Tin tức

Tin-ảnh: Khỏa thân vẽ hổ, xé sách làm đèn, và tin triển lãm khác 08. 01. 12 - 7:19 am

Hữu Khoa tổng hợp

ST. PETERSBURG – Một phụ nữ đi trong mưa tuyết ở St.Petersburg, Nga, thứ Ba, hôm 3. 1. 2012, ngang một bức tranh tường vẽ trên một hàng rào. Vào những ngày đầu năm này, thế giới lạnh ngắt. Tại St. Petersburg, nhiệt độ xuống tới -3 độ C. Ảnh: Dmitry Lovetsky.

 

PHÚC CHÂU – Một tác phẩm “body painting 3D” vẽ trên lưng ba người mẫu Trung Quốc, trong một cuộc vận động kêu gọi bảo vệ thú hoang dã, diễn ra tại Phúc Châu – thủ phủ của Phúc Kiến. Xét đến thời tiết lạnh ngắt thế này, những người mẫu quả là đã rất hy sinh cho nghệ thuật. Ảnh: Zheng Shuai.

 

Còn đây là một dạng hy sinh cho nghệ thuật khác: Hy sinh sách để làm nghệ thuật. Trong ảnh: “Circulation” của Lisa Occhipinti, được thực hiện bằng cách cột những bộ sách đã bị thời gian và thời tiết làm hư hại lại với nhau, thành một tác phẩm mang tính điêu khắc. Ảnh: Lisa Occhipinti.

 

Lisa Occhipinti là người hay dùng sách cũ, sách hỏng, thường là tiểu thuyết in đầu những năm 1920 để biến thành những món đồ vật. Trong ảnh là một chiếc đèn bàn với đế làm từ sách. Có thể nói Lisa là kẻ thù của những người chơi sách. SOI sẽ post sớm một bài phỏng vấn tác giả này phục vụ các bạn.

 

GENEVA – Trong số sách mà Lisa Occhipinti dùng để làm tác phẩm, chắc chắn không có cuốn nào của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Trong ảnh là bức tượng Rousseau, chụp hôm 3. 1. 2012. Ông là triết gia, nhà văn, sinh tại Geneva, Thụy Sĩ, tác giả của “Bàn về khế ước xã hội”. Tại Geneva, 2012 (đúng 300 năm ngày ông ra đời) được coi là năm của Jean-Jacques Rousseau. Ảnh: Salvatore Di Nolfi

 

4. 1. 2012 vừa qua là sinh nhật của điêu khắc gia người Đức Wilhelm Lehmbruck (4. 1. 1881 – 25. 3. 1919). Các tác phẩm của Lehmbruck chủ yếu tập trung vào cơ thể con người và chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Tự Nhiên và trường phái Biểu hiện. Trong ảnh là tác phẩm “Der Gestürzte“ (thực hiện khoảng 1915/16).

 

Tượng Lehmbruck, trong đó nhiều tượng nữ khỏa thân, nổi bật bởi một vẻ buồn bã, với hình dạng được kéo dài ra, rất gần với kiến trúc Gothic. Các bảo tàng lớn trên thế giới đều sưu tập tác phẩm của ông. Trong ảnh là tượng “Người đàn bà quỳ” – một kiệt tác của Lehmbruck. Bức tượng vừa kỷ niệm 100 năm tuổi vào 2011.

 

FRANKFURT – Một triển lãm diễn ra tới 29. 1. 2012 tại Schirn, giới thiệu những thành tựu chính của hai vợ chồng nghệ sĩ Edward Kienholz và Nancy Reddin Kienholz, từ những tác phẩm nho nhỏ thời kỳ đầu, tới những tác phẩm ý niệm lớn, choán cả một phòng triển lãm.

 

FRANKFURT – Ngay từ giữa những năm 1950, cái tên Kienholz đã gây bao tranh cãi vì những tác phẩm đầy khiêu khích, nổi loạn và cực đoan. Các tác phẩm của gia đình Kienholz có thể chia thành hai nhóm: nhóm tác phẩm do một mình Edward Kienholz thực hiện, và sau đó, từ 1972 trở đi, nhóm tác phẩm có sự hợp tác với vợ ông, Nancy Reddin Kienholz.

 

MINSK – Càng ngày người ta càng có vẻ chuộng các tác phẩm ba chiều. Các triển lãm điêu khắc, sắp đặt ngày càng nở rộ. Trong ảnh, một bé ngắm tác phẩm “A bat” (Một con dơi) của điêu khắc gia người Belarus Nikolai Bairachyi tại triển lãm ở thành phố Minsk, Belarus, hôm thứ Ba, ngày 3. 1. 2012. Ảnh: Sergei Grits

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả