Soi học

Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 8): Kết cục lãng nhách của bậc thầy độc dược 31. 05. 15 - 7:21 am

Pha Lê

(Tiếp theo phần trước)

Nếu hỏi vì sao Medea nổi tiếng đến thế, câu trả lời là vì nhà biên kịch lỗi lạc của đất nước Hy Lạp cổ – ông Euripides – đã viết một tác phẩm về nàng vào năm 431 trước Công Nguyên.
 

Tượng Euripides, bản gốc hoàn thành khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, hiện không rõ tung tích. Trong hình là bản người La Mã copy lại theo bản gốc.

Vở kịch Medea bắt đầu sau khi Jason và công chúa độc dược rời xứ Iolcus, tức quê hương của Jason, để đến thành phố Corinth sinh sống. Jason và Medea cưới nhau tại Corinth. Chân dài sau đó hạ sinh hai cậu con trai và họ sống với nhau hạnh phúc trong 10 năm.

Xã hội Hy Lạp cổ đặt ra nhiều bộ luật mà gần như chúng ta vẫn còn sử dụng cho tới ngày nay (tất nhiên ta có sửa đổi đôi chút cho nó phù hợp hơn). Một trong những luật đó là quyền công dân: người của thành phố nào sẽ có quyền bầu cử, hưởng phúc lợi xã hội của thành phố đó. Dân nhập cư có quyền làm việc tại thành phố, nhưng họ phải sống với tư cách của một công dân hạng 2, quyền lợi của họ – dù có – sẽ không được ưu đãi như người bản xứ.

Luật này gần giống với luật lao động dành cho người nước ngoài của các quốc gia. Người hiện đại chắc sẽ thấy hơi kỳ do Corinth, Athen, hay Iolcus đều thuộc nước Hy Lạp xưa, có phải xa lạ đâu mà phải phân biệt thành phố này với thành phố kia. Khổ nỗi cái thời ấy đi lại vô cùng khó khăn, không đường nhựa phẳng phiu, không ô-tô, tàu điện, máy bay… nên đi từ thành phố này sang thành phố khác còn nhiêu khê hơn cả việc đi du lịch nước ngoài thời bây giờ. Người Hy Lạp xưa gần như chẳng ra khỏi thành phố mình sống, nên mỗi thành phố ra luật riêng cho công dân để tiện quản lý. Ai quá nghèo hay lâm vô cảnh khó nói, bắt buộc phải nhập cư đến nơi khác kiếm chỗ trú thân hoặc kế sinh nhai, thì đành chịu phận công dân hạng 2 vậy.

Euripides không nhắc nhiều đến chi tiết này do ông sống ở thời đại ấy, và luật công dân thành phố thì lúc đó người nào cũng biết rồi nên nhắc lại làm gì. Còn người hiện đại có thể hơi lúng túng khi đọc vở kịch vì họ chẳng hiểu tại sao sống với nhau 10 năm rồi mà cặp đôi Jason/Medea lại lục đục. Tất cả chỉ vì họ đến Corinth với tư cách của công dân hạng 2. Medea phản bội gia đình để giúp Jason nên nàng chẳng còn đường về, Jason vì một mực đòi giết vua Pelias để trả thù nên anh cũng không thể sống ở quê hương Iolcus nữa. Vua Creon – người cai trị xứ Corinth lúc ấy – phục chiến công của đoàn Argonauts nên giang tay đón cặp đôi, cho phép họ sinh sống ở thành phố, nhưng theo luật thì cả hai vẫn là người nhập cư. Medea không quan tâm lắm tới chuyện này, nàng chỉ cần sống bình dị với chồng và nuôi con tốt. Nhưng Jason lại khác, người hùng muốn có quyền lực, muốn trở thành công dân chính thức để sống sung sướng hơn. Bởi vậy khi vua Creon xúi Jason bỏ Medea để cưới con gái ông – công chúa Glauce – Jason hí hửng đồng ý ngay.
 

“Jason thề sẽ mãi yêu thương Medea”, Jean Francois de Troy, 1742. Jason bụng phệ mặc giáp đang ôm ấp Medea, nom tình cảm tợn. Trên góc trái còn có Cupid lượn lờ để tăng phần nồng thắm. Nhưng thề gì thì vẫn là lời thề của đàn ông, thứ chỉ đáng tin ngang ngửa cổ phiếu: ôm vào người là hồi hộp chẳng biết bao giờ nó xuống giá.

Medea ức lắm, nhưng nếu hành xử theo đúng luật Hy Lạp thì nàng chẳng làm gì được. Người thời ấy có câu “Thà ra trận 3 lần còn hơn sinh con 1 lần”: tức thà làm đàn ông, có chết ngoài chiến trường vẫn sẽ trở thành anh hùng, chứ phụ nữ chết vì sinh đẻ là chồng đi lấy cô khác (với y học thời ấy, chết do sinh con xảy ra như cơm bữa).

Phụ nữ Hy Lạp lấy chồng là trở thành vật sở hữu của chồng, không được ra ngoài, không được tiếp khách nếu chồng chưa cho phép. Ngôi nhà của một gia đình Hy Lạp trung lưu sẽ có khu vực riêng cho phụ nữ, thường nằm ở góc khuất trên lầu hòng tránh tiếp xúc với người lạ. Trong khi đó, khu vực của các ông sẽ nằm ở tầng trệt, thuận tiện để bạn bè chạy qua chạy lại viếng thăm, nói chuyện xã giao.
 

Cấu trúc của ngôi nhà Hy Lạp thời xưa. Khu vực cho phụ nữ có tên Gynaeceum, đây là nơi các cô ngồi thêu thùa, may vá, tính sổ sách. Gynaeceum thường nằm trên lầu để tránh khách vãng lai hoặc các anh chạy việc (người chuyên đi đến nhà này nhà kia thông báo tin tức hoặc giao đồ). Andron là khu vực của đàn ông, thường nằm ở tầng trệt, nơi bạn bè của các ông thoải mái chạy tới đàm đạo, bàn chuyện thế sự. Nhà có bếp nhưng các cô thường không xuống đấy, gia đình Hy Lạp trung lưu sẽ có nô lệ và các cô chỉ việc điều động nô lệ làm, chứ bén mảng xuống sẽ giáp mặt nhiều người, chồng không thích.

 

Cận cảnh Andron – khu vực của đàn ông. Ngoài tụ tập bàn chuyện, làm thơ văn, ngẫm về triết… đây còn là chỗ các ông có thể uống rượu thoải mái (như kiểu phòng nhậu tại gia). Nhà nào giàu thì Andron sẽ đủ rộng để mấy ông đem nam tình nhân trẻ về huấn luyện dạy dỗ.

Lấy chồng thì bị nhốt ở một góc, còn chẳng may bị chồng bỏ thì còn chán hơn. Đàn ông Hy Lạp có thể bỏ vợ mà không cần nêu lý do hay ra tòa. Họ chỉ phải trả lại số tiền hồi môn cho gia đình vợ. Khổ cho Medea, nàng phản bội gia đình để giúp Jason đạt mục tiêu, nên khi cưới Jason nàng chẳng có tiền hồi môn gì. Theo luật, Jason có thể vứt Medea ra khỏi nhà dễ dàng, và người hùng đã làm vậy thật.

Medea gào lên, nàng đã hy sinh tất cả vì Jason, đã giết anh ruột và chặt xác anh quẳng xuống biển, sau đó giết luôn vua Pelias theo ý Jason. Người hùng nghe vậy thì trả lời tỉnh bơ rằng cô trúng tên Cupid nên yêu tôi chứ tôi đâu có nghĩa vụ phải yêu lại cô.

Đến lúc đó, bản năng phù thủy độc dược của Medea trỗi dậy.
 

“Medea”, Anthony Frederick Augustus Sandys, 1868. Chân dài độc dược trong tác phẩm này đang pha chế món gì đó kinh khủng với vẻ mặt vừa đau khổ vừa uất giận. Nền tranh có vẽ con tàu Argo và cái cây treo bộ lông cừu vàng, ý nói Jason hoàn thành được nhiệm vụ lẫn trở về an toàn là nhờ công Medea, thế mà người hùng lại vắt chanh bỏ vỏ.

Medea bặm môi, bảo rằng Jason thích thì lấy vợ mới để thành công dân Corinth đi. Nhưng Jason làm ơn giữ hai đứa con trai lại nuôi và giúp chúng sống sung túc chứ đừng vứt chúng đi với mẹ. Đổi lại, Medea may cho vợ mới của Jason bộ váy cưới để mặc trong ngày vui.

Jason đồng ý. Quả là ngốc vì chàng sống với chân dài phù thủy này những 10 năm, chứng kiến cảnh nàng chặt xác mà vẫn không biết thế nào là nghi ngờ lời đề nghị ngọt xớt của nàng.

Medea ung dung bôi thuốc độc đặc biệt vào bộ váy cô dâu. Công chúa Glauce mặc váy vào, tiến đến chú rể. Nhưng từ từ chất độc trên váy ngấm vào Glauce, chẳng bao lâu sau chiếc váy quấn chặt vào người nàng rồi bỗng dưng bắt lửa, khiến công chúa thành Corinth chết ngay tại chỗ. Vua cha Creon lao tới kéo chiếc váy ra để cứu con gái, nhưng tay ông chạm phải chất độc nên ông cũng mất mạng.

Jason nổi điên, chàng lùng tìm Medea để hỏi tội, nhưng vừa bắt gặp vợ cũ là Jason thấy cảnh Medea lôi mấy đứa con của hai người ra giết. Medea nguyền rủa rằng Jason sẽ chết một mình trong cô đơn, sau đó nàng dùng phép gọi rồng, ôm xác hai con rồi nhờ rồng chở đến Athen, nhất định không cho Jason chôn cất mấy cậu con trai.  

Chứng kiến cảnh vợ giết con ngay trước mặt mình, Jason đau khổ, không biết làm gì cả nên leo lên tàu Argo ngủ, mơ về thời oanh liệt xưa. Rủi thay, con tàu đã quá cũ nên nhiều phần đang hư hại nặng. Một thanh gỗ của tàu bị mục nên rơi ngay vào chỗ Jason đang nằm, giết chết người hùng ngay tắp lự.
 

“Medea nói lời từ biệt”, Anselm Feuerbach, 1870. Medea ôm hai con, vẻ mặt buồn bã vì nàng quyết định sẽ giết chúng. Bà quấn áo đen ngồi khóc bên cạnh chả biết là ai, nhưng chắc là hình tượng nói lên sự tiếc thương cho cái kết cục thảm khốc của gia đình Jason.

 

“Medea”, Henri Klagmann, 1868. Nàng công chúa xứ Colchis đang quấn khăn đen, chắc vì biết mình sắp phải để tang. Hai đứa bé còn sống nhưng chẳng còn bao lâu nữa. Jason ló mặt ra là chúng sẽ bị giết ngay.

 

Medea”, Eugene Delacroix, 1862. Chân dài độc dược trong tác phẩm này đang nhăm nhe con dao, chờ Jason đến để giết con trước mặt chàng.

 

“Medea giết Glauce”, John Downman, khoảng thế kỷ 18. Bức này vẽ xấu kinh, được mỗi cái có mặt công chúa Glauce và vua cha Creon (góc trái tranh, Glauce dường như đã hy sinh rồi). Xác đứa con trai nằm ngay chân Jason, còn Medea thì vừa gọi rồng để chuẩn bị đến Athen trốn.

Sao Medea lại nổi tiếng vậy trời? Công nhận Jason rất tệ với nàng, nhưng không ai vì thế lại đi giết con (dù lâu lâu báo chí có đăng tin cô nào đấy chuốc thuốc độc cho con rồi tự vẫn do ông chồng đi lăng nhăng). Thế nhưng Medea lại là hiện thân của người phụ nữ bị mất tất cả trong cái thế giới đã không cho họ thứ gì cả.

Đoạn hay nhất trong vở kịch của Euripides là đoạn Medea độc thoại về mình. Nàng nói rằng mình không muốn giết con – ai muốn đâu. Quan trọng nữa, nàng yêu con hơn Jason rất nhiều. Gì thì gì, Jason không hề đắn đo khi bỏ nàng đi cưới công chúa hòng nắm chức quyền, như vậy vừa ảnh hưởng đến hai đứa con trai vừa nguy hiểm, do mẹ kế của bọn nhỏ sẽ hành hạ chúng (thời đó là vậy, con trai của Jason với Medea là con cả, kiểu gì cũng sẽ được thừa kế nhiều hơn. Cô vợ mới chắc chắn sẽ tìm cách trừ khử con chồng để con mình được lợi về sau). Nếu Medea giết con, nàng sẽ là người khổ cả đời, còn Jason cùng lắm chỉ khổ trong thoáng chốc. Nhưng nếu không làm vậy thì nàng báo thù kiểu gì? Medea phản bội gia đình vì Jason, thay Jason giết vua. Bây giờ Jason vứt nàng ra ngoài đường như vậy, người như nàng liệu có thể ngồi chờ chết già trong khi Jason sống vui vẻ cùng vợ mới, các con trai sống chết ra sao chẳng cần quan tâm?

Và như vậy, vở Medea của Euripides trở thành vở chính kịch Hy Lạp cổ được lôi ra diễn nhiều nhất trong thế kỷ 20. Hiện giờ nó vẫn vô cùng phổ biến, lễ hội hay liên hoan kịch nổi tiếng nào của thế giới cũng thường có ít nhất một vở Medea (Liên hoan Fringe – tổ chức thường niên ở Edinburgh, Scotland – luôn có ít nhất 3 vở Medea, do 3 nhà hát kịch khác nhau dựng), một phần vì câu chuyện tình yêu, sự phản bội, và hành động báo thù của nó vẫn rất đương đại. Phần nữa là vì Medea nói lên cái bi kịch cùng cực của việc: nếu người phụ nữ chỉ là vật sở hữu của đàn ông, sống trong một xã hội không cho họ chút quyền lợi, tự do, hay chút hỗ trợ nào về mặt luật pháp, thì cách duy nhất họ có thể khiến kẻ đã phản bội mình đau khổ là làm cho bản thân họ… đau khổ hơn.

Nhưng tóm lại, đã là thần thoại là có phi lý, và muốn có bi kịch thì nhiều khi phải cố tình phi lý: Medea là thiên tài độc dược, sao không chế ra thứ độc dược gì làm cho chồng mê mình suốt đời, hoặc thứ gì đó mà cặp kia uống vào là chỉ muốn bỏ nhau?

Thế thì đã không có kịch, và cũng chẳng có tranh, nói làm gì nữa…

*

Jason và đội thám hiểm Argonauts:

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 1): Bi kịch mẹ kế và cừu chở quá tải

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 2): Người hùng mang một chiếc xăng-đan

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 3): Việc đầu tiên là giúp cả Nữ nhi quốc có bầu

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 4): Giết oan vua, mất Hylas, và đuổi quái điểu

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 5): Dùng bồ câu lừa đá, né cảnh nhạy cảm, gặp đúng con “ông lông cừu”

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 6): Khi chân dài độc dược yêu người hùng

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 7): Rùng mình chân dài giết người chặt xác vì tình nhân

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 8): Kết cục lãng nhách của bậc thầy độc dược

Ý kiến - Thảo luận

1:07 Wednesday,2.3.2016 Đăng bởi:  lila
Cảm ơn Soi, bài viết hay lắm!!
...xem tiếp
1:07 Wednesday,2.3.2016 Đăng bởi:  lila
Cảm ơn Soi, bài viết hay lắm!! 
13:07 Thursday,4.6.2015 Đăng bởi:  Briar
Hồi bé có cuốn Bộ lông cừu vàng của nxb Kim Đồng, đọc đến đoạn tàu Argo sụp xuống chôn vùi Jason "linh hồn của cuộc viễn du kỳ diệu" mà buồn não nề :'(

Á thần trong tt Hy Lạp cả đời lập nên bao nhiêu chiến công, lúc nào cũng có các vị thần đi theo giúp đủ mọi thứ, nhưng đến khi về già thì chết lãng xẹt như người trần mắt thịt, chả thấy thần nào ló
...xem tiếp
13:07 Thursday,4.6.2015 Đăng bởi:  Briar
Hồi bé có cuốn Bộ lông cừu vàng của nxb Kim Đồng, đọc đến đoạn tàu Argo sụp xuống chôn vùi Jason "linh hồn của cuộc viễn du kỳ diệu" mà buồn não nề :'(

Á thần trong tt Hy Lạp cả đời lập nên bao nhiêu chiến công, lúc nào cũng có các vị thần đi theo giúp đủ mọi thứ, nhưng đến khi về già thì chết lãng xẹt như người trần mắt thịt, chả thấy thần nào ló mặt ra cảnh báo cho một lời. Âu cũng là giới hạn của những kẻ chỉ mang 1 nửa dòng máu bất tử. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả