Tin-ảnh: Dính và không dính tới mỹ thuật
14. 01. 12 - 7:13 am
Hữu Khoa tổng hợp
LVIV – Năm mới đã đi được 10 ngày nhưng do trái lịch, có nơi trên thế giới giờ mới đón Giáng sinh. Trong ảnh: người dân Ukraine hát nhạc Giáng sinh trong lúc rước ngôi sao Bethlehem được trang trí bằng biểu tượng EURO 2012 trong một cuộc diễu hành ở trung tâm Lviv, Ukraine, hôm 8. 1. 2012. Những giáo dân người Ukraine ăn mừng Giáng sinh Chính thống giáo theo lịch Julian cũ, rơi vào ngày 7. 1. 2012. Thành phố Lviv ở phía Tây Ukraine cũng là một trong bốn thành phố của Ukraine đăng cai EURO 2012. Ảnh: Markilan Lyseiko.
TOKYO – Ở những nước theo đúng lịch, những nghi thức đầu năm mới vẫn tiếp diễn. Trong ảnh: những người tham gia lễ tắm băng trong một cuộc tắm tẩy trần mùa đông, hay lễ tắm gấu bắc cực kiểu Thần đạo tại đền Teppozu-Inari ở Tokyo, hôm 8. 1. 2012. Nhiều người cắn răng chịu lạnh nhảy xuống tắm đầu năm mới để cầu may. Ảnh: Kimimasa Mayama.
SYDNEY – Trong khi khắp nơi co ro thì Úc lại đang hè. Trong ảnh, một phụ nữ ăn mặc kiểu mùa hè đứng giữa một sắp đặt nghệ thuật có tên “Tangle” (Mớ lộn xộn), trong đêm khai mạc festival Sydney ở Hyde Park, Sydney, Úc, hôm 7. 1. 2012. Ảnh: Mick Tsikas.
PYONGYANG – Cuối 2011 và đầu 2012, trên bán đảo Triều Tiên có bao nhiêu là hy vọng và thất vọng. Ảnh chụp Đài kỷ niệm Ba Hiến chương Thống nhất Quốc gia, biểu tượng cho niềm hy vọng một ngày mai thống nhất hai miền Nam Bắc Triều, uốn vòm bắt ngang xa lộ vành đai Pyongyang, Triều Tiên. Cái chết của Kim Jong Il đã làm dấy lên niềm hy vọng ở Hàn Quốc rằng một đất nước thống nhất, duy nhất chẳng mấy chốc sẽ là hiện thực. Tuy nhiên, con trai ông lên nắm quyền nhanh quá và hung hăng quá, khiến hy vọng này tan biến. Ảnh: David Guttenfelder.
NEW YORK – Đầu năm, ảm đạm vẫn bao trùm phố Wall. Tượng bò mộng biểu tượng cho phố Wall được hàng rào bao quanh. Ba tháng trước, trong lúc phong trào Chiếm Phố Wall lên cao điểm, Sở Cảnh sát thành phố New York (NYPD) đã phải đặt hàng rào bảo vệ tượng, nay vẫn chưa buồn gỡ ra. Ảnh:Bebeto Matthews.
SAN SALVADOR – Về chuyện tác phẩm bị phá hỏng, phải kể đến sự kiện tuần qua ở Salvador. Trong ảnh: nghệ sĩ người Salvador, Fernando Llort, trưng một tấm hình chụp bức tranh tường trang trí mặt tiền nhà thờ San Salvador. Bức tranh đã bị chính nhà thờ lột bỏ tuần qua, sau 35 năm tồn tại. Llort, tác giả của bức tranh tường này, nói ông rất muốn vẽ lại, nhưng phải đợi nhà thờ yêu cầu đã. (Làm sao mà có được khi hội đồng nhà thờ đã quyết định sẽ thay bằng một bức tranh khác.) Ảnh: Roberto Escobar.
SAN SALVADOR – Nghệ sĩ người Salvador, Fernando Llort, phát biểu tại một cuộc phỏng vấn ở San Salvador, El Salvador. Năm 1977, Llort là người đã làm nên bức tranh tường trang trí mặt tiền nhà thờ San Salvador, nhưng tuần qua bức tranh đã bị nhà thờ lột bỏ mà không báo ông biết. Nghệ sĩ rất buồn. Đây là một tác phẩm được coi là quan trọng nhất đời ông. Ảnh: Roberto Escobar.
BERLIN – Nơi này đập bỏ. Nơi khác phục chế… Trong ảnh: người đứng đầu nhóm thực hiện mô hình, Pascal Lenhardt, đang làm việc trên một mô hình Tòa thị sảnh cũ của Berlin, tại trung tâm Legoland Discovery ở Potsdamer Platz, Berlin. Ảnh chụp hôm 3. 1. 2012. Mô hình có tỉ lệ 1/45 này được làm từ 400.000 khối lego, hoàn tất hôm 6. 1. 2012, trong lúc việc xây dựng lại địa điểm lịch sử này vẫn còn đang bị treo. Quả là một tác phẩm nghệ thuật! Ảnh: Sebastiankahnert.
LIMMEN – Trong khi đó, có những nơi vẫn bảo vệ được những thứ tưởng như mong manh nhất. Trong ảnh là vườn Hortus Bulborum nở hoa rực rỡ vào đầu năm. Khu vườn này thuộc bảo tàng tại làng Limmen, Hà Lan, cũng là khu vườn duy nhất trên thế giới mà bạn có thể tìm thấy 3.700 loại tulip, dạ hương, thủy tiên, và các loài hoa khác nhau. Nhiều loại thủy tiên ở đây có từ hồi 1595, tức cách đây 417 năm! Ảnh: Dean Fosdick.
Cái gì bảo vệ được càng lâu thì giá càng cao. Trong ảnh: một con thiên nga Mỹ trong ấn bản đầu tiên cực hiếm của bộ “Điểu cầm Mỹ”, tác giả John James Audubon. Được coi là tuyệt tác của nghệ thuật điểu cầm học, bộ sách gồm 4 tập này có hơn 400 tranh kẽm khắc bằng tay, thể hiện tất cả những loài chim Bắc Mỹ mà Audubon biết được vào đầu thế kỷ 19. Bộ sách này cao tới 1m, vì ước muốn của Audubon là thể hiện các loài chim bằng đúng kích thước thật của chúng, trong môi trường tự nhiên. Nhà Christie’s cho biết bộ sách này có giá từ 7 -10 triệu USD, sẽ được đem đấu giá vào ngày 20. 1. 2012 tới. Ảnh: Christie’s.
SAN CLEMENTE – Cuối cùng, một tin tuy có tranh pháo kèm theo đây nhưng lại không liên quan gì đến nghệ thuật. Trong ảnh: Minka Disbrow, 100 tuổi, đứng cạnh chân dung bà do họa sỹ Hyatt Moore vẽ, được treo tại Heritage Christian Fellowship ở San Clemente, California. Disbrow, người bị hiếp vào năm 16 tuổi, năm 2006 đã gặp lại được đứa con gái bà hạ sinh 77 năm trước cùng 6 đứa cháu ngoại bà chưa từng biết bao giờ. Ảnh: Ana Venegas.