011

 

*

Bài liên quan:

– 10. 11: SỰ THIẾU VẮNG TRÀN ĐẦY
– Tại Sàn Art: Không thiếu vắng mà tràn đầy

– Nhân bàn tranh Thái Tuấn, giới thiệu tranh LIÊN TRƯƠNG

– Nguyễn Thái Tuấn: Màu của tâm trạng
– Đầu tôi, đầu cô, đầu chúng ta

– Sàn Art gửi SOI

– Về tranh Nguyễn Thái Tuấn: Cần câu trả lời trực tiếp từ chính họa sĩ
– Thêm một bênh vực cho Nguyễn Thái Tuấn

– Bênh vực họa sĩ hay lập luận kiểu thảo khấu?

– Lại bênh vực Nguyễn Thái Tuấn

Ý kiến - Thảo luận

21:28 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn – Lý Đợi nợ…
Bạn Lý Đợi ơi! Đọc giả của Soi đang còn nhớ Lý Đợi hứa viết bài về vấn đề tranh của Nguyễn Thái Tuấn, đăng ở đâu đó đấy nhé, khi nào có bài đó Lý Đợi cho một cái địa chỉ lên Soi nhé, bà con vẫn đang chờ đọc ... rất mong.
...xem tiếp
21:28 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Sơn – Lý Đợi nợ…
Bạn Lý Đợi ơi! Đọc giả của Soi đang còn nhớ Lý Đợi hứa viết bài về vấn đề tranh của Nguyễn Thái Tuấn, đăng ở đâu đó đấy nhé, khi nào có bài đó Lý Đợi cho một cái địa chỉ lên Soi nhé, bà con vẫn đang chờ đọc ... rất mong. 
19:15 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Phiền hà quá nhưng vẫn phải nhờ Soi:

Nhờ Soi đính chính hộ luôn 2 chỗ trong bài viết của bác Lý Đợi không thì khổ cho cố hoạ sĩ Thái Tuấn quá (như chính bác Đợi nhắc mọi người lưu ý khi còm đừng quên phân biệt anh NGUYỄN của chúng ta cơ mờ):

2 đoạn í là:

"...Các bạn hãy tìm trên mạng, nhìn lại loạt Tranh đen của Thái Tuấn, xem anh đã ghi chép những điề
...xem tiếp
19:15 Tuesday,22.11.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Phiền hà quá nhưng vẫn phải nhờ Soi:

Nhờ Soi đính chính hộ luôn 2 chỗ trong bài viết của bác Lý Đợi không thì khổ cho cố hoạ sĩ Thái Tuấn quá (như chính bác Đợi nhắc mọi người lưu ý khi còm đừng quên phân biệt anh NGUYỄN của chúng ta cơ mờ):

2 đoạn í là:

"...Các bạn hãy tìm trên mạng, nhìn lại loạt Tranh đen của Thái Tuấn, xem anh đã ghi chép những điều gì về thời của mình đang sống? Hai ba mươi năm nữa, đây có phải là một mảng ký ức của thời này hay không?..."

Và:

"...Thái Tuấn là họa sĩ cố gắng dùng màu để diễn tả cho được cái tâm trạng chán chường, ngán ngẩm và đầy mỉa mai về không gian sống..."

Cám ơn Soi ạ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả