Điện ảnh

The Help: Xuất sắc nhờ dàn diễn viên, nhưng cũng chỉ là giải trí 08. 05. 12 - 7:02 am

Pha Lê tổng hợp

Poster phim “The Help”

 

Phim The Help nói thẳng ra là không đặc biệt gì, nhưng chính dàn diễn viên xuất sắc đã đẩy nó đến giải Oscar 2012 năm nay.

Chắc ai cũng lờ mờ biết được rằng người da đen phải đấu tranh rất khổ cực mới đòi được tự do và công bằng, nhưng chắc không phải ai cũng biết rằng ngay cả sau khi thoát khỏi ách nô lệ rồi thì người da đen còn chịu lắm bất công nữa. Vốn ít được học hành, đa số những người dân da đen chỉ biết đi làm công và giúp việc cho người da trắng, và thành phần ‘ô-sin’ này chính là tâm điểm của phim The Help (Tựa tiếng Việt: Người giúp việc).

Thành phố Jacksonville ở bang Missisipi, Mỹ, vào những năm 60 vẫn là một nơi khá cổ hủ; các ông chồng đi làm, còn các bà vợ thì ở nhà đánh bài, đẻ con, rồi quẳng con cho ô-sin chăm. Các ô-sin này đều là người da đen, họ bị trả lương thấp, và bị đối xử khá là tàn nhẫn. Người da trắng cho rằng dân da đen “mang nhiều vi khuẩn gây bệnh” nên bắt họ xài toa-lét riêng ở tuốt bên ngoài, dù cho trời có mưa hay bão. Họ bị xem như các công dân hạng hai, con cái của họ phải đi học trường riêng, họ phải đi bệnh viện riêng, không được quyền học chung nằm chung với dân da trắng.

Dĩ nhiên, không phải người da trắng nào cũng xấu. Eugenia Phelan (Emma Stone đóng) – người được bố mẹ và bạn bè gọi yêu là “Skeeter” – được một bà vú người da đen nuôi lớn, nhờ bà vú mà Skeeter tự tin vào chính mình và hào hứng với chuyện tìm việc làm hơn là chuyện lấy chồng như đám bạn gái cùng lứa. Thấy đám bạn của mình đối xử với người da đen một cách thiếu tình người, Skeeter quyết định nhờ các ô-sin da đen kể cho cô nghe về các suy nghĩ của họ và viết chúng thành sách, nhằm vạch trần sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Skeeter lúc bé và bà vú Constantine – người nuôi Skeeter như con và được cô yêu như mẹ


Hội bạn bè của Skeeter – toàn các cô chỉ biết lấy chồng, tiệc tùng, và đánh bài

 

Thế nhưng, vào những năm 60 ở bang Missisipi thì bất cứ ai dám đứng lên hô rằng da đen phải được bình đẳng với da trắng sẽ bị tống vào tù, người da đen nào dám tham gia các hoạt động chống đối sẽ mất việc, gia đình của họ sẽ chết đói, nên thoạt đầu chẳng có ai chịu nói lên các suy nghĩ của mình với Skeeter. Nhưng sau đó, hai người phụ nữ đã dũng cảm giúp Skeeter hoàn thành cuốn sách: Aibileen (Viola Davis đóng), và Minny (Octavia Spencer đóng), dù họ biết rằng làm vậy là phạm pháp.

Aibileen (phải) và Minny


Cảnh Minny và Aibileen kể chuyện cho Skeeter viết thành sách

 

Và hai người này chính là điểm sáng của phim, Octavia được giải Oscar vai phụ, còn Viola thì được đề cử vai chính, và xem phim thì mới hiểu tại sao. Họ đóng quá hay. Aibileen giúp việc cho hàng chục gia đình da trắng, chăm bẵm hàng chục đứa trẻ, trong khi chính gia đình của cô lại bị xã hội da trắng hành hạ, ngược đãi. Ở cô toát lên vẻ mệt mỏi của một phụ nữ quen chịu đựng, nhưng thần thái của Aibileen lại có gì đó đầy nghị lực và sự bao dung. Cô không than thân trách phận, cô thực sự yêu quý các đứa bé da trắng và chăm chúng như chăm con đẻ. Các câu chuyện của Aibileen làm người xem phải giật mình, vì thực chất khá nhiều các cặp bố mẹ trẻ ở Việt Nam bây giờ có khác gì những người da trắng trong phim đâu: đẻ con cho có (vì xung quanh ai cũng có con nên nghĩ rằng mình phải có), rồi quẳng cho bố mẹ hay người làm trông, chứ chả có tí trách nhiệm gì, thành ra người giúp việc chăm con hơn cả bố mẹ chăm. Người da trắng có được mọi thứ một cách dễ dàng, riết thành quen, nên họ đâm ẩu, giống như rất nhiều các cặp cha mẹ Việt Nam hiện giờ, cẩu thả vô cùng. Diễn xuất của Viola không khiến chúng ta thương hại cô, mà khiến chúng ta phải nhìn lại mình. Mình đã làm tốt vai trò của một ông bố, bà mẹ chưa? Mình có hiểu trách nhiệm của việc làm bố mẹ chưa?

Aibileen chăm sóc và trò chuyện với các bé da trắng như con đẻ

 

Còn Minny thì ngược hẳn với Aibileen. Aibileen nhẫn nhịn, Minny không thế, cô chỉ nhịn được đến một mức nào đó. Đây là đức tính khá nguy hiểm, vì Minny giúp việc cho gia đình của cô Hilly Holbrook. Hilly là người phân biệt chủng tộc nhất thành phố Jacksonville. Cô cực kỳ cổ hủ, thủ đoạn, và nham hiểm. Khỏi nói cũng biết Hilly đối xử với ô-sin của mình như thể súc vật, nhưng Minny vốn mạnh mẽ, khó bảo, và có cái mồm to, thành ra người xem phải ôm bụng cười khi Minny lên kế hoạch trả đũa cô chủ. Thế mới biết anh hùng cũng có nhiều dạng, dạng thầm lặng như Aibileen và dạng ồn ào như Minny. Cái kiểu nhiều chuyện, lắm lời, với thái độ bất chấp như Minny rất dễ khiến khán giả phải cảm thấy khó chịu, nhưng nhờ diễn viên Octavia mà Minny trở nên dễ thương và hài hước vô cùng. Thật tình mà nói, việc cô được Oscar chẳng bất ngờ gì.

Hilly (trái) và Skeeter (phải). Hilly rất cổ hủ trong khi Skeeter tại tân tiến, thành ra phim càng gần điểm kết thì cả hai càng khắc khẩu, cãi nhau liên tục như chó với mèo.

 

Nói đúng ra thì dàn diễn viên của The Help gồm toàn các tên tuổi tài năng: Emma Stone, Bryce Dallas Howard (từng đóng phim Hên/Xui), Jessica Chastain, rồi Sissy Spacek. Phần diễn xuất của phim thực sự không có gì để chê, xem mà mát hết cả mắt. Bộ phim nhìn chung là cảm động, nhưng không buồn, dễ xem chứ không hề khó nuốt.

Tuy nhiên, tôi tự hỏi không biết một phim về đề tài này có nên “dễ nuốt”? Thử tưởng tượng một phim về chiến tranh Việt Nam dễ nuốt, hay phim về nạn diệt chủng Do Thái (Holocaust) mà dễ nuốt, thì chắc mọi người sẽ cảm thấy kỳ kỳ. Có những đề tài không thể nào làm nhẹ nhàng được, vì nỗi đau lịch sử của nó quá lớn. Điều này không có nghĩa ai làm phim về phân biệt chủng tộc cũng phải chèn vô những cảnh chém giết đánh đập. Có rất nhiều phim về nhân quyền không động đến những bi kịch lớn, chúng chỉ thuật lại các câu chuyện đời thường, gần gũi; nhưng dám mạnh dạn đi thẳng vào vấn đề. Trong khi đó, tôi cảm thấy rằng The Help chỉ chạm nhè nhẹ vào sự thật. Phim có đoạn cảm động, điều này đúng, nhưng mà nó ‘cảm động vừa phải’, không khiến khán giả ray rứt nhiều, để họ còn được giải trí. Đạo diễn chùn tay cũng phải thôi. Thời này, ai mà còn làm những phim chiến tranh Việt Nam như Apocalypse Now hay The deer hunter? Đề tài Việt Nam và đề tài da đen giống nhau ở chỗ: nó không còn là thứ khiến thế hệ trẻ của Mỹ quan tâm nhiều, nên The Help phải chừng mực.

Có lẽ điều này cũng chứng minh rằng xã hội Mỹ đã thay đổi, nhưng thật lòng mà nói, tôi thấy nó không sâu sắc bằng những phim về nạn phân biệt chủng tộc như The Long walk home, The colour purple, hay A World Apart – tất cả đều là phim về những câu chuyện nhỏ của dân da đen, nhưng thẳng thắn và được làm chắc tay hơn nhiều. Tôi chẳng hiều vì sao mà phim này được đề cử giải ‘phim hay nhất’. Giải diễn viên thì đúng rồi, ai cũng nên xem The Help vì diễn xuất quá tuyệt, quá xuất sắc đi, nhưng bản thân phim thì chủ yếu là để giải trí. Cái này quả thực không xấu, phim giải trí hay vẫn tốt hơn phim nghệ thuật tồi. Nhưng đây không phải là một tuyệt tác sâu sắc về nạn phân biệt chủng tộc, dù cho hội đồng Oscar có đề cử kiểu gì đi nữa.

Ý kiến - Thảo luận

16:58 Tuesday,28.1.2014 Đăng bởi:  thanhduyenbkhn
Phim này mình đã xem và thực sự thấy rất hay dù đã  xem đi xem lại.Phim xứng đáng đc đề cử giải Oscar

...xem tiếp
16:58 Tuesday,28.1.2014 Đăng bởi:  thanhduyenbkhn
Phim này mình đã xem và thực sự thấy rất hay dù đã  xem đi xem lại.Phim xứng đáng đc đề cử giải Oscar
 
18:02 Thursday,29.11.2012 Đăng bởi:  Vuthanh
Có thể theo con đường giải trí nó sẽ đưa những vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc dễ dàng hơn. 
...xem tiếp
18:02 Thursday,29.11.2012 Đăng bởi:  Vuthanh
Có thể theo con đường giải trí nó sẽ đưa những vấn đề về nạn phân biệt chủng tộc dễ dàng hơn.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả