Bàn luận

Đầu tiên thấy buồn cười. Kế là thấy thum thủm. 21. 01. 13 - 8:11 am

Người xem Hà Nội

Thời gian gần đây, thiên hạ tức giận, rồi chả nhẽ cứ tức giận mãi khi thấy hết nghị định này, thông tư kia, luật nọ liên tiếp ra đời. Có người ngẫm nghĩ rồi bật cười: hay là các nhà quản lý đang chơi trò “đùa dai”. Liệt kê ra đây thì nhiều lắm. Từ việc quy định đi xe máy phải có vòng ngực bao nhiêu, áo được hở bao nhiêu phần trăm, quần được trễ mấy phân khi lên sân khấu, rồi chứng minh thư phải ghi tên bố mẹ, rồi ăn cưới bao nhiêu mâm, đám tang bao nhiêu vòng hoa, không uống rượu trong phòng hát Karaoke, đi xe chính chủ, không để kính lên nóc quan tài để nhìn người thân lần cuối v.v.

Mà không đùa đâu nhé. Ai tưởng họ “đùa dai” thì đừng có mà tưởng bở. Xe không chính chủ cũng đã bị phạt. Chứng minh thư cũng đã được làm (vụ này các bà mẹ đơn thân chắc phải đi thuê chồng). Cái vụ cấm để kính trên nắp quan tài cũng được đưa ra rất là nghiêm chỉnh…

Ấy thế mà, chưa hết. Hôm nay đọc trên Soi thấy bạn Đinh Hải Bằng tưởng đọc nhầm các quy định trong hoạt động Mỹ thuật. Không nhầm đâu. Quốc hội đã bàn thì không thể không nghiêm chỉnh. Thế nhưng tiếc một nỗi, thời gian quý báu của những ông nghị bà nghị (đáng ra để bàn về những vấn đề hệ trọng quốc gia) nay giành cho việc nâng lên hạ xuống một cái quy định mà bất cứ ai, chưa nói đến các họa sĩ, cũng phải bật cười. Chả biết ai tư vấn cho cái quy định ấy. Mà ở cái nước này tư vấn cũng có đủ cả: từ Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, đến Viện nghiên cứu Mỹ thuật, đến Hội Mỹ thuật…, toàn những người đang được hưởng lương từ thuế của dân. Trong số đó, nhiều vị tuy mang danh mỹ thuật, được nhà nước giao quyền quản lý, coi như những chuyên gia, lại chưa một ngày biết đến cây cọ vẽ. Tất cả đám người ấy ngồi lại để rồi tư vấn ra một dự thảo ẩm ương, phi thực tế đến vậy sao?

Phác thảo tượng đài chân dung mẹ Thứ – rất tốn tiền và gây nhiều bất bình.

 

Điểm buồn cười nhất trong nghị định là điều khoản phải có bằng đại học mới được làm tượng đài, làm tranh hoành tráng, rồi phải có 5 năm thâm niên hoạt động Mỹ thuật, xong phải có hai tượng đài, tranh hoành tráng đạt loại A mới được làm. Chưa nói đến việc dư luận mà khá đông ý kiến các nghệ sĩ  đều cho rằng, vô số tượng đài, tranh hoành tráng hiện có nên đập bỏ, thì nếu thực thi luật này, khoảng đôi chục năm nữa, sẽ chẳng có ai được làm tượng đài. Lý do rất đơn giản: chỉ những người đã có hai tác phẩm loại A mới được làm, đôi chục năm nữa, họ già mà chết cả thì lấy ai làm? Những người trẻ thì lấy đâu ta hai tác phẩm loại A vì làm gì có hai tác phẩm loại A trước đó để được quyền làm ra hai tác phẩm loại A cho hiện tại để đủ tiêu chuẩn? 

Đọc điều khoản trên, người đa nghi sẽ nghĩ ngay rằng: đó là sản phẩm tư vấn của mấy bác điêu khắc, họa sĩ chuyên đánh quả các công trình tiêu tiền thuế của dân trên Cục, trên Hội. Các bác đã có được vài ba tượng đài, tranh hoành tráng đã được đánh giá là loại A (đấy là các bác đánh giá với nhau đấy nhé), ra được luật này, các bác rất yên tâm giành thế độc quyền từ giờ cho đến khi viên tịch. Nâng quan điểm lên chút thì đây chính là đưa ra những luật để phục vụ cho “quyền lợi nhóm”.

Tất nhiên, đây mới là dự thảo. Nhưng một dự thảo với nhiều điều bất cập và không khả thi như vậy mà cũng đem trình quốc hội, rồi cũng bàn ra bàn vào để mất thời gian sao? Mà anh em nghệ sĩ cũng không nên thờ ơ hay chỉ cười cho qua chuyện nhé. Một khi cái dự thảo này mà được thông qua, đi vào áp dụng rồi thì khốn đốn cả nền mỹ thuật nước nhà và ảnh hưởng đến biết bao nghệ sĩ cùng những người yêu mỹ thuật đấy!

Mẫu phác thảo tượng đài cho vòng xoay ngã năm Hiệp Thành vừa được thông qua ngày 12. 2. 2012. Tượng đài có chiều cao 22m (từ mặt đất đến đỉnh), đường kính bệ 24m. Tượng đài gồm ba mặt được cách điệu từ hình ảnh cánh hoa dầu (hoa của cây dầu – một loại cây có nhiều ở Bình Dương) và logo tỉnh Bình Dương (đường kính 5m) đặt ở gần đỉnh để kết nối ba mặt của tượng đài. Điểm đặc biệt là hệ thống đèn vừa có tác dụng trang trí vừa có tác dụng làm đèn chiếu sáng. Tác giả là Lê Quang Lợi. (Theo trang tin Điện tử Bình Dương)

 

Viết đến đây, thấy trên tờ Tuổi trẻ online cũng có bài về vấn đề này. Tá hỏa. Tưởng mình ngoa ngôn khi nói việc ra cái dự thảo nghị định này là “đùa dai, đùa nhả“, là để tìm kiếm “lợi ích nhóm”. Hóa ra là có thật. Theo báo Tuổi Trẻ, khi được lấy ý kiến về vấn đề này, ngoài ý kiến của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng (theo tôi biết là một người thực có tâm và có tài với điêu khắc tượng đài) – ông phản đối, cho rằng “quy định về bằng cấp trong sáng tác nghệ thuật nói chung, cụ thể ở đây là mẫu phác thảo tượng đài và tranh hoành tráng, là rất không cần thiết.” Ông nói: “Tôi thấy rằng trong nghệ thuật, bằng cấp chỉ là một phần. Điều quan trọng là tài năng, là khả năng sáng tạo. Một người dù có học chuyên ngành bao nhiêu, có bằng cấp cao đến mấy đi nữa thì cũng không thể sánh được những người có tài”; còn lại thì những ý kiến đồng ý với dự luật thì chiếm thế áp đảo trong bài viết này, mà lại toàn của các vị có chức sắc trong giới Mỹ thuật cơ chứ. Đây:

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn – trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TP.HCM – cho rằng: “đối với những công trình điêu khắc, tranh hoành tráng được chỉ định thì quy định trên là cần thiết để bảo đảm chất lượng cho tác phẩm”.

Và đây, điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên – giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM – “tỏ ra đồng tình: ‘Thật ra làm điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng không đơn giản như mọi người nghĩ. Nó là một quy trình đòi hỏi phải được sự đào tạo bài bản, không phải chỉ với bản năng hay tài năng mỹ thuật tự học mà có được. Nếu cho rằng người tự học có thể làm tượng đài, tranh hoành tráng thì tôi không thể chấp nhận được’”. (Thế còn có học mà bất tài, làm tượng xấu xí thì chấp nhận được hả Tiên ông?)

Hoặc lại có người bao biện rằng việc này đã và đang thực hiện lâu rồi, như điêu khắc gia Lâm Quang Nới cho biết: “Quy định trên đã có trong quy chế tượng đài, tranh hoành tráng từ bao năm nay rồi, bây giờ mới trình Quốc hội để cụ thể hóa thành nghị định thôi. Thực tế thì bao lâu nay anh em cũng không ai tranh cãi về vấn đề này”.

Phác thảo Tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên. Tượng đài có chiều cao 18m, làm bằng đá và được đặt trong quần thể 5,9ha của đồi Đắk Nur. Dự kiến, tượng đài sẽ hoàn thành vào năm 2014 với kinh phí xây dựng khoảng 50 – 60 tỷ đồng. Kinh phí xây dựng đài từ sự đóng góp của nhân dân trong tỉnh, các doanh nghiệp, ngân sách địa phương và trung ương.

 

Thế đấy, thưa các bạn. Một cái luật mà chả phải người trong nghề nghe cũng phải bò ra cười, theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ thì hôm đó nhiều đại biểu cũng bật cười, thế nhưng, người trong nghề bật cười xong thì còn ngửi thấy ở đó một cái mùi “thum thủm”. Mùi của những kẻ vật vờ bằng mọi cách để cả đời chỉ sống nhờ dự án.

Ý kiến - Thảo luận

10:47 Thursday,13.3.2014 Đăng bởi:  Phi Nhân

Quả là lời nói thật thì trái tai, nhưng mà với một kẻ ngoại đạo về điêu khắc như tôi, tôi thấy rất nhiều tượng đài ở Việt Nam như những đống... được bố trí ở những nơi đông người qua lại mà không ai xúc đi thì.........đúng là lạ thật, hi hi.


...xem tiếp
10:47 Thursday,13.3.2014 Đăng bởi:  Phi Nhân

Quả là lời nói thật thì trái tai, nhưng mà với một kẻ ngoại đạo về điêu khắc như tôi, tôi thấy rất nhiều tượng đài ở Việt Nam như những đống... được bố trí ở những nơi đông người qua lại mà không ai xúc đi thì.........đúng là lạ thật, hi hi.

 
7:47 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Cái Văn

Lẽ ra không nên thảo luận về các chủ đề loại này kẻo các vị hoạch định chính sách cứ tưởng là họ nghiêm túc lắm. 


...xem tiếp
7:47 Monday,28.1.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Cái Văn

Lẽ ra không nên thảo luận về các chủ đề loại này kẻo các vị hoạch định chính sách cứ tưởng là họ nghiêm túc lắm. 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả